Menu Close

Thương quá…Việt Nam

Lời giới thiệu: Bút Nhóm Lửa Việt khởi đầu từ một trại Hè do một nhóm bạn trẻ vùng Đông Bắc tổ chức năm 1983, sau đó trải rộng nhiều tiểu bang Hoa Kỳ và một số quốc gia khác ở hải ngoại. Lửa Việt tạo một môi trường để các bạn trẻ có dịp sinh hoạt trại Hè và kết nối để cùng góp sức vào những công tác hữu ích cho xã hội, đặc biệt hoạt động có liên quan đến người Việt. Nhận thấy sự hữu ích, năng động của Lửa Việt, Linh Mục Nguyễn Hoài Chương đã cùng tham gia góp sức trong một số hoạt động xã hội, từ thiện, y tế của nhóm ở những vùng thiên tai trên thế giới và đặc biệt là tại Việt Nam, nơi lòng nhân ái bị bỏ quên và giới cầm quyền chăm chỉ vơ vét  khiến người dân thấp cổ bé miệng muôn đời vẫn là những người bị thiệt thòi, mất mát và sống lăn lóc, vật vờ bên lề ở chính đất nước mình…

Trưởng hướng đạo Võ Thiện Toàn (LBH vùng Hoa Thịnh Đốn, VA), Trưởng hướng đạo Thiên Hương (LĐ Trưng Vương, VA), hai linh mục Trần Công Danh (NJ) và Nguyễn Hoài Chương (FL) và anh chị trong nhóm thiện nguyện viên vừa xuống phi trường Tân Sơn Nhất, thì chuẩn bị  chia ra làm hai hay ba nhóm để đi khắp nẻo đường đất nước trong một thời gian là ba tuần. Một nhóm sẽ lên xe đò đi về Cần Thơ, một nhóm sẽ lên máy bay đi ra Hà Nội và một nhóm ở lại Sàigon. Mọi người cảm thấy mệt mỏi sau 20 giờ bay… nhưng vui mừng khi biết tất cả những thùng thuốc, thùng quà, tập vở và hơn 1,000 con terrdy bear và nhiều búp bê đã “nhập cảnh” bình an. “We are home, I don’t belived” một sinh viên buột miệng thốt lên trong mừng vui.

Đêm đầu tiên tại Việt Nam, không ai ngủ được, có lẽ vì giờ giấc thay đổi, hay ai ai trong chúng tôi đều mang nhiều tâm trạng khác nhau cho chuyến hành trình này. Bài hát “Bonjour Viet Nam” được hát lên trong lúc này.
“Hãy kể cho tôi biết cái tên lạ này mà tôi đã mang từ thuở sơ sinh”

…………
“Tell me this name, strange and difficult to pronounce
That I have carried since my birth”
………..

Đêm nay, lời trầm tình của bài hát này đang làm ấm lại tâm hồn của chúng tôi. Vâng, chúng tôi sẽ chào hỏi, sẽ thăm viếng mảnh đất này như nữ ca sĩ Phạm Quỳnh Anh đã gói trọn. Chúng tôi, xin được đi xa hơn một bước và xin được một lần nữa, góp một chút gì đó để phần nào làm dịu nỗi đau, sự thiếu thốn của những cảnh đời bất hạnh trên mảnh đất này. Việt Nam cái tên gọi đã thấm sâu vào từng tế  bào của chúng tôi: “đã đeo mang tự thuở chào đời”.

Sau nhiều lần mời gọi của bạn bè, tôi hứa, tôi sẽ về theo các anh chị trong Bút Nhóm Lửa Việt và thân hữu xa gần trong chuyến Công Tác Y Tế Tình Thương lần thứ 12. Có lẽ tôi là người đến chậm nhất trong cuộc hành trình này mà các anh chị đã liên tục và âm thầm dấn thân trong 25 năm qua tại Hoa Kỳ và tại Việt Nam. Đêm đã khuya vắng mà tôi vẫn còn nghe tiếng bàn thảo, chuẩn bị tỉ mỉ cho những công việc ngày mai và trong 3 tuần sắp đến. Những khuôn mặt quen thuộc cho những cuộc hành trình này như chị đại diện BNLV tại Việt Nam, anh Thiện Toàn và Hoài Chương, những người bạn của BNLV đã nhiều lần có mặt cho những hành trình Tình Thương.

