Menu Close

Rằm tháng Giêng viếng các ngôi chùa

Như một duyên may, ngày thứ Bảy vừa qua, tôi đi hành hương, viếng 10 chùa  trong một ngày. Cô bạn tôi năm nào cũng đi hành hương vào dịp Tết và ăn chay trọn tháng giêng. Năm nay cô khuyến khích tôi đi viếng các chùa cùng với cô. Nói đi chùa là tôi nhớ lại cảnh trang nghiêm, tĩnh lặng của  các ngôi chùa cổ kính ở thôn quê miền Nam thời xa xưa. Lúc ấy còn bé, 5 – 7 tuổi nhưng tôi thường được bà Ngoại tôi cho đi theo khi bà đi chùa vào ngày rằm hay vía Phật. Tôi còn nhớ những vị sư hiền lành, các ni cô dịu dàng và các chú tiểu khoảng 11, 12 tuổi tóc để trái đào, chuyên rót trà mời khách. Lúc đến tuổi đi học sống thành phố, tôi không có duyên đến lễ Phật ở các ngôi chùa thủ đô vì cả gia dình bên nội chúng tôi chỉ thờ cúng tổ tiên, không ai đi chùa.

 

Chùa Hoa Nghiêm, Alexandria VA

Ngày Rằm tháng Giêng tôi thức từ 4g30, mặc 2,3 lớp áo vì trời hãy còn lạnh lắm. Cô bạn đến đón  tôi và một cô bạn khác. Chúng tôi có mặt tại điểm hẹn ở bãi đậu Metro East Falls Church,Virginia  vào 6g20. Nơi đây tôi gặp một gia đình người quen đến còn sớm hơn chúng tôi. Không nghe nói anh đi chùa hay nhà thờ vì từ lâu anh quan niệm sống tử tế, tốt lành là đủ rồi. Không biết hiền thê mời mọc tỉ tê thế nào, anh đi hành hương năm ngoái, năm nay lại đi tiếp tục và dẫn theo 2 người con đã tốt nghiệp hậu đại học. Anh cho đi chùa tháng Giêng là tốt nhất: “Đi lễ quanh năm không  bằng  ngày rằm tháng giêng …”

Hai xe bus đón khách hành hương rời bãi đậu Virginia vào 7g00 sáng, lúc sương mù còn dày đặc… Ở  Metro, tuyết  rơi  2 tuần  trước  đây  được gom lại từng đống to, nay chỉ tan được phần nhỏ, làm ẩm ướt bãi đậu rộng lớn mênh mông này.

 

Chùa Nhật Ekoji Buddhist Temple

 

Chúng tôi viếng chùa Hoa Nghiêm ở Alexandria, Virginia đầu tiên. Chùa mới còn  đang xây cất dở dang nên đoàn hành hương phải đến chùa cũ lễ Phật. Thì giờ giới hạn nên mỗi người lấy một hộp nhỏ đựng bánh chưng và ly sữa đậu nành nóng của chuà đem theo  lên xe sau khi nghe kinh. Từ chỗ đậu xe  đến chùa đường hơi trơn trợt vì tuyết tan làm mặt lộ ướt loang lỗ.

Kế tiếp chúng tôi thăm chùa Nhật Ekoji Buddhist Temple. Chùa xây trên khoảng đất rộng, bãi đậu  thênh  thang sạch sẽ. Bên trong  chùa có vài tượng Phật nhỏ trên bàn thờ giản dị. Trước bàn thờ bày rất nhiều ghế cho phật tử ngồi nghe kinh. Trần chùa cao vọi  như các ngôi đền Nhật thường thấy trong các phim. Gần cửa ra vào có tủ sách chứa nhiều sách lớn nhỏ nói về Phật pháp… Vài vị nữ tu bán quà lưu niệm cho người hành hương. Cảnh chùa thanh nhã, yên ắng dù bên trong có hàng trăm khách hành hương nhưng mọi người đều giữ yên lặng nơi chốn tôn nghiêm. Nhìn những cây đào trước sân chùa mới nhú nụ bé xíu  trên  cành, hứa hẹn nhiều hoa  đẹp khi xuân về.  

