Menu Close

Món lạ Sài Gòn

Sài Gòn đang vào mùa thất nghiệp, không khí mua sắm tiêu dùng ỉu xìu. Nhưng chuyện ăn nhậu ở quán bình dân, quán vỉa hè không vì thế mà lặng lẽ. Mới trông có vẻ nghịch lý: thất nghiệp, tiền đâu mà ngày nào cũng nhậu. Thực tế, càng thất nghiệp càng nhậu. Một bợm trẻ cho biết: nhậu quên buồn. Lợi thứ nhất. Nhậu tìm được bạn hiền, có cơ hội làm ăn, có mối hàng. Lợi thứ hai. Với các bợm, chiều chiều, được kề vai chiến hữu trong quán nướng mù mịt khói thơm, nâng ly bia lạnh cụng côm cốp, hô nhịp nhàng rốp rẻng ‘một, hai, ba, dô!’ là cách xả stress hiệu quả nhất. Theo chân họ, kẻ viết bài lạc vào quán nướng Chiều Nay…

 


Chiều Nay và kangaroo nướng

Ngày nào cũng thế, từ năm sáu giờ chiều đổ đi, bãi xe trước quán Chiều Nay- số 30B đường Võ Văn Tần (Trần Quý Cáp cũ) – cũng chật kín. Có mặt ở Sài gòn mười mấy năm, Chiều Nay đứng được nhờ chuyên trị những món nướng: đà điểu nướng, cừu nướng, cá sấu nướng, bồ câu nướng… đặc biệt là kangaroo nướng.

Đầu  bếp Khanh nhanh nhẹn xiên từng cục thịt kangaroo mầu nâu đỏ  đã tẩm ướp gia vị, đặt lên lò than hồng. Vừa làm anh vừa trò truyện khá thực thà, rành rẽ: “Bên ta, thịt kangaroo mới nhập về ít lâu nay, ai vào quán cũng háo hức gọi ăn thử chứ thực lòng mà nói, nó không ngon bằng heo nướng, cừu nướng, đà điểu nướng”. Kangaroo gốc tiếng Hy lạp có nghĩa là chân to, để chỉ loài thú có hai chân sau to khoẻ so với hai chân trước khỏ xíu. Tồn tại, phát triển cùng với lịch sử nước Úc, kangaroo được coi là quốc thú Úc. Dân Úc hiện trên hai chục triệu người, nhưng kangaroo nhiều gấp ba, nghĩa là đổ đồng một người dân cõng ba con chân to. Để hạn chế sự sinh sôi nảy nở của chúng, hàng năm chính phủ Úc phải cho người dùng súng tỉa bớt vài triệu con. Du học sinh ta, cô cậu nào cũng biết xơi món đuôi kangaroo hầm súp, bít tết kangaroo, kangaroo xiên que nướng xen ớt xanh, hành tây, cà chua bi… Họ bảo lúc đầu ăn cho biết, về sau, ăn vì thấy rẻ, không mỡ, không có mùi đặc trưng, lại dễ chế biến. Muốn xử đẹp thịt kangaroo cũng như thịt các loài động vật khác, ăn thua nơi gia vị mạnh như quế, hồi, xả, tỏi, tiêu, lá thơm, bột cà ri, bột vị hương…Cứ  làm mãi là lên tay.


Cá sấu hoa cà

Khác quán Chiều Nay, nhà hàng Phố Biển đường Thép Mới – quận Tân Bình không chơi kangaroo mà lại kết cá sấu. Chỉ với ba đôla, khách có thể thưởng thức ngay món cá sấu nấu cà ri, làm chả giò, bóp gỏi xoài, tiềm thuốc bắc, ăn sống với wasabi…Đặc biệt, nhà hàng Cá Sấu Hoa Cà ở xã Thạnh Lộc – quận 12, ngoài việc bán thịt sấu còn trưng bày và bán đồ mỹ nghệ làm từ da cá sấu. Nếu muốn hưởng cảm giác mạnh, khách nam nhi có thể trực tiếp câu cá sấu, vào bếp đứng chờ cắt tiết sấu pha rượu, ực luôn tại chỗ. (Cần nói thêm, mặc dù khắp nơi đề bảng cá sấu hoa cà, nhưng trong thực tế chỉ là cá sấu Xiêm hay còn gọi là cá sấu nước ngọt, da xám, dài trung bình 3m, còn cá sấu hoa cà thứ thiệt, là loại nước lợ, dài gấp đôi cá sấu nước ngọt, da mầu vàng pha đốm nâu, đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng).

