Menu Close

Sân khấu vỉa hè

Tuần qua, nhiệt độ xuống thấp đột ngột. Cả Việt Nam co ro trong những đợt gió mùa đông bắc. Sapa có tuyết đọng trên cành cây lá cỏ. Ninh Bình, Huế …bập bùng ánh lửa sưởi ấm giữa đồng. Ở trong Nam, không trực tiếp hứng chịu giá rét nhưng nhiều người Sài Gòn vẫn khoác hờ áo gió, khăn quàng. “Thời tiết này mà ra ngồi vỉa hè, ủ tay quanh ly cà phê nóng hổi, ngắm người qua lại là thú nhất”, nghe lời nói của ông X, người Sài Gòn chính gốc lắc đầu. Vì với họ vỉa hè là nơi “muốn xe cán chết thì ra đó ngồi”.

 

Vỉa hè thành đường

Chuyện vỉa hè thành đường có thể coi là thành tích nổi bật nhất trong kế haọch giao thông năm nay ở  Sài Gòn. Cứ chỗ nào có đào đường, y rằng có vây lô cốt, dựng rào chắn lù lù, mau thì vài tháng, lâu thì nửa năm. Diện tích mặt đường bị bóp hẹp đến nỗi xe các loại lưu thông hai chiều phải nhích từng bước. Chưa kể lúc mưa xuống, triều cường lên, mặt đường thành sông, nhấn chìm giầy tất, ống quần người lái xe dưới vài tấc nước là thường. Trong tình thế đó, nhiều người xông bừa lên vỉa hè mở đường thay vì ngoan ngoãn đứng chờ trễ giờ học giờ làm. Một xe leo vỉa hè, lập tức nhiều xe taxi, xe đạp, xe gắn máy khác cũng leo theo. Vỉa hè nhờ thế hóa thành đường. Tiêu biểu là đường Lê Văn Sĩ, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phan Đình Phùng… Chị Kim Thoa, chủ cửa hàng thời trang trên đường Lê văn Sĩ cho biết “Mở cửa cả ngày không có khách, chỉ bụi khói, tiếng ồn là nhiều. Chuyện xe lạc tay lái, chạy luôn vô nhà, đụng bể tủ kiếng không phải hiếm”. Các trường học, tiệm thời trang, thuốc tây, thực phẩm bên đường Hai Bà Trưng cũng không hơn. Ông Thịnh, bán đồ trang hoàng Noel gần nhà thờ Tân Định phân trần “Sắp Noel rồi. Hang đá, cây thông muốn có khách mua, phải trưng ra phía trước. Nhưng chưa được một buổi đã bị bọn “giặc lái” leo lề đụng đổ”.
 

Giông bão làm đổ rào chắn trên công trình đào đường Lê văn Sĩ, xe cộ phải leo lên vỉa hè cho an toàn


Làm đẹp vỉa hè

Trái với khuynh hướng tàn phá vỉa hè nói trên, một khuynh hướng khác, trái ngược 100%, đang diễn ra trên những con đường trung tâm thành phố. Theo đó, 80 con đường thuộc quận 1, tới 23 con đường thuộc quận 3 và những con đường khác thuộc quận Phú Nhuận, Tân Bình…từ đây tới trước tết Canh Dần sẽ được “tút lại” nhan sắc, cụ thể là làm lại vỉa hè, trồng lại cây xanh. Lúc nghe tin, nhiều người khấp khởi mừng. Chừng chứng kiến việc làm của các công nhân thuộc công ty “công viên cây xanh”, “công trình đô thị”, nỗi mừng nhanh chóng biến thành hoang mang, chán nản.

Một đoạn đường cây bị cưa trơ trọi

Nhìn vỉa hè đường Võ Thị Sáu, Nguyễn Đình Chiểu, Lê Thánh Tôn đang yên đang lành, nhiều đoạn mới làm xong năm ngoái, bị bóc hết gạch, trơ lớp cát bên dưới, hỏi vài người thợ đang lát gạch mới biết, bất kỳ vỉa mới vỉa cũ, đều phải bóc hết, làm lại cho đồng bộ. Anh Chánh, công nhân ngành bưu chính viễn thông phẩy tay “đồng bộ cái con khỉ! Tụi nó làm xong, là đến lượt tụi này đào lên đi dây cáp viễn thông”. Không dám oai như công nhân đi dây cáp, nhưng các nhà mặt tiền đều lăm le chờ đám làm vỉa hè rút đi, là nhanh chóng xây cầu dắt xe vào (hoặc lên, xuống) nhà. Vì vậy, ở đâu không biết, chứ ở Sài Gòn, vỉa hè bị chặt nát vụn, chỗ này đường không có vỉa (hoặc có vỉa thì bị chiếm làm bãi giữ xe, mở quán nhậu lộ thiên), chỗ khác đường cao hơn vỉa hay vỉa cao hơn đường.

