Hai tuần qua, Hà Nội, Sài Gòn sôi lên vì nguy cơ cúm A H1N1 và bệnh tiêu chảy. Nếu cúm A mới chỉ ở mức cảnh báo thì bệnh ‘Tào Tháo rượt’ đã có mặt ở khắp tám tỉnh miền Bắc, trong đó thủ đô Hà Nội là nặng nhất, sớm nhất, nhiều bệnh nhân nhất, do ăn thịt chó, mắm tôm, rau sống tưng bừng nhất.

Biết tin qua báo điện tử, một bạn ở Mỹ gọi điện mắng vốn “không chịu công nhận là có dịch tả, cứ loanh quanh tránh né, tiêu chảy cấp với chả dương tính với phẩy khuẩn tả… nói thế bố ai hiểu”.
Kẻ viết bài viện dẫn sự giải thích của Bộ Y tế Việt Nam định nghĩa rằng “…thử mẫu bệnh phẩm, nếu dương tính với vi khuẩn có hình dấu phẩy (phẩy khuẩn tả) là tác nhân gây bệnh tả thì mới được gọi là mắc bệnh tả. Còn nếu kết quả âm tính với phẩy khuẩn tả thì chỉ gọi là bệnh tiêu chảy cấp. Tả thì đi tiêu chảy. Nhưng tiêu chẩy cấp thì không phải là tả… Gọi bệnh tả chứ không gọi là dịch tả vì mức độ bệnh chưa lây lan trầm trọng, số người mắc bệnh chưa đông…” Người bạn bên kia đại dương nghe chưa xong đã cắt ngang phũ phàng “chữ nghĩa dài dòng, tối tăm, trí trá bỏ mẹ! Đúng là giọng lưỡi Việt Cộng!”.
Ôi trời! Cùng nói tiếng Việt, nghe tiếng Việt mà ‘đây’ nói ‘đó’ không chịu ôkê là sao! Từ ‘dương tính với phẩy khuẩn tả’, ‘tiêu chảy cấp’, ‘dịch tả’… suy rộng ra, còn biết bao nhiêu chữ nghĩa bên này nói, bên kia ‘biết chết liền’.
Chữ trong quảng cáo
Thứ nhất là chữ nghĩa phục vụ công nghệ quảng cáo. Nhằm đánh vào lòng tham rẻ, thích tiện lợi, hay tò mò, ưa thay đổi theo phong trào…của người tiêu dùng, những chữ ‘đặc biệt’, ‘bao’, ‘siêu’, ‘rất’, ‘bảo đảm’,’ cực’ luôn được sử dụng tối đa.
Cuốn sách T. của nhà xuất bản Y mới ‘luộc’, tung ra thị trường được ‘bốc thơm’ ngay là ‘đặc biệt ý nghĩa trong thời kỳ hậu hiện đại’. Nước tương bẩn của tổ hợp X thì ‘thơm ngon hợp khẩu vị, bảo đảm an toàn, không có chất MCPD gây ung thư’. Nước giếng khoan nhiễm khuẩn của công ty Z là ‘nước uống bảo đảm tinh khiết, hợp vệ sinh’. Sầu riêng hột to cơm sượng được rao ‘sầu riêng Cái Mơn hột lép, bao ăn’. Lớp luyện thi chui, nóng như lò bánh mì, có ba ông thầy quèn được bơm lên thành ‘trung tâm luyện thi đại học chất lượng cao, bảo đảm đậu trăm phần trăm’. Dây cáp điện, tôn lạnh, sơn chống thấm… cũng được quảng cáo rùm trời ‘siêu đẹp, siêu rẻ, siêu bền’. Đồ điện máy bèo dạt mây trôi cũng được thề là ‘hàng Mỹ, bảo hành 24 tháng’…
Tham rẻ, cái đó có! Háo hức tham gia ‘siêu khuyến mãi’, không chối! Móc túi mua hàng ‘chất lượng cao’, cũng có luôn… nhưng còn khuya mới bị lừa. Sống lâu ở Sài Gòn, ai cũng biết đặc biệt là không đặc biệt, bao là không bao, siêu là không siêu, rất là rất ít, bảo đảm là không bảo đảm…, một bà nội trợ tay xách nách mang bột giặt, dầu ăn, đường sữa, bước ra từ Coop Mart Nguyễn Đình Chiểu, cũng cùng nhận định với kẻ viết này.

