Rác sinh hoạt và rác công nghiệp được thu gom về đổ tràn lan tại các bãi lậu. Ở đó, những mảnh đời nghèo khó từ khắp nơi hội tụ về để kiếm sống trong môi trường ô nhiễm trầm trọng và bị kiểm soát bởi những cai thầu.

Sống nhờ vào rác
Dưới cái nắng gay gắt đến cháy da, một nhóm khoảng chục người đàn ông, đàn bà, thanh niên, con nít đang hì hục đào bới bên bãi rác Tân Cang (xã Phước Tân, huyện Long Thành). Không khẩu trang, không găng tay, không giày dép, chỉ với cái mũ vải đội đầu, bộ quần áo rách rưới và chiếc xẻng nặng trịch, họ cặm cụi xắn từng xẻng rác đã được ủ hoại thành phân.

Hai mẹ con bươn chải ở bãi rác để mưu sinh
Phân ở đây được làm từ đủ các loại rác. Giữa bãi rác rộng mênh mông, bốc mùi hôi thối cùng làn khói bay mùi khét lẹt, mỗi người thợ chọn cho mình một chỗ để sàng, đãi rác lấy phân. Một ngày làm việc của họ bắt đầu từ 3-4 giờ sáng và kết thúc lúc 7-8 giờ đêm. “Ở đây tụi em phải làm việc cật lực thì 2-3 ngày, có khi trời mưa thì 4-5 ngày mới sàng được 2 xe phân 4 mét khối. Mỗi xe như vậy tụi em được trả 200.000 đồng, chủ bãi hưởng 100.000 đồng” – anh Gõ (một thanh niên quê ở Bạc Liêu) cho biết như thế. Được biết, ông Hai C. (cai thầu rác) là người giới thiệu cho những “thợ” sàng phân như Gõ đến bãi rác Tân Cang làm việc. Ông này cũng là người liên hệ với các mối tiêu thụ, cung cấp cho các nhà vườn. Hết bãi rác này, ông Hai C. lại liên hệ với bãi rác khác để đưa những người “thợ” ấy đến làm.

Bé phụ cha mẹ nhặt rác
Cạnh bãi sàng phân rác dành cho đàn ông là bãi rác tươi đang có một nhóm phụ nữ, trẻ em loay hoay bươi móc, nhặt nhạnh bọc nylon, dép nhựa, ca nhựa và cả quần áo, đồ ăn, thức uống… nằm lẫn lộn trong đống rác đầy ruồi nhặng, dòi bò lúc nhúc và bốc mùi hôi nồng nặc. Họ chính là vợ, mẹ, con (trẻ 4-5 tuổi cũng phải đi làm) của những người đàn ông sàng, đãi phân kia. Những người này được chủ bãi rác giao nhiệm vụ phân loại, san bằng bãi rác mỗi ngày. Đổi lại, họ được thu nhặt phế liệu, ve chai để bán. Mỗi ngày khi trời vừa hừng sáng, xe chở rác đổ rác tươi xuống bãi là những người phụ nữ ở đây vội vàng nhào đến để giành giật, bươi tìm lấy bất cứ thứ gì có thể bán ve chai hay còn xài được. Sau đó, họ có trách nhiệm san bằng bãi rác lại cho chủ bãi . Chị Nguyễn Thị Ánh Lan (quê ở huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) nói. “Những đồ lượm được, được bán cho chủ bãi rác với giá thấp hơn giá thị trường. Bọc nylon bán cho bên ngoài được 800 đồng/kg, còn chủ bãi chỉ mua 500 đồng/kg; nhựa phế liệu giá bên ngoài 5.000đồng/kg, chủ bãi mua 3.500 đồng/kg.

Ước nguyện không thành
Thấy có người lạ đến hỏi thăm, anh Nguyễn Trung Hiếu đang sàng phân liền dừng xẻng rồi mời chúng tôi vào lều nói chuyện. Nói là lều cho sang chứ thực chất đây chỉ là chỗ ở được dựng bằng những cây tràm và mấy tấm nylon, bạt nhựa cũ mà họ nhặt được trong bãi rác. Đó cũng là chỗ ăn ở, sinh hoạt của khoảng 10 gia đình ở bãi rác Tân Cang từ ngày này qua tháng kia. Anh Hiếu cho biết, quê anh ở huyện Phụng Hiệp nhưng đã có gần 20 năm lang bạt khắp nơi theo nghề làm rác. Khởi sự từ bãi rác ở Vũng Tàu, sau đó theo cai thầu sang bãi rác Thủ Dầu Một, rồi lại xuống bãi rác Long Khánh… Cùng hoàn cảnh với anh Hiếu là gia đình anh Hùng, anh Chuyên, bà Duyên, chị Lan, chị Út (hiện có 10 gia đình với 30 nhân khẩu sống ở bãi rác Tân Cang)… “Những anh chị em ở bãi rác này đều là dân miền Tây, đều không có ruộng đất, tài sản dưới quê”, anh Hiếu nói.

Cụ già bên đống rác
Sống theo nghề rác nên việc ăn ở tạm bợ, thiếu thốn mọi thứ là chuyện thường tình đối với họ. Những đứa trẻ đã phải lăn lộn cùng cha mẹ nơi hôi thối, đầy ruồi nhặng này. Không chỉ chịu đựng cảnh lem luốc, ô nhiễm và thiếu thốn đủ thứ mà những đứa trẻ nơi đây còn có nguy cơ bệnh tật và không được đến trường. Như chị Út, mới sinh con được 2 tháng đã phải bỏ con lăn lóc trong lều để ra bãi rác phụ chồng làm việc. Đứa trẻ ấy giờ đây gần 1 tuổi nhưng do sống trong môi trường ô nhiễm, ăn uống thiếu thốn nên bị suy dinh dưỡng nặng, thân thể còi cọc. Còn bé Na, thằng Quýt thì đã 7-8 tuổi rồi nhưng do cha mẹ quá nghèo, nên chúng không được đi học, người đen nhẻm, ốm nhom. “Mấy bữa rồi trời mưa quá nên tụi nhỏ ở đây bị cảm, có đứa tự dưng sưng mặt, sưng miệng, còn mấy đứa này ghẻ lở quanh năm” – bà Duyên chỉ vào đám trẻ chừng chục đưá nói vậy. Cho nên, cha mẹ chúng phải bỏ bữa làm, đưa con đi bệnh viện điều trị. Nhiều gia đình, mấy tháng quần quật làm việc dành dụm được vài triệu đồng, gặp con bệnh coi như trắng tay. Hết tiền, họ lại vay mượn của hàng xóm hoặc chủ bãi, cai thầu. Rồi lại quần quật làm trả nợ.

Túp lều nghỉ tạm tại bãi rác
Chị Bé Năm, quê ở Bạc Liêu, tâm sự: “Ngày vợ chồng tui theo người ta làm nghề rác này định bụng trong 5 năm sẽ dành dụm tiền để về quê mua đất làm ruộng. Nhưng đến nay đã 7 năm trôi nổi từ bãi rác này sang bãi rác khác mà vẫn đói cơm rách áo.

Bươi rác
Chúng tôi còn gặp ở các bãi rác Bắc Sơn, Sông Mây, Tân An… những ước nguyện không thành như thế.
