Menu Close

Hiểm họa game đen

Bên ngoài ngụy trang thành tiệm may, tiệm ăn, tiệm thuốc, bên trong, bên trên, mới là thế giới game đen. Đương nhiên khách chơi, chủ quán và “bạn dân”  đều biết nhau, đều ký hiệp định “chung sống hòa bình”. Trước mỗi đợt truy quét, các quán sẽ được báo trước để “tránh gió”…

Một cuộc thi choi game tại VN

Sài Gòn đang sôi nổi phong trào tẩy chay game online. Ghé các internet shop trên đường Trần Huy Liệu, Phan Đình Phùng, Phạm Văn Hai, kẻ viết bài đụng toàn bà già, phụ nữ vừa coi quán, giữ xe vừa nhặt rau, tán gẫu. Với diện tích 4m x 4m, các shop khá giống nhau với hai dãy máy kê đối diện, máy này cách máy kia một vách lửng. Trong góc có quầy tính tiền, kiêm quầy thuốc lá, cà phê, mì gói. Cửa quán mở toang, không máy lạnh. Ngoài trông vào, trong trông ra, hết sức rõ ràng. Với 3,000 đồng thuê máy, khách có một tiếng đồng hồ để gọi điện thoại, chát chít, đánh máy văn bản, sao chép dữ liệu, truy cập các trang web trên máy tính. Tiện lợi, đàng hoàng minh bạch là thế, văn minh là thế, nhưng không thấy quán nào đông khách. Càng không thấy tăm dạng bọn game thủ nhí nhố, với những trò chơi bạo lực như các báo chí hay miêu tả. Đem thắc mắc hỏi một chủ shop đã “giải nghệ”, anh này cho biết những quán “đen”  không khi nào chường ra mặt lộ. Muốn tìm, phải vào hẻm hoặc đường nhánh, đường luồn. Những quán nằm “chình ình”  ngoài quận 1, quận 5, quận 3 thì thường có lầu, có phòng trong, có cửa hậu. Bên ngoài ngụy trang thành tiệm may, tiệm ăn, tiệm thuốc, bên trong, bên trên, mới là thế giới game đen. Đương nhiên khách chơi, chủ quán và “bạn dân”  đều biết nhau, đều ký hiệp định “chung sống hòa bình”. Trước mỗi đợt truy quét, các quán sẽ được báo trước để “tránh gió”.

Làm quen với game từ tuổi còn thơ

Cách Sài Gòn vài chục cây số, tiệm game Tuấn Trúc ở Biên Hòa, với vài bàn kê ngoài hiên bán cháo vịt, bên trong vừa là internet shop kiêm cà phê shop. Vợ chồng chủ quán còn trẻ, rất chí thú làm ăn. Họ cho biết trừ người tạt vào gọi điện thoại, gửi email, còn đổ đồng mỗi khách chơi game thường ngồi một lèo từ ba tiếng đồng hồ trở lên. Tiền thuê nhà, thuế má, chung chi chỗ này chỗ nọ không dưới vài chục triệu đồng một tháng, trông cậy hết vào “mấy ông” kia, anh Tuấn hất hàm chỉ mấy game thủ nhóc tì. Chị Trúc vợ anh giở sổ cho kẻ viết bài đọc lướt danh sách: Nhóm Titi Loan thiếu 20,000 ngàn, Hùng 10B3 nợ hai gói thuốc. Chính, Lý Nhom bốn tô cháo, nửa bao Con Mèo… Chị than “Không cho nợ, tụi nó đi chỗ khác. Mà cho thì khó đòi”. Anh chồng thở ra chán nản “Tuần rồi mấy chú bên Phường vô hạch hỏi có biết thông tư 02 qui định không cho trẻ dưới 14 tuổi đi một mình vào quán chơi game, có biết phải đóng cửa 11 giờ đêm, có biết phải cấm game bạo lực, khiêu dâm… Nghe hỏi ban đầu còn ngứa miệng muốn cãi, sau chỉ dạ dạ cho qua.”

Game bạo lực

Trong thực tế, quả là chưa hề có văn bản chính thức nào từ cấp Bộ định nghĩa rõ hai từ “bạo lực, khiêu dâm”  nên dù biết trong số 55 trò chơi được nhập cảng có tới 43 trò chơi bạo lực nhưng lực lượng kiểm tra không thể làm mạnh tay (mà muốn mạnh tay cũng không đủ lực lượng). Kết quả, trong một thời gian dài, nhất là năm 2008- 2009 gần đây, trên mặt báo chí các loại, xuất hiện hàng loạt tội ác mà thủ phạm là trẻ vị thành niên nghiện game online. Điển hình có vụ Nguyễn Khánh Cường (Nghệ An) không tiền chơi game đã giết đứa em ruột sáu tuổi của mình là Khánh Thoại. Bị mẹ phát hiện, Cường dùng dao chém mẹ nhiều nhát khiến bà bị trọng thương, bất tỉnh. Hay như vụ Nguyễn Đình Cử (Hà Tây). Tuy chỉ mới 14 tuổi nhưng Cử tỏ ra có máu lạnh bẩm sinh. Để có tiền chơi game, Cử mua thuốc chuột đầu độc cả nhà ông chú hòng chiếm đoạt tiền trong két sắt. Do thuốc chuột dỏm nên nhà chú không ai “chầu trời”, Cử quay sang bắt cóc em họ mới 4 tuổi, học mẫu giáo, tên Tuấn Anh, rồi viết thư đòi 30 triệu đồng tiền chuộc. Khi gia đình Tuấn Anh báo công an, Cử sợ bị lộ nên giết em họ, giấu xác. Một tội phạm “hạ thủ bất lưu tình”  tương tự Cử, là Bích Huyền (Đồng Nai). Năm 2009, Huyền đang học lớp tám, nghiện game nhưng không có tiền, nên giết hại đứa cháu Ngọc Anh để đoạt đôi bông tai vàng.

