Hằng năm đến giữa tháng 7 âm lịch, nước “son” đã về trên sông Tiền và sông Hậu. Thế nhưng năm nay, gần đến Trung thu, mà con nước lũ vẫn chưa về; làm người dân sống bằng nghề bắt cá, đặt lờ, giăng lưới ở vùng Đồng Tháp Mười thuộc tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang, Long An lòng đang phấp phổng. Bởi lũ về là cuộc sống trong mấy tháng cuối năm sẽ đỡ khổ. Xem chừng mùa lũ năm nay, cuộc sống nơi đây sẽ gặp nhiều khó khăn.

Tháng 7 nước nhảy khỏi bờ
Ông Năm Huệ ở Thạnh Hóa, Long An vừa tắt chiếc radio sau khi nghe bản tin dự báo thủy văn của đài Đồng Tháp. Ánh mắt ông đăm chiêu nhìn vào cuộn lưới đặt ở góc cửa rồi buông tiếng thở dài. “Tháng 7 nước nhảy khỏi bờ, nhảy đâu không thấy mà thấy lòng mình đang nhảy lung tung”, ông nói một mình như quên có người khách quen ghé đến thăm nhà. Chợt nhớ ra điều gì, ông kêu đứa con gái út, sang quán nước gần nhà kêu hai ly cà phê đá. “Uống cà phê đá cho mát, trà quạu nóng hoài cũng tốt nhưng bình gas ở bếp vừa mới hết trơn”.
Mấy năm trước, tôi tình cờ quen ông trong lần về xem mùa lũ ở Mộc Hóa. Lần đó, ông đi gỡ lưới trúng đậm. Cá lóc, cá rô, cá mè, cá linh, cá thác lác nhảy rung xuồng, tính ra làm hai ba ngày ăn được cả mùa lũ. Bây giờ tình hình lại khác, lưới đã chuẩn bị xong, chờ nước về là lên xuồng ngược lên Đồng Tháp. Nhưng chờ đến giờ, mực nước ngoài sông vẫn còn lè tè, có lẽ mùa cá năm nay thất bát. Ông chậm rãi trò chuyện với tôi y như xướng ngôn viên của đài khí tượng thủy văn. “Lẽ ra vào thời điểm này, nước sông Tiền, sông Hậu đã tràn ngập vùng trũng Tứ giác Long Xuyên và vùng Đồng Tháp Mười. Mực nước tại Tân Châu 2.70m; tại Châu Đốc 2.15m thấp hơn mức thấp nhất trong lịch sử vào năm 1992. Tháng này năm rồi nước sông trước nhà tràn bờ, giờ, chú nhìn xem còn cách bờ cả sãi. Dân sống bằng nghề “đâm hà bá” đã nghèo mà lũ lại còn “nghèo” hơn nữa, làm sao đời sống tụi tui khá hơn được!”

Đến tháng 9 nước sông ở vùng Tân Thạnh, Long An vẫn chưa có lũ về
Theo Viện nghiên cứu khí hậu Đồng Bằng Sông Củu Long thì tình hình nước lũ về chậm không chỉ là vấn đề riêng của đồng bằng sông Cửu Long mà ngay cả các nước như: Thái Lan, Lào, Campuchia cũng đang rất lo lắng về tình trạng kiệt nước của sông Mê Kông. Nhìn tổng quát hơn, đó là hiện tượng bất thường của thời tiết trên toàn thế giới. Có thể dẫn chứng như vụ khô hạn đến cháy rừng ở Nga mới đây – một đất nước mà gần như chưa xảy ra cháy rừng nghiêm trọng như vậy bao giờ, hay lũ lụt lớn xảy ra liên tiếp ở Trung Quốc…
Liên quan đến tình hình mùa nước nổi năm nay ở đồng bằng sông Cửu Long, nhiều ý kiến cho rằng: Đó là mùa nắng kéo dài, dẫn đến mưa trễ và ít. Hằng năm, mùa mưa bắt đầu từ tháng 5, đến giữa tháng 6 đã có mưa “già”, đến tháng 7 thì ở vùng An Giang nước đã đổi màu “son” – tức màu phù sa đầu nguồn đổ về. Nhưng năm nay mưa trễ, dẫn đến lũ về muộn, khoảng cuối tháng 8 người ta mới thấy nước đục nhưng chỉ từng thời điểm theo thủy triều trên sông Tiền, sông Hậu. Một bằng chứng về lượng mưa ít nữa là số cơn bão xảy ra rất ít. Từ đầu mùa đến nay chỉ mới có 4 cơn bão và những cơn bão này đều hướng lên phía bắc, ít gây mưa lớn ở khu vực Trung và Nam bộ. Điều này cũng ảnh hưởng đến lượng nước đổ về đồng bằng, vì có tới 45% lượng nước đổ về đây được cung cấp từ vùng hạ Lào.

Nước lũ chỉ mới xăm xắp ở vùng Sa Rài, Đồng Tháp
Nỗi lo lũ nhỏ
Theo quy luật, cao điểm lũ thường rơi vào giữa tháng 9 đến giữa tháng 10. Nên vào thời điểm này, chưa thể nói trước được điều gì. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu môi trường đều nhận định, lũ năm nay sẽ nhỏ hơn mọi năm. Trong 5 năm gần đây, nước lũ có xu hướng ngày càng ít dần. Đằng sau con lũ nhỏ ấy là những nỗi lo lớn về tình trạng thiếu nước ngọt cho sản xuất và sinh hoạt, cũng như nguy cơ không đẩy được nước mặn và rửa phèn cho những vùng đất quanh vùng Đồng Tháp Mười.
Nước thượng nguồn đổ về ít sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế của người dân sống dựa vào lũ. Đa phần đó là những người nghèo ít đất sản xuất. Tuy nhiên, vấn đề đáng quan tâm hơn lại là lượng phù sa bồi đắp cho đồng bằng cũng ít đi, ảnh hưởng đến năng suất lúa và hoa màu của cả khu vực. Đặc biệt là người nông dân phải đối mặt với nguy cơ thiếu nước ngọt cho nông nghiệp. Còn vụ xuân hè thì nguy cơ thiếu nước là không thể tránh khỏi, kể cả những vùng có hệ thống thủy lợi hoàn chỉnh. Lượng nước ngọt ít, không đủ để đẩy nước mặn đi, đồng nghĩa với nguy cơ nước mặn sẽ xâm nhập sâu hơn vào nội đồng trong năm tới. Nước về ít, lượng tôm cá theo nước về cũng giảm và nguy cơ ô nhiễm nguồn nước ảnh hưởng cả đến ngành nuôi bắt thủy sản.

Dỡ đáy ở Tân Châu
Có lẽ cũng chính vì thế mà thời gian gần đây người ta thường đề cập đến khái miệm lũ “nghèo” hay lũ “xấu” là như vậy.
“Ráng chờ đến qua Trung thu là biết sức lũ về bao nhiêu để liệu cơm gắp mắm. Tui tính mùa cá này, kiếm tiền mua cho thằng Hai chiếc Honda Hàn Quốc chạy xe ôm, chắc không xong rồi, thôi thì tính nước khác”, ông Năm thổ lộ. Tôi thấy lòng ông đang phấp phổng chờ cơn nước lũ tràn đồng, cá tôm lũ lượt kéo về để ông thực hiện được điều mong ước cỏn con cho con cái. Mà không chỉ riêng ông, bà con sống nhờ vào nguồn lợi thủy sản tự nhiên ở vùng Đồng Tháp Mười này cũng đang trông chờ lũ.

Nước lũ về muộn ảnh hưởng đến nghề nuôi cá bè trên sông Hậu