Menu Close

Festival Hoa Đà Lạt

Có thể nhiều người Sài gòn từng đi Đà Lạt nhưng đi ngay dịp festival hoa thì không phải ai cũng có cơ hội. Năm nay festival hoa Đà Lạt trúng vào ba ngày cuối tuần nghỉ tết dương lịch nên lượng khách Sài Gòn lên Đà Lạt rất đông khiến 12,500 phòng của 800 khách sạn các loại không còn chỗ. Ngay cả khi dân địa phương đã mở rộng cửa đón khách với giá 100,000 đồng một ngày, cũng không đủ chỗ ở khiến nhiều khách du lịch phải quấn mình trong áo ấm, qua đêm trong  khách sạn ngàn sao ven hồ, ven đồi.

 

Rút kinh nghiệm từ hai lần festival 2005 và 2007, lần này sự sắp xếp hội hoa trải rộng hơn. Đường dẫn từ sân bay Liên Khương về thành phố Đà Lạt, đầy hoa. Suối hoa chảy tràn trên đường Trần Hưng Đạo, qua nhà thờ Con Gà, xuống chợ dưới, vòng quanh hồ Xuân Hương, lên khu Hòa Bình, rạp Ngọc Lan cũ… Đâu đâu cũng tươi thắm, rực rỡ sắc mầu.

Không cần đi xa, chỉ quanh quanh khu vực hồ Xuân Hương, từ ngày 31/12 đến ngày 2/1 là có thể xem đủ mọi hình thức lễ hội từ thi cắm hoa đến diễn hành xe hơi cổ, xe vespa cổ, xe đạp kết hoa. Đặc biệt tối thứ bảy 2/1, festival hoa Đà Lạt chính thức diễn ra tại sân vận động phía truớc hồ Xuân Huơng, thu hút hàng vạn người tham dự.

 

Biểu tượng Festival hoa giữa hồ Xuân Hương

 

     Pháo hoa thi nhau nở xoè trên cao, rơi xuống hồ Xuân Hương những giọt mầu rực rỡ. Điệu múa, tiếng hát, hoạt cảnh nối tiếp trên sân khấu suốt một tiếng rưỡi đồng hồ. Dòng người đi chơi hội ban đêm ai cũng diện mũ len, áo len, khăn quàng sặc sỡ. Tiệm cà phê, nhà hàng, quán cóc vỉa hè, shop bán tranh thêu, đồ len, thổ cẩm, đồ gỗ mỹ nghệ sáng đèn đến quá nửa đêm. Người dân Đà Lạt tỏ vẻ vui mừng vì được dịp buôn may bắn đắt.

  Cánh lái xe ôm, cho thuê xe đạp đôi, đánh xe ngựa là trúng nhất. Từ hồ Xuân Hương lên khu biệt thự cổ ở đường Trần Hưng Đạo, đi bộ nửa tiếng, đi xe ôm giá 30,000 đồng. Thức ăn thì lại quá tệ vì ai cũng nghĩ là bán cho du khách. Vào chợ kéo ghế gọi bún riêu, bún bò Huế… người bán bưng ra tô bún không giống ai với nước lèo nhạt thếch. Vào các quán cà phê xinh xắn dọc đường Lê Đại Hành, Nguyễn Chí Thanh, thậm chí cả cà phê Tùng lừng danh một thuở kêu cà phê, trà nóng, càng buồn vì dở tệ. Bảo Lộc – Lâm Đồng tiếng là thủ đô của trà, cà phê nhưng thứ thượng hạng đều bán về Sài Gòn hay xuất cảng hết. Tín, một sinh viên khoa Kinh tế trường đại học Yersin, than sống ngay tại Đà Lạt này nhưng muốn thưởng thức cà phê ngon cứ phải về Sài Gòn.

 

Trang trí cho ngành sản xuất rượu vang

 

Cũng theo Tín, trước lễ hội một tuần, sinh viên cao đẳng, đại học Đà Lạt được ban tổ chức lễ hội, các đơn vị tham gia Hội chợ Thương mại Quốc tế tuyển vào việc xếp hoa, trang trí đường phố, bán hàng, tiếp tân với mức thù lao 100,000 đồng/ngày. Nông dân trồng rau, trồng hoa, người quét đường, người bán hàng lưu niệm, ai cũng có công ăn việc làm, kiếm được tiền cao gấp mấy ngày thường.

 

Tỉa cây cảnh cho lễ hội hoa

 
   Du khách thì than khách sạn nào cũng chật cứng, đặt cọc giữ chỗ hẳn hoi nhưng phút chót vẫn bị kê cao hơn giá thỏa thuận từ 30% trở lên. Đã thế điều kiện vệ sinh, tiện nghi phòng ốc lại kém. Lại nữa, bước chân ra đường, vào vườn hoa mê mải chụp hình hay lúi húi chọn mua đồ lưu niệm không hiếm người mất điện thoại di động, ví, kiếng mát, máy chụp hình.

 

Sinh viên làm thêm trong mùa lễ hội hoa

 Du khách Tây phương thì phong phanh áo thun quần lửng, vác balô đi khắp nơi, cái gì cũng mua, cũng ăn thử, cũng chụp ảnh. Kẻ viết bài hỏi chuyện hai bạn Pat, Annie đang chọn góc máy thu hình đồi hoa trong nắng. Họ cho biết đang công tác ở Lào, nghe quảng cáo festival hoa Đà Lat hấp dẫn, bèn đi cho biết. Họ nói so với Hà Lan, Anh, Bỉ…,  hoa Đà Lạt chưa đa dạng nhưng nhờ núi đồi, hồ nước thơ mộng, nên hoa Đà Lạt đẹp hơn, tự nhiên hơn.
Lễ hội diễn ra vỏn vẹn 4 ngày. Tan lễ, người Sài Gòn lại trở về với thành phố nóng bụi ồn ào. Những hồng, lan, cúc, mimosa, xác pháo, dã quỳ khoe sắc trong tiếng hát  Ai lên xứ hoa đào đừng quên mang về một cành hoa…, chắc còn đọng lại chút gì trong lòng du khách.

Trang trí hoa ở một khách sạn tại Đà Lạt

Hoa vải ven hồ Xuân Hương

XH