Thị trường vàng ở Sài Gòn đang hết sức sôi động. Trên thị trường vàng ảo- gọi nôm na là sàn vàng- các nhà đầu tư tấp nập “lướt sóng” khi giá vàng trong nước tăng liên tục, từ 21 triệu đồng một lượng (37,5gr) lên 21.5 triệu, 22 triệu, 22.1 triệu… Không phải là thầy bói mù, nhưng các nhà đầu tư vẫn phán từ đây tới cuối năm giá vàng còn lên nữa, Không chơi vàng ảo, những người thích ăn chắc mặc bền lại chọn mua vài lượng, chục lượng vàng 24K của công ty PNJ hay SJC “thủ trong mình”. Trong tuần qua, khi giá vàng lên mạnh, họ lập tức bán ra. Mỗi lượng lời 600,000 đồng, 10 lượng lời sáu triệu. Không làm gì lời nhanh bằng vậy. So với gửi tiền ngân hàng, mua đô trữ thì mua bán vàng vẫn hơn. Hai phụ nữ lớn tuổi đang ngồi chờ giao dịch trong tiệm vàng Thị Nghè đã khuyên kẻ viết bài như vậy.

Đôi điều về vàng
Không tiêu thụ nhiều vàng bằng dân Ấn Độ, Trung Quốc, Mỹ, Trung Đông, nhưng người Việt Nam nào cũng sở hữu vài món nữ trang bằng vàng. Ngoài chuyện đeo cho đẹp, vàng được coi là của phòng thân, khi cần có thể đổi thành tiền mặt dễ dàng. Nếu người Ý chuộng vàng 9K, 10K, người Mỹ thích vàng 14K, người Pháp ưa vàng 18k, người Canada ưu tiên vàng 21K thì người Việt nghiêng về vàng 24K và 18K.
Vàng đương nhiên màu vàng. Nhưng tùy theo các hợp kim pha thêm, vàng có thể hơi đỏ, hơi trắng, thậm chí phớt xanh. Ngoài ra còn có vàng trắng. Vàng trắng là tiếng gọi chung Platium (bạch kim) và một hợp kim khác- white gold- gồm vàng+ bạc+ nikel (hoặc Pladium). Tuy đều được gọi là vàng trắng nhưng bạch kim đắt hơn do chỗ hiếm hơn white gold nhiều. Hơn chục năm trở lại đây, giới trẻ Việt Nam, do ảnh hưởng văn hóa tiêu thụ Nam Hàn Quốc, Châu Âu, Mỹ, đã chuyển mạnh từ việc dùng vàng 24K, 18K sang white gold.

Vàng 9999 đang được ưa chuộng tại VN
Nhân chuyện mua bán vàng đang diễn ra sôi động trên thị trường, kẻ viết bài đã “tra khảo” một chủ tiệm vàng quen biết ở quận Tân Bình, để lấy những “lời khai” như sau “Vàng 24K, 18K mua theo giá thị trường chứ không theo giá ghi trên hóa đơn. Còn vàng trắng, mua theo giá trên hóa đơn nhưng trừ 20%. Kim cương trừ 5%. Nguyên tắc mua ở tiệm nào thì khi bán ráng tới tiệm đó mà bán. Trong giao dịch, chủ tiệm vàng luôn lời, còn khách luôn luôn lỗ”. Như vậy tiệm vàng nào cũng giàu, nhà vàng nào cũng bất lương? Đúng! Anh chủ tiệm vàng thẳng thắn gật đầu. Anh giải thích tiếp: “Vàng 24K còn gọi là vàng bốn số chín. Có nghĩa không phải 100% đều là vàng, mà có pha thêm đồng hay bạc (hợp kim pha thêm đó gọi là “hội”). Trong thực tế, người ta có thể pha đến 5% hay 10% “hội”, khi đó vàng chỉ còn 95% hay 90% nguyên chất, tiếng trong nghề gọi là vàng 9 tuổi rưỡi hay vàng 9 tuổi (nhưng khi bán ra, vẫn nói là vàng mười tuổi tức là 100% vàng nguyên chất). Vàng 18K, tiếng trong nghề gọi là vàng bảy tuổi rưỡi, vàng bảy tuổi. Có nghĩa là trong 100 đơn vị vàng, chỉ có 75%, 70% là nguyên chất. Trên thực tế, không có đồ nữ trang vàng 18K nào đủ 7.5 tuổi hay 7 tuổi mà chỉ từ 6.5 tới 6.7 tuổi. Dĩ nhiên bí mật này khách không biết.

Một tiệm vàng nữ trang ở VN
Bán ra vàng 24K, vàng 18K non tuổi, tiệm vàng đã lời một mớ. Đến khi mua lại của khách, sẽ lời thêm mớ nữa do phù phép cán cân. Khách bán vàng vì cần tiền gấp dù biết bị o ép, bị cân gian cũng cắn răng chịu (đi tiệm khác cũng y vậy). Khách không bán vàng vì túng, mà bán để thêm tiền mua cái mới, thì rẻ một chút, họ cũng không buồn so kè. Đây chỉ mới nói mua bán vàng miếng, chưa nói vàng nữ trang hay đồ cẩn hột. Mấy thứ này, người bán còn bị thiệt thòi nhiều. Thứ nhất, tiệm vàng chỉ mua vàng chứ không mua hột cẩn trên đồ nữ trang (thí du hột sa phia, ruby, cẩm thạch). Thứ hai đồ bán luôn bị trừ tiền công, trừ hao mòn, trừ xuống màu (xỉn).
Ngoài chuyện lời do cân điêu bán thiếu, tiệm vàng còn lời nhờ dịch vụ đổi tiền- nhất là đôla Mỹ. Tuy các tiệm vàng đều treo bảng cho biết họ là “chân rết” của ngân hàng nào đó nhưng trong thực tế, tỷ giá chuyển đổi từ tiền Đô qua tiền Việt của tiệm vàng tư nhân bao giờ cũng cao hơn ngân hàng chính thức ít nhất 1,000 đồng/ 100 đôla. Vì vậy, người dân có nhu cầu mua bán đôla Mỹ thường tìm tới tiệm vàng. Thời giá hiện nay là 1,830, 000 đồng Việt Nam ăn 100 đôla.

