Menu Close

Ngày trở về

Bạn hiền,

Cuối cùng thì BTL tôi cũng trở về lại nơi chốn đã bỏ đi đúng một năm qua. Sau một năm lưu lạc bên tiểu bang Cali, BTL vẫn còn nguyên vẹn một mảnh trở về. Thật ra thì BTL tôi và gia đình đã về nhà được hơn một tuần lễ rồi, mệt đừ và chưa quen giờ giấc, cho đến hôm nay mọi việc đã ổn định mới mò lên máy gõ vài dòng gởi đến bạn hiền.

Hôm đầu tiên trở lại nhận việc, đồng nghiệp tay bắt mặt mừng. Ai gặp cũng hỏi thăm, sinh hoạt bên Cali suốt một năm qua như thế nào, có thích khí hậu và con người bên ấy không, nói chung toàn là những câu hỏi không có dính dáng đến việc làm. Riêng cá nhân BTL tôi thì sống ở Cali thích thật, nhất là khí hậu ôn hòa, ban ngày nóng cách mấy đi nữa, nhưng sau khi mặt trời lặn thì trời bắt đầu dịu mát hẵn. Còn đồ ăn Việt Nam ở Cali thì không đâu sánh bằng. Tuy nhiên, hiện tại BTL tôi rất thích việc làm ở NASA và cơ hội đi dạy lớp tối ở đại học Florida Tech, cho nên phải về thôi. Chỉ tội nghiệp 3 cô con gái, tuy chỉ đi học ở Pacific Grove có một năm mà tụi nó đã bén rễ, có nhiều bạn bè tạp chủng quốc, và không đứa nào chịu về lại cái thành phố Viera toàn là Mỹ trắng. Không chịu cũng không được, vì so ra mấy đứa con của BTL tôi còn may mắn hơn những đứa con có cha hoặc mẹ đi quân đội, những đứa bé này phải theo cha mẹ dời chỗ ở liên tục cho nên chẳng bao giờ có bạn cố tri.

Trở lại công việc làm ở trung tâm NASA, rồi những thủ tục chào hỏi qua rất mau, BTL tôi vào phòng làm việc mới thấy một mớ công việc hỗn độn của suốt một năm qua dồn lại chờ BTL tôi về giải quyết. Lúc ra đi, BTL tôi đã bàn giao lại cho một đồng nghiệp người gốc Tàu. Tuy ông này không có chuyên môn về công việc của BTL tôi, nhưng tin tưởng ông ta cũng có bằng tiến sĩ, tốt nghiệp từ trường đại học danh tiếng ở phía Bắc (University of Wisconsin) thì tất nhiên ông có thể tự học và thực hành tốt. Ông ta chuyên môn về cơ khí chất rắn (solid mechanics) trong khi công việc của BTL tôi làm đa số dính dáng đến thể lỏng hoặc thể khí (Fluid Dynamics). Cụ thể hơn là công việc của BTL tôi là tiên đoán môi trường dàn phóng khi hỏa tiễn nổ và bay lên không trung. Môi trường này bao gồm nhiệt độ, áp suất, âm thanh, và độ rung. Những dữ kiện này rất cần thiết cho các kỹ sư chế tạo các bộ phận lắp ráp trên dàn phóng. Suốt một năm công tác ở học viện Hải quân ở Monterey, BTL tôi cũng thỉnh thoảng gọi điện thoại về để biết chắc công việc suông sẻ, chả nghe ai kêu than. Giờ đây, trở về phòng làm việc, mọi việc hầu như không thay đổi. Đám kỹ sư chế tạo thấy BTL tôi trở về nên lục tục kéo đến đòi cung cấp dữ kiện.

Vì thế từ lúc về lại Florida cho đến nay BTL tôi đã bận rộn bù đầu, cho đến hôm nay mới có cơ hội nhín vài dòng tâm sự. Thú thật với bạn hiền, BTL tôi cũng là người sâu nặng tình cảm, cho nên ở chỗ nào cũng nhớ về kỷ niệm nơi chốn ấy, dù thời gian chỉ có một năm. Hôm đầu tiên trở về cố quận, tiểu bang Florida chào đón gia đình BTL tôi bằng cái nóng oi bức đến ngộp thở, lúc đó làm chúng tôi nhớ cái khí hậu se se lạnh suốt quanh năm của thành phố Pacific Grove. Giờ đây, ngồi trong phòng có máy điều hòa, bên ngoài kia theo dự đoán thời tiết hôm nay sẽ lên đến 95 độ Farenheit, BTL tôi chợt nhớ đến cái chốn tạm dung của suốt một năm qua, nhớ đến con đường Lighthouse chạy dài từ học viện Hải quân ở Monterey, đâm xuyên ngang thành phố Pacific Grove, và cuối cùng đụng biển Thái Bình Dương; nhớ đến bến tàu Old Fisherman ở cảng Monterey, nơi chúng tôi chiều chiều ghé lại mua cá, mực, và các thứ hải sản rất tươi được mang lên từ tàu mới cập bến; nhớ đến Monterey Sport Center, nơi chúng tôi hàng đêm đến đó tập thể dục, nhớ đến cái nhiệt độ của thành phố biển, bất kể mùa hè hay mùa đông, lúc nào cũng cỡ 60, khiến chúng tôi lúc nào cũng phải mặc áo jacket.