 

Cổng dẫn vào chùa Wat Lao Buddhavong Temple

                                            
 Tu viện Tương Vân ở ngoại ô trong khuôn viên rọng rãi là nơi thăm viếng thứ ba trong lịch trình hành hương. Tuyết nơi đây còn  phủ đầy sân. Tượng Phật Di Lạc tươi cười đặt bên ngoài  tu viện… Một số tượng  các loài thú đặt ở sân trước  bị tuyết  che phủ.  Ngoài trời lạnh lẽo nhưng tình các ni sư ấm áp. Chúng tôi được nghe tiếng pháo Xuân vui tai. Sau khi nghe kinh, lễ Phật, uống trà hay sữa đậu nành, mọi người lên xe đi thăm chùa Lào.
Chùa Wat Lao Buddhavong Temple rộng rãi, kiến trúc, trang trí giống như chùa Thái lan tôi được  biết  khi thăm viếng Thái Lan. Nóc chùa trang hoàng những  chiếc  thuyền màu vàng  chiếu lấp lánh  dưới ánh mặt trời. Bước vào cửa có 2 nữ đạo hữu xinh đẹp mặc y phục Lào chờ sẵn đứng chắp tay cúi  đầu chào từng người khách. Bên trong chùa có nhiều tượng Phật thếp vàng lộng lẫy. Hoa quả cúng Phật bày đầy bàn, khói hương nghi ngút. Các phật tử  Lào đang quỳ kính cẩn nghe các sư  đọc kinh bằng tiếng… Lào. Chúng tôi dùng cơm trưa tại chùa. Những đạo hữu làm công quả bày một  bàn toàn thức ăn mặn, một bàn  toàn các thức ăn chay, nấu bằng rau cải, nấm… Bánh ngọt, trái cây, cam, quít, chuối  đầy một bàn khác. Các phật tử Lào ân cần tiếp đãi, mời mọc. Có thùng “phước sương” cạnh bàn Phật.

 

Chùa Wat Lao Buddhavong Temple

Sau cơm trưa chúng tôi đến thăm chùa Giác Hoàng ở Washington DC. Tượng Phật ở chánh điện  to lớn nhất trong các chùa đã viếng sáng nay. Sau khi lễ Phật, một số khách hành hương đến viếng di ảnh thân nhân được thờ phượng ở ngôi nhà kế cận. Cảnh trí tao nhã, nghiêm trang nhưng chùa không có bãi đậu cho xe bus. Xe bus đậu vệ đường cách chùa quảng đường dài, khách hành hương  phải đi bộ đến chùa. Tuyết  vẫn còn đọng đó đây trong sân, trên các  bồn hoa, chậu cây kiểng..

 

Chùa Wat Lao Buddhavong Temple

 

 Xe bus lại lăn  bánh đưa khách hành hương đến viếng chùa Trung Hoa ở Maryland. Khác với chùa Tàu ở Califonia thờ rất nhiêu vị Phật, chùa này thờ một tượng Phật lớn ở giữa và ông Thiện ông Ác ở hai bên trong chánh điện. Đối diện với bàn thờ lớn, 1 bàn thờ khác tượng  Phật  nhỏ hơn. Không thấy  thờ  Phật Di Lạc, hay các vị La Hán… Chùa bày rất nhiều bình  hoa lan tươi tốt nơi bàn thờ. Phật tử im lặng quỳ nghe một thời kinh và lễ Phật. Sau  đó chúng tôi lên xe viếng chùa Tây Tạng.

