Ngày tám tháng Ba là ngày thế giới đàn ông nới bớt sự áp chế phụ nữ trong sở làm, lớp học, gia đình, đồng thời dúi cho họ vài ngàn đồng (hoặc vài triệu đồng) ngọt ngào, tùy theo túi tiền và lòng trắc ẩn của mình. Nhận cành hoa hồng “ba không” – không nở, không mùi, không gai- hay mở gói quà lỉnh kỉnh dầu gội đầu, son môi, túi xách, áo đầm… nhiều phụ nữ cho biết thoạt tiên có cảm động nhưng chỉ chưa tới ba mươi giây, sự bồi hồi xao xuyến nhường chỗ cho ký ức buồn và sự so sánh, nghi ngại. Món quà của người yêu cũ, người yêu mới, đồng nghiệp nam, chồng, con trai, học trò… vì thế có thể bị cất đi, cho đi, bán đi, thậm chí vứt đi theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Nhưng dù sao những phụ nữ ấy cũng còn may vì còn có người nhớ tới mình, gửi tặng cho mình thứ này thứ nọ, chứ với nhiều sơn nữ đốn củi làm nương hay thôn nữ chân lấm tay bùn thì cả đời không biết tới mặt mũi ngày tám tháng Ba, nói gì đến hoa hồng, chocolate và những lời xưng tụng ngọt ngào của “một nửa thế giới không phải đàn bà”.

Cuộc sống của những người phụ nữ không biết tới ngày 8 tháng 3
Biết đâu ngày đó
Xứ này con gái học hết cấp hai là nghỉ ở nhà. Vài năm sau lấy chồng. Chồng làm nông, vợ cũng làm nông. Hoặc chồng làm thợ bạc, thợ hồ, vợ bán hàng ăn, thu mua đồ rẫy (bắp, bạc hà, bông vạn thọ, dưa leo…). Chị Tám có ba sào đất trồng bông vạn thọ ở Uyên Hưng – Bình Dương vừa ngồi rỉa bông thọ khô vừa nói với kẻ viết bài. Theo lời chị thì có mấy mặt con với nhau nhưng vợ chồng chị chưa bao giờ biết ngày tám tháng Ba. Đồng vợ đồng chồng làm ăn chí thú. Lên mâm, mạnh chồng chồng gắp, mạnh vợ vợ gắp, không phải nhìn trước ngó sau, không phải ăn trước ăn sau. Vậy là hạnh phúc rồi. Còn lâu lâu “chả” đá gà, nhậu rượu hay ghi đề này nọ thì “đàn ông ai chẳng vậy”.

Những phụ nữ nông thôn miền tây này có hạnh phúc hơn vì có ngày 8 tháng 3 không?
Không may mắn như chị Tám, chị Bé Bảy bán bắp trên quốc lộ 13 nghe hỏi chuyện chồng con mặt đang tươi tỉnh vụt sa sầm, nặng nề. Chị kể “Bắp từ khi bỏ hột tới khi chặt là hai tháng bốn ngày. Bẻ bắp xong gom hết lên lề đường, chất đống. Bán hai mươi lăm ngàn một chục mười. Không thì luộc, bán lẻ ba ngàn một trái. Tất cả những chuyện đó, cái nào làm nổi thì làm, cái nào làm không nổi thì mướn người. Có chồng nhưng không được nhờ. Lấy nhau hai mươi năm, chỉ vài năm đầu êm ấm, còn thì ngày nào cũng sinh chuyện. Bị chửi đánh riết phát ngán, ra đây ngồi buôn bán, cực khổ nhưng yên thân”. Được hỏi về ngày quốc tế phụ nữ, chị Bé Bảy nói ngay “tám tháng Ba hay ba tháng Tám gì thì cũng vậy thôi, cũng không dành cho hạng nghèo dốt như mình”.

