Mặc dù gần Trung Thu, nhưng Hà Nội những ngày này khá nóng. Buổi sáng đi làm, nhìn những chiếc đồng hồ đếm ngược đặt ở những vị trí dễ thấy, người Hà Nội không còn vẻ bàng quan. Buổi tối ngồi nghe “buôn dưa lê” dọc bờ hồ Hoàn Kiếm treo đèn mầu huyền ảo, hay dạo chơi trên phố cổ chật như nêm cối, nhìn ngắm những tiệm bán bánh trung thu, bán đèn lồng các loại rực rỡ, khách du lịch dễ bị choáng ngợp. Chỗ nào cũng người là người, chỗ nào cũng tất bật, vội vã. Có vẻ như dù muốn hay không muốn, mọi người đều bị dính vào một công việc nào đó trong rất nhiều công việc, nhằm chuẩn bị cho cái gọi là “Đại lễ ngàn năm Thăng Long” diễn ra từ ngày 1 đến ngày 10 tháng 10 sắp tới.

Công nhân đang lắp một panô cho “Ngàn năm Thăng long”
Hà Nội ngàn năm
Nói ngàn năm, là tính từ năm 1010, năm vua Lý Thái Tổ quyết định dời kinh đô từ Hoa Lư về mảnh đất bây giờ là Hà Nội. Trước đó, từ thời đồ đá, cách nay 20.000 năm (tương ứng với thời kỳ văn hóa Sơn Vi) đất Hà Nội đã có người ở. Vào thế kỷ thứ 3 trước công nguyên, vua An Dương Vương dựng nước Âu Lạc, xây thành Cổ Loa ở vị trí huyện Đông Anh bây giờ (cách Hà Nội 12 km). Thế kỷ XV, Hồ Quý Ly gọi Hà Nội là Đông Đô. Khi nhà Minh chiếm đóng nước ta, không gọi Đông Đô mà gọi là Đông Quan. Sau khi đánh bại quân Minh, Lê Lợi lên ngôi vua, bỏ tên Đông Quan, gọi là Đông Kinh. Tên Hà Nội chỉ có chính thức từ năm 1831 dưới thời vua Minh Mạng nhà Nguyễn. (Sở dĩ gọi là Hà Nội- phía trong sông- vì đất này nằm ở giữa sông Hồng và sông Đáy). Lúc ấy, cả nước chia thành 29 tỉnh, Hà Nội chỉ là một trong 29 tỉnh đó. Hiện nay, sau khi sáp nhập toàn bộ tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc), bốn xã thuộc huyện Lương Sơn (Hòa Bình), địa giới Hà Nội từ chỗ chỉ chưa được 1000 km2 đã tăng gần gấp bốn lần, chính xác là 3,344.7 km2, bao gồm 1 thị xã, 10 quận, 18 huyện. Sự mở rộng thành phố, hay dở thế nào, chỉ thời gian mới trả lời được, chỉ biết trước mắt, nhiều kiến nghị phản đối, tranh biện của các nhà khoa học, các nhân sĩ, trí thức mọi giới không ngừng gửi tới chính quyền, thể hiện sự lo lắng trước đồ án quy hoạch kiến trúc Hà Nội bị cho là thiếu tầm nhìn xa, ít bản sắc dân tộc, chưa khoa học, chưa hợp lý. Đất đai Hà Nội, từ lâu đã tấc đất tấc vàng, sau khi mở rộng, có phần đắt đỏ hơn. Cái thanh lịch Hà Nội từ lâu đã không còn, do tình trạng nhập cư hỗn tạp. Nay với tình trạng mở rộng, thành, quê lẫn lộn, sẽ có một Hà Nội xa lạ trong ký ức của bao nhiêu người.

Một hình thức đồng hồ đếm ngược trên đường Hà Nội
Chuẩn bị đại lễ
Đại lễ kỷ niệm Ngàn Năm Thăng Long dự định sẽ diễn ra đúng ngày 1 tháng 10. Chín ngày kế tiếp, là hàng loạt những cuộc triển lãm nhằm giới thiệu với quốc tế, và người dân cả nước về cái gọi là ngàn năm văn hiến đất Rồng Bay. Trong đó, có lẽ cuộc triển lãm những hiện vật mới khai quật được từ lòng đất liên quan tới Hoàng Thành Thăng Long (mới được UNESCO công nhận là di tích văn hóa thế giới vào ngày 1/ 8/2010) sẽ thu hút các nhà khảo cổ, giới nghiên cứu lịch sử, kiến trúc, điêu khắc, văn hóa… nhất. “Ý đồ” của ban tổ chức là muốn bất cứ ai, bất cứ từ xuất phát điểm nào, nếu làm khách Hà Nội những ngày sắp tới, trước tiên phải đi qua một trong năm cổng chào- kiểu năm cửa ô xưa- để vào Hà Nội, thưởng thức ngay trên đường phố những món ăn cổ, thế võ cổ, điệu múa cổ, âm nhạc cổ, y phục cổ, thú chơi cổ của người Hà Nội xưa; hoặc đi thăm con đường gốm sứ rực rỡ sắc mầu, dài suýt soát bốn cây số. Các di tích văn hóa quen thuộc Văn Miếu, Chùa Một Cột, Phủ Tây Hồ, các phòng triển lãm tranh ảnh, sách báo, thư pháp… được thực hiện nhằm tạo ấn tượng tốt cho người thưởng lãm về một Thăng Long xưa tài hoa, thanh lịch.

