Menu Close

Quê Hương Bạc Liêu

Đến Bạc Liêu, người ta biết đến vùng lúa trù phú với những đồng muối trắng ven biển, những vườn nhãn xum xuê, cây lành, trái ngọt… dù vậy, dưới thời kỳ Cộng sản mới chiếm miền Nam, dân ở đây vẫn thiếu ăn.

 

Bạc Liêu là một tỉnh thuộc duyên hải đồng bằng sông Cửu Long, phía Bắc giáp tỉnh Cần Thơ, phía Tây và Tây Nam giáp Cà Mau, phía Đông Bắc giáp tỉnh Sóc Trăng, phía Đông và Đông Nam giáp biển. Bạc Liêu có diện tích trên 2 ngàn rưỡi cây số vuông và dân số hơn 800,000 người. Tỉnh có 20 dân tộc sinh sống, nhiều nhất là người Kinh, người Khmer và người Hoa; các dân tộc còn lại chỉ có dưới 100 người, thậm chí chỉ có trên dưới một chục người.
 

Dãy phố dọc theo sông Bạc Liêu ngày trước

Thời nhà Nguyễn, thế kỷ 18, Bạc Liêu thuộc phủ Bãi Xâu, tỉnh An Giang. Bạc Liêu được thành lập muộn hơn các tỉnh Nam Kỳ khác.  Vùng đất  này vốn là xứ của một số đại điền chủ Nam Kỳ lục tỉnh, mà đến nay vẫn còn khá nhiều dinh thự, biệt thự theo lối kiến trúc phương Tây đã tạo cho Bạc Liêu một nét riêng thú vị.
 

Tháp Vĩnh Hưng

Bạc Liêu là vùng đất trẻ, được hình thành do sự bồi lắng ở các cửa biển tạo nên. Phần lớn diện tích tự nhiên của tỉnh là đất bằng, nằm ở độ cao trên dưới 1.2m so với mặt biển, còn lại là những giồng cát và một số khu vực trũng ngập nước quanh năm. Địa hình có xu hướng thấp dần từ Đông Bắc xuống Tây Nam và khu vực nội đồng thấp hơn vùng gần bờ biển. Nơi đây có nhiều rạch lớn như kênh Quản Lộ – Phụng Hiệp, kênh Cạnh Đền, kênh Phó Sinh, kênh Giá Rai. Hệ thống sông ngoài, kênh rạch của Bạc Liêu nối với biển bằng cửa Gành Hào, cửa Nhà Mát và cửa Cái Cùng.
 

Mô hình chợ Bạc Liêu

Đất đai Bạc Liêu là đất phù sa bồi đắp lâu năm và ổn định, thích hợp với việc phát triển nền nông nghiệp toàn diện. Đất có thể trồng lúa, cây ăn trái, chiếm 83,58% tổng diện tích đất; đất có khả năng trồng rừng, nuôi tôm, làm muối chiếm 13,49%. Diện tích rừng và đất rừng chiếm khoảng 2% diện tích, trong đó nhiều nhất là rừng phòng hộ. Rừng Bạc Liêu là rừng ngập mặn, úng phèn, mọc nhiều cây tràm, cây đước.
 
Bạc Liêu có đường bờ biển dài 56 km. Biển  có nhiều: tôm, cá hồng, cá gộc, cá sao, cá thu, cá chim…
 
Nhà của công tử Bạc Liêu, được coi như di tích, là căn nhà  bề thế nhất ở Bạc Liêu lúc bấy giờ, do kỹ sư người Pháp thiết kế và xây dựng. Nằm trong khuôn viên rộng rãi bên bờ sông Bạc Liêu, ngôi biệt thự đẹp, sang trọng; kiến trúc cổ kính pha chút màu sắc hiện đại. Phía trước ngôi nhà là con đường sạch bóng, kế đến là một vỉa hè rộng thênh thang dọc bờ sông nên  khá thoáng đãng.
 

Nhà công tử Bạc Liêu ngày nay trở thành khách sạn

Vào bên trong nhà, tầng một, ngoài bộ bàn tiếp khách xưa, còn có ảnh của công tử Bạc Liêu, tượng vợ chồng Trần Trinh Trạch (cha mẹ công tử Bạc Liêu), bình gốm, tủ thờ…
 

Di ảnh vợ chồng công tử Bạc Liêu trong sảnh khách

Mặc dù tốc độ đô thị hóa ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long khá nhanh, nhưng Bạc Liêu vẫn là một trong những tỉnh còn lưu lại nhiều nét xưa nhất.
 
Nơi dinh tỉnh trưởng cũ vẫn còn chiếc đồng hồ gạch độc đáo duy nhất ở Bạc Liêu. Chiếc đồng hồ này do kỹ sư Lưu Văn Lang xây bằng gạch tàu và xi măng, có chiều cao khoảng 1 mét, rộng 0.8 mét, gồm ba phần: một phần được xây dựng theo hình chữ nhật ở giữa, nhô ra phía trước hai phần bên xây theo hình vuông, cũng bằng gạch tàu, trên đó có khắc 6 chữ số La Mã, biểu thị số giờ. Ánh nắng chiếu xuống phần hình chữ nhật sẽ tạo ra một vệt sáng, tối. Con số nào nằm trong lằn ranh giữa vệt sáng và tối đó chính là số giờ.
 
Trên một con đường mang tên Cao Văn Lầu hướng ra biển, du khách sẽ viếng thăm ngôi mộ của vợ chồng cố soạn giả Cao Văn Lầu – tác giả bài “Dạ cổ hoài lang”. Lần theo con đường Cao Văn Lầu, cách trung tâm thị xã Bạc Liêu khoảng 6km, vườn chim Bạc Liêu nằm trên cánh rừng hoang sơ. Vườn chim Bạc Liêu là nơi cư trú của khoảng 46 loài chim, trong đó có loài chim Giang Sen, Cốc Đế.  Khoảng 109 loài thực vật, 150 loài động vật cùng sống chung trong khu vực này.
   
Bạc Liêu còn có những vườn nhãn mênh mông. Khu vườn nhãn rộng khoảng 230 hécta, chạy dài trên 11 cây số đi qua 2 xã Hiệp Thành và Vĩnh Trạch Đông, thuộc thị xã Bạc Liêu. Từ Hiệp Thành qua Vĩnh Trạch Đông nơi nào có đất giồng cát là có nhãn mọc lên. Nằm trên vùng đất được phù sa bồi đắp nên vườn nhãn ở đây hết sức xum xuê, xanh tốt.
 

Một chiếc cầu tre vùng sông nước Bạc Liêu

Đến Bạc Liêu, du khách cũng có dịp chiêm ngưỡng di tích Phước Đức là ngôi miếu lâu đời nhất của người Hoa sống ở đây, thờ vị thần được coi là có công khai hoang đất đai.  Toàn bộ ngôi miếu là một kiến trúc nghệ thuật, chạm khắc tinh tế. Ngoài ra, còn có những kiến trúc khác như: tháp cổ Vĩnh Hưng, chùa Xiêm Cán, chùa Quan Đế…
 
Quận Phước Long và Hồng Dân có nghề đan lát, dệt chiếu, nghề chằm nón…tại đây nổi tiếng món bánh tầm bì.
 
Nhiều người Bạc Liêu mê “ngón” đờn ca tài tử, đặc biệt  của người miền Tây, nói chung và của đất Bạc Liêu nói riêng. Và cũng từ đây, vọng cổ thấm vào lòng người Việt.

Thanh Hóa