Như hầu hết thực trạng xã hội tại VN hiện nay, bài toán giáo dục VN dường như không có lời giải khi nhìn từ nhiều góc độ khác nhau. Mối quan hệ thầy-trò cũng bị cuốn theo sự xuống dốc về đạo đức xã hội, khi người đi học bị đặt vào tình trạng “không tiền đố mày làm nên”.

Gần đến ngày 20 tháng 11, ngày tết nhà giáo, so với mọi năm, thị trường và nhà trường Sài Gòn thay vì rộn ràng, sôi nổi với hoa hồng và các loại quà tặng, lại chìm trong không khí khá trầm lắng. Người đi dạy, đi học có vẻ gượng gạo, không vui.
Tại vì…
Một cụ giáo viên về hưu đã lâu, đưa cho kẻ viết bài xem những tờ báo đăng phóng sự nhiều kỳ về hiện tượng nở rộ như nấm độc sau mưa của đại học “ba không” ở Việt Nam- không cơ sở vật chất, không đủ giáo viên, không chương trình giảng dạy- tiêu biểu là đại học Phan Thiết trong Nam, đại học Nguyễn Trãi ngoài Bắc. Ông cụ hỏi kẻ viết bài sao các ông Thủ tướng, Bộ trưởng, Hiệu trưởng đại học “ăn cắp” lòng tin của người đi học, “ăn cắp” nhân cách của người thầy mà không bị tù tội, giáng chức, đền bù trong khi dân quèn chỉ ăn cắp cái xe đạp rách đã ngồi khám.
Tại Sài Gòn, tròm trèm một triệu học sinh các bậc, hai triệu phụ huynh các loại. Hai triệu này đa số biết áp dụng “tình huống giáo dục” rất linh động. Con chưa vào lớp một đã “chạy” trường điểm, lớp điểm. Con lên cấp hai “chạy” “trường chuyên, lớp chọn”. Con hết trung học, “chạy” đại học. Xong đại học, lại “chạy” tiếp nhiệm sở. Cứ thế, suốt thời gian 16 năm đằng đẵng, trong khi con đeo kính cận dày cộm, mệt mỏi lê bước với ba lô sách vở nặng trĩu sau lưng thì bố mẹ vắt giò lên cổ, cắm đầu chạy marathon. Chị bạn kẻ viết bài, đồng thời là phụ huynh của một học sinh lớp 8 cho biết hai vợ chồng cùng đi làm, lĩnh hai đầu lương, tổng cộng được sáu trăm đô la thì hết phân nửa để nuôi con ăn học và “lễ chùa thầy” hàng tháng. Xót tiền, nhưng phải cố vì câu nói xa xôi bóng gió “bây giờ không lo, đợi chừng nào mới lo” của những người ngồi trên đầu trên cổ mình. Chị than 20 tháng 11 năm nay chưa biết mua lễ vật gì vì mỹ phẩm, áo dài cho cô, trà rượu, quần tây, cà vạt cho thầy bị coi là quá bèo, quá hẻo. Nhiều vị đã “rao” trước, “nhớ nghe, về nói ba má đừng cho mấy thứ đó nữa”. Đừng cho mấy thứ đó nữa nghĩa là hãy cho… bao thư, vừa nhỏ lại vừa to (!).