Một số hình ảnh chuyến đi

– Hơn 15 y bác sĩ tại bệnh viện đa khoa Cần Thơ, 30 sinh viên học bổng Dấn Thân Nguyễn Văn Thuận và các thiện nguyện viên từ Hoa Kỳ đã biến Nhà nguyện của giáo xứ Thông Lưu và Tịnh Xá Ngọc Hiệp thành phòng khám bệnh cho phái đoàn Y Tế. Trong 3 ngày, gần 1,000 bệnh nhân nghèo đã được khám bệnh và phát thuốc. Hơn 250 trẻ em và người lớn được các nha sĩ tận tâm  giúp đỡ. Nhóm này do trưởng Võ Thiện Toàn, linh mục Hoài Chương hướng dẫn và kết hợp với các tổ chức từ thiện bạn.

Nhìn số bệnh nhân chờ đợi ngoài sân Nhà Nguyện và sân Tịnh Xá, tôi không biết những việc này có lợi ích gì không? Nhưng sự nhịp nhàng và tận tình của tất cả anh chị em trong đoàn đã nhắc tôi vai trò của mình. Một cụ già dẫn 3 đứa cháu nhỏ, trong số hằng trăm người đứng đợi, nói lớn để xin vài cái bong  bóng cho các cháu. “Bố nó vừa chết, các anh cho tôi xin một cái bong bóng cho 3 đưa cháu được không? Tôi vội trao ngay ra 3 cái bong bóng. Bà cụ nói thêm “cho 1 cái thôi 3 anh em nó chơi với nhau cũng được”.

Các sinh viên trong chương trình học bổng Dấn Thân nhờ tôi nhắn với ban điều hành của BNLV là họ “cảm thấy việc xây dựng một tương lai cho tuổi trẻ Việt Nam thiếu may mắn không còn là khó khăn khi có sự liên kết và đồng hành”. Một sinh viên khác tâm sự “BNLV giúp chúng em được bước ra khỏi sân Đại Học hay vỏ sò của chính mình, để nhận thấy trách nhiệm của người trẻ hôm nay và được làm việc với các bạn sinh viên Việt Nam từ các nước Tự do về. Đây thật sự là những ngày hè và được học hỏi những bài học thật giá trị”. Sân Nhà Nguyện và Tịnh Xá trở thành vòng tròn sinh hoạt và vui chơi của lũ trẻ. Những tiếng cười đùa hay tiếng nổ vang của một vài cái bong bóng hình thú xen cùng tiếng khóc thét của một bé nào đó khiến cho không khí sôi động, náo nhiệt hẳn lên.

Sau khi trở về Sài Gòn để nghỉ 1 ngày và thưởng thức những món ăn thuần túy Việt Nam, BNLV tiếp tục lên đường đi PleiKu, nơi mà BNLV thực hiện chương trình giày dép dành riêng cho bệnh nhân phong. Đi thăm các làng người dân tộc thiểu số bị bệnh phong chúng tôi trao tặng những đôi dép đã được các thiện nguyện viên đo, cắt và thiết kế riêng cho họ. Nhìn thấy tận mắt những con người đã bị chứng bệnh quái ác này lấy mất đi những ngón chân hay một nửa bàn chân của họ, vài anh chị trong phái đoàn đã không cầm được nước mắt.  Trong những phút đầu tiên các anh chị hơi ái ngại và e dè trước người bị bệnh phong, nhưng ngay sau đó, tình thương đã chiếm ngự tâm hồn của họ. Những nụ cười thân thiện của anh chị em đã đánh tan đi sự rụt rè của người bệnh. Khoảng cách đã được xóa tan. Nhìn niềm vui rạng rỡ trên những gương mặt tràn đầy lòng biết ơn và những đôi môi mắp máy “Bơ nê” (cảm ơn) chúng tôi không nén được sự xúc động.

