Về loại cúm H1N1 này, từ ngày 26 tháng 4 tới nay, qua phương tiện truyền thông toàn cầu, Việt Nam cũng như thế giới, hết sức hoang mang. Tin báo cúm cứ vài tiếng đồng hồ lại truyền đi khiến mọi người hãi hùng như thể đã trông thấy bóng dáng, ngửi thấy hơi hướm thần chết ngay cửa ngõ nhà mình.

Cúm và mưa
Biết Mexico là ổ cúm, Texas là tiểu bang Mỹ sát nách Mexico, bà con mình đang ở Texas… thế là điện thoại, email tới tấp qua lại, trao gửi những lo lắng về một loại cúm mới xuất hiện, lây lan nhanh, mà chưa có thuốc chủng ngừa. Người bên kia dặn người bên này ăn uống kỹ, rửa tay kỹ, đeo khẩu trang, tránh tới chỗ đông người, bị sốt cao, ho, mệt mỏi thì phải đi bác sĩ ngay… Người bên này cũng dặn lại, y chang. Dặn nhau thì cứ dặn, nhưng tâm lý chung, ai cũng hy vọng chắc cúm nó chừa mình và người nhà mình ra.

Dân số Việt Nam hiện tròm trèm tám mươi sáu triệu người. Vài năm trở lại đây, từ các khu ổ chuột, nhà trọ giá rẻ, xóm liều, xóm đuổi… thuộc hàng vệ sinh tầm cỡ thế giới, các bệnh hay lây, dễ chết như sốt xuất huyết, sởi, dịch tả, cúm heo… đã đua nhau phất cờ khởi nghĩa. Ngay thời điểm hiện tại, tháng nào Diêm Phủ cũng lai rai đón khách đi tầu suốt nhờ ăn thịt chó mắm tôm, ăn gà ốm, heo chết, ngủ không mùng màn, sốt cao, khó thở…

Lúc đầu nghe gọi cúm A (H1N1) là cúm heo, dân Sài Gòn lập tức tẩy chay thịt heo. Thịt bò, cá tôm nhân thế, leo thang vùn vụt. Quán ăn bình dân, đám cưới, đám tiệc vốn sử dụng thịt heo là chính, vì tin đồn cúm heo đâm ra ế ẩm. Ngay cả cúng heo quay trả lễ thần linh cũng phải tạm dừng. Trước ban thờ Ông Bổn, anh chủ tiệm sắt Tín Thành Long kẹp tờ giấy nợ vào tay, giơ lên quá đầu, nhắm mắt thành kính khấn, nghe loáng thoáng câu được câu chăng: ‘… cúm heo… trái cây… xin ông chứng cho… khất lại…” Nhưng từ đầu tháng 5, tin cúm được điều chỉnh, con heo được minh oan. Thịt heo lại được tiêu thụ bình thường. Các bà nội trợ bảo nhau: “Việt Nam chưa có cúm H1N1, và có thể sẽ không có. Thế giới có, mình không, là mình thua họ, nhưng thua thế cầu mà thua!”

Hỏi chuyện giới buôn bán vỉa hè, câu trả lời của họ thật đúng chất Việt Nam, rằng: “Lo gì cũng không bằng lo đói. Đã sống chung với lũ được, với giặc được, thì với cúm H1N1, cũng được. Hơn nữa sống chết có số”. Và họ viện dẫn chuyện thiên tai, mất mùa trước mắt để chứng minh nỗi lo đói quan trọng hơn lo cúm. Anh Lục, xe ôm, quê Mộ Đức-Quảng Ngãi gọi điện về nhà, nghe vợ và mẹ báo tin “Lúa chín chưa mướn được công gặt thì mưa trắng đồng năm bữa liền. Lội nước tới bụng, gặt lúa mò rất cực. Đã không có chỗ phơi, mà hạt nào cũng nẩy mầm hết.” Chị Tám, giúp việc nhà, quê Bạc Liêu, đọc báo thấy tin đồng muối quê nhà sắp thu hoạch thì bị mưa dầm, ước tính thiệt hại hơn 100 tỷ đồng, đã nóng ruột xin chủ về vì “chắc tiêu rồi”.
Nguy cơ nợ chồng nợ, đói khó, thất học, đối với những gia đình này, rõ ràng là kinh khủng hơn cúm H1N1. Người Sài Gòn, không có muối để mất, không có ruộng để thất, nhưng trong đợt mưa trái mùa kéo dài liên tiếp từ hạ tuần tháng ba tới nay, thiệt hại cũng không hề nhỏ. Cả thành phố thành biển-đảo, dấu bao hố đào đường sâu hoắm bên dưới, thêm dây điện đứt, cây xanh gãy đổ, vỉa hè bị cầy xới, kẹt đường triền miên…Vài đồng nghiệp may mắn có cuộc sống khá thoải mái, còn ưu tư về miếng nước uống vào, miếng rau miếng thịt ăn vào, miếng không khí thở vào, đến cả miếng đất nay mai nằm vào… tất cả đều “siêu bẩn”. Cây sen, quen mọc trong bùn, mà còn chết, nói chi…
Mặc cho phong trào kích thích kinh tế bằng cách giảm giá đồng loạt từ 5%-40% ở hệ thống siêu thị Coop Mart, Zen Plaza, Big C, các “tua” du lịch giá rẻ (chất lượng kém) Đà Lat, Nha Trang, Bình Thuận, Vũng Tàu nhân chuỗi ngày lễ dày đặc trong tháng tư, tháng năm, người dân thành phố vẫn cảm thấy bất an về phẩm chất cuộc sống, điều kiện sống giảm sút rõ rệt, tỷ lệ nghịch với những con số tăng trưởng kinh tế tốt đẹp do nhà nước đưa ra.
Nhân đại lễ Phật Đản
So với đại lễ Phật đản Vesak hết sức hoành tráng năm ngoái, năm nay, lễ mừng Phật đản ở Sài Gòn diễn ra thật đơn giản, gọn nhẹ trong vòng hơn một tiếng đồng hồ, từ sáu giờ rưỡi đến tám giờ sáng ngày rằm tháng tư âm lịch (nhằm ngày 9 tháng 5 dương lịch) tại sân vận động quận Tân Bình. Có mặt tại buổi lễ, kẻ viết bài nhận thấy hàng ngàn tăng ni và Gia đình Phật tử trong mầu áo lam, đại diện cho các tự viện thuộc 24 quận huyện nội ngoại thành, đã tề tựu trang nghiêm tiến hành nghi thức kỷ niệm Phật đản 2553 năm theo Phật lịch. Trên đường phố, trước ngày lễ, chỉ khu vực có chùa, mới thấy áp phích, cờ Phật Giáo giăng ngang.

