Đứng bên bến Ninh Kiều, nhìn sang bên kia sông là một doi đất hình đuôi cá. Đó là Xóm Chài. Phần đất còn lại chạy dọc theo bờ sông rồi bẻ cong sang phía cầu Quang Trung, nơi đang có con đường được mở dẫn vào chân cầu Cần Thơ.

Người ta biết tên Xóm Chài do tấm bảng treo trên bến phà qua sông ở cuối chợ Ninh Kiều. Đứng bên bờ nhìn sang, dòng sông không rộng lắm, nhưng bên trong Xóm Chài người ta sống ra sao, ít người biết. Ngay cả những cư dân ở đất Tây đô này cũng “mù tịt”.
Sở dĩ tôi nói vậy vì khi tôi hỏi “bên Xóm Chài người ta làm nghề chài phải không?” thì ai cũng trả lời “Không biết!”.
May mà có một ông lão trả lời giùm. “Hồi xưa dân bên đó, sống bằng nghề chài, giăng lưới, câu cá trên sông, nên gọi là Xóm Chài. Ngày trước, có chừng vài chục nóc gia thôi nhưng bây giờ nghe đâu đông như “cá mòi” sắp lớp. Mấy chục năm rồi tôi không qua bên đó nữa nên không rõ lắm. Và ông nói thêm, “Bên đó dân giang hồ tứ xứ không hà. Nguy hiểm lắm, chú em!”.

Khu nhà ổ chuột Xóm Chài
Nghe vậy, nhưng tôi vẫn quyết định qua bên kia sông để xem hư thực thể nào. Hình ảnh Xóm Chài hiện dần rõ nét của một khu dân cư nghèo xơ xác.
Tôi đặt chân lên cái doi đất và ngó lại bên bờ bên kia, thấy lô nhô những khách sạn mới mọc cao năm bảy tầng. Khung cảnh bên này nhìn qua giống như đứng ở khu Thủ Thiêm nhìn sang Sài Gòn. Những ngôi nhà tạm bợ, cái này nối tiếp cái kia, đường sá chỉ rộng đủ cho hai chiếc honda. Đó là con đường chính xuyên qua xóm Chài, bây giờ có tên phường Hưng Phú, quận Cái Răng. Từ con đường này rẽ vào bên trong các đường nhỏ, là những ngôi nhà bé xíu, chừng 20 đến 30 mét vuông, chứa đến bốn năm nhân mạng. Thấp thoáng có vài cô gái mặt phấn son trông diêm dúa ngồi nhìn ra. Dọc theo con đường chính, thanh niên tụm ba tụm bảy, tóc nhuộm màu hung, ngồi trên thành cầu bê tông vừa uống bia vừa xổ “Nho” rân trời. Những tiếng chửi thề vang xa, tiếng xe honda gầm rú, tiếng trẻ con khóc, tiếng cải lương từ chiếc radio trong quán cà phê…, tạo thành một thứ hợp âm hỗn tạp.
Xóm Chài đúng là một khu ổ chuột. Có đi vào bên trong mới thấy cuộc sống đối với dân ở đây không hề dễ chịu chút nào.

Một gia đình ở xóm chài
Ghé vào quán gọi ly cà phê đá, tôi ngồi nhìn dòng sông đầy lục bình đang trôi. Cạnh quán là một nền nhà đang phá bỏ. Quán vắng, chỉ có mỗi bà lão đang đong đưa võng. Đến khi nghe tiếng kéo ghế của tôi bà mới chợt giật mình ngồi dậy. “Tím à, Tím ơi! Mới đó đi đâu rồi kìa!”.
Bà cụ cho tôi biết Tím là cháu ngoại của bà. Không cha, mẹ nó chèo ghe đưa khách qua lại trên con sông Cần Thơ này. Chắt chiu được ít tiền, mở quán cho đứa con gái mười tám tuổi.
Bà cụ đã sống trên cai doi đất này hơn bốn chục năm rồi. Trước kia bà ở Phụng Hiệp, chồng chết trong chiến tranh, một mình nách hai con dạt về đây cùng với nhiều người khác. Lần hồi cái doi đất này chật ních người.
Sau năm 1975, bà con khắp nơi lại tiếp tục về đây cư ngụ, làm đủ mọi việc kiếm sống. Việc gì làm ra tiền thì người ta làm. Người cố cựu chia đất lại cho người mới đến, lấy ít tiền làm ăn, riết rồi nhà nào nhà nấy nhỏ gần như cái chuồng cu.

Xóm chài ven sông
Nghe nói thành phố Cần Thơ muốn giải tỏa khu vực này xây lại thành khu mới. Dân nơi đây được tạm định cư ở khu vực cầu Cần Thơ. Thế nhưng công trình dời đổi này đến nay kéo dài đã hơn sáu năm rồi, mà khu định cư tạm vẫn chưa làm xong đường sá. Tôi theo con đường xuyên ngược về cuối cồn, phải khiêng chiếc xe honda lên mới qua được bờ đê vào con đường đất mới làm. Quang cảnh khu tái định cư hãy còn hoang sơ. Những nền nhà cỏ mọc um tùm tới đầu, thưa thớt. Những căn nhà gạch còn mới, mà hầu hết không phải là của người dân ở Xóm Chài di cư tới. Phía xa kia là cầu Cần Thơ sừng sững, lạnh lùng.
Một số người quay lại nền đất cũ ở Xóm Chài dựng lên mái phên, mua bán linh tinh như trước. Không ít những chuyện rối ren, cưỡng chế vì người đã nhận đền bù lại không giao nền nhà cho chính quyền. Ông Trần, một cư dân còn nán lại, ngao ngán: “Tôi nhận tiền đền bù rồi tất nhiên tôi phải đi. Nhưng thử nghĩ coi, sáu năm rồi mà khu định cư chưa xong, thì làm sao vô đó ở được. Cái bờ kè này, sáu năm qua người ta xây được vài trăm mét thì kêu hết vốn. Cái việc nhỏ như thế này còn làm không xong, thì làm sao một khu tái định cư có thể hoàn thành, để bà con yên tâm làm ăn. Tôi về đây cũng chỉ ở tạm mua bán kiếm sống qua ngày.”
Trở qua bến Ninh Kiều, tôi ngoái đầu nhìn lại cái doi đất mà ái ngại rồi đây không biết khi nào người dân Xóm Chài bên kia sông mới có được một cuộc sống ổn định thật sự, cho dù đó là một cuộc sống nghèo khổ.