Những ngày cuối tháng ba đầu tháng tư, Sài Gòn có khá nhiều sự kiện lớn nhỏ khác nhau. Từ phong trào “tắt đèn bật sáng tương lai” tới cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở, đêm nhạc tưởng niệm TCS, giỗ tổ Hùng Vương, triển lãm Phật Ngọc…

Ngày tắt đèn
“Ngày tắt đèn” theo cách gọi nôm na của người dân để chỉ ngày 28 tháng 3, ngày Việt Nam tham gia phong trào “Earth Hour” lần đầu tiên. Trước đó dù các phương tiện truyền thông đại chúng có quảng bá rộng rãi, nhưng đến lúc tắt đèn thật sự, người ta ghi nhận được thành phố Sài Gòn vẫn cứ… sáng trưng một cách bướng bỉnh. Nói nào ngay, hệ thống khách sạn, nhà hàng quốc tế, các dinh thự, công viên, quảng trường ở trung tâm thành phố cũng mờ tỏ ít nhiều.
Từ 8 giờ 30 đến 9 giờ 30, tại Nhà Hát Lớn, trông sang Givral, Continental, Caravelle, Rex, Tax, Eden gần đó, quả có những ánh nến chập chờn trên bàn cà phê, quầy bar, thềm nhà hát, trên mặt đường nhựa… Nhất là Nhà Hát Lớn, ai đi ngang cũng tò mò dừng lại, tạt vào ngó nghiêng ít phút xem các nhạc công chơi đàn dân tộc ngay trên thềm nhà hát (xem thôi chứ không nghe được vì quá ồn), nhìn các nhóm sinh viên chơi… bịt bắt bắt dê, hát đồng dao vui vẻ hay tranh nhau ký tên vào bản kiến nghị “giờ trái đất” dưới ánh đèn pile.

Ngược lên quảng trường Nhà Thờ Đức Bà, Hồ Con Rùa rất nhiều gia đình dựng xe lề đường, ngồi bệt trên cỏ. Họ than: “Thứ bảy ở nhà nóng bức, chở nhau ra đường cho mát. Nghe đồn 8 giờ rưỡi tối, lần đầu tiên Sài Gòn sẽ tắt đèn, tò mò muốn coi lúc đó có gì lạ không, nhưng chờ hoài không thấy gì để coi. Chán chết!”
Họ “không thèm biết” Việt Nam đã tiết kiệm được 140.000 kilowatt giờ điện trong khoảng thời gian “chán chết” đó, càng không biết ở 22 múi giờ khác nhau, lần lượt gần 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới đã tắt đèn trong 60 phút nhằm truyền đi thông điệp trái đất đang nóng lên từng ngày, môi trường sống đang xuống cấp nhanh chóng, phải tiết giảm năng lượng, hạn chế những tác động hủy hoại thiên nhiên để cứu lấy trái đất, cứu lấy chính mình.

Giỗ tổ Hùng Vương
Không hiểu sao năm nay, con cháu nhớ tổ, có hiếu với tổ đến thế. Khắp nơi sôi sục khí thế làm đám giỗ cho mười tám đời vua Hùng từng trị vì Việt Nam từ nhiều ngàn năm trước. Thống kê ra mới biết cả nước có đến gần 1500 điểm thờ tổ lớn nhỏ khác nhau, trong đó khá nhiều điểm do tư nhân thiết lập. Mọi năm, cứ ngày 10 tháng 3 âm lịch, ở đất tổ Phong Châu-Phú Thọ sẽ diễn ra lễ giỗ chính, các địa phương, cũng ngày ấy sẽ giỗ theo. Lễ vật, lễ phục, lễ nghi, lễ ban… không hề giống nhau.

Nhưng kể từ năm nay, chuyện đặt ra một thể thức cúng bái chung đã bắt đầu thực hiện. Cả nước, ngày 10 tháng 3, sẽ được nghỉ một hôm để giỗ tổ. Trong khi Phú Thọ diễn ra lễ giỗ tổ long trọng cấp nhà nước, thu hút vài vạn người về dự lễ thì Sài Gòn cũng khai trương đền thờ tổ mới toanh xây trên một ngọn đồi thuộc công viên văn hóa quận 9. Trước linh vật đất-lửa-nước rước từ Phú Thọ về trước đó ít hôm, các quan chức đứng đầu thành phố lần lượt đến dâng hương. Khói hương quyện bay trong tiếng chiêng trống vang lừng cũng tạo được ít nhiều vẻ trang nghiêm cần thiết.

Chỉ thương cho đền Hùng cũ trong Sở Thú. Mọi năm còn khá, năm nay bị chia khách với đền Hùng mới, công viên Đầm Sen, công viên Suối Tiên, đâm ra vắng hẳn. Đền Hùng mới có hệ thống công chức, đoàn thể đông đúc. Suối Tiên giảm vé 50%, có Ngọc Ngà Châu Báu Thần Tiên Hội, có tái hiện tích Vua Hùng, có 30 đoàn các dân tộc anh em tham gia múa hát trong trang phục đẹp đẽ. Đầm Sen thì “phát lộc” năm ngàn chiếc bánh chưng cho khách tham dự, có văn nghệ miễn phí với dàn ngôi sao tân cổ nổi tiếng. Trong khi đó, đền Hùng Sở Thú chẳng có gì hấp dẫn thì chớ, lại yêu cầu dân chờ tới 11 giờ trưa, khi đội nữ tế tổ xong, mới được vào thắp hương. Kẻ viết bài đã “luồn” vào tận trong, thấy lễ vật chỉ có một mâm xôi gấc, một mâm xôi đậu xanh, một con heo quay nhỏ, một mâm bánh chưng vơi, còn bánh dầy và trái cây đều không phải thượng hạng. Đội nữ tế chỉ được cái mặc đẹp, còn thì xướng ê a “chinh cổ (trống chiêng), nhạc tế, soát lễ vật…” bằng giọng chua lè khiến người thường nghe chưa xong bài tế, đã tháo lui.