Bán bắp ven đường
Gà lên chuồng
Cùng với tỉnh Bình Dương, Đồng Nai cũng là một tỉnh công nghiệp đang phát triển mạnh. Các khu công nghiệp, khu chế xuất mọc lên với tốc độ chóng mặt, kéo theo đội ngũ nữ công nhân từ khắp nơi tụ về đông đảo. Mỗi khu chế xuất, mọc lên một vành đai nhà trọ. Các nhà trọ rất giống nhau về giá cả, kích thước và tiện nghi tối thiểu bên trong. Ở khu công nghiệp Linh Trung- Thủ Đức, khu công nghiệp Singapore – Bình Dương hay khu công nghiệp Amata – Biên Hòa đều bốn trăm ngàn một tháng chưa kể điện nước cho một phòng trọ 16m vuông (dân địa phương gọi đùa là “chuồng gà”). Mỗi chủ phòng trọ thường xây hai dãy “ chuồng gà” song song, đối mặt nhau. “Gà” phần nhiều là gà mái tơ, quê miền Bắc, miền Trung. Suốt ngày đi làm, tối mịt mới về, ăn uống qua loa, xong “lên chuồng” ngủ như chết. Giải trí, vui chơi chỉ trông vào tivi. “Vài chuồng” chung nhau một cái. Ngày tám tháng Ba mở xem các chương trình vinh danh phụ nữ, nhiều nữ công nhân ngáp dài. Họ bảo đó là bánh vẽ. “Đối với tụi em, thực tế bây giờ cần tăng lương từ triệu rưởi lên độ hai triệu, đồng thời làm sao cho giá thực phẩm, nhà trọ, tàu xe đừng lên nữa. Nếu nhà nước giúp được tụi em cám ơn lắm. Còn nói trên trời dưới biển thì xin lỗi, nghe nhiều rồi”. Khu “chuồng gà” chiều tối ngày tám tháng Ba không khác ngày thường. Vài cô trẻ đẹp có bạn trai chở đi uống nước, mấy cô khác ngồi ngoài hè bấm điện thoại, cười rúc rích, đấu hót véo von, còn đa số vẫn “thăng” sớm như thường lệ.

Đứng ngoài nhìn vào, mỗi khu nhà trọ là một mớ hổ lốn, nơi cá nhân gắn bó với nhau bằng những quan hệ lỏng lẻo, tạm bợ. Chị Lý bán tạp hóa kiêm cầm đồ ở gần khu công nghiệp Nam Tân Uyên- Bình Dương cho biết “nữ công nhân ở đây, tùy theo mập ốm, trắng đen mà biết làm lâu hay mau. Cô nào mập mạp, trắng trẻo là lính mới. Ốm ốm roi roi, da ngăm bánh mật là lính cũ. Gầy trơ xương, đen thui đen thít là lính cựu. Mười tám hai mươi vô làm xí nghiệp gạch ngói, gốm sứ. Chừng ba mươi tuổi mà không có mối tình nào làm vốn, không tiến thân được trong nghề nghiệp thì coi như đời tàn. Vì vậy, dịp quốc tế phụ nữ tám tháng ba, nhiều công ty ở đây hay tổ chức giao lưu, kết nghĩa với lính lác địa phương hoặc các đơn vị khác để nữ công nhân có dịp quen biết bạn trai. Nhờ vậy, bệnh “phòng không đầu năm nay coi bộ hơi đỡ”.

Hàng “xôn” cho những nữ công nhân ngheo
Thiết tưởng, xưa nay, trong mắt muôn người, phụ nữ chính là hoa của đời sống, hoa của đất đai. Nơi thị thành, hoa mong manh đài các, được chăm chút, tôn vinh. Vùng quê, vùng núi, hoa tắm nắng phủ bụi lấm lem, nhưng bền bỉ khoẻ mạnh. Trong khu chế xuất, khu công nghiệp, hoa sống đời lục bình, chùm gửi thua thiệt, tội tình… Tuy sang hèn khác nhau nhưng tất cả đều là hoa, đều cần bàn tay trân trọng chở che, vun tưới thay vì bóc lột, vùi dập, “chơi hoa rồi lại bẻ cành, bán rao”.
Làm sao để sức hoa đừng bị vắt kiệt, duyên hoa đừng phai tàn, đời hoa đừng chết trong bóng tối ??? Những câu hỏi này có lẽ dành cho các đấng đàn ông, chúa tể của muôn hồng ngàn tía (!) là phù hợp hơn cả.