Hình thức kỷ niệm Phật Đản được Phật tử tiểu thương, hưu trí ưa thích nhất vẫn là hùn nhau thuê xe đi hành hương các chùa Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu. Đi về trong ngày, 10 kiểng chùa, chi phí từ một triệu tới hai triệu mỗi người, chưa kể tiền và tặng phẩm giúp chùa nghèo, người nghèo địa phương. Đối với họ, tinh thần Phật giáo không nằm trong triết lý cao xa mà gói trong nhóm từ quen thuộc “từ bi hỷ xả, bố thí cúng dường”.

Hiện Sài Gòn có hơn 6,000 tăng ni sinh hoạt trong hơn 1,000 ngôi chùa và tự viện, thuộc ba hệ phái chính là Bắc Tông, Nam Tông và Khất sĩ. Từ sau năm 1975 tới nay, 55/64 tỉnh thành đã thành lập Ban Trị sự Phật giáo, có cả thẩy 4 trường đại học, 8 trường cao đẳng, 30 trường trung cấp, 26 trường sơ cấp Phật học, góp phần đào tạo đội ngũ tăng ni sinh có trình độ văn hóa, khoa học kỹ thuật, ngoại ngữ, đảm đương phần nào những yêu cầu ngày một cao, một nhiều, một “đời” hơn của Phật sự.

Đối với bộ phận tăng ni sinh không nhỏ, họ thẳng thắn cho biết đi tu, không phải phát xuất từ sở thích, từ cái tâm, mà đơn thuần coi đó là nghề mưu sinh lương thiện. Một lô những chuyện làm thì có vẻ mê tín, nhưng không làm thì không an tâm như coi ngày giờ làm lễ động thổ, so tuổi trước khi lấy vợ lấy chồng, coi giờ làm lễ chôn cất, chưa kể cầu siêu, cầu an, trừ tà, giải hạn, cúng sao… Lấy ai làm chuyện đó nếu không phải là các “thầy chùa”? Hàng ngày đi tụng đám, cúng quảy chỗ này chỗ nọ, các thầy thu nhập không ít, lại không phải đóng thuế, không bị kỳ kèo mắc rẻ hay chê bai, trái lại còn luôn được kính nể trọng vọng, phục dịch tối đa. Nói bảo là hỗn, nhưng quả thực nghề đi tu rất “triển vọng”, so với các nghề khác vừa nhàn, vừa sướng, lại tốt đời đẹp đạo, chả trách thanh niên nam nữ nô nức đi tu. Nhiều vị trẻ măng, béo khoẻ, tan học từ các trường trung cấp Phật học (Vĩnh Nghiêm), đại học Phật học (Vạn Hạnh ) bấm mobil phone nhoay nhoáy, phóng xe gắn máy lạng lách, giành đường với chúng sinh rất đỗi tham sân si.

Lễ Phật
Mùa Phật đản năm nay, Sài Gòn mưa tầm tã. Nhìn nước mưa suốt ngày rơi xối xả trên tượng Phật đản sinh dựng ngoài trời, người sùng kính nói trời cho nước để mộc dục (tắm tượng Phật), kẻ bi quan bảo trời khóc vì cõi người ta bát nháo. Chỉ riêng kẻ viết bài thì đồ chừng ông trời đang mũi dãi lòng thòng vì… cúm H1N1 bị nhân gian dưới đất tẩy chay, tống cổ lên… trời, tìm ông.