
Mỗi năm, dân số Việt Nam tăng thêm 1 triệu (bằng dân số một tỉnh). Nhà nước Cộng sản “chỉ đạo” mỗi gia đình chỉ có hai con. Việc chỉ có hai con, cũng lắm nỗi niềm. Nếu trai gái đề huề thì tốt, nếu chỉ gái không thì người vợ bị coi như “chưa biết đẻ”. Với sự tiến bộ của khoa học, ngày nay chuyện “soi con” trở nên dễ dàng. Nhờ thế các bà mẹ đang khao khát con trai, qua siêu âm, có thể phát hiện trai hay gái. Năm 2009 này, tỷ lệ nam nữ ở VN đã có dấu hiệu mắt thăng bằng- một trăm mười hai trẻ trai mới có một trăm trẻ gái được sinh ra. Các em bé ra đời, không chỉ theo hạn mức của nhà nước, theo nguyện vọng của gia đình, mà còn theo tướng số, tử vi. Năm Quí Mùi (2003) các bà thi nhau “đẻ dê” vì tin đứa bé cầm tinh con dê sẽ dễ tính, dễ nuôi, cuộc sống khá giả. Hậu quả là đầu năm học, bọn dê con Quí Mùi đến tuổi vào lớp 1, năm 2009 đã tăng lên từ 15% -20%.
Tuổi thơ bất hạnh
Khi ngang qua đường Nguyễn văn Trỗi, đập vào mắt chúng tôi là hình ảnh hai em bé bán bột chiên cúi gục im lìm giữa nắng trưa, mâm bột chiên trước mặt bị đổ phân nửa xuống đất. Người bạn bước vội xuống xe, xuýt xoa thương cảm. Cô nhân viên cửa hàng đồ gỗ gần đó ngăn không để bạn tôi cho tiền chúng vì “Tụi nó dàn cảnh chứ không phải thật. Cứ hai ba ngày lại có một ông lái xe gắn máy chở tụi nó tới, đổ bột chiên xuống đất, rồi ngồi chờ người qua lại cho tiền. Ở đây ai cũng biết, chỉ có người ở xa, như cô chú, mới bị lừa” .

Lên Lào Cai, Lai Châu vào dịp Noel, khi nhiệt độ ngoài trời hạ xuống dưới 5 độ, kẻ viết bài thấy các bé phong phanh đầu trần chân đất bán hàng thổ cẩm. Hỏi tuổi, một bé gái xoè hết hai bàn tay. Có bé vài tháng tuổi, ngủ gật gù sau lưng mẹ. Sao để con lạnh thế? Bà mẹ trẻ cười thản nhiên “không chết đâu mà”.
Trẻ vùng sâu vùng cao thiệt thòi là thế. Xem ra, muốn số phận tốt hơn, chỉ có cách sinh làm người thành phố.

Trẻ em ở thành phố
Năm ngoái tới năm nay, kinh tế xuống dốc, ngành nào cũng than ế, than lỗ. Công nhân nữ ít ai dám có bầu vì sợ ảnh hưởng đến năng suất, dễ bị chủ cho nghỉ việc. Đã vậy, sau khi sanh, phải đi làm lại. Nhờ người ngoài quê vô giữ con thì sợ thêm một khoản tốn kém, đành gửi đại trong xóm…
Trong khi trẻ nghèo suy dinh dưỡng ngắc ngư, thì trẻ giàu lại khổ không kém vì bị nhồi nhét thức ăn công nghiệp. Số trẻ béo phì trong độ tuổi từ 6 đến 12 chiếm đến 12%. Song song đó là tỷ lệ 15% -tương đương bốn triệu học sinh- bị những tật khúc xạ mắt trên phạm vi cả nước.
Tội để con phát phì quá sớm, kéo theo nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, tim mạch trong tương lai, thuộc về các bậc làm cha mẹ. Vẫn là tâm lý “hồi xưa nghèo, bây giờ khá, cái gì con ăn được, thích ăn thì cho ăn thoải mái. Nó càng ăn nhiều càng khoẻ mạnh mũm mĩm, dễ thương”. Ăn nhiều nhưng thiếu không gian chơi đùa thư giãn, hết cuốn truyện tranh lại cái máy vi tính chơi game, coi phim. Ăn xong lại nằm, nằm chán lại ngủ. Chẳng mấy chốc mà “được” cận thị, béo phì!
Bao giờ cho tới giấc mơ
Trẻ bụi đời, mồ côi ăn xin thì mong xin được nhiều tiền, không bị đánh, được đi học, có cha mẹ thương yêu. Trẻ khuyết tật thì ước nói được, nghe được, đi được, sống được bằng nghề (thêu may, kết cườm, sửa vi tính, bấm huyệt…). Chỉ trẻ bình thường mới dám ước mơ làm bác sĩ, cô giáo, ca sĩ, MC, phi hành gia, Spiderman, phù thủy, Harry Potter…

Cha mẹ khoe con thi vẽ, thi thời trang, thi thiết kế trang web đạt giải cao; xen với tiếng than “đến ngay đồ dơ của nó khi thấy tháng cũng đùn cho mẹ giặt. Tiền thì hết hoài xin hoài. Con gái mười bảy bẻ gãy sừng trâu mà không nấu nổi bữa cơm, đụng cái gì bể cái đó, tay chân vụng về. Con trai thì nói năng lấc cấc, tóc tai kỳ cục, hở ra là đua xe, nẹt pô ầm ĩ. Rầy một câu là đòi bỏ học, bỏ nhà đi bụi”.
Trong bài hát “Tuổi thơ” cách nay cả nửa thế kỷ, nhạc sĩ Lê Thương từng vẽ ra hình ảnh hết sức thần tiên của các chủ nhân tương lai đất nước, với “bàn tay năm ngón cùng xinh, mầu da trong trắng mượt tinh…Sáng bắt bướm hái hoa, vui ca nô đùa, chiều lại ra dạo chơi vườn hoa, tối quyến luyến má ba, vui ca bên đèn, bảy giờ đêm nằm mộng mơ thấy tiên”.
Trẻ em bây giờ bụi trần ám màu da mầu mắt tối sầm. Vườn đời cũng không nhiều bướm hoa cho các em đuổi bắt.