Hãy bắt đầu với một em bé “tốt nghiệp” mẫu giáo. Khi đó bố mẹ em sẽ tới trường tiểu học để xin cho em vào lớp một. Gia đình em ở phường, xã, quận nào thì xin học ở đó. Trường hợp nhà ở địa phương A, nhưng muốn qua học bên B vì lý do dạy và học bên A không như ý phụ huynh. Trên lý thuyết, phải đợi bên B nhận đủ học sinh của địa phương B, xong. Còn dư chỗ mới xét tới đơn xin học của người ngoài địa phương.

Trong thực tế, dư chỗ hay không, dư bao nhiêu chỗ, chỉ ban giám hiệu B và đường dây chạy trường biết rõ. Nhưng dư chỗ nào là con em quan chức địa phương, người nhà ban giám hiệu, con giáo viên trong trường… được ưu tiên trước, sau đó mới tới thường dân. Để có được một chỗ dư – cần thiết! Bố mẹ em bé phải chạy. Giá cả tùy phụ huynh giàu nghèo, quen biết và uy tín trường, tùy số người chạy chỗ cho con đông hay ít… Giá một chỗ ngồi trong lớp 1 ở Sài Gòn năm học này, trung bình khoảng 500 đô la.
Trường hợp các em ở tỉnh khác nhưng tạm trú ở Sài Gòn, tới tuổi vào lớp 1 thì phải về lại tỉnh nhà mà đi học. Không thì chờ trường nơi đang tạm trú có dư chỗ mới được xin vào. Nghe anh tư Tùng kể: Nhà em bên Hòa Hưng, trường sắp sập, trong khi bên An Hữu, trường mới xây. Ai bên Hòa Hưng cũng muốn cho con sang An Hữu học, ngặt nỗi không phải người An Hữu, họ không nhận. Em cắt hộ khẩu thằng con, đem nhập vô nhà bà ngoại bên An Hữu. Vậy là đương nhiên thằng nhỏ thành người An Hữu.
Cách của anh tư Tùng được nhiều người áp dụng, bị để ý. Sau khi rõ nguyên do, nhà trường chỉ xét trường hợp con chuyển hộ khẩu theo bố mẹ, không xét trường hợp chuyển vào nhà thân nhân. Thời gian chuyển và thời gian xin nhập học gần nhau cũng từ chối đơn.
Trường công làm khó bao nhiêu thì trường tư vồn vã chào mời. Trường tư có ưu thế không rầy rà thủ tục, trường sở hiện đại, giảng dạy tốt hơn… Nhưng học phí cao gấp vài lần, thậm chí chục lần trường công.

Đến trường tiểu học Việt-Úc trên đường Cao Thắng để tìm hiểu về một trường tiểu học nhà giàu. Ba tầng sạch sẽ, ngăn nắp với các phòng nhỏ gắn máy lạnh, mỗi phòng chừng 20 học sinh. Phòng học chữ, phòng học đàn, học vẽ, vi tính… Buổi sáng học chương trình Việt, chiều chương trình Úc. Ngoài cấp 1, trường còn cấp 2, cấp 3 ở những địa điểm khác trong thành phố. Vẫn theo lời giới thiệu của cô Khương, học xong 12 năm trong hệ thống trường Việt-Úc, học sinh sẽ có trình độ tương đương với học sinh cùng cấp ở Úc, có thể thi tốt nghiệp trung học, nhập học đại học Úc? Học phí cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 3 là 270 đôla/ tháng, thêm tiền ăn 1 triệu mốt. Lớp sáu 400 đôla, thêm tiền ăn 1 triệu 3, lớp bảy 430 đôla, lớp tám 460 đôla…
Hệ thống trường Việt-Úc, Việt-Mỹ, Bắc Mỹ, Á Châu… hiện đang hoạt động mạnh ở Sài Gòn. Giá cả các trường tương đương nhau nhưng đắt nhất là các trường Tây rặt, (từ chương trình học tới hiệu trưởng, giáo viên, học sinh đều là người nước ngoài) như trường British International School ở quận 2, học phí 13,000 đô la một năm học (185 ngày) cho học sinh lớp 1. Học sinh trường này phần đông là con em người nước ngoài đang công tác tại Việt nam.

Trường Marie-Curie ở quận 3
Ông Phạm Phu có con học trường Primary School Tân Bình cho biết: “Trường Việt học phí chỉ vài chục ngàn một tháng, nhưng luôn tìm cách để thu thêm những khoản lắt nhắt, nhiều khi vô lý, không minh bạch. Tính ra cũng không rẻ hơn trường Tây bao nhiêu. Trường Tây đắt, nhưng mọi khoản kê rõ từ đầu năm, không bị mời đi họp thường xuyên hay bị hội phụ huynh sách nhiễu mệt mỏi…”
Với gia đình ông bà Hòa, “Cho học trường tư Tây để con không bị ép học thêm. Chương trình đâu ra đó. Giờ giấc rõ ràng”.
Giáo viên trường Tây lương cao nên không cần xoay xở dạy ngoài giờ. Có thành tích thì lên lương, không theo niên hạn như trường Việt. Trẻ học trường Tây thường có tính tự lập và tự tin trong giao tiếp, là mặt mạnh của trường Tây.

Trường British International ở quận 2
Những lý do khiến trường tư được phụ huynh tin tưởng khá hợp lý nên trường công càng yếu thế. Có phụ huynh nhận xét thẳng thắn: “Trường ta có chó gì đáng học! Tạm thời, cấp tiểu học để chúng nó học ở British International School, cấp 2, cấp 3 cho sang Anh học (trung học bên Anh miễn phí). Lên đại học thì về học Singapore, học phí nhẹ hơn.” Những phụ huynh biết một mà không biết hai ở Sài Gòn đông vô số kể, “Singapore không nhận học sinh Việt Nam học hết cấp 3 ở Anh vào đại học, chỉ nhận học sinh đi thẳng từ Việt Nam sang.”
Chuyện trường công – trường tư như chuyện thường ngày ở huyện. Chẳng thể nào thay đổi được trừ phi thay đổi tận gốc là thay đổi chế độ tạo sinh ra những phức tạp xã hội.