Xếp hàng mua vàng khi vàng lên “cơn sốt”
Đi học làm vàng
Để học nghề thợ vàng bạc, từ khi chưa biết gì cho tới khi ra thành nghề, phải mất trung bình hai năm. Có thể học theo kiểu truyền nghề, cũng có thể tới các trung tâm dạy nghề của quận huyện thành phố. Học sinh rớt tốt nghiệp, theo học nghề thợ bạc khá đông. Một thợ bạc già từng làm công cho một số tiệm vàng ở quận 1 cho biết “Nghề vàng rất rộng. Học dễ nhất là đánh dây chuyền, lắc tay. Khó hơn thì học dũa, phân kim. Khó hơn nữa học cẩn hột. Đòi hỏi tỉ mỉ nhất là học làm đồ chạm. Trước đây, tiệm vàng nào cũng nuôi thợ ruột. Mẫu mã do họ làm ra, thường là độc quyền. Bởi vậy cùng chiếc lắc, nhưng trong giới với nhau, chỉ nhìn kiểu chạm, kiểu cẩn hột là biết ngay chiếc lắc của tiệm ai”.

Một tiệm vàng lớn ở Sài Gòn
Nguy hiểm nghề vàng
Tháng 3 năm 2009, bốn nhân viên tiệm vàng Tân Kim Hiếu bị tên Huỳnh Hữu Nhân tấn công, suýt mất 400 cây vàng. Tháng 4, chủ tiệm vàng Phượng Sử- chợ Bến Thành mất 1 tỷ 2 khi cho nhân viên ôm tiền mặt tới đổi 70,000 đôla tại một căn nhà ở đường Lê Văn Sỹ. Tháng 8, tiệm Kim Ngân quận 9, lúc 8 giờ rưỡi tối, bị một tên cướp vào đập tủ kính lấy 26 cây vàng, tẩu thoát an toàn bằng cách… chạy bộ…Tất cả các vụ cướp này đều có chung đặc điểm là bất ngờ, chớp nhoáng khiến người trong cuộc không kịp trở tay, nhất là khi bọn cướp hầu hết đều có “hàng nóng”, bước vào là bắn ngay. Thời điểm ra tay của bọn chúng thường vào buổi trưa hay buổi tối vắng người.
Khi bị cướp, các chủ tiệm vàng đều trình báo cảnh sát nhưng tỷ lệ phá án thành công rất thấp khiến họ phải “tự cứu trước khi trời cứu” bằng cách thuê bảo vệ, hạn chế giao dịch các phi vụ lớn bên ngoài tiệm vàng, lắp đặt hệ thống camera quan sát, hệ thống báo trộm, làm hộp điện (phòng khi bọn cướp kéo cầu dao ngắt điện trong tiệm), thay mặt kính thường bằng kính không bể, gắn nẹp inox mài bén trên mặt quầy (phòng khi kính bị đập bể, tên cướp cho tay xuống quơ vàng sẽ bị nẹp cứa rách thịt), bên dưới quầy có khoang trống để chủ tiệm hụp xuống tránh đạn, nếu chẳng may… Anh Tuấn, chủ tiệm Kim Khánh đã dẫn kẻ viết bài đi coi hệ thống chống trộm cướp trong tiệm mình và giải thích công dụng từng thứ. Anh nói các nhà vàng Sài Gòn hầu hết đều cha truyền con nối, nghĩa là những khó khăn nguy hiểm của nghề đều biết, những cách thức đánh hàng, chuyển tiền, huy động vốn đều không phải tay mơ. Thế nhưng nếu không nhờ đi nước ngoài coi tận mắt lưới sắt, cửa kính ngăn người mua người bán, hệ thống theo dõi từ xa, dàn bảo vệ chuyên nghiệp… của các tiệm vàng bên đó thì không dễ gì khi về biết “pháo đài hóa” tiệm mình.
Vàng không xấu
Nói về vàng là một câu chuyện không bao giờ dứt. Với nhà đạo đức học, vàng có thể là gốc rễ tội ác. Với nhà khoa học, vàng là kim loại thần kỳ, có nhiều ứng dụng trong y tế, công nghệ, mỹ thuật. Với nhà chính trị, vàng là công cụ giúp ổn định xã hội, củng cố quyền lực quốc gia…Vàng đã, đang và sẽ tiếp tục có mặt trong thế giới loài người bất chấp mọi biến đổi của thời gian, không gian. Tuy vậy, công và tội của vàng lại không do bản thân nó quyết định mà do nơi con người, tựa như việc cầm con dao hai lưỡi, đứt tay hay không, chẳng phải tại dao.