Menu Close

Thấy vậy mà không phải vậy

Về mặt khái niệm, thất nghiệp là đang có việc mà bị mất. Chứ chưa có, không có mà nói thất nghiệp là nói oan. Những người chưa có nghiệp để thất, bên Tàu gọi là “đãi nghiệp” tức là đợi việc, nghe lịch sự, tế nhị, lại ít nhiều phù hợp. Còn Việt Nam, cứ ngồi nhà không đi làm, không có lương thì đều tự phong hay bị phong là “thất nghiệp”.

 

Công ty thua lỗ nhưng vẫn trương bảng tuyển dụng

   Thất nghiệp có nhiều hạng. Có hạng bị cho nghỉ vì không ăn cánh với xếp. Có hạng bất mãn, đang làm đùng đùng bỏ về nằm nhà. Có hạng tốt nghiệp bằng nọ bằng kia hẳn hoi nhưng thích phụ mẫu nuôi báo cô dài hạn… Những hạng đó không dám nói không có bi kịch. Nhưng bi nhất, phải là những người nhập cư. Ở Sài Gòn, Hà Nội và các thành phố lớn khác, đi đâu cũng thấy người nhập cư. Một chị đứng trước dinh Độc Lập bán hàng mây tre mỹ nghệ cho biết “chiếu cói làm ra không bán được, cơ sở ở Nga Sơn-Thanh Hóa đóng cửa. Phải vào đây”. Anh ngồi bán ấm chén vỉa hè Pasteur cũng phân trần “làng gốm Bát Tràng bây giờ không có đơn đặt hàng. Sáng mở cửa, ngồi đến tối, lại đóng cửa. Đành chở hàng vào Sài Gòn ngồi bán gỡ vốn”. Ông bán hàng ăn bên hông chợ Bà Chiểu cũng vỗ ngực “Cần Giờ nè, nuôi cá bị thằng Vêđan làm chết hết nè. Không có cái xe hủ tiếu này, không nhờ bà con thương đùm bọc thì cả nhà tui cũng theo cá hết rồi”.

 

Những thanh niên vừa tốt nghiệp, đã phải  gia nhập vào đội quân thất nghiệp

 

   Sống ở Sài Gòn, người nhập cư nào cũng có tối thiểu vài bạn đồng hương phòng khi tối lửa tắt đèn. Đồng hương còn là kênh thông tin rộng khắp, nhanh chóng, đáng tin. Chợ nào có đồ giá rẻ, cửa hàng nào đang khuyến mãi, ở đâu đang tuyển công nhân, người giúp việc, thợ hồ… đồng hương đều phi báo cho nhau kịp thời. Ai đau ốm, bị tai nạn, có việc cưới xin, chửa đẻ, nhờ trông con nhỏ, gửi đồ về quê… mà không có cha mẹ họ hàng, đều phải “ới đồng hương ơi”.

 

 

Người SG thứ thiệt, tàn nhưng không phế, tự kiếm sống

 

   Bình-Trị-Thiên, Thanh-Nghệ-Tĩnh, Phú-Khánh là những tỉnh có hội đồng hương tương đối mạnh. “Đụng vào tao là đụng vào cả nhóm, cả hội. Đừng tưởng bố mày dễ chơi!” Một anh thợ hồ, người nhỏ choắt đã chĩa thanh sắt vào mặt đối phương, hét lớn. Chủ thầu L nhanh chóng gọi cả hai anh lên để giáo dục. Khi mọi chuyện tạm yên,  anh L cho biết: “Ban đầu chưa có kinh nghiệm, cứ thằng nào đến xin cũng nhận, về sau phải giao cho một thằng làm đầu. Thằng này gọi toàn đồng hương. Thợ phụ 70.000 đồng một ngày. Thợ điện, thợ sơn, thợ hàn cao gấp đôi. Nhiều khi nghe toàn giọng Bắc, giọng Trung, cũng giật mình. Bọn này làm thì khoẻ, chịu cực khổ được, ít nghỉ bậy, nhưng rất dễ bị kích động. Hơi tí là kéo bè kéo cánh choảng nhau. Không khéo trị là loạn ngay”.

