“Trại ghe trại ván sẵn sàng
Sông sâu nước chảy điệp trùng bán buôn
Nhà khéo cất tốn bạc muôn
Tiếng đồn chợ Thủ ráp khuôn kỹ càng”

Thợ chạm làng nghề Phú Thọ đục pano cửa
Câu cao dao trên cho thấy đất Thủ – Bình Dương sớm phát triển thị tứ, do đó sớm định hình nghề mộc thủ công làm nhà, thuyền ghe, đồ gỗ chạm khắc, phục vụ đời sống người dân trong thời kỳ hưng thịnh sau một thời gian dài vào Nam khai khẩn đất mới. Nhờ đất rừng, nhiều gỗ quí nên thu hút nhiều tầng lớp thợ làm đồ gỗ từ miền Bắc, miền Trung vào đây lập nghiệp đã khiến Bình Dương trở thành trung tâm cưa xẻ gỗ, đóng thuyền lớn nhất nhì ở Nam Kỳ vào đầu thế kỷ19.

Miếu Mộc Tổ thờ Lỗ Ban tiên sư ở xã Long Thới, Thuận An, Bình Dương
Vào thời đó, chính quyền nhà Nguyễn cho phép thợ thủ công thành lập hội phường nghề để khuyến khích cạnh tranh, giúp đỡ làm ăn với nhau. Rồi trong thời kỳ Pháp thuộc, người Pháp cho thành lập trường kỹ nghệ và mỹ nghệ thực hành, đào tạo người thợ lành nghề, đưa đồ thủ công ra dự các hội chợ Lyon 1893, hội chợ Paris 1907. Toàn quyền Đông Dương còn quyết định đặt ra các giải thưởng cao quí cho các nghệ nhân như người được cấp danh dự bội tinh hạng nhất được xếp ngang hàng với chức Tổng đốc, hạng nhì ngang hàng với Tri phủ, hạng ba ngang hàng với Tri huyện.
Những đoạn viết trên trích từ các sách báo cũ nói về Bình Dương để có thể hình dung nghề mộc đất Thủ – một thời vang bóng. Không chỉ phát triển rầm rộ mà thợ thủ công còn tạo ra một giá trị sản phẩm đáng nể so với làng nghề mộc Bắc kỳ và Trung kỳ theo thống kê trên Tập san Kinh tế Đông Dương năm 1939. Số lượng thợ thủ công Nam kỳ 19.134 thấp hơn đến bốn lần thợ Bắc kỳ nhưng giá trị sản phẩm ngang bằng nhau, cho thấy tài hoa của người thợ trong giai đoạn chấn hưng công nghệ năm 1935 do Pháp tiến hành. Chỉ cần bỏ ít vốn mà lợi nhuận cao vì có nguồn nhân lực giỏi và tài nguyên gỗ dồi dào.

Phần cong xiên, trính, kèo do thợ Phú Thọ thực hiện
Thế mà giờ đây, đi dọc theo con đường Phú Thọ xưa kia là con đường trung tâm làng nghề, tiếng đục đẽo nghe xa vắng sau những tàng cây. Ghé thăm cụ Nguyễn Văn Năm, ngồi sau chiếc bàn nhỏ đang đục chạm hình rồng của một cái chân bàn. Cụ làm nghề này từ nhỏ đến nay đã hơn 60 năm. Chỉ cần lạng cưa khúc gỗ theo kích thước, không cần nhìn mẫu mà tay cứ nhịp nhàng từng nét đục tạo ra rồng cuộn chân mây. Ông bảo, loại này có người đặt hàng mới làm chớ thường ngày chỉ đục mấy chân đèn bằng gỗ cho hàng chợ. Người quê vẫn còn xài vài ba thứ đồ gỗ đục chạm đơn giản chưng trên bàn thờ. Các con ông phải làm thêm nghề sơn guốc gỗ. Đồ chạm ngày nay làm cho đình chùa miếu mạo hoặc những người hoài cổ muốn phục dựng nhà xưa. Số này ít thôi, thợ chạm lại nhiều nên kiếm ăn rất khó, không còn như nửa thế kỷ trước.

Thợ chạm trổ
Anh Dũng, một thợ đục ở cạnh nhà bên chăm chú hoàn thành mốt phần cuối cùng làm nguội chân mâm ngũ quả. Tưởng có khách đến đặt hàng anh ngẩng mặt cười tươi. Sau khi biết mục đích tìm hiểu của tôi, anh ngại ngùng cho biết thu nhập mỗi tháng hơn một triệu đồng từ hàng đục chạm này. Toàn là gỗ tạp, cây tràm, cây dầu gió… nên tiền công chẳng lo nổi cho gia đình. Ngồi đục đục, chạm chạm mà lòng rối như tơ vò không biết ngày mai có ai đến đặt hàng không.
“Chàng đi làm thợ nơi nao/ Để cho thiếp gánh đục, bào đi theo” hay “Sang rằm mười sáu trăng treo / Anh đóng giường lèo cưới vợ Lái Thiêu” ngày nay đã mất hết ý nghĩa vì nghề mộc mai một hoặc thợ thu nhập quá thấp. Chẳng mấy ai đặt hàng chạm trổ kiểu giường ghế cầu kỳ ngày xưa. Đồ xưa được người ta đi lùng khắp thu mua để bán lại kiếm lời, không ai chuộng hàng mới. Nên có muốn theo nghề mộc phải chuyển hướng theo nhu cầu hiện đại. Đồ hiện đại lại có ai làm thủ công, nhà máy sản xuất hàng loạt khiến anh thợ cá thể không thể sống bằng cái nghề đục chạm truyền thống. May ra chỉ còn một số ít thợ có đôi tay tài hoa là còn kiếm được một chỗ đứng.
“Lớp thợ trẻ bỏ nghề khá nhiều, đi làm công nhân xí nghiệp để có tiền lương ổn định. Còn lại lớp già chúng tôi gắng duy trì cái nghề cha ông truyền lại. Chúng tôi sẵn sàng dạy nghề cho những ai ham thích nghề mộc chạm khắc truyền thống”, ông Năm tâm sự về chuyện duy trì làng nghề. “Chim trời, cá nước ai bắt được nấy ăn”, đó cũng là quan niệm thoáng trong việc truyền nghề đối với người miền Nam. Ai thích học thì truyền nghề cho mà đâu chỉ thế, có khi học trò còn được học thí công, được thầy nuôi cơm, vừa học vừa làm cho đến khi thành nghề.
Cùng với ông Năm thợ chạm làng Phú Thọ có lẽ nhiều thợ lành nghề cũng có chung tâm tư giống vậy. Niềm mong mỏi giữ gìn nghề tổ đã có truyền thống hơn hai trăm năm đến nay có nguy cơ không thể duy trì. Nghề mộc một thời chỉ còn lại vào những ngày cúng tế trong năm tại miếu thờ Mộc tổ Lỗ Ban ở hai phường Chánh Nghĩa và Long Thới mà thôi. Vào ngày này thợ mộc địa phương và các thợ từ cái nôi làng Phú Thọ đi làm ăn xa đều về cúng tổ và để tưởng nhớ một thời nghề mộc vang bóng trên đất Thủ – Bình Dương.