Cuối tháng 7 năm 2009, chúng tôi đã thật sự từ giã Pacific Grove, từ giã bạn bè ở San Jose phía Bắc, từ giã gia đình ở Garden Grove phía Nam để bắt đầu hành trình từ Tây sang Đông trên một chiếc SUV chở năm người. Chúng tôi đã quét một cái hết bề ngang nước Mỹ, đã dừng lại tại các thành phố Phoenix của bang Arizona, El Paso, Ozona, và Houston của bang Texas, Gulf Port của bang Mississippi. Chúng tôi đã chứng kiến và cảm nhận được sự thay đổi thời tiết và con người của nước Mỹ trong suốt hành trình này. Và cuối cùng tiểu bang Florida cũng chào đón đứa con hoang đã trở về bằng cái nóng mùa hè đỏ lửa.
Thật ra thì hôm thứ hai tuần rồi BTL tôi đã muốn viết thư gửi bạn hiền lúc mới về khi mà kỷ niệm của chuyến đi còn in đậm trong ký ức, nhưng nhằm lúc đang thả dòng tư tưởng ngược dòng thời gian thì có một tên đồng nghiệp lao vào phòng cho hay hắn mới thực hiện xong công tác di chuyển phi thuyền Discovery ra dàn phóng, sẵn tiện hắn cần trao đổi một vài chi tiết kỹ thuật về chuyến phóng tàu sắp tới và các dự án Constellation trong tương lai. Thế là tiêu luôn một bản báo cáo hành trình xuyên bang của BTL tôi. Cho nên hôm nay thay vì kể chuyện quá khứ, BTL tôi xin kể cho bạn hiền nghe một chuyện giật gân mới xảy ra đầu tuần này.

Câu chuyện về một gã đàn ông 26 tuổi, người Nigeria, Phi Châu. Gã than rằng vì bị nói cà lăm, không kiếm được bồ, cho nên đi đến quyết định lấy chiếc gối làm vợ. Gã đàn ông mang cái tên mà đọc xong chúng ta cũng muốn cà lăm theo luôn, đó là Okeke Ikechuku. Gã nói là cái bệnh cà lăm làm cho gã gặp nhiều khó khăn khi nói chuyện với con gái, và mỗi khi gã mở miệng là bị bọn con gái cười vào mặt. Gã cũng thú thật là gã cần có một người bạn đời để đầu ấp, tay gối, và người bạn đời chung thủy suốt 16 năm qua của gã chính là chiếc gối. Sau 16 năm mặn nồng, giờ gã mới nhận ra rằng mình đã yêu chiếc gối này tự bao giờ. Gã còn hớn hở tuyên bố rằng, khác với đám con gái, chiếc gối sẽ tốn rất ít hoặc không tốn xu teng nào để gìn giữ, và gã hứa sẽ sống trọn đời với chiếc gối yêu dấu đó.

Tranh: Bảo Huân

BTL tôi tự hỏi cái đám cưới của vợ chồng Ikechuku có rềnh rang không vậy ta? Không biết có mục sư bắt hai người thề thốt sống bên nhau trọn đời, chỉ có cái chết chia lìa đôi trẻ? Không biết làm sao cô dâu nói được câu “I DO!”. Không biết chú rể Okeke có được vén khăn voan lên để hôn cô dâu không? Không biết họ có đút nhau ăn miếng bánh cưới và quàng tay nhau uống ly rượu mừng? Không biết họ sẽ làm gì trong giờ động phòng hoa chúc? Rồi chú rể làm sao mà mở cái miệng cà lăm ra để giới thiệu vợ với cha mẹ mình? Rồi vợ của chú không biết có làm tròn bổn phận của nàng dâu, lo chuyện bếp núc, dọn dẹp nhà cửa hay chỉ tối ngày nằm ì ra đấy?

Chuyện vợ chồng không có đơn giản như Ikechuku nghĩ đâu. Nhưng dù sao thì BTL tôi cũng xin chúc đôi vợ chồng này trăm năm hạnh phúc, bên cạnh một đàn gối con.

BTL
Mũi Kennedy, FL
12 tháng 8, 2009