Menu Close

Hà Nội xưa với những âm thanh

Có mấy ai còn nhớ những âm thanh chợ búa và tiếng rao cộc lốc của những người bán hàng rong trên phố phường Hà Nội vào đầu thập niên 30 của thế kỷ trước. “Ai kem một xu đi!” “Chè trân châu” “lát xê” (glacé) “Xệch cấu”!

Tiếng rao pha trộn cả ba thứ tiếng: Ta, Tàu, Tây. Nhưng “xệch cấu” là cái gì? Một thứ kem chanh trắng như tuyết xốp, ăn tới đâu mát rượi tới đó. Ra hỏi các ông Tàu Hàng Buồm người ta mới biết đó là từ ngữ thạch cao phát âm theo tiếng Quảng Đông. Còn món bánh cuốn hấp dẫn tại sao lại gọi là “lốc biểu”, thì người ta đành chịu thua, không hiểu nó xuất xứ từ một phương ngữ nào ở bên Tàu?

Ngay từ tinh mơ, người Hà Nội đã bị đánh thức bởi những tiếng rao ơi ới. “Lạp xường lồ mái phàn”. Những đĩa xôi nóng hổi với những lát lạp xưởng mỏng tang tưởng như gió thổi cũng bay. Phải có một đôi tay điêu luyện mới thực hiện được những nhát cắt siêu hạng như thế: mỏng nhưng miếng lạp xưởng không bị vỡ và hình thù của nó không bị lệch lạc.

 

Hình ảnh ông Tàu phở xưa ở Hà Nội

 

Hàng “Cà phê ô lê (au lait)” bánh Tây xuất hiện sớm nhất, khi thành phố hãy còn đỏ đèn. Còn tiếng rao buồn thảm nhất “Bánh dầy bánh gi…ò…ò” vỗ vào một không gian vắng lặng như báo cho mọi người biết rằng đêm đã về khuya. Nhưng cũng có những hàng quà chẳng bao giờ thèm cất tiếng rao. Như bún chả. Người đàn bà chít khăn mỏ quạ, ngồi ở một góc phố quạt phành phạch vào cái bếp than. Trong chốt lát, mùi thịt nướng tỏa ra thơm phức. Giờ ăn quà chiều của những người Hà Nội trung lưu. Hoặc như bún ốc. Với đôi quang gánh kĩu kịt trên vai, người phụ nữ buôn Tần bán Sở biết rõ nơi nào mình dừng lại. Hai món quà này bán theo từng mẹt. Bún cũng được cuốn lại thành từng lọn tròn như cái bánh dày Quán Gánh, để khi đưa vào miệng cùng với con ốc thì vừa gọn một miếng. Khi nào có khách tới ăn, người ta mới nhể ốc, chứ không nhể sẵn cả một rổ như thường thấy dạo sau này.

 

Trẻ em bán trầu cho cô gái đội nón quai thao

 

   Người bán quà rong lười rao nhất là các ông hàng phở. Năm thì mười họa mới nghe vẳng lên một tiếng “phở…ở”! Điểm đặc biệt của họ là cái mũ đội trên đầu. Nếu là mũ phớt (feutre) chí ít cũng có vài ba lỗ thủng và màu dạ cũng bạc phếch. Nếu là mũ cát (casque) thì cái chóp cũng không còn nữa. Và từ những lỗ thủng ấy lòi ra những sợi tóc. Có lẽ từ đấy, người Hà Nội có thêm tên gọi là cái mũ phở.

   Những tiệm phở ngon của thành phố chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Phở Mi xô (Michaud), phở Nghi Xuân, phở Cầu Gỗ… Thông thường chỉ có mấy món, tái, chín, gầu. Sau này người ta mới vẽ ra những thứ tái sách, táo bắp, rồi nạm, vè, sụm. Nhưng ly kỳ nhất là phở… chó. Dĩ nhiên nó chỉ xuất hiện ở một vài vùng ngoại thành hoặc một vài nơi phố huyện miền quê.

 

Nhà hát Lớn Hà Nội (1920)

 
   Thời bấy giờ cả Hà Nội, chỉ có vài ba tiệm thịt chó tại phố Hàng Hòm, nơi sản xuất những chiếc vali và hòm bằng gỗ. Ít lâu sau mới mọc thêm một tiệm nữa ở phố Hàng Đồng. Lui tới những chốn này thường là những tay giang hồ tứ chiến, dân anh chị hoặc những người lao động. Họ xắn quần móng lợn, quấn khăn đầu rìu, đi chân đất, cười nói oang oang trông như các hảo hán Lương Sơn Bạc. Thuở ấy, hình như người Hà Nội chưa biết thưởng thức cái thú “sống ở trên đời ăn miếng dồi chó, chết xuống âm phủ biết có hay không?” Nhất là các tiểu thư. Chỉ nghe người ta nói tới những chuyện ăn uống ấy cũng đã rùng mình rùng mẩy. Nhưng hôm nay thì các cô cũng thạo ! Bước vào khu phố thịt chó trên đê Nhật Tân, người ta thấy tác phong nhậu nhẹt của họ không thua gì các bậc tu mi nam tử. Nhưng thay vì đế, họ uống bia Carlsberg.

