Gốm Pháp lam- cái tên không lạ khi liên tưởng đến đồ Pháp lam bằng đồng phủ men màu rực rỡ, nhưng lạ qua cách thức chế tác trên đất gốm để định hình một dòng gốm sứ mới hiện đại ở đất Lái Thiêu. Mỗi sản phẩm là một sáng tác ngẫu hứng với đất, men và lửa làm cho gốm có mỹ thuật hơn, dùng trang trí trong nhà.

Xưởng làm việc nằm trong một góc phòng khách, chiếc bàn con con ngay cửa ra vào bày đầy các lọ màu nho nhỏ và vài chiếc cọ cũng be bé. Mọi thứ đều khiêm tốn trên bước thử nghiệm dòng gốm sứ được xem là mới lạ ở Việt Nam của nghệ nhân Bạch Văn Nhân. Anh đến với đất Lái Thiêu ban đầu không phải xuất thân từ nghề vọc đùa với đất. Ban đầu anh mê chơi với gốm da đá và sau đó là những bước thăng trầm của nghề cho đến lúc có một suy nghĩ thoáng qua. Mọi thứ đều còn quá mới mẻ khi anh bắt tay khởi sự gốm Pháp lam vào năm 2005, với một ý tưởng xuất phát từ một tài liệu chế tác gốm của người Anh vào những năm 1930. Có thể cũ người mới ta, nhưng có chọn lọc cái tinh tế của gốm, cái hồn của kiểu mẫu, màu sắc, và qua nét cọ tinh tế.

Nghệ nhân Bạch Văn Nhân đang chăm chút nét vẽ
Ngoài anh cũng có một vài nghệ nhân đang đeo đuổi dòng gốm sứ mới này. Tác phẩm mỗi người mỗi vẻ, nhưng hầu như chưa được công bố rộng rãi. Chỉ qua bạn bè giới thiệu, người hâm mộ đến tìm hiểu, thấy lạ, đặt mua ít sản phẩm, hay cả báo chí cũng tìm đến giới thiệu một cách dè dặt vì đứng trước sản phẩm đồ sứ mới, còn phôi thai, chưa biết gọi tên là gì.
Riêng anh tâm đắc với tên gọi gốm Pháp lam và tôi đồng ý với anh nên gọi như thế cho dễ hiểu bởi cái đẹp là sự đơn giản không màu mè, hơn nữa nghe Việt hóa hơn mặc dù loại đồ Pháp lam đã có nguồn gốc lâu đời ở bên Nhật, Pháp, Trung Hoa, phát triển rực rỡ vào đời nhà Thanh và di chuyển sang Việt Nam vào đời Nguyễn mà ta vẫn nghe nói đến đồ Pháp lam Huế.
Gốm Pháp lam của anh có vỏ mỏng, chánh yếu cho những loại bình nhỏ với những nét vẽ tả thực dưới men. Bình bông lớn hay đĩa to dành cho trang trí nội thất thì sao? Có lẽ anh đã nghĩ đến từ lâu nhưng chưa thể nghiệm chăng?

Gốm Pháp Lam ở Nghi Môn, Huế
Gác lại chuyện sản phẩm lớn nhỏ sang một bên, ta trở lại chuyện gốm Pháp lam mà tôi nói ở trên một chút. Ta có thể gọi là gốm Pháp lam hoặc sứ Pháp lam hay gốm sứ Pháp lam cũng được vì thành phẩm đã được nhúng men, nung ở nhiệt độ từ 1200 độ C đến 1250 độ C, gốm đã thành sứ cứng. Nguyên liệu từ đất mà ra, qua kỹ thuật gạn lọc cơ bản lấy ra những hạt đất mịn như bột. Anh vẫn sử dụng bột đất nhập cảng để có được độ mịn cao nhất tạo thai gốm nhẹ và láng. Dụng cụ nặn chỉ đơn giản là một cái bình nhựa nhỏ trên đầu có gắn cây kim để dòng đất sệt dưới lực bóp của tay chảy theo đường nét họa tiết vẽ sẵn. Nếu đó là một dụng cụ có sức ép tống dòng đất đó ra bằng một áp lực, chắc hẳn sẽ có dòng chỉ chặn mỏng mảnh sắc sảo và ăn bén vào thân gốm cho anh tha hồ chặn màu mà không sợ lem hoặc phủ keo men tùy ý, khi nung tạo gam màu bóng láng hoặc ráp lụa trên sản phẩm hình thành. Kỹ thuật làm gốm Pháp lam xem ra cũng đơn giản, duy chỉ có độ màu sắc thì không thể nào rực rỡ như men màu trên đồ Pháp lam bằng đồng. Điều này lại trở thành cái hay, cái lạ cho đồ gốm Pháp lam mang nét đặc trưng riêng về màu sắc. Nó nhẹ nhàng và bay bổng, không đậm nét như dòng gốm Raku của Nhật hiện đang du nhập vào Việt Nam với tính chất của dòng gốm mỹ thuật trang trí cổ điển.

Sản phẩm trong chiếc lò nung nhỏ bằng khí đốt
Có lẽ chính màu sắc nhẹ nhàng của gốm Pháp lam mà Bạch Văn Nhân đang thể nghiệm đã khiến họa sĩ Trương Lộ trong một lần ghé xem sản phẩm của anh đã phóng cọ vẽ một bức tranh sơn thủy trên gốm; cũng là để thử độ màu loãng theo kiểu thủy mặc, và cũng là lưu lại chút tình để nhớ của anh em làm nghề mỹ thuật. Sau lần ấy, màu sắc nông sâu của dạng tranh thủy mặc đã làm cho anh suy nghĩ nhiều về cách thể hiện màu mỏng như sương trên sản phẩm gốm Pháp lam của mình.
Trải qua quãng thời gian năm năm, gia tài tác phẩm gốm Pháp lam của anh chứa đầy trong chiếc lò nhỏ nung bằng khí đốt. Anh vẫn còn đang mài mò và miệt mài hy vọng tạo ra được dòng gốm trang trí nghệ thuật hiện đại – gốm Pháp lam ở đất Lái Thiêu nói riêng và gốm Việt nói chung.

Sáng tác ngẫu hứng của họa sĩ Trương Lộ bằng một bức tranh thủy mặc màu đen trong lần ghé thăm nghệ nhân Bạch Văn Nhân