Còn rất nhiều, rất nhiều chuyện ghê rợn hơn nữa…

Tan học ghé luôn tiệm game

Đó là tiếng chuông báo tử khiến dư luận cả nước rúng động, xôn xao. Bàn về bệnh nghiện game của thanh thiếu niên, ông Trịnh Tất Thắng, Giám đốc Bệnh một  viện Tâm Thần  cho biết, người nghiện game là người ngày nào cũng phải “ngồi đồng” trước màn hình ít nhất 6 tiếng trở lên. Nghiện càng nặng, ngồi càng lâu. Bản chất nghiện game tương tự nghiện rượu, nghiện bài bạc, nghiện ma túy. Chơi game đến một lúc nào đó, người chơi sẽ bị phụ thuộc vào đối tượng chơi, do não bộ luôn tiết ra một chất khiến họ hưng phấn, sung sướng. Nếu không ngăn chặn từ đầu, để đến lúc nghiện thì rất nguy hiểm vì con nghiện ngoài việc sa sút nhân cách, xa rời cộng đồng, bỏ học, bỏ việc làm còn hay lẫn lộn hành vi, lẫn lộn nhận thức giữa thế giới ảo và thế giới thực (có tội phạm vị thành niên, sau khi giết cha mẹ, em, cháu, khai với công an do tưởng người thân có khả năng nạp năng lượng, tự phục hồi như các nhân vật trong game online nên đã mạnh dạn chém, chặt, đập đầu họ).

Nghe thông tin này, hầu hết các gia đình có con em tuổi vị thành  niên đều phát hoảng Họ tưởng tượng game đen độc ác như chó sói, như tử thần, luôn chực chờ cướp đi tương lai tươi sáng của con em mình. Nên người thì cương quyết đưa đi đón về, không để con bị bạn bè lôi vào tiệm internet sau giờ học. Người không mua computer, hoặc mua nhưng cài password để “ông con”  không mở được. Người  khác lại tước hết tự do của con. Mọi hành vi ăn, ngủ, học, chơi đều bị kiểm soát. Một  người bạn kẻ viết bài, trong vai trò “cai ngục”, mệt mỏi thú nhận, chị rất căng thẳng trước tin ở Trung Quốc, Hàn Quốc đã có hiện tượng thanh thiếu niên kiệt sức, cứ thế gục chết luôn khi đang chơi game.

Một triển lãm giới thiệu game ở VN

Cho nên dù biết bị con thù ghét, bất mãn, chị vẫn giám sát 24/24. Đem nỗi niềm này chia sẻ với các “cừu non”, với thiện chí giúp “cừu” và “người chăn cừu”  thông cảm nhau hơn, kẻ viết bài nhận được hàng lô hàng lốc tiếng oán than, sụt sịt, cả sự  “vạch trần” chân tướng của hạng người ngu dốt, độc ác (!). Một cừu -tiếng là non, nhưng có thâm niên “hầu đồng”  hơn hai năm- dẫn chứng ngay lời phát biểu mà “cừu”  cho là “giả nhân giả nghĩa” của nữ đại biểu Hội Đồng Nhân Dân- bà Nguyễn Thế Thanh: “Nếu cần hy sinh ngay những khoản thu nhập do buộc phải giảm bới kinh doanh game bạo lực thì cũng đáng làm” vì “hôm nay chúng ta đang bàn đến tương lai của cả một thế hệ trẻ.” Những lời “chân thành từ đáy lòng” của vị này vốn được trực tiếp truyền hình trên HTV ngày 1 tháng 8  vừa qua, trong chương trình bàn về tác hại của game online. Cũng trong chương trình này, Ông Lê Mạnh Hà, Giám đốc “Sở Thông Tin- Truyền Thông TPHCM”, thừa nhận game online đem về nguồn thu không dưới chục tỉ đồng mỗi năm.

Với mối lợi bạc tỉ như vậy, liệu các  nhà  cầm quyền địa phương có thật sự kiên quyết thi hành những biện pháp hữu hiệu để ngăn chận hay không.

Tạm thời, trong khi chờ đợi những văn bản hướng dẫn giải quyết, vốn  bao nhiêu năm trôi qua, vẫn chưa bao giờ giải quyết được gì, thì tốt nhất  vẫn là các bậc phụ huynh tự lo cho con em mình trước.

XH