“Ngàn năm Thăng Long” là cái cớ để biến Hà Nội thành một đại công trường xây dựng nhếch nhác
Dĩ nhiên, để thực hiện được kịch bản đó, đòi hỏi rất nhiều tiền bạc, công sức. Không biết nghe tin từ đâu, chỉ biết từ vài tháng nay, ở các quán nước vỉa hè, người Hà Nội công khai bàn tán, tỏ thái độ không đồng tình về khoản tiền khổng lồ hơn bốn tỉ đồng, mà ban tổ chức dự định bỏ ra để mua một ngày khai mạc 1 tháng 10 thật “hoành tráng”. Cần nói ngay, ngày 1 tháng 10, hoàn toàn không phải là ngày vua Lý Thái Tổ đặt viên đá đầu tiên xây dựng Thăng Long. Vậy tại sao phải chọn ngày 1 tháng 10 (trùng với ngày quốc khánh Trung Quốc), để làm lễ khai mạc mà không chọn ngày khác. Và tại sao phải bế mạc vào đúng ngày 10 tháng 10 (trùng với ngày quốc khánh Đài Loan). Liệu hai con số ngày tháng này có phải hoàn toàn ngẫu nhiên không. Tại sao trong lúc cả nước còn nghèo, mấy trận bão gần đây chưa khắc phục xong hậu quả, mà “chúng nó” dám tiêu tiền dân như rác ??? Đây chỉ là vài câu hỏi, trong muôn ngàn câu hỏi thuộc loại rách việc của đám “buôn dưa lê” điếc không sợ súng.

Đến Hà Nội những ngày này, hầu như khó thấy người thực sự thất nghiệp. Già mấy, ốm mấy, tàn phế mấy cũng nhào ra đường kiếm tiền. Trông xe. Bán nước. Ăn xin. Và cả cho thuê chỗ …đi tiểu. Chuyện này hơi tế nhị, hơi đáng nhíu mày, nhưng dân du lịch bụi đều làm chứng là có thật. Bởi vậy, thành thật chia sẻ kinh nghiệm với những ai muốn một lần tới Hà Nội là đừng ăn bừa bãi (dễ bị tháo dạ), đừng uống quá nhiều nước dù thời tiết Hà Nội nóng (để khỏi chốc chốc lại tìm chỗ xả). Nửa đường đi thăm thú chỗ này chỗ khác, nếu “có vấn đề”, cứ bình tĩnh hỏi, bình tĩnh theo sự chỉ dẫn, bình tĩnh đối mặt với “địa ngục”, bình tĩnh vượt qua và… trả tiền. Chớ kêu trời, trừ khi trực tiếp sa xuống “địa ngục”. Đừng sợ hãi khi vài người khác đồng loạt xông vào, cùng mục đích. Hà Nội là thế! Có mặt ngoài đẹp đẽ, hào nhoáng, đồng thời có mặt trái bẩn thỉu, chật chội, tối tăm.

Con đường gốm sứ, một công trình của ngàn năm Thăng Long, dài 3,950m
Chưa đến ngày khai mạc, đã nứt nẻ hầu hết
Mọi người nhào ra đường để kiếm tiền
Một khách du lịch phương Tây, khi được hỏi chuyện, cho biết có “ngửi” thấy không khí lễ hội Hà Nội, có tò mò, háo hức đợi giờ phút được tham dự lễ hội, nhưng điều anh (chắc không chỉ riêng anh) lo lắng nhất hiện nay là “làm sao để băng qua đường”. Điều lo lắng này phản ảnh một thực tế không lối thoát là Hà Nội quá đông xe cộ, đã thế việc lưu thông, đặc biệt vào giờ đi học đi làm buổi sáng, tan học tan sở buổi chiều hết sức hỗn loạn. Mạnh ai nấy luồn lách, “đánh võng”, băng ngang, trở đầu xe. Điều lo lắng thứ hai của anh du khách này là làm sao để “không bị mất một cái gì đó”, khi rong chơi đây đó hay ngồi bờ hồ nghỉ chân. Anh khuyên kẻ viết bài thấy các em nhỏ dễ thương bán hàng, muốn mua giúp, cho tiền hay bế ẵm chúng thì phải cẩn thận. Bản thân anh, chỉ quay đi quay lại với đám trẻ bán bưu ảnh có vài phút mà hand phone, ví tiền biến mất lúc nào không biết. Người Hà Nội nghe được chuyện này, chỉ nhún vai, khịt mũi, cười khẩy: “Ở đây, chuyện ấy đầy!”

Hàng lạc rang húng lìu phố Bà Triệu
Đại lễ ít ảnh hưởng đến người dân Hà Nội
Sinh hoạt phố cổ về đêm
Thế đó, Hà Nội đang gấp rút “giải ngân” những món tiền khổng lồ cho đủ loại công trình cần thiết và không cần thiết, nhân danh sự kiện “đại lễ ngàn năm Thăng Long” sắp tới. Thích hay không mặc lòng, chẳng người Hà Nội nào có thể đứng ngoài vòng xoáy chóng mặt của nó, cho dù đó là ông tướng già sắp thiên cổ-Võ Nguyên Giáp, ông giáo sư toán học trẻ mới lãnh giải thưởng Fields danh giá- Ngô Bảo Châu, hay ông sồn sồn vô danh ngồi giữ xe trước quán bánh tôm Hồ Tây. Trên đầu họ, chiếc đồng hồ đếm ngược tỉnh bơ kêu tích tắc, tích tắc…
Cái ngàn năm, chỉ còn chưa tới mười ngày nữa!
