Menu Close

Ổ độc hại giữa thành phố

Từ nhiều năm nay, chợ Kim Biên (quận 5 Chợ Lớn) là “địa chỉ đen” cung cấp hóa chất độc hại cho những người sản xuất thực phẩm bất lương. Không chỉ cung cấp một số lượng lớn hóa phẩm cho những người chế biến thực phẩm trong thành phố mà chợ này còn cung cấp cho các tỉnh phía Nam và miền Trung và thậm chí còn tràn ra hải ngoại.

 

Khi tìm tài liệu để thực hiện bài viết về việc kinh doanh hóa chất độc hại bày bán tại chợ Kim Biên, chúng tôi được một quản lý chợ này cho biết: “Nếu có quầy hàng nào bán hóa chất độc hại, chúng tôi sẽ bắt ngay”. Tuy nhiên, qua tìm hiểu của chúng tôi, tại chợ Kim Biên, hóa chất độc hại được bán dưới nhiều hình thức ngụy trang khác nhau. Những loại hóa chất trưng bày ở mặt tiền chợ đều thuộc danh mục được phép kinh doanh, còn hàng ngoài luồng được giấu bên trong hoặc gửi ở một nơi gần đó, khi khách có nhu cầu sẽ được đáp ứng nhanh chóng.

Không thiếu thứ gì

   Biết chúng tôi có nhu cầu tìm hiểu về các hóa chất độc hại đang bày bán tại chợ Kim Biên, chị T, chủ một cơ sở chế biến thực phẩm ở quận 8, mách nước: “Nếu không phải là bạn hàng thì không ai bán hàng cấm cho đâu”. Theo chị T, chúng tôi phải đóng vai người mới vào nghề buôn bán hóa chất và chị sẽ là người dắt mối.

   Ghé vào quầy bán hóa chất bên hông chợ Kim Biên, chị T nhanh nhẩu giới thiệu: “Chị này mới ra nghề, nhờ tôi dắt đi mua đồ (đồ ở đây được hiểu là hóa chất cấm bán)”. Chị B, người bán hàng, yêu cầu tôi kê những thứ cần mua, số lượng bao nhiêu, rồi dặn: “Đi đâu một lúc trở lại sẽ có người giao hàng chứ hàng này không ai trữ tại quầy vì lỡ kiểm tra là chết”. Danh mục đầu tiên tôi mua là 500g hàn the, 1kg bột chống mốc và một can nước dẻo. Chừng đó đồ được tính với giá 145,000 đồng. Chị T giải thích: “Hàn the là chất phải có để làm giò chả, bánh đúc, bánh cuốn, cá viên chiên, bò viên, bánh da lợn, mì sợi… Nói chung, nếu không có hàn the thì những món kia chẳng thể nào ngon được”. Theo chị T, bột chống mốc có 2 loại, nếu là hàng Trung Quốc giá chỉ 20,000 đến 50,000 đồng/kg, còn của Nhật giá 85,000 đồng/kg. Chỉ cần nửa ký bột này có thể “xử lý” được đến 100 kg dưa kiệu muối trắng bóng và ngon mắt, để bao lâu tùy thích, không bao giờ lên meo lên mốc, không bị đóng váng.

 

 

Các thùng hóa chất có lẫn cả hóa chất độc hại dùng trong công nghiệp được cung cấp cho chợ Kim Biên

 
   Chúng tôi đến một sạp bán hóa chất cách quầy lúc nãy chừng 10 sạp, hỏi mua các loại màu mứt, hương vị, bột trắng bún… Đây là loại phẩm màu công nghiệp nhưng người ta dùng để chế biến thực phẩm vì màu tươi, đẹp và rẻ. Hương liệu thì đủ các loại như: mùi bí, khoai môn, dừa, vani, xoài, ổi, đu đủ, sầu riêng, cà phê, bột đắng, chất tạo bọt… muốn mùi gì cũng có, giá chỉ từ 20,000 đến 40,000 đồng/kg.

   Tương tự sạp trước, phương thức bán hàng của sạp này cũng là “đi đâu đó một lúc sẽ có người giao hàng”.

   Theo tìm hiểu của chúng tôi, các quầy hóa chất ở chợ Kim Biên và khu vực xung quanh là bề nổi của cả một hệ thống kinh doanh hàng hóa chất, trong đó có nhiều hóa chất độc hại. Từ đây, hóa chất độc hại không chỉ đến tay các cơ sở sản xuất thực phẩm ở Sài Gòn mà còn được tuồn về các tỉnh, nhất là khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

 


Hương liệu hóa chất bày bán ở chợ Kim Biên Quận 5 Chợ Lớn

 

   Chúng tôi tìm gặp một trùm hóa chất tên B, có kho hàng trên địa bàn quận 11 và Tân Bình. Sau khi biết chúng tôi cần hàng tiêu thụ về các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long với số lượng lớn, ông B nói chắc: “Loại gì cũng có, số lượng không thành vấn đề, ăn thua là chọn giá nào”. Ông B cho biết: “Cùng một mặt hàng nhưng có đến năm, bảy giá. Nếu hàng nào có giấy tờ (có đầy đủ hóa đơn chứng từ, nguồn gốc nhập khẩu rõ ràng) thì giá cao, còn hàng không có giấy tờ thì rẻ rề. Bên bán giao hàng tận nơi sẽ có mức giá cao, còn người mua tự vận chuyển sẽ có giá rẻ hơn…”

   Ông H, một chủ cửa hàng hóa chất tại quận 10, cho biết: “Có rất nhiều mánh khóe trong nghề kinh doanh hóa chất như cạo sửa hạn sử dụng, hàng dùng trong công nghiệp được “biến” thành hàng dùng trong ngành thực phẩm. Còn việc thay áo (bao bì), thay đổi xuất xứ hàng hóa thì dễ như trở bàn tay. Ông H còn cho biết kinh doanh hóa chất hiện nay cạnh tranh rất dữ, cho nên hàng không rõ nguồn gốc được giới kinh doanh khai thác tối đa.

   Dạo qua một vài chợ bán hàng mứt, chúng tôi bắt gặp những loại mứt bày bán có màu đậm tươi nhìn bắt mắt. Nhưng sự thật bên trong khi những loại mứt này được chế biến có sử dụng phẩm màu độc hại không thì không ai biết.

H. Thủy