Chiêm bái Phật Ngọc
So với cuộc tế lễ ở đền Hùng Sở Thú thì cuộc triển lãm “Phật Ngọc vì hoà bình thế giới” diễn ra ở chùa Phổ Quang có qui mô “hoành tráng” hơn nhiều. Người hiếu kỳ đi xem đông không thể tả. Dòng người ép chặt vào nhau, đứng bất động, mặc cho làn sóng phía sau đẩy tới. Mọi việc thối lui, cúi xuống nhặt kiếng, tách ra mua hoa hương bên lề đường, đều vô phương thực hiện. Tuy vậy nhưng không thấy tiếng kêu khổ vì hết thẩy mọi người đều háo hức chờ tới lúc được chiêm ngưỡng pho tượng Phật cao 3,5 thước, nặng 4,5 tấn, làm từ nguyên khối ngọc xanh không tì vết có tên là “Niềm kiêu hãnh của Bắc cực”.
Đứng ngắm tượng Phật tay phải bắt ấn xúc địa (xúc địa: tiếp xúc mặt đất), các nếp y không rõ, khác hẳn hình tượng Phật mặc áo cầu kỳ nhiều nếp, ngồi trong tư thế bắt ấn thiền định, được thờ trong các chùa Việt Nam xưa nay, một Phật tử thực thà phát biểu: “Thấy không đẹp, hơn nữa màu xanh của Phật Ngọc đậm quá, lại không nổi vân như cẩm thạch bên mình”. Tuợng Phật này nghe nói mô phỏng theo tượng Phật ở Bồ Đề Đạo Tràng bên Ấn Độ, do thợ ngọc Thái Lan chế tác rất tỉ mỉ cẩn trọng, hơn năm trời mới hoàn thành. Đức Lạt Ma Zopa Rinpoche đặt tên pho tượng là “Phật Ngọc vì Hòa bình thế giới”, với niềm tin ánh sáng từ bi của Phật sẽ giúp xua tan mọi ám chướng, đem đến hòa bình cho nhân loại…Trên đường rước tượng Phật qua vài quốc gia ở Châu Á trước khi đưa về an vị tại Úc thì Việt Nam là đất nước đầu tiên vinh hạnh đón Phật Ngọc từ giữa tháng 3 tới giữa tháng 5 năm 2009.

Liều mình có mặt trong biển người đi xem Phật Ngọc sáng ngày 4 tháng 4 tại chùa Phổ Quang, kẻ viết bài thấy từ đầu đường Phổ Quang dẫn vào chùa, khoảng 200 thước, có nhiều hàng kết hoa sen rất đẹp. Ảnh Phật Ngọc, bán 10,000 một bức khổ lớn, ép plastic, 5,000 một bức khổ nhỏ (vào sân chùa giá hạ xuống còn phân nửa). Người bán ảnh, bán chim sẻ, tử vi, vé số, băng nhạc, lẫn người ăn xin đông gần bằng người đi lễ, ngồi la liệt khắp nơi. Tiếng chào mời, trò truyện bị tiếng loa phóng thanh “xin mọi người trật tự, đứng xích xuống, đừng gần tượng quá…” át hết. Ai cũng bị hội chứng đám đông hành hạ. Đi như máy, mua như máy, cúng dường, chắp tay, chụp hình, ngó quanh quất như máy. Rồi… về như máy! Cảm xúc trước một vưu vật Phật giáo Tây Tạng tầm cỡ thế giới, nếu có, cũng không kịp đọng lại sâu sắc, không kịp vang lên thành lời tán thán hay cái chắp tay cúi đầu thành kính, an tịnh.

Khắp nơi, người người chen lấn nhễ nhại mồ hôi, thỉnh thoảng giật mình, nhớn nhác vì tiếng la… “Coi chừng móc bóp nghe. Có người mới bị nè”. Đoạn từ chùa ra chỗ lấy xe về cũng vẫn trẻ con ngồi trên vai bố mẹ, người già chìm dưới… thắt lưng kẻ khác. Tiếng khóc, tiếng than khổ vang dậy như ong! Chỉ sướng kẻ giữ xe. Ngày thường 2,000 đồng, ngày lễ 5,000 đồng. Một ông giữ xe cười hà hà thố lộ “Phật Ngọc đi đâu, tụi này đi đó. Mướn vỉa hè, giăng dây, hai ba thằng ngồi coi xe cho vợ con bán bông, bán hình ông Phật. Mệt nhưng có tiền lắm”!
Nhìn chung, “Cuộc tắt đèn” mang tính phong trào, tính quốc tế nên chỉ thu hút một số thanh niên sinh viên và các khách sạn tây, nhà hàng tây, các tụ điểm lớn tham dự. “Cuộc giỗ tổ” nhằm ngày cuối tuần, lại diễn ra ở công viên, Sở Thú, người dân kết hợp đưa gia đình đi chơi, giải trí với tham gia lễ hội nên khá xôm tụ. Có mỗi “Cuộc xem Phật’ vừa do hiếu kỳ, vừa có yếu tố tâm linh nên đông đảo quần chúng nhất. Rất nhiều người (kể cả từ các tỉnh xa) rồng rắn kéo nhau đi xem, nhưng chưa về tới nhà đã mấy lần chửi thề vì bị chặt chém, chen lấn, mất cắp. Xem Phật như thế, cầm chắc là không “bị” lên cõi Phật bao giờ.