 


Hàng bán dọc đường kiểu này ở SG rất nhiều, nhưng hầu như không có khách

 

   Báo chí cung cấp những con số thống kê về đội quân thất nghiệp ở Sài Gòn là 8,000 người cuối năm ngoái, 15,000 người ba tháng đầu năm nay. Song song đó, là những con số người tìm được việc làm mới, suýt soát số người mất việc. Đọc báo, người ở xa dễ lạc quan… tếu, rằng Sài Gòn không có nạn thất nghiệp. Nhưng người tại chỗ ai cũng biết vì nhiều nguyên do, con số thống kê này không bao giờ chính xác, và cũng không nói lên được điều gì. Muốn biết tận tường, chỉ có đi, và tự xem, tự thấy. Kẻ viết bài đã đi như vậy. Và gặp…

 

 

   Vợ chồng anh Chuyên, chị Hạc-Gò Vấp, chủ vườn lan cắt cành, thu hoạch hơn triệu đồng một ngày, bốn năm trước là giáo viên “mất dạy”, khi thành phố dấy lên phong trào chơi cây, hai vợ chồng theo học ngay lớp chăm sóc hoa lan cây kiểng ở cơ sở Thanh Tâm. Rồi từ từ mua đất lập vườn, nhận thêm dịch vụ dưỡng cây, chăm sóc vườn cảnh cho công sở, biệt thự tư nhân.

 

Công nhân mài vỏ ốc ở Bình Dương

 

   Với hai chị em Thu-Thảo, đều bị khuyết tật từ nhỏ, thì lúc nào cũng sợ đói. Thắt giỏ, đan thảm cói đến bán vé số, bán bánh ngọt, lột hột điều, làm tăm tre… tính ra tới bảy nghề trong mình. Bảy nghề là “thất nghiệp”. Nhờ thất nghiệp mà không… thất nghiệp! Trong xóm nhà lá của Thu-Thảo, dọc kinh Nhiêu Lộc Thị Nghè còn khá nhiều mảnh đời thất nghiệp, cơ nhỡ tương tự. Có đánh lộn, chửi đời chửi trời, có cắp trộm lặt vặt, nhưng nhờ trời không thấy ai chết đói hay tự tử. Trong xóm, vô hình trung, mọi người đều chia sẻ với nhau một triết lý sống: Biết một nghề, làm giỏi một nghề, chưa đủ, phải gối đầu thêm vài nghề khác. Tiền làm ra phải cất nhín phòng hờ. Hễ thấy xí nghiệp chậm lương hai ba tháng, không có đơn hàng mới thì tự nghỉ, đi tìm việc khác ngay, không thưa kiện, đình công chờ giải quyết lương thưởng, không theo đuổi chế độ chính sách của mấy ổng để khỏi mất thì giờ… Cô Mai, công nhân may túi xách, mất việc hơn tháng nay cho biết: “Công ty đóng trên địa bàn Gò Vấp, chủ Hàn Quốc đã bỏ trốn. Mấy ông công đoàn biểu công nhân chờ. Chờ sao được. Không tiền, nhiều người bỏ về quê, nhiều người xoay qua giúp việc nhà, phụ quán ăn. Bản thân cô, cũng thế. Sáng ngủ lấy sức. Chiều ra bán cháo vịt, tới khuya.”

 

Phòng bảo vệ cũng không còn hoạt động

   Tình hình công nhân bị chậm lương, xù việc như cô Mai không ít. Chưa nói cả nước, chỉ riêng cái tam giác kinh tế Sài Gòn-Đồng Nai-Bình Dương không thôi, đã sơ sơ lòi ra cỡ vài chục ngàn cuộc đời “giữa đường đứt gánh”. Mà để giải quyết sự đứt gánh rùng rợn này, ở tầm vĩ mô, có quyết định 30 của Thủ Tướng chính phủ (quyết định số 30 ban hành ngày 23 tháng 2, 2009); tầm “trung mô” có tổ chức công đoàn các cấp, các sở ngành địa phương có liên quan; tầm vi mô, mới tới “cái thằng công nhân”. Tầm nào chung qui cũng nhằm can thiệp với chủ doanh nghiệp để bảo vệ quyền lợi công nhân, cho công nhân vay tiền học nghề mới, làm kinh tế gia đình, hoặc tìm việc làm mới cho họ ở các xí nghiệp cùng ngành nghề khác.