– Trong thời gian này nhóm 2, được dịp ra Hà Nội. Chuyến Y Tế Tình Thương năm nay được BNLV liên kết với Nhóm Trẻ 117 nên linh mục Công Danh đã đưa những người trẻ đi thăm vài nơi và vài linh địa mà người công giáo Việt Nam đã tuyên xưng Đức Tin của mình bằng sức sống và cuộc đời của chính họ. Từ Hà Nội đi Hải Phòng và sau đó đến Hội An, Đà Nẵng, Huế phái đoàn đã ghé thăm Thành Nội, Chùa Thiên Mụ, linh địa LaVang. Tại những linh địa này các anh chị em đã cầu nguyện cho quê hương, cũng như xin sự bình an cho các bạn đang dấn thân tại Cần Thơ, Vĩnh Long, Pleiku và Kon tum. Từ Huế về lại Sài Gòn phái đoàn đã ghé Củ Chi thăm lớp học tình thương do các nữ tu Dòng Đức Bà Truyền Giáo chăm sóc. Tại đây,  một phòng học được trang bị với 6 máy vi tính mới cho  các em học sinh xử dụng, tài khoản cho những máy vi tính này là do sự quyên góp của các sinh viên Công Giáo và Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ. Nhìn các em học cách sử dụng máy vi tính, chúng tôi ao ước làm thế nào để có nhiều máy vi tính hơn, để đưa các học sinh, các trẻ em ở miền quê xa tiến gần với sự văn minh của thế kỷ 21 hơn. Văn hóa, giáo dục thế hệ trẻ là sự đầu tư cần thiết cho tương lai của mọi quốc gia.

– Nhóm 3 có lẽ là nhóm hạnh phúc nhất, vì biết nhiều nơi có những món ăn ngon và độc đáo nhất Sài Gòn. Nhóm này do chị Dương Hồng hướng dẫn. Họ thăm viếng, phát tặng phẩm cho các em khuyết tật tại Sài Gòn. Trong thời gian chờ linh muc tuyên úy Bill Cao để bắt đầu một hành trình xuyên Việt thăm viếng và làm những công tác từ thiện. Họ cùng đi với Ngài ra Hàm Tân sinh hoạt với các em dân tộc thiểu số.

Giai đoạn II của chuyến công tác Y Tế là những ngày làm việc tại Đơn Dương, Đà Lạt với đồng bào dân tộc. Thành phố này nổi tiếng thơ mộng với đồi Cù, Hồ Than Thở, Nhà thờ Con Gà… nhưng trong ánh mắt của các anh chị trong ban điều hành là những lo ngại cho những gì sẽ xảy đến. Trong vài tháng qua, chính quyền địa phương đã cấm các phái đoàn từ thiện ngoại quốc về đây làm việc cho người Dân tộc. Thêm vào đó sự lo ngại của những sinh viên từ Hoa Kỳ là sự bất đồng ngôn ngữ với người Dân tộc ở đây.

   Số bệnh nhân lên đến 1,500 người. Trong lúc các anh chị sinh viên từ Hoa Kỳ đang bàn với nhóm sinh viên  học bổng Dấn Thân  để chuẩn bị, phân chia công tác và kiểm điểm lại số lượng thuốc men, đồ chơi, tập sách và bong bóng thì một nhóm bác sĩ từ bệnh viện Chợ Rẫy ngồi xe đò tốc hành chạy suốt đêm lên Đà Lạt.
 Hai chiếc xe đò từ Đà Lạt tiến vào trường tiểu học Ka Đơn. Tiếng Anh, tiếng Việt và tiếng của người dân tộc K’ho lẫn lộn với nhau trong tiếng cười vui rộn ràng. Nhóm Y Tế, nhóm sinh hoạt và nhóm tặng phẩm hình như đã bắt tay trước khi cổng trường Ka Đơn, Đạ Ròn mở cửa. Những người Y Sĩ và Điều Dưỡng đã làm việc suốt tuần tại bệnh viện Chợ Rẫy, ngủ gà ngủ gật suốt đêm để đến Đà Lạt thật sớm, bắt tay ngay vào việc khám bệnh. Những sự lo lắng đã trở thành sự thật vì ngôn ngữ bất đồng. Các thầy cô tại trường tiểu học, các thiện nguyện viên của Hội Hồng Thập Tự cũng đã có mặt và tiếp tay với đoàn. Sương mù đã tan nhưng trời  bắt đầu mù mịt mây, số bệnh nhân càng đông, trẻ em càng nhiều, bong bóng và đồ chơi gần cạn, ban sinh hoạt bắt đầu lo lắng tìm đâu ra quà cho các em.