 

Phật tử làm lễ trong Avatamsake Vihara Temple
 

 Chùa Tây Tạng Avatamsake Vihara Temple nằm trên đồi rộng thuộc tiểu bang Maryland.  Nhiều loại cờ màu trong khuôn viên  và trên đường vào chùa bay phất phới trên các cột cờ. Một vị sư ra cửa đón chào khách hành hương. Trong chùa còn 2 nhà sư  nữa và một ni cô. Trên đường đi tôi nghĩ là sẽ gặp các vị sư Á châu da vàng giống  như người Trung hoa, nhưng tất cả các ni, sư đều là người da trắng, vóc dáng cao lớn. Không thấy tượng Phật trong chùa nhưng có nhiều ảnh Phật thật to lồng trong khung kính lớn. Dù  thì giờ eo hẹp nhưng các sư cũng tụng một thời kinh cho phật tử. Tôi đi về gian nhà kế cận sát chánh điện thấy chùa thờ rất nhiều tảng đá nhỏ trong suốt. Bề cao mỗi tảng khoảng từ 2 đến 4 tấc, bề dày độ 1 đến 3 tấc, hình dáng, màu sắc khác nhau, trắng, hồng, xanh lam, tím pha với màu cam và miếng đá nào cũng trong suốt rất đẹp. Nếu là Bảo tàng viện tôi sẽ cho là họ trưng bày để mọi người xem, nhưng đá bày ở chùa nên bạn tôi cho là chùa thờ đá. Cạnh mỗi khối đá có cái đèn con chiếu ánh sáng vào phiến đá trông rất đẹp, hấp dẫn. Các phật tử đã viếng chùa nhiều lần cho biết sau chùa có tượng Phật lớn, nhưng đường ướt át nên tôi không đi xem.

Chúng tôi đến ngôi chùa thứ 8 là Viên ẩn Tự. Trong chùa toàn là nữ tu  mặc áo tràng màu tro. Sân chùa rộng nhưng bên trong chùa  nhỏ và rất sạch sẽ. Hàng hiên chùa  kê bàn dài  với nhiều  đạo hữu đứng chờ phân phát  sữa đậu nành nóng và cháo chay cho khách hành hương. Cháo chùa Viên Ân ngon tuyệt vời. Chùa còn bán thức ăn chay nấu sẵn cho Phật tử khỏi  nấu nướng nếu chỉ ăn chay vài ngày trong tháng.

Chùa Thái thật rực rỡ dưới ánh đèn giăng chung quanh chùa, nhất là nơi cổng vào chính  điện. Nhiều bậc thang rộng rãi từ dưới sân lên đến nơi thờ Phật. Cụ nào cao tuổi, chân yếu là không thể nào leo  nổi. Chúng tôi đi vòng phía sau các bậc thang xinh đẹp vào tầng  trệt, đi thang máy lên chính điện. Chùa Lào và chùa Thái chính điện thờ Phật gần giống nhau. Trên bàn thờ có nhiều tượng Phật thếp vàng sáng chói, hoa quả, khói hương nghi ngút.

Các đạo hữu Thái mặc y phục trắng gọn gàng đang quỳ nghe vị  sư  Thái Lan đọc kinh. Thoạt nhìn các vị ấy giống  như  các võ sinh Thái cực đạo. Tôi cứ tưởng đạo hữu Thái mặc màu tro hay màu nâu khi đi lễ chùa. Một đạo hữu Thái nói tiếng Anh mời chúng tôi xuống tầng trệt dùng trà nhưng không ai hưởng úng vì sau khi nghe kinh, đoàn chúng tôi sẽ thăm chùa sau cùng là chùa Miến Điện.

Chúng tôi trở về bãi đậu ở Metro East Falls Church vào khoảng 21 giờ sau khi viếng chùa Miến Điện, lễ Phật nghe kinh.

Về đến nhà  gần 10 giờ đêm nhưng chúng tôi không thấy mệt. Tôi  cảm thấy thư thái, bình an sau khi đến chùa dù tôi không phải là Phật tử. Cảm nghĩ riêng tư này làm cô bạn tôi vui lòng vì ít ra cô cũng  đã làm một việc tốt, là giới thiệu cảnh chùa cho một người không biết gì về Phật pháp là tôi.  

NH
Virginia ngày 17 tháng 01 năm 2010