Menu Close

Nói về Má Bảy

Sau đám tang Má Bảy Phùng Há một ngày, XH tìm tới chùa Nghệ sĩ và Nghĩa trang Nghệ sĩ ở Gò Vấp. Chùa và nghĩa trang nằm chung trong một khuôn viên không rộng, có tường bao, bên ngoài là khu dân cư buôn bán đông đúc và con đường không lúc nào ngớt xe. Buổi sáng, tiếng đọc kinh đều đều, mùi nhang, tiếng chuông mõ, tiếng chổi quét sân lạt sạt, bóng người lom khom nhổ cỏ trên mộ phần nghệ sĩ Thanh Nga, Minh Phụng, Tư Rọm, Hà Triều, Hoa Phượng, Út Trà Ôn, Năm Châu… tạo một cảm giác thanh tĩnh, man mác, nhẹ buồn.
 

 

Linh cửu của cố nghệ sĩ Phùng Há

Ngôi mộ Má Bảy nằm hướng chính đông, day mặt ra đường, sát hàng rào chia cách với bên ngoài. Trong khi chờ xây tháp, một tấm phù điêu lớn bằng xi măng hình đa giác được phủ tạm lên mộ. Phía sau mộ, sừng sững bức bình phong, khắc trọn hình con chim Phụng trong tư thế bay lên. Trong “cư xá vĩnh cửu” này, ai cũng được một phần đất bằng nhau, dù đến trước hay sau, chỉ có Má Bảy là ưu tiên một. “Nhà” Má ngay mặt tiền, rộng gấp ba bốn lần “nhà” ông Tư Chơi (Huỳnh Thủ Trung), người thầy dạy nghề đồng thời là người chồng đầu tiên của Má, hay “nhà” đệ nhất danh ca Út Trà Ôn. Điều gì khiến Má Bảy “ngon” như vậy? Những người dân sống gần chùa Nghệ sĩ kể vắn tắt: “Hơn 80 tuổi, má mới về ở hẳn chùa Nghệ sĩ. Có má, ngày tết ngày lễ, các ông lớn, Việt kiều, giới nghệ sĩ, người hâm mộ tụ về đây rất đông. Má, nói nào ngay, ăn hột cơm của cải lương,   cũng lo cho cải lương lắm. Cả trăm đoàn cứu trợ đói nghèo nạn lụt chỗ này chỗ kia, nhờ uy tín má mà xin được tiền. Cái chùa này má xây, nghĩa trang này cũng nhờ má mới có. Viện dưỡng lão nghệ sĩ bên quận 8 cũng một tay má lo. Nhờ vậy mà đời nghệ sĩ về già có cơm ăn chỗ ở, chết có mồ mả đàng hoàng. Nói thiệt, trong giới nghệ sĩ, má chưa phải là người đẹp nhất, giàu nhất, quyền thế nhất. Nhưng mỗi thứ một chút, cộng lại, thì má lại làm được những chuyện mà người khác không làm nổi. Chỗ chôn má, có lớn vậy, chứ lớn hơn cũng không ai so bì”

Chùa nghệ sĩ, nơi tổ chức tang lễ của cố nghệ sĩ Phùng Há

 

 Với công chúng hâm mộ nghệ thuật cải lương, nghệ danh Phùng Há không xa lạ. Ai cũng biết đại khái má người Tiền Giang, mang trong mình hai dòng máu Việt-Hoa. Tuổi thơ bất hạnh, nghèo khổ, không được học hành tử tế, nhưng nhờ hát hay mà được nhận vào gánh hát Tái Đồng Ban. Suốt những năm sau đó, Má vài lần xây dựng gia đình, có con cái, tiền bạc, song song với mất mát, khổ đau. Má thành công lớn thực sự trong nghiệp sân khấu nhờ Tổ thương. Má đóng đào thương Thúy Kiều, Dương Quí Phi hay làm kép võ Lữ Bố… vai nào cũng thành công, nhất là vai Lữ Bố, đóng chung với Thanh Nga Điêu Thuyền.

 

Phần mộ của cố nghệ sĩ Phùng Há trong Nghĩa trang nghệ sĩ

 

Nghệ sĩ Nam Hùng, mặc tang phục, đứng bên quan tài Má với tư cách trưởng nam. Được hỏi về Má, anh nói vắn tắt: “Tôi không phải là con ruột. 12 tuổi được Má đem về nuôi dạy. Đi hát có chút tiếng tăm, sống không mắc lỗi lớn là nhờ Má. Má hiền nhưng nghiêm lắm”. Một người khác, cũng nhắc tới Má thiết tha, thành kính là nghệ sĩ Bạch Tuyết. Trong sổ tang, chị đã viết bốn câu thơ:

“Người như chim đã vút bay.
Phụng hoàng sải cánh chân mây nước trời.
Người như hạt ngọc sáng ngời.
Một đời thiên sứ, vạn lời ngợi ca…”

Từ mùng 5 tới mùng 10 tháng 7, linh cửu Má Bảy lần lượt đặt ở nhà tang lễ thành phố, chùa Nghệ sĩ – Gò Vấp. Lễ truy điệu và an táng được cử hành tại nghĩa trang Nghệ sĩ trong khuôn viên chùa.

Anh Thanh, thành viên trong nhóm đờn ca tài tử Tiền Giang lên viếng, không giấu được vẻ tự hào khi khoe “Đất Tiền Giang là cái nôi của nhạc tài tử, ca ra bộ. Tiền Giang có bà Bảy Phùng Há với Giáo sư Trần Văn Khê coi như có hai cây đại thụ quý giá. Riêng bà Bảy phải nói là phúc, thọ, tài, danh có một không hai.”


Cố nghệ sĩ Phùng Há trước bàn thờ Tổ

 

 Trăm tuổi của Má song hành cùng trăm năm phát triển bộ môn cải lương Nam bộ. Má đi nhưng còn cải lương với những thách thức ngổn ngang, rất cần cây phương thiên hoạ kích, với sức mạnh tuyệt luân của Lữ Bố. Nhưng hình như, cùng với Má, Lữ Bố nọ đã bước vào sau bức màn nhung.

XH