Menu Close

Chợ Bù Rầy

Con bọ rầy, một số nơi gọi là bù rầy [Cockchafer Beetle (May Bug)], một loài côn trùng có cánh thường xuất hiện vào tháng 4 và 5, do đó có tên là May Bug. Trước nay chưa ai nghĩ có thể là một món ăn. Vậy mà hiện giờ đang là món hàng “hot” tại Việt Nam. “Hot” đến nỗi có hẳn một chợ chuyên bán bọ rầy ở thị trấn Nhà Bàng, Tịnh Biên, An Giang. Mỗi ngày ở chợ này có hơn chục người bán bù rầy. Người bán ít nhất cũng từ vài ngàn đến chục ngàn con. Người mua khá đông. Cứ mỗi 100 con giá khoảng 40,000 đồng Việt Nam, chậm chân là hết.

 

Cầm những con bù rầy đen xù xì bị cắt cánh, cắt chân đang trồi đạp lào xào trong thau, tôi hỏi bà Lợi những con bù rầy này sống được bao lâu. Bà Lợi, người bán, lắc đầu: “Không biết, nhưng bù rầy bán đắt lắm, chưa bao giờ phải để qua ngay hôm sau”. Nhìn vào thau, thùng của bà Lợi, còn khoảng 400 con. Bà Lợi cho biết chưa đầy 15 phút sẽ bán sạch.

Ở Việt Nam, bọ rầy bắt đầu xuất hiện vào tháng đầu tiên của mùa mưa miền Nam. Sau những cơn nắng chảy người, đất đồng khô khát, nứt nẻ, những cơn mưa đầu tiên ngấm vào đất là mùa đuông đất sinh sôi nẩy nở. Đuông đất sống trong lòng đất nhưng mưa xuống là chui lên trở thành bọ rầy.


Ăn bọ rầy

Bọ rầy có hình dạng giống bọ hung, to cỡ ngón tay cái, màu nâu cánh gián, thân ngắn, có cánh, đầu và bộ chân rất cứng nhưng thân mềm và tròn. Bù rầy trước khi chiên phải cắt cánh, ngâm nước muối khoảng 10 phút cho nhả hết chất dơ ra. Sau đó cắt đầu, mổ bụng nhét đậu phộng vào rồi xào hoặc chiên. Bỏ bọ rầy vào chảo dầu đang sôi. Sau khoảng mười phút, những chú bọ rầy tròn căng, vàng ươm bày trên đĩa cùng vài lát cà chua, xà lách, nhìn thấy không thể từ chối. Ăn thử, bọ rầy có mùi thơm, dai và bùi. Dân địa phương cho biết “Bọ rầy chiên chỉ cần ăn kèm với muối tiêu chanh là đủ ngon”.
Mấy năm trước bù rầy chỉ có dân nghèo vùng núi dùng làm món ăn thay cá thịt hoặc trẻ con bắt để chơi. Ban đầu người ta không quan tâm tới, sau đó thấy giá rẻ, ăn ngon nên xúm vào mua. Bù rầy dần dần thành món ăn được đưa vào thực đơn của quán nhậu bình dân và đến nay chợ bù rầy đã trở nên sôi động.

Bán bù rấy và các loại côn trùng khác ở chợ

Những phụ nữ thành thị lần đầu nhìn thấy con bù rầy hình dáng như con bọ hung  chắc là đã xanh mét, nói chi tới ăn chúng.

Ăn thử côn trùng

Trong chợ ở địa phương, chị Nguyễn Thị Hà, 31 tuổi là người bán bù rầy khá đặc biệt. Chị Hà bị câm nên chuyện mua bán phải nhờ mấy người kế bên giúp. Mỗi đêm gia đình chị gồm 6 người hòa vào dòng người đi săn bù rầy. Trung bình mỗi đêm bắt được từ 1,000 – 2,000 con, khoảng 300,000- 500,000 đồng VN, nhờ thế mà cuộc sống gia đình chị khá ổn định. Nếu đem bỏ mối thì ít tiền hơn, vì thế chị đích thân mang đi bán lẻ ngay ở chợ.

Chị Nguyễn Thị Hà chuyên bán bù rầy ở chợ

Bù rầy xuất hiện nhiều ở vườn xoài, khoảng 22 giờ đêm là chúng bay túa ra đeo bám vào các lá xoài non tìm thức ăn. Đêm nào mưa nhẹ là trúng mánh, những hôm đó bù rầy dày đặc. Dụng cụ bắt bù rầy là các thanh tre dài. Khi tới các vườn xoài, một người dùng cây tre đập vào các nhánh xoài cho bù rầy bám trên lá rớt xuống, người còn lại bắt bỏ vào thùng. Bù rầy có đôi cánh khỏe nhưng lười bay. Ông Nguyễn Văn Ba, nông dân ở xã An Phú có nhiều năm bắt bọ rầy cho biết, không chỉ bắt bọ rầy trên cây, người ta thường nhặt phân bò, phân trâu khô đốt cho khói tỏa lên trời. Chỉ một lúc, chúng sẽ bay đến, vần vũ trong đám khói, người bắt chỉ cần cầm chổi đập chúng rớt xuống đất, là bắt bỏ vào giỏ.

Nghề săn bù rầy không mệt nhọc nhưng thỉnh thoảng vẫn gặp nguy hiểm khi vô tình đụng phải rắn độc náu mình trên cây hoặc đang săn mồi.

Thức ăn của bọ rầy là lá non của cây xoài, mít, đào… nên dân bắt bù rầy không bị chủ vườn làm khó. Thậm chí chủ vườn cũng rất “welcome” những người nghèo khổ này khi họ lặn lội đêm khuya bất kể mưa gió vừa để mưu sinh, vừa góp phần bảo vệ vườn tược cho mình.

Thanh Dũng