Chữ do đặc thù xã hội
Mảng chữ nghĩa này đăc biệt phong phú sau 1975. Chẳng cứ người ở xa, ngay người ở gần cũng nhiều phen vò đầu bứt tai, chẳng biết đằng nào mà lần. Ông Nguyễn Một, ở Hạnh Thông Tây quận Gò Vấp muốn bán nhà, đi lên đi xuống quận cả nửa năm trời vẫn không xong vì ‘hết đòi giấy đỏ (giấy chứng nhận có quyền sử dụng đất) tới giấy hồng (giấy chứng nhận có quyền sở hữu nhà). Dù quận đã ‘một cửa một dấu, một cửa liên thông’ mà vẫn phải nhờ cò. Thay vì thắc mắc khái niệm ‘giấy đỏ, giấy hồng, một cửa một dấu’ lạ tai, thì chị họ ông, bà Bảo Nguyễn, lại cáu tiết vì chuyện khác, chuyện ‘cơ cấu, bố trí, nói chung là…báo cáo bác’. Chẳng là nhân chuyến về thăm quê Hải Dương năm 2000, ‘ở khách sạn chúng nó không cho, bắt về ở nhà bà trẻ. Thằng chồng bảo con vợ ‘bố trí” cho chị Bảo ở nhà trên. Vợ gạt đi, nhà trên được cơ cấu làm chỗ thờ tổ, bố trí chị Bảo ở thế là phạm’. Hai chữ ‘bố trí’, ‘cơ cấu’ đao to búa lớn, nghe khó chịu. Đã vậy lúc nói chuyện làm ăn, học hành của các con, ông chồng lại ‘báo cáo chị, tình hình nhà ta, nói chung là…’. Cả buổi trời toàn nghe ‘nói chung’ bà Bảo nổi dóa ‘đừng ‘nói chung’ nữa, có gì thì cứ toạc mẹ nó ra’. Bà Bảo không hiểu hơn ba chục năm nay, cái ‘cơ cấu’ nó thế! Cuộc họp dân, họp quan nào đều cũng mở đầu bằng hai chữ ‘nói chung…’. Từ đó thành nếp, đến nỗi nói gì viết gì mà không ‘nhìn chung, nói chung’ thì không dám an tâm.
Chữ ‘ngoài luồng’
Mảng chữ nghĩa ‘thuồng luồng’ này là ba trợn nhất nhưng chứng tỏ tính thích hài hước, ưa nghịch ngợm, hay chế biến của người trong nước hiện nay. Chữ nghĩa ngoài luồng được hình thành thoải mái, bất chấp ngữ pháp, chính tả. Chẳng cứ ‘bộ tộc’ vỉa hè mà cả trí thức thượng lưu khi cần cũng xài ‘tiếng Việt mới’ một cách rất chi ‘thoải con gà mái’
Theo ghi nhận, trong thế giới ảo, cư dân @ ‘chíp hôi’ (lứa tuổi teen, choai choai) là những nhà sáng tạo ngôn ngữ hăng hái nhất. Vào các blog của họ sẽ thấy nhan nhản chữ nghĩa ‘tả lả âm binh’, dựa trên cách phát âm một chín một mười với chữ Việt chính thống. Thí dụ ‘trời ơi’ thành ‘chừi ưi’, ‘cám ơn em quá’ thành ‘kém ơn m wá’, ‘mày truy cập Google đi, tiện lắm’ thành ‘mày Gúc đi, tiện lém’…

Ngoài đời, nói về sự bào chế chữ nghĩa, so với ‘Hai Lúa’ Nam Bộ chậm chạp, lù đù, dân tán gẫu, đưa chuyện đất Bắc tài hoa hơn, có lẽ nhờ rất siêng ‘tám’ (bàn tán) chuyện thiên hạ. Chính họ là những nhà ‘cách mẹ cái mạng’ hàng loạt tính từ có chức năng làm định ngữ cho danh từ, hoặc bản thân danh từ, bắt chúng ‘đầu thai’ thành động từ trong những câu đại loại như: thằng Thắng nó ‘máu’ con Hoa ra mặt! Tụi Thể Công ‘rất trình độ’, dễ gì thua đội Bình Định. ‘Lăn tăn’ gì nữa, nhận đi, điều kiện thế hấp (dẫn) lắm rồi. Ăn mặc ‘hầm hố’ (quái đản, ngầu) vừa vừa thôi chú mày ơi! ‘Cụ Khốt’ (bố mẹ) nhà tao dạo này ‘tâm tư’ lắm. Con xe Attila đâu, ‘cắm’ (gán nợ, cầm cố) rồi hả! Thằng Tuấn độ này làm gì? Ra ngoài Nghệ làm ‘bưởng’ (cai, trùm các bãi đào vàng, đào đá quý). Con đĩ Thu đẹp không? ‘Cực’! Bao nhiêu? Hai ‘vé’ (1 vé = 100 đôla) Phét lác! ‘Ky bo’ (hà tiện) như mày, làm gì dám ‘đứt’ hai vé! Thịt chó hôm nay hơi ‘bị’ ngon đấy. Thật tình nhé! ‘Lãnh chỉ!’…
