Menu Close

Buffet chay mùa Vu Lan

Buffet chay của nhà hàng Việt chay trong sân chùa Vĩnh Nghiêm


Buffet chay

Nhân nói buffet chay, người Sài Gòn nào cũng biết danh tiếng nhà hàng Vân Cảnh đường Phạm Ngũ Lão, đối diện chợ Bến Thành. Đến đây, mua vé 100,000 đồng cho buổi ăn trưa, (buổi ăn chiều 120,000 đồng) thực khách tha hồ chọn lựa cả trăm món chay đủ loại, món nào cũng nêm nếm hết sức vừa miệng, chế biến sạch sẽ, đẹp mắt, giống y như mặn. So với các nhà hàng cùng kinh doanh buffet chay khác, Vân Cảnh được người thích ăn ngon bình chọn là number one. Kẻ viết bài hỏi vài thực khách nước ngoài đang đứng trước khay bánh bèo, bánh bột lọc chay, một khách nam cho biết suốt 7 năm Vân Cảnh tổ chức tháng buffet chay, anh đều hưởng ứng đủ. Không phải vì lý do tôn giáo, mà vì ăn thực phẩm chay thấy nhẹ người, sức khoẻ khá hơn. Cùng một lý do đó, một thực khách nữ  trẻ tuổi cho biết công ty chị đóng trên đường Nguyễn Huệ, buổi trưa  qua Vân Cảnh ăn chay. Chiều, ghé qua lần nữa  là xong, về nhà khỏi nấu nướng. Đắt nhưng đáng đồng tiền.

Buffet chay trong nhà hàng Vân Cảnh

Nói đắt thì đúng nhưng chưa phải đắt nhất. Đắt nhất phải là nhà hàng Việt Chay, tọa lạc trong khuôn viên chùa Vĩnh Nghiêm. Với ưu thế  “gần chùa gần Phật” , nhà hàng có lượng thực khách riêng, khá ổn định. Đó là các tăng ni sinh theo học trường Cao đẳng Phật học đặt trong chùa, các phật tử, du khách hành hương quanh năm, đông nhất vào các dịp rằm lớn, tết lễ.

Trang trí khá trang nhã, có máy lạnh, bàn ghế sạch đẹp, món ăn trình bày mỹ thuật với những tên gọi lạ tai, hay hay, trích từ Phật tích, phật điển như Kiến Phật kiến tâm (súp), Cửu niên diện bích (gỏi), Niêm hoa vi tiếu (sa kê chiên mè), Thưởng nguyệt luyến hoa ( rau câu)…Việt Chay đã làm khách móc túi trả tiền không ngần ngại. Về tính lại mới thấy mắc gấp đôi bên Vân Cảnh, đã thế nấu nướng, nêm nếm không sắc sảo, số lượng món ăn không nhiều, không chế biến hóa nhiều.

Món chay

Ngoài hình thức buffet được thực khách ưa chuộng vì thoải mái, tiện lợi, tự do thì hình thức gọi món vẫn có ưu thế riêng. Không  khó tìm những địa chỉ ăn chay ở Sài Gòn. Kinh nghiệm cứ chỗ nào có chùa, thể nào gần đó cũng có quán chay. Quán cơm chay Giác Duyên trên đường Thích Quảng Đức, Tịnh Tâm Trai đường Võ thị Sáu, Thuyền Viên đường Nguyễn Văn Đậu, Giác Đức đường Nguyễn Đình Chiểu, Việt đường Lê Quang Định…tất cả đều đông khách. Giá cả tỏ ra phù hợp với túi tiền người bình dân: gỏi cuốn 3.000 đồng/cuốn, bún bò, bún cà ri, hủ tiếu đồng giá 15.000 đồng/tô, gỏi ngó sen 25.000 đồng/dĩa, lẩu bách hoa 100.000 đồng/lẩu. Đậu nành 5.000 đồng/ly hay bịch. Từ trưa tới tối, khách đến ăn, mua về, đặt qua điện thoại, rất tấp nập. Một thực khách trong quán Thuyền Viên thẳng thắn nhận xét  ở đây vệ sinh không được quan tâm bằng yếu tố ngon miệng, giá rẻ, số lượng nhiều. Nhưng nói nào ngay, ăn đây lâu mà chưa hề bị làm sao hết.

Phần ăn hai người 100,000 đồng ở tiệm cơm chay Giác Duyên gồm cơm lá sen, đậu hủ chiên và bún bì

Ăn… chay

Có vẻ, với người ăn chay, nhất là phụ nữ, ngoài chuyện thay đổi khẩu vị, giảm cân, tồt cho sức khoẻ, thì yếu tố tâm linh cũng quan trọng. Ăn chay là không sát sanh, biết quý trọng đời sống muôn loài, trưởng dưỡng thiện tâm. Miếng ăn chay vì thế, tưởng nhỏ, nhưng thực sự có ý nghĩa lớn. Hiềm nỗi cung cách…ăn chay của ta còn có chút điều đáng bàn.

 

Giàn đồ cúng  Vu Lan ở chùa của người Hoa

Không dám nói tới chuyện món chay làm y hệt món mặn cùng tên như cà ri, gà quay, cá kho, tôm rim…khiến người khó tánh bất bình cho rằng ăn chay như vậy là vẫn tơ tưởng ham hố đồ mặn, không tốt. Người dễ tánh nói món chay (nhất là trong các chùa sư nữ) giả mặn khéo tới nỗi không phân biệt được bằng mắt, vậy mới là nghệ thuật. Ăn mấy món đó vừa đẹp mắt lại ngon miệng, rất thích… Ở đây chỉ bàn về sự “con mắt to hơn cái bụng” của khách ăn buffet. Tâm lý những người này là mất tiền mua vé, lấy bao nhiêu là quyền họ, ăn hết hay bỏ mứa, không ai được nói. Họ đứng lên ngồi xuống liên tục, tha lôi về bàn mình những đĩa đồ ăn đầy ứ. Mỗi thứ chỉ nếm vài miếng là bỏ. Bị người chung quanh nhìn ngó xì xầm, khi anh hầu bàn nhắc nhở là họ nổi quạu, cự nự to tiếng. Cung cách ăn “buffet rừng” này, tiếc thay, không chỉ xảy ra trong nước, không chỉ món chay, mà chỗ nào có buffet, là có cách ăn uống rừng đó.

Phóng sinh cá

Chả thế mà thời gian qua, nhiều du khách đi “tua” giá rẻ đến các nước lân cận về, đều phản ảnh trong các nhà hàng khách sạn bên đó, khách quốc tế thì nhiều, nhưng bảng cấm lấy đồ ăn thức uống mang lên phòng thì chỉ ghi bằng tiếng Việt, thậm chí còn có bảng ghi sẽ bị phạt tiền nếu ăn không hết những thứ đã lấy về bàn, dĩ nhiên cũng bằng tiếng Việt (!). Hỏi một vài hướng dân viên du lịch về vấn đề này. Họ xác nhận đúng. Họ nói rằng Quản lý nhà hàng không muốn làm mất lòng khách, chỉ phàn nàn lịch sự với hướng dẫn viên thôi. Nhiều lần như thế, rất quê mặt, nếu không muốn nói nhục quốc thể.

Thế mới biết, người xưa khuyên học ăn, học nói, học gói, học mở là có lý do, chỉ tiếc bây giờ, ở xã hội này, con cháu không được giáo dục những điều đó, mới nên nỗi. Vu Lan năm nay, xem chừng lượng người đi ăn vẫn nhiều hơn người đi học từ miếng ăn. Và như thế, thật đáng buồn!

XH