Trường ĐH Kinh Tế nhìn từ bên ngoài, gạch cát ngổn ngang
Nạn lễ chùa thầy
Lễ “chùa thầy”, ngày xưa chỉ dịp tết, dịp nhà thầy có việc hỉ. Ngày nay, lễ quanh năm- thi vào, thi ra, thi lại, trình luận án, luận văn, muốn không thi nhưng vẫn đỗ đạt, lên lớp xịn, trúng ghế to…nhất nhất đều “dĩ lễ vi tiên”. Cách lễ, đồ lễ, chỗ lễ… không ai bảo ai, cứ trông nhau mà làm. Ngu lắm mới đợi thầy nói thẳng. Như kẻ viết bài, khi thâm nhập hệ thống đào tạo sau đại học, trong vai sinh viên khoa Văn hóa học, từng bị ông T, giáo sư hướng dẫn luận văn, gọi về nhà riêng, ra giá thẳng “Muốn thầy giúp chị thì chị phải “thương” thầy trước. Thế nhé!”, vừa nói ông vừa hất hàm chỉ… chiếc giường trong góc phòng. Cô em con dì với kẻ viết bài, làm ở Sở Văn hóa Thông tin Đồng Nai lại kể, các giáo sư thỉnh giảng từ Đại học Văn hóa Hà Nội vào dạy, bao giờ các bạn trong lớp (toàn cán bộ các sở, ban ngành đi học bằng tiền chùa) cũng “điều xe” đưa đi quan sát, ăn uống nhà hàng, hát karaoke, dĩ nhiên không thiếu “vụ kia”. Khi các thầy về, lại quà cáp hậu hĩnh. Ấy vậy nhưng người nào nhận đề tài tốt nghiệp, mỗi lần thông qua thầy hướng dẫn, là một lần kẹp tiền vào bản đề cương. Cúng bái la liệt, sốt sắng đến thế mà còn bị thúc hối, quở trách, chê bai đủ thứ. Tính ra, lấy được tấm bằng cử nhân hệ tại chức, học viên nào cũng phải lót tiền dầy cả tấc, chưa kể có em còn phải “lót giường” thầy. Lâu lâu đi họp Hà Nội, đi hội nghị, hội thảo, lỡ gặp lại thầy, vẫn phải…ra điều cung kính, vui vẻ.

Bát nháo hàng quán bên hông trường ĐH Kiến Trúc
Tấm chăn giáo dục
Đem mấy chuyện trên kể cho nhiều người nghe, như một hình thức trắc nghiệm, kẻ viết bài nhận được nhiều thái độ khác nhau. Với các cụ giáo đã qua nhiều “trào”, đa phần bịt tai nhăn nhó. Có cụ còn đấm ngực, nghẹn ngào than đạo học hỏng rồi, hiền tài hết rồi. Với các anh chị suốt đời “an bần lạc đạn” nơi nhà quê heo hút, mắt họ dại đi, ngậm ngùi thương thân, giận đời. Với người dân vùng lũ lụt nhà tan cửa nát, đành cho con nghỉ học bán vé số, rửa bát, bế em… họ rùng mình, xong mặt lập tức tươi lên, thấy quyết định bắt con thôi học sớm vừa thực tế, vừa “may cho nó”. Một nhóm sinh viên khoa Ngữ văn- Báo chí trường đại học KHXH&NV tuyên bố lạnh lùng “Ai có quyền có thế, người đó thắng. Bây giờ tạm nhịn, để đó, nay mai ra trường, tính cả lời lẫn vốn. Nó không trả, con nó trả. Đời mà!”. Có điều, trong số các phản ứng trước hiện tượng tha hóa đạo đức của người đi dạy, đi học, hiện tượng chạy trường, chạy điểm, chạy bằng…tuyệt nhiên không thấy phản ứng nào “mang hình viên đạn”. Mới hay cả xã hội, dù vừa đắp chăn vừa gãi sồn sột song vẫn không ai dám kêu chăn có rận, không ai gào lên một chữ KHÔNG đại kỵ.
Tội nghiệp cho những người còn liêm sỉ song già yếu, bất lực. Tội cả cho người ngoại quốc “ngây thơ”, đi thắc mắc không đâu về sản phẩm của ngành giáo dục Việt Nam, điển hình như cô Kathleen, giáo viên đến từ Úc. Cô này cho biết rất ngạc nhiên, lẫn khó chịu khi thấy học sinh Việt Nam quá nhút nhát, rụt rè, “lúc mời nói không em nào nói nhưng rất hay thầm thì sau lưng hoặc viết những tờ giấy vo tròn, ném lén lút cho nhau”.
Ngày 20 tháng 11 năm nay lại lừng lững đến. Khắp nơi, người ta lục đục giăng lên tấm chăn giáo dục đầy rận, và người dân lại phải mua hoa, mở tiệc chúc mừng.

Một cô giáo về hưu, an bần lạc đạo bằng nghề đưa báo