Menu Close

Tục cúng cô hồn

Trong tháng Bảy âm lịch, các chùa luôn tổ chức đại lễ Vu Lan báo hiếu. Chùa nào có  điều kiện còn mở trai đàn chẩn tế cho thập loại chúng sinh. Tinh thần bác ái này được dân gian tiếp nhận, mở rộng thêm, thành tục cúng cô hồn.

Đồ cúng

Ngày xưa, ở miền ngoài, dân quê cúng cháo lá đa (gọi là thí thực). Cháo trắng loãng múc vào các lá đa to, quấn hình phễu, cắm ở gốc đa đầu làng. Cô hồn chết ăn trước, cô hồn sống- là các trẻ chăn trâu- ăn sau. Ngày nay, cháo trắng được thay bằng trái cây rẻ tiền như cóc, ổi, mía, chuối, chôm chôm… Thứ đến các loại bánh khô (bánh quy, cốm, phồng tôm, snack), bánh tươi (bánh bò, bánh ít, bánh su sê, bánh da lợn). Thêm khoai lang, khoai mì, bắp luộc, vàng bạc, tiền đôla âm phủ… mỗi thứ một ít. Tổng cộng chừng một trăm ngàn đồng là được một mâm cúng đầy đủ lệ bộ. Để người mua khỏi mất thì giờ, trong các chợ Sài Gòn, hàng vàng mã, hàng trái cây, hàng khoai lang, mía ổi…luôn ngồi sát nhau, thành ‘đặc khu’. Trên đường, không thiếu gì các xe bán dạo với đầy đủ bánh ngọt, vàng mã, trái cây bỏ sẵn trong bao nylon. Các bà các cô ghé mua rất tiện.

Bán đồ cúng ven đường

Với các tiệm buôn, xí nghiệp, văn phòng giao dịch, thậm chí cơ quan nhà nước, mâm cúng cô hồn không đơn giản như mâm cúng nhà dân. Chị T. thủ quỹ hợp tác xã MT, có hơn 300 đầu xe chạy các tuyến miền Trung cho biết, việc chạy xe đường trường tiềm ẩn nhiều rủi ro nguy hiểm đến tính mạng tài xế, hành khách, nên chủ xe rất siêng cầu cúng. Bình thường ngày 16 tháng nào cũng cúng xe huống chi Rằm tháng Bảy. Đồ cúng cô hồn rất hậu hĩ- heo quay, gà, vịt, bánh hỏi, bia, nước ngọt, trái cây…tất cả đều đặt hết trên bàn, khiêng ra phía trước thềm. Đích thân anh chủ nhiệm hợp tác xã đốt nhang. Tiền cúng lấy từ quỹ, ghi đàng hoàng là chi cúng cô hồn.

Một gian bán đồ cúng ở chợ mùa Vu Lan

Cúng “sung” nhất, phải kể các nhà buôn Chợ Lớn. Ngoài con heo quay nằm giữa bàn bánh trái, đồ vàng mã, vàng miếng, đô la âm phủ… họ còn “thùng lùng” (quăng vãi) cả đống tiền cắc, tiền giấy loại 500 đồng, 1000 đồng. Ông Tài Hồi Lục, gốc người Quảng Đông, sang Chợ Lớn làm ăn, cho biết “cúng như thế, vài triệu. Tốn kém nhưng buôn bán phải vậy, để “ho” khỏi phá phách”.


Cướp cô hồn

Trên lý thuyết, đi cướp cô hồn là chuyện của trẻ con. Thời điểm “ra tay” là lúc vàng mã hóa xong, gia chủ phát lệnh ‘cho tụi bay cướp đó!’. Trong thực tế, ở Sài Gòn bây giờ tuổi cướp cô hồn đã được nâng từ U10 lên U20, thậm chí …U già. Và vì già, nên cách cướp không dễ thương như trẻ con. Nhiều “nạn nhân” của bọn cướp, đa số là phụ nữ, kể “chưa đốt nhang xong đã”. Nói về bọn cô hồn sống này, người Sài Gòn vừa sợ vừa ghét kiểu nửa ăn cướp, nửa xin đểu của chúng nhưng không dám phản ứng mạnh. Bà Chi, chủ tiệm mành trúc ở đường Lý Thái Tổ quận 10 bảo “biết nhà, biết mặt hết nhưng thưa công an sợ chúng trả thù. Hơn nữa chuyện cũng nhỏ xíu, nên thôi”.

Gian hàng đồ mã

Mâm đồ cúng tháng Bảy ở mộ

Từ sau rằm tháng Bảy trở đi, khi việc cúng cô hồn rộ lên. là lúc các bà cúng cô hồn, thường vào ban trưa, không thì buổi chiều năm sáu giờ. Mấy thằng “nằm vùng” phát hiện đám cúng lớn, sẽ gọi điện thoại phi báo cả bọn. Hai thằng một xe. Thằng lái nổ máy sẵn. Thằng cướp nhảy xuống, trút đồ cúng vô túi xách (hay ba lô). Xong “vọt” luôn. Cứ vậy, gà vịt, heo quay ăn đều đều, còn dư bán lại cho hàng cơm, hàng xôi quen”. Nghe chuyện, kẻ viết bài ngỏ ý xin theo cho biết, Cu Tai Lớn xua tay “Nhiều công ty cử bảo vệ gác đám cúng. Có nhà đem chó xích phía trước. Không thì đích thân chủ nhà bắc ghế ngồi, cầm cây cầm gậy. Chưa kể các băng khác, ghen ăn, chặn cướp “chiến lợi phẩm’ dọc đường. Theo nguy hiểm lắm”.

Xe bán dạo dồ cúng cô hồn

Tục cúng cô hồn tháng Bảy, xét về mặt văn hóa, thì rõ ràng nó phản ảnh niềm tin vào thế giới bên kia, cũng có con người và sinh hoạt mua bán, ăn uống, tiêu dùng, vui buồn, no đói… y như thế giới bên này. Qua mâm cúng, người dương muốn tiếp tế, chia sẻ, theo ngôn từ bây giờ gọi là ‘tái phân phối lợi nhuận kinh tế’, cho người âm nghèo đói, vất vưởng. Bảo mê tín dị đoan không sai, nhưng trong đó có tình thương, có sự lân mẫn giữa người và người, nên không cấm được, đến “ông nhà nước” còn phải tin theo. Cướp cô hồn “sinh r” từ  cúng cô hồn. Bình thường, không sao, nếu không muốn nói là giúp xua bớt âm khí ảm đạm, nặng nề cho đám cúng. Tuy nhiên, lạm dụng để cướp bóc là điều không nên.

XH