 

 

Mặt tiền quán nhậu Chiều Nay

 

Phở đà điểu

Thịt sấu trắng như thịt gà, thớ to, dù là thái miếng mỏng để ăn sống hay nướng chín vàng, các quán Việt Nam luôn dọn kèm với muối tiêu chanh và wasabi Nhật Bản cay xộc óc. Không thích vị cay hỗn của wasabi, nhiều thực khách chọn ăn đà điểu.

Thịt đà điểu được khen bổ hơn thịt bò, giầu chất sắt, ít cholesterol, không có mùi đặc biệt, chịu được nhiều biến tấu táo bạo của đầu bếp Việt Nam. Nguồn thịt đà điểu cung cấp cho các nhà hàng trong nam ngoài bắc, cũng giống như cá sấu, đều là hàng nội địa. Đà điểu nuôi ở Việt Nam từ giữa thập niên 90 của thế kỷ trước, tỏ ra rất thích hợp với thổ ngơi. Một con đà điểu trung bình 60 ký, pha ra 15-17 ký thịt. Quy trình hóa kiếp đà điểu tương tự làm thịt gà, nghĩa là cũng cắt tiết, trụng nước sôi, nhổ lông. Nhưng đà điểu to khoẻ hơn gà nhiều (miền Tây Nam Bộ đã nuôi đà điểu cho khách du lịch cỡi từ mấy năm nay), việc bắt chúng chầu trời e không phải là việc dễ.

Lấy kinh nghiệm bản thân, anh T.Tr, bạn kẻ viết bài, khuyên: “Mới ăn thì tốt nhất là ăn nướng, nướng xiên que, nướng phô mai, nướng sả ớt… Nướng gì cũng ngon! Chừng dạn miệng, mới tới gân đà điểu tần thuốc bắc, đà điểu xông lá chanh, đà điểu xào tương bần, đà điểu om nước dừa, phở đà điểu…”

Riêng về dòng phở đà điểu, kẻ viết bài cũng đã một lần liều chết vào tiệm phở đà điểu sang trọng trên đường Hai Bà Trưng, đoạn đối diện nhà thờ Tân Định để tận mục sở thị. Tiệm phở này khi mới khai trương, từng được coi là “hiện tượng” ẩm thực Sài Gòn. Chủ nhân, một người Chăm học thức, giàu có-ông Thiên Sanh Trí – vốn là một trong những người đầu tiên đầu tư trang trại rộng hơn 20 hecta ở Phan Rang để nuôi đà điểu qui mô lớn lấy thịt bỏ mối nhà hàng. Từ thịt đà điểu, ông mày mò tìm công thức chế biến thành phở. Nói chung tô phở “Made in Thiên Sanh Trí” khá giống phở bò, cũng bánh phở trắng, các lát thịt chín xắt mỏng bầy mặt, thêm hành tây, hành ta, chan nước dùng ngọt thanh, bốc khói… tuy không thể so với phở truyền thống nhưng ăn cũng không đến nỗi nào. Cánh báo chí đi ăn về viết bài khen inh ỏi, giúp quán phở tấp nập được một thời gian, nhưng có lẽ do giá đắt gấp đôi phở bò nên khách thưa dần. Quán phải đóng cửa.