Người làng chiếu cói Thanh Hoá thất nghiệp, phải vào SG bán dạo

 

   Nhưng thực tế, ở Thủ Dầu Một (Bình Dương), Gò Vấp, Thủ Đức (Sài Gòn) có nhiều cơ sở treo bảng tuyển công nhân với số lượng lớn, điều kiện tốt nhưng người tới nộp đơn dự tuyển rất ít. Nghĩa là, than thất nghiệp nhưng có chỗ tuyển thì không chịu đi làm chứ không phải không có người mướn. Tại sao vậy?

  Câu hỏi này bị các công nhân thứ thiệt chê là: “Hỏi ngu thấy mẹ”, không thèm đáp. Mấy má bán nước sâm, cơm tấm đầu con hẻm đường Phan Huy Ích-Gò Vấp, nơi có mấy xí nghiệp bao bì, may đồ thể thao đóng quân, phải “xóa ngu” giùm. Má Hai Cơm Tấm nói: “Mày tính đi! Một đứa công nhân tháng lãnh lương triệu rưỡi. Trừ tiền cơm, tiền nhà, tiền điện nước hết cả triệu. Nếu đau ốm, đi đám cưới đám ma, góp mua cái này cái nọ chút đỉnh, hỏi còn dư được mấy đồng gửi về quê? Bị nghỉ nằm nhà bất tử, đứa nào không lo, không muốn kiếm việc khác. Nhưng việc khác, chỗ khác, chủ khác, thì lạ nước lạ cái, phải dò dẫm, phải học lại từ đầu. Đã vậy lương thưởng, bảo hiểm, xe đưa rước… không bằng chỗ cũ. Là mày, mày vô đó làm không?”

 


Một công ty đóng cửa vì thua lỗ

 

   Tình hình cũng tương tự khi đến xã Tương Bình Hiệp, làng sơn mài truyền thống của Bình Dương. Đi qua dãy phố trưng bày đồ sơn mài vắng vẻ, ghé thăm cơ sở mài ốc xà cừ. Hỏi chuyện làng nghề, cô thợ lắc đầu “gốm, sơn mài, đồ gỗ từng là thế mạnh xuất khẩu của Bình Dương, nhưng bây giờ đầu ra nhỏ giọt, giá cả nguyên liệu lên, nợ cũ chưa trả, ngân hàng từ chối cho vay mới… Hơn 50 nhà làm nghề sơn mài phải giảm thợ hàng loạt. Mấy ông đạp xe ba gác, chạy xe ôm, mấy bà bán dâu da, măng cụt, trà đá dọc đường toàn là thợ làng nghề bị dạt ra đó.”

   Một em trai sắp lãnh bằng cử nhân Đại học Kinh tế tâm sự: “Thấy nhiều người bằng cấp hơn mình đang tìm việc không ra, nhiều thợ giỏi ngồi chơi xơi nước, nhiều doanh nghiệp nhỏ lao đao thua lỗ… cũng rất sợ. Bởi vậy ngay từ năm thứ nhất đại học, sinh viên đứa nào cũng lao đi tìm việc, không gia sư, bán hàng, thì may gia công, coi em bé, sửa điện tử lặt vặt… Anh văn, Hàn văn, Nhật văn, rồi vi tính, kỹ năng sống, nghệ thuật đắc nhân tâm… cái gì cũng học để rộng đường binh sau này. Về quê cắm câu hay ở lại thành phố, đi học nước ngoài, với tụi em, cứ  chỗ nào dễ sống, chỗ đó là quê hương.

 


Treo bảng tuyển dụng, nhưng không thu hút được công nhân

 

   Vậy đó, khắp Sài Gòn, hàng ngày ngược xuôi trên những con đường lở lói, sứt sẹo, thở hít không khí bụi mù… là những dòng người đông đúc. Không ai trong số đó dám nói chưa từng vui vì có nghiệp, buồn vì đợi nghiệp, lo vì thất nghiệp. Nhưng phàm đã là người Sài Gòn thì dù thất nghiệp cũng thất nghiệp rất chịu chơi-nghĩa là mặt mũi tỉnh queo, dựa vào bạn bè, vận dụng tối đa những nghề sơ cua, nghề tay trái để tự sống thay vì ra cầu Bình Lợi nhảy xuống, cho ông Chúc… có việc làm.

XH