Một trong những gien “tốt”có tiếng của dân trong nước là coi thường luật. Khái niệm “luật” ở đây được dùng để chỉ cụ thể một thông tư, nghị định, chỉ thị nào đó của cơ quan ngành dọc từ bộ (cấp trung ương) tới sở (cấp tỉnh) phòng (cấp huyện, quận), ban (cấp xã, phường), thay vì khái niệm “luật” chung chung trong hiến pháp hay các bộ luật dân sự, hình sự…

Xin giới thiệu hai luật đang có nguy cơ bị người Sài Gòn coi thường nhất- một luật mới ban hành trong tháng 8 này, một luật trong tháng 9 sắp tới, một luật nhắm vào người, một luật nhắm vào… chó.
Luật cấm chợ tạm
Luật này do thành phố ký ngày 31 tháng 7, chính thức có hiệu lực từ ngày10 tháng 8. Nội dung luật nhằm xóa chợ tạm, chợ cóc trên phạm vi toàn thành phố. Thịt cá cua tôm, lươn ếch sò mực, rau củ quả các loại, nói chung là hàng tươi sống, ướt át, tanh tưởi muốn bán phải vào chợ, siêu thị hay các chuỗi cửa hàng văn minh tiện ích. Tiếp nhận lệnh cấm trên giới buôn bán vỉa hè không hề mất bình tĩnh. Nhiều người buôn bán nhiều năm ngồi lề đường, đạp xe bán rau cải, bán cam táo dạo quanh khu vực chợ Bến Thành, khi được hỏi về tác dụng của luật cấm đều xua tay bảo “Nhiều lần thế rồi. Xe bắt thì xin. Xin không được thì chạy tiền. Không lo”.

Xe trái cây bán dạo
Nhận xét về tác dụng của luật ngăn sông cấm chợ …tạm, người Sài Gòn nào cũng nghiêng về việc cho chợ tạm “sống sót” vì những tiện ích không thể chối cãi được của nó. Một ông hưu trí quận 3 phân bua “Vợ kho cho nồi thịt, dặn mua bó rau về luộc, chẳng ra đầu hẻm mua chả lẽ lại đi hai chục ngàn đồng xe ôm ra tận chợ Nguyễn Văn Trỗi. Có mà điên!”. Các bà trong khu phố 8 Tân Bình lại thắc mắc khác “Bắt thôi mua bán lề đường, cũng không cho mua bán trong nhà, bảo vào cửa hàng tiện ích nhưng ai biết nó ở đâu mà vào”. Câu hỏi này ngay chính các cơ quan có thẩm quyền cũng không trả lời được.

Một quầy bán tôm cá bên ngoài chợ
Vài nhà kinh tế, nhà quan sát trong nước thẳng thắn chỉ ra những bất hợp lý của những quyết định quá vội vàng, mất lòng dân. Những thắc mắc từ vụ cấm xe ba gác không hiệu quả trước đây lại được xới lên. Vẫn câu hỏi cũ: “Dẹp bán buôn lộn xộn mất thẩm mỹ, mất trật tự văn minh đô thị thì những người buôn bán vỉa hè đa số là dân nhập cư nghèo, lớn tuổi, ít học sẽ đi đâu, sống thế nào”

Một sạp bán trái cây ven đường
Hai tuần lễ trôi qua từ khi Quyết định được ban hành, kẻ viết bài đi đến đâu cũng ghi nhận cảnh quen thuộc. Quanh chợ Thủ Đức, Hóc Môn, Bình Điền (ba chợ đầu mối nông sản lớn nhất thành phố) từ hai ba giờ sáng trở đi, thương lái vẫn tấp nập mua đi bán lại đủ thứ rau củ thịt cá. Chung quanh khối phố, ký túc xá đại học, nhà trọ công nhân ngoại thành, những miếng nilon trải trên lề đường, những xe ba gác, thúng gióng trên vai…vẫn ung dung tồn tại. Ai cũng có vẻ coi thường pháp luật khi phổ biến cho nhau công thức ‘“Đuổi thì chạy. Bắt thì lo”.

Sạp trái cây ven chợ
Luật nuôi chó
Trong khi luật người còn rối như tơ vò thì xuất hiện thêm luật chó- vốn là Thông tư 48, do bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn “nghĩ ra”, dự định ban hành vào ngày 19 tháng 9 tới, nhằm góp phần phòng chống bệnh dại. Luật 48 này qui định: trừ vùng cao vùng sâu, còn các nơi khác, gia đình nào muốn nuôi một con chó đều phải ra Ủy ban xã, phường “đăng ký” để làm “sổ quản lý chó”. Mỗi nhà chỉ nuôi một hai con, chích ngừa tử tế, không thả rông. Dắt ra đường phải bịt mõm, có xích. Nuôi trên năm con phải làm đơn “giải trình…”.
Một viên chức trong Ủy ban phường 6 quận 5 chán nản than dài “xã phường xưa nay nhân sự rất thiếu. Bây giờ bắt kiêm thêm vụ quản lý chó, người đâu cho đủ! Chó chạy rông cắn bậy, chó không sổ quản lý, ai dám đi bắt? Bắt về giam đâu? Làm sao biết chủ là ai mà qui trách nhiệm?
Một thành viên trong đội đi bắt chó rong của Chi cục Thú y thành phố cho biết trước nay chuyện bắt chó rong là nhiệm vụ của Chi cục Thú y. Người đi bắt có dụng cụ chuyên môn, có “nghề”. Chó bắt về có nơi giam nhốt, có “biện pháp xử lý”. Bây giờ chuyển giao nhiệm vụ này về phường xã, Chi cục Thú y sẽ nhàn, còn phường “lãnh đủ”. Người bắt chó chẳng may bị “cẩu xực”, tính sao. Chó có một con, bắt về tạm nhốt, không ai lên nhận, nó đẻ thêm chó con, tính sao?…
Người dân thành phố, nhất là người từng bị chó cắn, bị chó trong xóm phóng uế trước cửa, sủa cắn tru tréo mất ngủ …nghe thông tư 48 ra đời, hạn chế “cẩu quyền”, họ mừng khấp khởi, chừng đọc kỹ thông tư lại hết mừng. Một người dân khác lắc đầu “chó có sổ quản lý, nhưng chạy ra đường, không đeo bảng lý lịch trên cổ. Lỡ có chuyện gì, ai biết nhà nó ở đâu, chủ nó là ai mà tới bắt đền”. Một chị độc thân, nuôi con chó Chihuahua nhỏ, đi đâu cũng đeo trước ngực, không sợ chó cắn người, làm bậy trên đường, chỉ sợ mất trộm. Chị thắc mắc chó mất có phải trình báo, nuôi con khác có phải lập sổ mới. Đi đâu vắng đem gửi người khác ít bữa, có phải khai “tạm trú tạm vắng”??? Toàn những câu hỏi lẩm cẩm, nhưng rất sát thực tế, ai từng nuôi chó cảnh, đều băn khoăn vậy.
Cho tới nay, chuyện sắp xếp, di dời, quản lý người buôn bán hàng tươi sống, rau trái lề đường, đầu hẻm vẫn chưa được nên hồn, người Sài Gòn còn chưa thôi xì xầm, thì “lòi” thêm chuyện quản lý chó. Họ bảo nhau “Cái chó gì cũng đòi quản. Mà quản chẳng ra cái chó gì”.

Địu chó đi chơi
Chó Berger đang được ưa chuộng tại VN
Vui đùa với chó