 

Công ty Chu Việt chuyên cung cấp thịt ngựa

 

Thịt ngựa, sao không

Cùng số phận với quán phở đà điểu là quán bít tết thịt ngựa trên đường Nguyễn Trọng Tuyển-Tân Bình. Tọa lạc trong khu dân cư đông đúc, khá giả, nhưng không hiểu sao quán thuộc hạng đìu hiu đệ nhất Sài Gòn. Nếu không nhìn bảng hiệu, khách qua đường không mấy ai biết đó là quán nhậu. Bên đám bàn ghế phơi nắng, chủ quán, hầu bàn ngồi mơ màng cả ngày.

Không biết ngẫu nhiên hay có dây rễ, mà cách đó vài chục thước là bản doanh của  công ty Chu Việt, chuyên kinh doanh cao ngựa, thịt ngựa. Nói về công ty Chu Việt, dư luận khá hoang mang, vì tiếng tăm và tai tiếng của công ty không ngừng đan xen bí hiểm. Từ năm 2007, khi mặt hàng cao ngựa kim, ngựa bạch, ngựa mầu của công ty được lăng xê là có tác dụng chữa bệnh thần sầu (công ty có trong tay cả ngàn bức thư cám ơn của những bệnh nhân mua cao ngựa), nhiều nghi hoặc đã dậy lên khiến thanh tra y tế phải xem xét lại giấy phép kinh doanh, dây chuyền giết mổ đóng gói, giá cả, thực chất các loại cao ngựa, thịt ngựa của Chu Việt.
 


Thực kkách đang thưởng thức món cá sấu nướng và kanggaroo nướng

 

Đạo ăn nhậu

Một dân nhậu Sài Gòn tuyên bố đi ăn thịt nướng ngoài đường phải nhớ mấy chữ “không”. Không thứ nhất là không thắc mắc rau cỏ, đũa chén thớt dao sạch không, thịt để hồi nào, tẩm ướp những thứ gì, nêm bột ngọt nhiều không, tay chân đầu bếp, bồi bàn có ghẻ không… Phải nhớ câu: “Sống chết có số” trước lúc bước vào quán nhậu cóc ổi, sò ốc, cá mú, dê bò, chó ngựa… Không thứ hai là không đi một mình, mặt mày hình sự, ăn hùng hục, kiêng bia, rượu thuốc, rươu nếp, rượu tây các loại. Không thứ ba là không tùy tiện gọi phone huy động thêm quân số, không bỏ đi… toa lét lúc bồi tính tiền. Không thứ tư là không cà khịa, bắt bẻ, đánh lộn đánh lạo. Đàn ông ham nhậu, ghiền nhậu chính bởi không khí quán nhậu cởi mở, đông vui. Thêm bằng hữu, rượu ngon, mồi tốt, giá phải chăng (có gái đẹp càng hay, nhưng không quan trọng)

 

 

Một mảnh da kangaroo treo trong quán Chiều Nay

 

Không phải tửu đồ lưu niên, nhưng tuần nào cũng chịu khó chở gia đình đi… chăn đà điểu, cá sấu, là những vị có điều kiện tẩy chay đồ ta, đồ Tầu (phần lớn bị cho phẩm chất đáng sợ). Nhiều người trong số này là… phụ nữ thành đạt. Các chị quan niệm ăn đà điểu, chuột túi, cá sấu… khá ngon, vừa bổ khoẻ, giữ eo.

Còn với các vị độc giả ở xa, về thăm quê hương, thèm đủ thứ, từ miếng xoài tượng chấm mắm ruốc “cờ tây” nấu rựa mận, dê nấu lẩu, bò cuốn mỡ chài, cuốn lá lốt nướng…nhưng sợ bò là trâu, dê là heo, cờ tây lở lói… thì ăn thịt lạ chế biến theo kiểu Việt Nam là giải pháp an toàn nhất. Các vị đừng băn khoăn kinh tế suy thoái, người vất vưởng đầy đường, mà mình ngồi ăn… vì phàm đã là dân Sài Gòn chính cống, mai có động đất, đảo chánh, nay vẫn làm tới như thường. Thịt thú rừng qúy hiếm đành là không ăn, nhưng thịt thú… không rừng, ngại gì mà không làm tới như họ!

XH