Menu Close

Vớt củi trong lũ lụt

Có mặt ở Đà Nẵng một ngày sau khi cơn bão số 9- tên quốc tế là Ketsana- vừa rút đi, điều đầu tiên đập vào mắt kẻ viết bài là khung cảnh hoang tàn dọc bờ biển dài hơn 10 cây số.

Với tường chắn sóng bằng bê tông mới được hoàn chỉnh sau cơn bão Sansane hai năm trước, đường Nguyễn Tất Thành từng được hy vọng sẽ trụ vững trước cuồng phong bão tố. Thế nhưng khi bão Ketsana thổi vào, toàn bộ con đê chắn sóng đã bị bão vặn đứt từng đoạn dễ dàng, hệt một con mãng xà bị chém thành nhiều khúc. Trên bãi tắm Mỹ Khê, ngày thường cát trắng tinh khôi, mịn màng sạch sẽ là vậy mà bây giờ ngổn ngang cây gỗ lớn nhỏ đủ loại do sóng cuốn từ thượng nguồn về, chất đống, tạo thành một bãi củi khổng lồ. Không bỏ  dịp may trời cho, sáng ngày 2 tháng 10, khi trời quang mây tạnh, biển êm trở lại, người dân Đà Nẵng rủ nhau mang cưa, mang xe vận tải tới “làm thịt” bãi củi.

Thành phố Đà Nẵng ngập nước

Gạt mồ hôi trên gương mặt còn phảng phất nét kinh hoàng vì cơn bão dữ vừa qua, ba người đàn ông ì ạch khiêng một thân cây nói “nhà cũng bị tốc mái, nhưng cứ tạm để đó, ra đây kiếm gỗ bán kiếm tiền đã” Một nhóm khác, có cả trẻ em, ý chừng là một gia đình, đang dùng dao rựa róc nhánh cây. Họ cho biết, tháng chín tháng mười năm nào khi lũ lụt dâng lên thì củi đầy  sông miền Trung. Ngay khi lũ còn  đang lớn, mưa còn nặng hạt, phụ nữ  đã đội mưa ra bờ sông (biển) dùng sào khoèo củi. Đàn ông sức vóc gan dạ hơn thì ngồi ghe, chống bè xuôi theo dòng nước, kè những súc gỗ lớn vào bờ. Giá một cây gỗ tốt, bán rẻ tại chỗ cũng được vài trăm ngàn tới vài triệu. Lợi như vậy nên dù nguy hiểm tính mạng dân nghèo vẫn rủ nhau đi vớt củi. Năm nay, bão số 9 gió to kết hợp với lũ dữ, không cần ra sông (biển) vớt như mọi năm, chỉ ngồi trên bờ cũng có củi, chỉ sợ không đủ sức khiêng.

Bãi biển Mỹ Khê sau cơn  bão

Dân nhặt củi dùng xe tải chở “chiến lợi phẩm” trên bãi biển Mỹ Khê

Dọn rác trên bãi biển sau cơn bão

Khắp thành phố Đà Nẵng, tình nguyện viên cùng người dân nhanh chóng dọn rác, sửa chữa nhà cửa, khai thông đường bị tắc nghẽn. Vì vậy, chỉ sang ngày mùng 3/10, các cơ quan hành chánh, các trung tâm giao dịch, trung tâm thương mại đã trở lại hoạt động bình thường. Những mặt hàng được tiêu thụ mạnh nhất là mì ăn liền, rau tươi và nước tinh khiết. Một phụ nữ đứng lựa rau trong chợ Đà nẵng phàn nàn “ngày thường rau muống tươi ngon chỉ ba ngàn một bó, ngày lũ tăng gấp đôi gấp ba. Cải ngọt, cà chua, hành ngò, rau sống… cũng đồng loạt tăng, mà cũng phải đi sớm, giành giựt mới có đồ ngon”

Một chủ tiệm sắt ở khu phố trung tâm Đà Nẵng cho biết tôn lợp nhà, xi măng, vôi, gạch, sắt thép, dây kẽm, đinh…bán rất chạy. Không chỉ vật liệu mà thợ xây cũng khan lắm, kiếm không ra.

Càng đi dài xuống các huyện Núi Thành, thị xã Hội An, Tam Kỳ, Trà My… dọc bờ biển Quảng Nam mới thấy người dân khổ vì không tiền, không cơm áo, không phương tiện mưu sinh. Các phụ nữ tiếc của cắm cúi bới tìm đồ đạc trong vô vọng dưới đống bùn dầy trước đây từng là nhà cửa sân vườn của họ. Các em nhỏ mếu máo, không chỉ tiếc chiếc đèn lồng chưa kịp rước, mà cái chính là tiếc sách vở mới mua ngày tựu trường, chưa dùng được trọn tháng thì đã bị lũ cuốn trôi. Số người bị chết, nhà cửa, gia súc, hoa mầu bị tổn hại của Quảng Nam- Đà Nẵng tuy không thảm khốc bằng hai tỉnh Quảng Ngãi và Kon Tum, nhưng cũng không dưới năm ngàn tỷ đồng. Muốn tái thiết Quảng Nam- Đà Nẵng nói riêng, miền Trung nói chung chắc chắn không thể một sớm một chiều.

Bờ Kè trên đường Nguyễn Tất Thành, Đà Nẵng bị bão phá hủy rất nặng

Cứu trợ khẩn cấp

Trong công tác cứu trợ thiên tai bão lũ hàng năm, Sài Gòn luôn là thành phố hăng hái nhất. Ngay từ khi bão số 9 còn đang lồng lộn điên cuồng ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Sài Gòn đã “đánh hơi” thấy mùi chết chóc, thiệt hại nặng nề. Không ai bảo ai, công ty, xí nghiệp, đài truyền thanh, truyền hình, báo chí, chùa chiền tu viện, trường học, đến khu dân cư, hội đoàn các loại…đều tự đứng ra tổ chức lạc quyên tiền bạc, thuốc men, chăn màn, mì gói. Khi bài viết này đến tay bạn đọc, những món tiền- hàng đầu tiên từ  Sài Gòn gửi tặng Quảng Nam đã đến tay những người nhà cửa bị hư hại (500,000 đồng/nhà) và những người chết vì bão, vì cứu bão hộ hàng xóm láng giềng (2000000 đồng/ người)… Chẳng cứ ở trong nước hay ngoài nước, ở đâu có hoạn nạn, tang tóc, có máu và nước mắt đổ xuống, có tiếng khóc, tiếng kêu cứu khẩn cấp cất lên, là ở đó sẽ có bàn tay từ ái chìa ra. Kẻ viết bài rất tin điều này vì chỉ mới đây thôi, trong buổi sáng ngày 3 tháng 10, đã có ba cuộc điện thoại từ Texas gọi về hỏi cách thức gửi tiền và dụng cụ y khoa tặng đồng bào miền Trung. Cảm động biết bao trước những tấm lòng xa mà gần như vậy!

XH