Menu Close

Cù lao phố Biên Hòa

Thế kỷ 18, Cù lao Phố (nay là xã Hiệp Hòa, Biên Hòa, Đồng Nai) được biết đến như một thương phố bậc nhất của  miền Nam, thu hút nhiều thương nhân nước ngoài tới buôn bán. Phố thị sầm uất, lầu cao quán rộng, đường sá rộng rãi… Ngày nay, Cù lao Phố vẫn còn đó nhưng dấu vết thời gian, ghi dấu những khoảnh khắc lịch sử “một thời cha ông đi mở cõi”, mai một đi rất nhiều.

 


Cù lao Phố – vang vọng tiếng người xưa

   Với diện tích khoảng 600 ha, Cù lao Phố có hình dạng chiếc chuông treo nghiêng, được bao bọc bởi sông Rạch Cát và sông Đồng Nai. Sử sách xưa kể rằng, thuở ban đầu vùng đất này còn nhiều sình lầy, hoang vu… là nơi cư trú của vài dân tộc bản địa sinh sống. Rồi đến đầu thế kỷ 17, các cư dân vùng Ngũ Quảng, trên những chiếc “ghe bầu cưỡi đầu ngọn sóng”, xuôi theo dòng nam tiến tìm chốn mưu sinh. Những người đi khai canh năm xưa thường chọn những mỏm đất bằng phẳng ven sông để cư trú. Và Cù lao Phố là nơi đặt chân đầu tiên của nhóm người này.

 

Ga xe lửa Biên Hòa, gần Cù lao Phố

 

   Tiếp đến là người Hoa từ Quảng Đông theo nhóm di thần nhà Minh do Trần Thượng Xuyên và Dương Ngạn Địch cầm đầu khoảng 3,000 người, trên 50 chiến thuyền vào Đàng trong xin định cư (1679). Số người Hoa này được tự do khai hoang lập nghiệp nhưng họ chỉ khai hoang vừa đủ chỗ ở, đủ sinh sống. Truyền thống của người Hoa là thương mại, bản tính cần mẫn, kiên trì, họ đã từng bước gây dựng Cù lao Phố thành thương cảng sầm uất của miền Nam  lúc bấy giờ.

Xe ngựa cù lao Phố hồi thập niên 60

 

   Ban đầu chỉ một nhóm người quy tụ thành “chợ chồm hổm” trên những doi đất sát bờ sông, sau thành một thương phố sầm uất, không thua kém phố cổ Hội An. “Gia Định Thành Thông Chí” của Trịnh Hoài Đức mô tả Cù lao Phố “… phố xá, mái ngói tường vôi, lầu cao quán rộng liền lạc tới 5 dặm, chia vạch ra ba đường phố lớn lót đá trắng, đường phố ngang lót đá xanh, đường rộng bằng phẳng; ghe thuyền lớn ở biển và ở sông đến đậu neo, có những xà lan liên tiếp nhau. Ấy là một chỗ đại đô hội, nhà buôn to lớn ở đây là nhiều hơn”.

 

Khu Văn miếu Trấn Biên ở Biên Hòa

 

   Năm 1776, Nguyễn Huệ mang quân vào đánh Chúa Nguyễn ở núi Châu Thới, Nông Nại Đại Phố chìm ngập trong khói lửa. Số người Hoa ở đây lần lượt kéo đến vùng Chợ Lớn làm ăn, đón nguồn nông sản dồi dào của vùng Đồng bằng sông Cửu Long để buôn bán. Từ đây thương cảng Sài Gòn được lập nên thay cho Thương cảng Nông Nại lụi tàn. Cù lao Phố sau gần một thế kỷ sầm uất buôn bán, thuyền buôn tới lui… đến đây lại trở thành miền quê êm ả, bình dị như các vùng nông thôn khác của miền Nam.

 

Đan giỏ ở Cù Lao Phố

Còn đó một cù lao

Với những vấn đề về lịch sử, nét quê đậm chất Nam bộ, Cù lao Phố có rất nhiều tiềm năng để phát triển. Nơi đây còn có khu phố cổ. Dấu tích xưa của đất cù lao trong thư tịch cổ, đặc biệt là sách “Gia Định Thành Thông Chí” mô tả quang cảnh Cù lao Phố xưa rất rõ, đây là căn bản để phục hồi “nếp cũ, tích xưa”.

 

Khu lăng mộ Nguyễn Hữu Cảnh

 
   Nếu việc xây dựng, tái hiện lại một không gian văn hóa truyền thống ở Cù lao Phố như tỉnh Đồng Nai đã từng xây dựng lại khu Văn Miếu Trấn Biên thì việc khai thác những nơi “hồn xưa chốn cũ” ở Cù lao Phố còn nhiều. Từ đường sông đến khu vực Cần Giờ – con đường mà người Hoa đã di cư đến Sài Gòn lập nên khu Chợ Lớn ngày nay. Đồng Nai đi qua các địa danh, di tích cổ như Văn Miếu Trấn Biên, phần mộ Nguyễn Hữu Cảnh (nơi trước đây di quan Đức ông Nguyễn Hữu Cảnh về chôn cất), phần mộ Trịnh Hoài Đức, Vườn bưởi Tân Triều nổi tiếng… Mảnh đất Cù lao Phố được xem là nơi lưu giữ các công trình tín ngưỡng, thờ tự dày đặc với 11 ngôi đình, 7 ngôi chùa và 1 thánh thất Cao Đài.

   Ngoài những di tích văn hóa, nghề truyền thống ở Cù lao Phố cũng là một nét duyên xưa như: dệt chiếu, dệt tơ lụa, gốm đất, đúc đồng, nấu đường mía lau, làm bột bánh cưới, làm đồ gỗ… Các nghề này đã để lại dấu tích một thời qua các địa danh: chợ Chiếu, xóm Củi, xóm Lò Đúc, rạch Lò gốm…

 

Dệt chiếu

 
   Khôi phục các di tích, xóm nghề xưa trên Cù lao Phố không chỉ có giá trị về mặt bảo tồn văn hóa mà còn là nơi lưu giữ nhiều yếu tố lịch sử. Nhưng tiếc Cù lao Phố chưa được quan tâm đúng mức, nhiều ngôi đình chưa có quy chế bảo tồn (trừ đền Nguyễn Hữu Cảnh). Sự chăm sóc kiến trúc và cảnh quan đình đang tùy thuộc vào sự quan tâm của người dân trong làng, Một số đình như Hòa Quới, Bình Quan… cảnh quan rất hoang tàn. Trước thực trạng này, nếu không được trùng tu, thời gian không xa, nhiều di tích đình ở Cù lao Phố sẽ biến dạng và mất dần.

   Có dịp đến Cù lao Phố, ta sẽ được chìm đắm trong không gian hoài niệm thuở cha ông mở cõi, những làn gió mát từ sông Đồng Nai cứ nhẹ nhàng, đều đặn thổi vào vùng đất vốn bình dị êm ả của một thương phố trong quá khứ. Nhiều ngôi đình, chùa thâm nghiêm ẩn mình trong lớp “bụi thời gian” sẽ là nét độc đáo để chúng ta có thể tìm hiểu về lịch sử vùng đất “một thời vang bóng”.

Thanh Tâm