Chỉ cần một con mồi tôm bằng… nhựa, người ta có thể câu hàng chục ký mực tươi từ biển! Bám bè tôm hùm để câu mực đã thành một thú chơi tuyệt vời.

Đồ nghề gọn nhẹ
Nghe lời rủ rê của “dân nhà nghề bám bè tôm hùm câu mực Đoàn Văn Dinh ở Tuy Hòa, tôi liền tháp tùng theo anh ra vùng biển An Chấn. Đồ nghề mang theo, ngoài đồ câu là mấy gói mì, áo ấm, áo mưa và có cả vài lá ngãi cứu để “lấy hên” mà câu được nhiều! Riêng điện thoại di động, máy ảnh… thì phải bọc nylon cẩn thận để phòng ngừa muối biển, lỡ rơi xuống nước.

Chuẩn bị ra bè đi câu mực
Đến bãi biển Mỹ Quang Bắc, An Chấn, tôi mới biết có cả một “dịch vụ” để phục vụ dân câu bè. Mấy ngôi nhà rộng rãi để khách câu gởi xe máy, ghe máy chuyên chở khách từ bờ ra bè 10,000đ/người/chuyến ra vào, muốn mua thức ăn uống gì cũng có sẵn nơi mấy nhà bán quán dọc bãi… Giá cả bình dân. Anh Dinh cùng nhiều người đi câu khác đã trở thành khách thân của họ.

Du khách theo thuyền thúng câu mực
Từ bãi Bắc Mỹ Quang, chúng tôi lên ghe máy chạy chừng 20 phút đến khu vực bè tôm gần Hòn Chùa. Các nhà bènằm san sát như một thị trấn nhỏ giữa trùng khơi. Đang lúc tôm còn nhỏ nên buổi chiều trên bè hầu như chỉ có dân câu, cùng một số chủ bè cũng có… máu mê câu. Rời ghe leo lên bè đã 5 giờ chiều. Dụng cụ câu mực giản tiện, không phải tốn kém công phu, chỉ một thanh tre chưa đến sải tay, phía đầu có một vòng nhỏ để thông dây cước từ cuộn ống bơ xuống nước. Tôi hỏi anh Dinh: “Câu mực bằng mồi gì?”, “Đây!” – Dinh moi giỏ giơ ra một con tôm nhựa bằng ngón tay trỏ có màu sắc xanh đỏ kim tuyến sặc sỡ, phía đuôi tôm là hai lớp lưỡi câu chùm, trên có gắn miếng chì nhỏ cho dễ chìm.
Câu mực đêm trên bè
Chiều mát, nước biển trong lờ, có thể nhìn thấu đáy những bầy cá, mực, tôm bơi thong dong kiếm ăn trong nước. Anh Dinh nhanh nhẹn men theo khung bè làm bằng từng cặp cây gỗ tròn, thả “tôm” xuống nước vài mét cước, tay nhấp nhứ, giật liên tục. Chỉ một loáng đã có một nhóm mấy chú mực lá, loại chuyên núp bè kiếm ăn, vờn quanh ngắm nghía con “tôm”. Hai ba chú chen nhau, rồi một chú giương chùm râu túm lấy mồi. Anh Dinh giật phăng, thu dây, cầm đầu “tôm” lắc nghiêng: một “chú” mực đã nằm trong chậu!

Wow, con mực bự quá…
Anh Dinh giải thích: “Khi câu mực, tay mình phải nhấp, giật liên tục để “tôm” búng nhảy như còn đang sống, “kích động” những con mực háu ăn nhào vô! Râu mực mềm nhưng bấu rất chặt nên khi dính vào chùm lưỡi câu là ăn chắc, khó bị sơ sẩy như câu một số loài cá. Chạng vạng và bình minh là lúc mực đi ăn nhiều nhất; lúc này màn nước biển không quá sáng nên dễ “lừa đảo” mực lá bằng… tôm nhựa! Chứ lúc khác, mực dễ nhận ra “đồ giả”!

Mực lá vừa câu được
Một điều khác lạ, khi câu mực vẫn có thể trò chuyện, nghe nhạc thoải mái, không sợ “đối thủ” bị đánh động. Anh Dinh chăm chú nhấp giật đôi phút nữa là lại có thêm một chú mực hơn một lạng mắc câu. “Cỡ này mà nấu mì gói ăn thì chỉ có nước đem… đỗ bỏ!!!”, anh Dinh khoan khoái nói vui. Tôi chọn chỗ ngồi cho vững trên thành bè và thả “tôm”, hồi hộp nhấp, giật.

Săm soi những con mực vừa câu được
Chăm chú một hồi đã gần 7 giờ tối, “chiến lợi phẩm” của hai anh em đã 13 “chú” mực lá, chừng trên 1kg. Anh Dinh tạm dừng câu, vớt 6 con mực bự đem luộc trên bếp dầu để ăn mì gói. Đang lúc bụng đói, tôi “làm” luôn hai gói với ba con mực tươi ròng!
Chỗ nghỉ trong nhà bè không rộng nhưng nằm nghe sóng biển, tôm cá quẫy, nghe nhạc… tôi ngủ lúc nào chẳng hay. Khoảng 22g, anh Dinh lò dò dậy để câu. Anh Dinh bảo: Ban đêm, đôi khi mực cũng đi ăn khá. Trời tối, không nhìn thấy mực ăn “tôm” nhưng tay nhấp liên tục, khi nào thấy nặng thì giật phăng, cuốn dây là… có ăn!”. Đêm đó, anh Dinh còn thức dậy câu thêm một lần nữa; đâu được khoảng chục con mực kha khá. Riêng mực cỡ trên một kg mỗi con, với kiểu câu này, anh Dinh cho biết chỉ thỉnh thoảng mới câu được đôi con. Khoảng 4-5 giờ sáng,, khi bình minh bắt đầu nhấp nhoáng, mực cắn câu thấy mà ham! Anh Dinh miệng cười tay giật, đến lúc trời sáng tỏ là thu dọn “chiến trường”, ngồi nghỉ ngơi, lấy điện thoại gọi ghe đưa vô bờ.
Thế là tôi đã hoàn thành một chuyến câu mực, có chuyện để… “nổ” với bạn bè!