Chỉ còn vài tuần nữa Sài Gòn nói riêng, Việt Nam nói chung nô nức đón đợi Tết đến. Khắp nơi, những hoạt động chuẩn bị diễn ra tất bật. Chợ búa, siêu thị, shop thời trang đua nhau trang trí mặt tiền, trữ hàng bán Tết.

Nhưng hình ảnh phản diện thì cũng dễ phơi bày. Các “con đường đau khổ” Lê Văn Sỹ, Phan Đình Phùng, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Ba tháng Hai… dù được Sở Giao Thông “thề”đẩy nhanh “tiến độ thi công” nhưng lời thề, như thường lệ, chỉ nói mà không làm.
Trong khi đó xăng tăng 400 đồng/lít, đường tăng 5000 đồng/ ký, kéo giá bánh mứt, đồ khô, bia rượu, dịch vụ chuyên chở, sơn sửa nhà cửa tăng theo hàng loạt.

Tiệm bán mứt Tết ở Sài Gòn
Cánh chạy xe ba gác lẽ ra phải ngưng hoạt động sau lệnh cấm từ ngày 1/1 vừa qua nhưng vẫn xuất hiện “trên từng cây số”. Ông Nguyễn Thìn, vừa xúc cát lên xe ba gác, vừa nói “Hồi đầu cũng sợ. Nhưng đói rồi cũng liều, phải chạy luồn lách trong hẻm”. Chứng kiến hai vợ chồng người đẩy xe ba gác – vợ đi trước thám thính, không thấy bóng công an, gọi điện thoại bảo chồng “tiến lên”. Chồng mắt la mày liếc, đẩy một xe chất đầy bàn ghế, giường tủ, nhác thấy bóng “bạn dân” là núp vội ngay vào hẻm. Quận Tân Bình, Bình Thạnh, quận nào cũng có hơn 1,000 xe ba gác. Nghe nói nhà nước hỗ trợ tiền chuyển đổi nghề từ 5-9 triệu/ người nhưng chờ mãi không có, đành chạy liều.

Quấy bán phong bì lì xì và đồ trang trí Tết ở ven đường
Những người lìa quê lên tỉnh kiếm sống như tốp thợ hồ quê Nam Định tâm sự với kẻ viết bài: “Mùa khô là mùa vàng đối với thợ xây, thợ xẻ. Ngày làm 8 tiếng. Không nghỉ lễ tết, chủ nhật. Tháng 30 ngày đều đặn. Ăn ở luôn tại lều trại. Làm một mạch, cuối năm lãnh dồn một cục, về chung một làng, ra giêng lại lên. Thợ sai vặt 90,000đồng/ngày. Thợ thường 150,000 đồng. Thợ cả 250,000đồng. Sáng làm tới trưa. Trưa làm tới chiều. Từ chỗ ở tới chỗ làm đi bộ ngày bốn lượt. Về mệt chả thiết cơm nước. Tối đến ngồi hút thuốc lào, thuốc lá tán chuyện gẫu. Thỉnh thoảng mới rượu chè, bài bạc…”

Mứt Tết
Về các dịch vụ làm đẹp, giải trí khá trầm lắng. Lướt qua các tiệm uốn tóc, mát xa, toàn thấy thợ ngồi chơi. Tiệm may càng “nhàn” hơn. Ngoài chợ, bỏ ra 60,000 đồng tới 100,000 đồng là có ngay một chiếc áo thời trang đẹp cả mầu sắc, kiểu may lẫn các phụ liệu đính kèm. Trong khi vô tiệm, chỉ riêng tiền công áo đã 60,000 đồng. Mất thời gian đi lại, chờ đợi mà chưa chắc đã như ý. Nhất là khi càng cận tết, hàng đẹp càng nhiều, đâu đâu cũng quảng cáo đại hạ giá, mua một tặng một. Chị Tám Ngọc bán quần áo lâu năm trong chợ Tân Bình cho biết mỗi tuần nhập hơn 20 mẫu áo Trung Quốc. Mẫu nào mối sỉ cũng thâu hết vì vừa đẹp vừa rẻ. Hàng Việt Nam chỉ “thắng” ở quần áo trẻ em, vì nói theo một bà mua hàng thì “Chưa tới trăm rưởi ngàn chiếc áo đầm voan nhiều tầng cho bé gái và bộ đồ lửng cho bé trai”.

Hàng ế
Những tưởng thợ may, thợ uốn tóc, mát xa, bấm huyệt… là nhàn nhất, trên thị trường vàng ảo, gọi nôm na là “sàn vàng” (thuật ngữ chỉ thị trường chứng khoán mua bán vàng) mới là người nhàn hơn cả. Từ giữa năm 2009, khi chứng kiến giá vàng trong nước liên tục biến động, cao hơn giá vàng thế giới, thì từ nhà đầu tư chuyên nghiệp đến cụ già có vài chục triệu tiền hưu đều “lên sàn” đặt lệnh mua bán hay đổ đến tiệm vàng SJC, PNJ, Bảo Tín Minh Châu chen chúc mua vàng vào, bán vàng ra kiếm lời. Hậu quả nhiều người mất cả cơ nghiệp, mất luôn khả năng chi trả vàng vay mượn, như chủ tiệm Tuấn Tài Chợ Lớn, bị hàng trăm con nợ vây đòi, phải bỏ trốn…
Cũng bị “nhàn” tương tự là giới đầu tư địa ốc. Tết gần kề, vòng quay của tiền càng lúc càng tít mù, chóng mặt. Không ai muốn mua bán đất, thuê nhà ở. Hàng loạt khu nhà trọ các quận Bình Thạnh, Bình Tân, Tân Bình, Gò Vấp vắng khách dần…
Nếu chỉ dừng lại ở vài hoạt động đơn giản trên, đã chẳng thể gọi Sài Gòn là thành phố muôn mặt. Du khách ở xa về, không nên tin vào các cấp chính quyền ngồi phòng máy lạnh họp báo, ra chỉ thị nào là lo tết cho dân nghèo, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, ổn định giá cả thị trường… mà hãy chịu khó dạo một vòng ký túc xá đại học, bãi rác, khu giải tỏa, bến xe, bệnh xá, cô nhi viện, quận 5, Hóc Môn, Củ Chi, Gò Vấp…nơi chuyên sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, tiêu thụ rượu mứt, hạt dưa, lạp xưởng, bánh kẹo (trong đó không ít thứ độc hại, bẩn thỉu, giả mạo đã bị lên báo hai tuần qua khiến người đọc sởn gai ốc) họa may mới có cái nhìn cận cảnh về sinh hoạt thật sự của Sài Gòn- nơi được mệnh danh là Hà Nội ba mươi bảy phố phường.