 

 

 

   Vào giữa những năm 30, Hà Nội vắng tiếng ồn. Có khi cả ngày không nghe thấy một tiếng còi ôtô. Mỗi khi thấy một ông Tây râu xồm cưỡi môtô phóng đi vun vút, trẻ con lại ùa nhau ra xem. Chúng gọi đó là xe bình bịch.

   Mùa hè đã thổi vào thành phố một luồng sinh khí mới, để cho nó ầm ĩ hẳn lên, thoát ra khỏi giấc ngủ đông xuân dài dặc. Nắng hạ reo vui trên những tàng cây bàng, tỏa sáng trên mặt hồ gợn sóng thủy tinh, tráng bạc trên những cành liễu, soi rọi vào những hang cùng ngõ hẹp để cho khung cảnh bớt tối tăm.

   Mùa hè mới đích thực là mùa của thiếu nhi. Nhất là với các em con nhà nghèo. Bước ra đường, chúng không còn phải co ro trong chiếc áo trấn thủ, hai hàm răng va vào nhau lập cập. Nắng hạ tạo cho chúng cái điều kiện để được “đầu đội trời, chân đạp đất!” Thời đó hiếm có em nào được đi dép, huống chi đi giày. Thông thường, chỉ đi guốc. Những cái dụng cụ ấy lại rất bất tiện mỗi khi chạy nhảy. Các em đi chân trần.

 


Trẻ con chơi đùa bên Hồ Gươm

 

   Thuở ấy, cách đây khoảng 60-70 năm, người ta sinh đẻ “vô tư”. Người chồng tìm sẵn một hai vế chữ Hán, để cho bà vợ cứ theo đó mà đặt tên con: “Lực năng cử đỉnh, thế khả bạt sơn” hoặc “Tu thân tề gia, trị quốc bình thiên hạ”. Nếu người đàn bà tiếp tục sinh sản thì người chồng sẽ lại tìm thêm những câu khác. Càng nhiều anh chị em, các em lại càng ít được chăm sóc chu đáo.

   Hà Nội 36 phố phường có tới mười mấy cái ngõ với bảng tên đường đàng hoàng. Ngõ Trạng Trình, ngõ Huyện, ngõ Tràng An, ngõ Trạm, ngõ Tam Thương, ngõ Tố Tịch, ngõ Phất Lộc, ngõ Gạch, ngõ Hàng Đũa, ngõ Yên Thái, ngõ An Chung, ngõ Văn Chương, ngõ Nam Ngự, ngõ Cấm Chỉ (nay trở thành một trung tâm ăn uống ban đêm)… Đó là chưa kể những xóm. Như xóm Vạn Thái với những tiếng chát tiếng tom cùng với tiếng đàn tiếng phách, để thi đua với khu Khâm Thiên có cả một dãy nhà cô đầu. Như xóm Hạ Hồi mà đa số là những biệt thự kín cổng cao tường, ở đó người ta sống trong sự yên ắng, xa lìa với những tiếng động. Tuy nhiên, vào lúc quá trưa về chiều cũng thấy vẳng lên tiếng rao của một người đàn bà “Ai có chai bao chè, đồng nát, lông vịt, tóc rối đổi kẹo không!” Người ta gọi họ là những bà đồng nát.

 

Chợ Bưởi

 

   Nhưng ồn ào nhất là khu Đường thành. Bởi nó nằm kế cận trại lính. Tiếng kèn “rê vầy” (réveil) từ trong thành vọng ra mở đầu cho một ngày mới. Trẻ con dựa vào cái làn điệu ấy để đặt thành câu hát “Con bò kéo xe, con bò kéo xe, con bò xe kéo”. Và tiếng kèn ngủ đánh dấu sự khép lại của một ngày “Trèo tường mà ra, trèo tường mà ra”. Sau tiếng kèn này, các chú lính ham vui thường rủ nhau trèo tường ra ngoài chơi, rồi trở về sau nửa đêm.