Tham gia sáng tạo chữ nghĩa, ngoài cư dân @, người ‘buôn dưa lê’ vỉa hè, còn phải kể đến lực lượng đáng kể các ‘nhà’ như nhà đài, nhà báo, nhà văn, nhà chính trị. Thứ nhất là cánh phóng viên chuyên trị đề tài xã hội! Khi viết về nạn rải đinh trên xa lộ Biên Hoà khiến xe xẹp lốp, họ gọi những tên rải đinh (sau đó bắt chẹt chủ xe phải thay lốp mới với giá cắt cổ) là ‘đinh tặc’. Tiếp theo, các loại cướp trộm chưa có tên cụ thể trước đây, đều được ‘phong’ tặc. Người không nuôi nghêu nhưng đến mùa thu hoạch nghêu kéo cả trăm mạng đi cào, đi xúc của người khác, gọi là ‘nghêu tặc’. Đám hạ cây rừng, bắt thú rừng là ‘lâm tặc’, đãi vàng trên thượng nguồn sông Thu Bồn Quảng Nam là ‘vàng tặc, đào hầm bòn thiếc trong Thung Lũng Tình Yêu Đà Lạt là ‘thiếc tặc’…Ăn cắp dữ liệu, tung virus phá hỏng máy tính người khác là ‘tin tặc’…. Nghe chói tai nhưng chưa thấy ai bài bác.
Ngôn ngữ nói là công cụ truyền thông, giáo dục. Ngôn ngữ viết là phương tiện lưu giữ văn hóa. Mất ngôn ngữ là cận kề họa diệt vong. Cho nên giữ ngôn ngữ, làm đẹp, làm giàu ngôn ngữ không chỉ là bổn phận, mà còn là nhiệm vụ của mọi người. Lý thuyết là vậy nhưng hiện nay, chuyện làm giàu ngôn ngữ hay bị hiểu nhầm là tuỳ tiện ‘sáng chế’. Mà hầu hết hiện nay người Việt chỉ chú trọng học ngoại ngữ, còn môn văn ở trường và tiếng Việt dùng hàng ngày thì ‘khỏi học, tự nhiên cũng biết’.

Chữ nghĩa ở một tiệm bán… ?
Kẻ viết bài từng gắn bó mấy năm với môn văn ở nhà trường trung học, nổi tiếng là ‘bà chằn lửa sửa cầu tiêu’ vì ‘hành’ học sinh rất ‘dã man’. Đơn xin nghỉ học, cả giấy xin chứng nhận lý lịch, rút học bạ…nếu không viết đúng từ ngữ, cú pháp, đều phải viết lại, đến khi nào thật đúng mới được xem. Nhớ có lần ‘nạn nhân’ Hồng Ngọc, lớp 11 A3, cầm cái đơn bị trả về ba lần, nói trổng (nói trống không) ‘Lỗi chút xíu mà làm như bành ky (rất lớn). Mẹ! ‘Chảnh’ (làm khó, làm điệu) gì chảnh dữ dậy! Để kêu thằng Thử viết giùm, thằng này văn ‘bá chấy’ (khỏi chê).
Cậu Ngọc này, bây giờ, trớ trêu sao, lại làm đúng nghề giáo viên dạy văn, gặp y chang những nỗi khổ của ‘bà chằng lửa’ ngày xưa. Gặp cô giáo cũ, cậu ngượng nghịu nhắc chuyện cái đơn ba lần bị trả về. ‘Bà chằn’ ngồi nghe một chặp, cười hề hề ‘Nói chung, hồi đó cô sai, em cũng sai. Còn bây giờ nói chung, chúng ta có sai có đúng. Đúng là cơ bản, nhưng sai cũng không phải là không cơ bản’.
Anh giáo trẻ tái mặt, kêu cô nói không hiểu. Thì vậy, chữ vốn là để hiểu. Nhưng mặt khác, chữ, còn là để không dễ hiểu! Vì sao ư? ‘Nói chung’ là vì…cái lẽ đời nó phải vậy! Than ôi!