Menu Close

Nghề đâm hà bá

Tháng 10, 11 âm lịch là mùa đi soi cá sôi động nhất. Mùa nước nổi đang chuẩn bị rút về nguồn, cá lóc, cá rô, cá trê, lươn đầy ở các mương rạch, sông ngòi. Người đi soi cả ban ngày lẫn ban đêm đều kiếm được cá. Nhưng đây là cái nghề hạ bạc: nhất đâm hà bá, nhì phá sơn lâm. Nghèo lại hoàn nghèo.

 

Tôi không phải “Hai lúa”, nhưng trong đời cũng có ít nhất mươi lần xách giỏ theo các bạn giăng câu, bỏ lưới, chĩa cá. Với tôi được đi với đám bạn chân đất trong những ngày sống ở quê là một thú vui, còn với những người mưu sinh bằng nghề đâm hà bá thì lại là miếng cơm manh áo. Họ phải lặn lội trong các ao đầm từ đêm khuya cho đến rạng sáng kiếm từng con cá, con lươn, vừa để có cái ăn vừa bán kiếm tiền phụ giúp gia đình.

 

Theo cha học nghề


Nghề “đâm hà bá”

Nghề soi chẳng ai dạy mà đi soi riết rồi học được nhiều kinh nghiệm. Trai tráng ở bất kỳ làng quê nào cũng đều biết soi kiếm vài ba con cá cho bữa cơm gia đình. Tuy thế cũng có người chọn nghề “đâm hà bá” như một cái nghiệp mưu sinh quanh năm suốt tháng.

   Nghề này có lắm điều thú vị, nhưng cũng không kém phần gian nan, vừa phải lặn lội nơi vắng vẻ, vừa phải thức trắng đêm, có lúc phải dầm mưa ướt như chuột lột. Đó là chưa kể đến việc sắm sửa bộ đồ nghề sao cho thích hợp để có được nhiều cá. Soi trên đồng ruộng thì bộ đồ nghề phải khác so với khi đi soi trên kênh rạch. Nhưng một thứ không thể thiếu là chiếc đèn pha và chiếc bình ắc qui. Đèn pha phải là loại có chụp gom ánh sáng, đeo trước trán. Bộ chĩa soi cá thông thường là chĩa chùm bảy mũi hoặc năm mũi, kích cỡ mũi chĩa tùy theo chủ ý của người đi soi, nếu muốn soi cá lớn thì dùng chĩa mũi lớn và dài, ngược lại muốn soi cá nhỏ thì dùng chĩa mũi nhỏ và ngắn, nhưng các loại chĩa đều phải có mũi bén và nhọn. Người đi soi chuyên nghiệp thường mang theo cả hai loại chĩa trên để tiện khi gặp “đối tượng” nào thì sử dụng “hung khí” ấy. Muốn soi cá lớn thì phải ra sông, kinh rạch hoặc đi vào chỗ đầm lầy ít người lui tới. Soi cá trên sông thì phải sử dụng phương tiện là xuồng ba lá, người cầm chĩa thì đứng trước mũi, người còn lại cầm chèo có nhiệm vụ bơi chầm chậm để xuồng lướt êm không gây tiếng động.

 

Chuẩn bị quăng chài

 

   Vào ban đêm, cá thường ngủ cặp mé bờ, cho nên xuồng đi soi không ai ra giữa dòng. Con cá lóc rất khôn nên hay ngụy trang dưới cỏ hoặc nấp sau bụi rong; cá trê lại thích bơi theo đàn có khi cả chục con, chúng bơi sát đất và tập trung nhiều ở những miệng cống hoặc cửa mương có nước ra vào thường xuyên; con cá rô, cá sặc, cá mè khi gặp ánh đèn chiếu sáng thì nằm im re, chỉ cần nhanh tay “phập” một chĩa là dính. Đi soi bằng xuồng đòi hỏi người soi phải nhanh tay, lẹ mắt, nếu chậm một chút thì xuồng lướt tới, con cá sẽ chuồn mất. Dù vậy, đối với những tay soi “sát cá” thì mười con như một, ít khi bị sẩy.

   Đi soi trên ruộng trên mương thì đơn giản hơn nhiều. Tuy nhiên, nước trên ruộng ít lại thường không trong trẻo lắm, cho nên người đi soi phải căng mắt ra tìm kiếm, cho nên người ta thường đi soi trên mương. Soi trên mương không phải ướt chân. Nhưng nguy hiểm rình rập bất ngờ. Vô tình đạp nhằm con mái gầm hay hổ mang thì có ngày bỏ mạng.

 

Thu lưới

Hà bá cũng chẳng còn!

   Con cá dưới nước nhanh nhẩu là vậy, nhưng vẫn là bại tướng dưới các tay soi. Đã thế, dân soi ngày nay lại dùng những phương tiện tận diệt cả cá lớn cá bé vì đất ruộng đồng ngày càng teo tóp do tốc độ đô thị hóa và ô nhiễm kênh rạch.

   Ông Chín Chĩa (do hồi trẻ ông nổi tiếng với nghề chĩa cá) chiêu ly rượu trắng qua lại trước mũi rồi đưa lên miệng quất cái ọt, cười hề hề với đám thanh niên. Ông kể rằng, mấy chục năm trước đi soi vui lắm. Ở quê chiều đến thanh niên ít có tụm năm tụm ba nhậu nhẹt như bây giờ. “Cứ chạng vạng là tao gom bộ đồ nghề và đèn khí đá xuống ghe đi mình ên. Đến chỗ, cột ghe giấu trong bụi ô rô, rồi xách chĩa đi tìm “hà bá” dọc theo mấy con mương trâu. Ở mương thường có cá lóc mẹ làm ổ đẻ. Tao chỉ cần quần một tua vài tiếng đồng hồ là trong giỏ có hai ba con to bằng bắp chân. Nhiêu đó đủ rồi tao không cần giết mấy con lẹt đẹt. Thanh niên tụi bây, giờ thì lớn nhỏ gì cũng chĩa, riết rồi hà bá cũng không còn. Mùa mưa không nói, chứ mùa nắng thèm mồi chỉ có nước ra chợ mua con cá lóc nuôi đìa”.

 

Bắt cá trên mương cạn

 

    Anh Tám Thành ngoài hai công lúa lo gạo ăn cho gia đình, anh còn làm luôn nghề chĩa cá, giăng lưới, anh nói: “Soi cá, đặt lờ, cất vó, giăng lưới bén hay quăng chài không nói làm gì. Đáng trách là dân đi xẹt trên ghe dùng cả máy phát điện để tận bắt cá cha cá con cả lũ. Đồng ý là cuộc sống khó khăn nên bà con mình mới làm như vậy. Nhưng thử hỏi, kiếm được mớ cá chết thì làm được gì nên chuyện. Ngay cả những ai làm nghề chĩa cá như tui  cũng không gì hơn, nghèo vẫn hoàn nghèo!”

   Đã qua cái thời soi cá không phải là cái nghề mưu sinh. Chĩa cá là một phướng cách bắt cá cổ xưa nhất khi người nông dân chưa có nhiều phương tiện bắt cá. Giờ thì  cuộc sống khó khăn, nghề “đâm hà bá” trở thành công việc mưu sinh hàng ngày của một số nông dân tay trắng bằng bất kỳ phương tiện gì có thể.

Một chú cá trê dính chĩa

NL