   Hàng Buồm có một sắc thái sinh hoạt riêng biệt của nó. Tiếng rao của các hầu sáng báo cho nhà bếp biết những món ăn mà họ phải thực hiện. Tiếng chặt thịt quay, thịt ngỗng – hạ xuống cái thớt với bề dày cả gang tay và to bằng cái mâm đồng có chân – của chú khách Tân Phúc Điền. Tiếng hô “can pê” (cạn ly) của những tửu đồ người Hoa sau khi đã đánh nhã vài ba chai Mao đài hay Mai quế lộ. Tại phố này có hai tiệm ăn nổi tiếng: Mỹ Kinh và Đông Hưng Viên với cái cầu thang thếp vàng sáng lóe được gọi là “Escalier d’or”. Một số học sinh ở cỡ tuổi 14, 15 tới đây sau khi ăn xong đã ném bớt những cái đĩa trống xuống khu đất bỏ hoang ở phía dưới. Khi thanh toán, người bồi chỉ căn cứ vào những cái đĩa còn lại để tính tiền.

 

Gánh hàng rong

 

   Đặc biệt hơn cả là khu tam giác Hàng Bạc – Sầm Công – Quảng Lạc. Với ba rạp hát, Hiệp Thành, Quảng Lạc và Sán Nhiên Đài, nơi trình chiếu hai bộ phim Việt Nam đầu tiên: “Cánh đồng ma” và “Trận phong ba”. Nó cũng là nơi cắm chốt của gánh Kim Chung sau này. Tối tối, họ khua thanh la, não bạt rồi trống rong cờ mở để quảng cáo cho những đào kép của họ.

   Sở thú mini của cô Ba Tí nằm ở phố Hàng Bạc. Trong chuồng không có hổ, báo, cũng chẳng có voi như ở vườn bách thú, nhưng có gấu, lợn lòi, rồi vượn và khỉ. Vào những ngày nữ chủ nhân ngồi hầu bóng, người ta nghe thấy tiếng đàn phưng phưng và tiếng hát õng ẹo của anh kéo chầu văn. Những trẻ em láu lỉnh tìm cách lọt qua cái ải gác cửa sẽ được cô Ba ban tài phát lộc.

   Dĩ nhiên thành phố nào mà chẳng có tiếng ồn. Nhưng ở Hà Nội có những tiếng ồn rất đáng yêu, đáng nhớ. Tiếng chuông tàu điện. Nó kêu leng keng, leng keng êm ái chứ không rộn ràng như tiếng kính coong của chuông xe đạp, hoặc làm nhức nhối điếc cả tai như còi tàu hỏa. Với những trẻ em nghịch ngợm, tàu điện là một phương tiện giao thông không mất tiền. Bởi chúng nhảy tàu thuộc vào hàng cự phách. Cứ thoăn thoắt như vượn. Khi bị soát vé, chỉ việc nhảy xuống rồi lại chạy theo bám vào toa sau. Những ngày nghỉ học, chúng có thể chu du khắp thành phố, có khi đi vào mãi tận Hà Đông. Không phải mua vé tàu, chúng dùng tiền ấy để ăn thịt bò khô mà người bán rao hàng bằng một phương thức rất đơn giản: nhắp nhắp cái kéo cho nó phát ra những âm thanh lách cách. Hoặc tới quán Mụ Béo ở Bờ Hồ để uống si tông ca la đinh (citron, grenadine: si rô chanh, lựu). Người đàn bà ấy là một nhân vật trong giới hắc đạo của Hà Nội năm xưa. Hình ảnh người phụ nữ mập mạp có nước da đen giòn đã in sâu vào tâm khảm các học sinh trong suốt một thời gian dài. Đi nộp học phú bị kẻ gian móc túi hoặc ra bờ sông đá banh bị mất xe đạp, chỉ cần nói rõ vụ việc với bà ta là trong vòng một ngày của mất đi sẽ được hoàn lại cho khổ chủ.

 

Tàu điện Hà Nội (ảnh 1901)

 

    Sẽ là một thiếu sót khi nói về Hà Nội năm xưa mà lại bỏ quên ông Tàu già ngồi bán lạc rang ở bên ngoài cái cổng tò vò, cách chợ hàng hoa không bao xa, và trông chéo sang phía trụ sở của Crédit foncier (Tín dụng ruộng đất) mà trên nóc có đặt một cái còi báo hiệu 12 giờ. Hàng ngày, cứ đúng ngọ, nó lại rú lên một hồi dài, vang dội ra tới ngoại thành và phía bên kia đê sông Hồng.
h
   Có những người Hà Nội sống xa quê hương, mỗi khi nhớ về Hà Nội thường gửi gấm tình cảm của mình vào hình ảnh Hồ Gươm và tháp Rùa. Nhưng riêng tôi, tôi lại nhớ những đoàn tàu điện và nhà Gô Đa.

PN