Gần 1,000 bệnh nhân đã được chăm sóc trong 2 ngày. Ngôn ngữ bất đồng đã được xoá tan bằng tình yêu thương, những bàn tay cầm chặt bong bóng, tập vở và những con búp bê vẫy chào mãi khi các anh chị sinh viên rời Ka Đơn.

Đêm cuối cùng tại Đà Lạt, mưa thật lớn. Nhóm 117 chào tạm biệt những người bạn Dấn Thân để  chuẩn bị cho một cuộc hành trình mới tại Úc Châu. Phái đoàn thiện nguyện của BNLV lại chuẩn bị cho những ngày tới ở miền Trung.  Hơn 2,500 bệnh nhân đã được khám bệnh, phát thuốc và rất nhiều tập vở, bút giấy cho các em tại Cần Thơ, Vĩnh Long, Hàm Tân, Đơn Dương, Đà Nẵng và Củ Chi. Tài khoản thuốc men, computer và tập vở đã lên đến gần $25,000 đô, tất cả đều do Bút Nhóm Lửa Việt ($15,000), Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam ($5,000), Hiệp Hội Sinh Viên Công Giáo Việt Nam ($1,000), Phật tử tại Texas, quí trưởng Hướng Đạo Việt Nam tại Hoa Kỳ và quí vị ân nhân xa gần tài trợ ($4,000).

Xin từ giã Việt Nam và những con người Việt Nam đã cho tôi đến “… để chào hỏi hồn tôi…” Xin hẹn gặp lại Việt Nam với nhiều ước mơ:

– Ước mơ mỗi người thắp sáng lên ngọn lửa tình yêu, tuy nhỏ nhưng tràn đầy tình thương và lòng nhân ái để xoá đi phần nào nỗi khổ đau của những người bất hạnh.

Mặc dầu tôi muốn viết thật nhiều nhưng tôi không thể viết được nữa. Tim tôi đập mạnh khi chiếc máy bay của hãng Cathy Pacific đưa tôi bay bổng trên nền trời Hà Nội mắt tôi mờ đi vì lệ. Tôi nghĩ tới những người bạn Việt Nam mà tôi đã được làm quen, được sống và hoà đồng trong những ngày qua. Họ không ngần ngại tiếp tục những công tác Tình Thương nơi mà chính quyền làm ngơ trong tiếng réo gọi của đau khổ. Tôi xin gởi lời cám ơn và cảm phục các anh chị BNLV đã và đang tiếp tục đốt sáng một ngọn Lửa nhân ái.

Tôi xin lập lại hai tiếng “Bơ Nê” (cảm ơn) dành cho tất cả những tấm lòng vàng đã giúp đỡ để BNLV có cơ hội phục vụ cho đồng loại.
Cho phép tôi được sửa lời trong bài hát “Bonjour Viet Nam”:
Hôm nay tôi đã đến và ngày mai tôi sẽ đến vì nơi này nơi đã cho tôi sống lại hồn tôi                           
Một ngày kia, tôi sẽ đến nơi ấy để cất tiếng chào Việt Nam.
(Toà soạn đã tóm lược)

Lua Viet Youth Association
www.luaviet.org
For more information please contact: luaviet@luaviet.org