Hạ cây xanh trên vỉa hè đường Thăng Long

Tưởng đoạn trường vỉa hè chỉ đến vậy, nào ngờ sáng ngày 16/11 trên đường Thăng Long, hàng loạt khách uống cà phê vỉa hè, người đi chợ chồm hổm nhất tề xô nhau chạy tránh những tán cây xùm xòa, thân cây to lớn ngã đổ ầm ầm hàng loạt. Một công nhân áo xanh vừa điều khiển cưa máy vừa bảo theo lệnh thành phố, tất cả cây xanh bất kể của ai trồng, đẹp xấu, mới trồng hay lâu năm… cứ cây lâm vồ, cây da, cây bàng nằm lề đường là đốn bỏ vì dễ bị sâu đục thân, cành vươn rậm, nhánh dòn gẫy khi gặp gió lớn. Hạ rồi trồng cây khác thế vào. Cây gì chưa biết, chỉ biết trên mỗi con đường, sẽ chỉ trồng thống nhất một loại cây, mà là do chính quyền chứ tư nhân không được tùy tiện trồng. Nghe thế biết thế, còn bao giờ nhà nước trồng, trồng có sống không, sống thì bao lâu mới cho bóng mát, các chủ quán cà phê từng quen núp dưới bóng cây bàng, cây phượng, cây dầu rái, cây sao đen… hỏi nhau thảm não. Không còn tán cây che chở, chỉ có nắng chang chang, bụi mịt mù, rồi đây quán xá, chợ vỉa hè tha hồ như chùa Bà Đanh!

Cần lắm vỉa hè!

Một nhà văn trẻ, thuộc hạng lê vỉa hè thượng thừa từng tuyên bố “nhà có thể không có, bồ bịch, tiền nong, công ăn việc làm có thể không có, nhưng vỉa hè phải có”.  Số ‘lê sĩ’ như anh này, Sài Gòn đầy! 3 giờ sáng đã có người lê vỉa hè mua bán nông- hải sản. 5 giờ, người ra tập dưỡng sinh, người bán cà phê, cơm tấm, xôi, bánh mì… đông dần. Từ chiều tới quá khuya là giờ của sò ốc, khô mực, bia rượu,…Bàn về vỉa hè, gia đình bà Tư bán xôi mặn trước nhà thờ Tân Định nói “Hai vợ chồng, ba đứa con đều nhờ bám vỉa hè mà sống khoẻ. Thằng lớn học xong đại học, có việc làm. Hai đứa con gái kế, đứa nào cũng có vốn, ra được xe bán riêng”. Ông chạy xe ôm, bà bán nước mía kiêm cò nhà đất, mụ chăn dắt trẻ ăn xin, đám đánh giầy, bụi đời, bơm vá xe… cũng ca ngợi vỉa hè.

Một đoạn vỉa hè còn bóng mát cây xanh ở Sài Gòn

Một Việt kiều Mỹ, đồng thời là cựu quân nhân, đứng tần ngần trước cổng cũ Bộ Tổng Tham Mưu buồn bã nhìn chiếc lô cốt già nua sắp bị đập bỏ, cây cổ thụ cao và to cạnh cổng nay thành… đống củi, cạnh đó là những cây phượng vĩ mơn mởn bị đào trốc gốc. Đứng bên vỉa hè ngổn ngang xà bần, ông bảo đây từng là chứng nhân của một thời. Bây giờ nhìn, nhớ lại, rồi buồn. Bao nhiêu kẻ mất người còn…

Giăng dây chuẩn bị làm lại vỉa hè đường Phạm Ngọc Thạch (sau khi đã bóc gạch)

Nghe tâm sự người bạn già, kẻ viết bài không khỏi ngậm ngùi. Bất giác nhìn bao quát, quả thật vỉa hè chính là sân khấu diễn vở kịch đời bi hài lẫn lộn – nhiều người mua vé vào xem rơi nước mắt, suýt soa, mê đắm, la ó, phẫn nộ… nhưng không ai thực sự quay lưng với sân khấu vỉa hè, ngay cả những người từng cấm diễn.

XH