Menu Close

Sao Anh Nỡ Đành Quên

Bạn hiền,

Sự kiện 33 thợ mỏ Chile bị mắc kẹt ở độ sâu 700 mét sau tai nạn sập mỏ đã được nhiều người trên thế giới biết đến suốt hơn 2 tháng trời. Đầu tuần này có thể nói cả thế giới ai cũng biết sau khi 33 người đàn ông này được chính phủ Chile giải cứu, mang họ trở lên mặt đất, hay nói một cách khác mang họ trở về từ cõi chết.

Những hình ảnh xúc động được trình chiếu trên màn ảnh truyền hình cho thấy cảnh đoàn viên đầy nước mắt, những bé trai, bé gái tưởng rằng đã mồ côi cha, nay sau hơn 2 tháng chia ly giờ chúng đã thấy lại được cha của chúng bằng xương bằng thịt. Chúng ôm chặt không muốn buông ra, như sợ cha của chúng sẽ vuột khỏi tầm tay một lần nữa, những nụ hôn nồng cháy được pha trộn với những dòng lệ chan hòa của những người vợ tưởng đã trở thành góa phụ, những vòng tay của người thân, bạn bè, đội giải cứu, Bộ trưởng hầm mỏ, và Tổng thống Sebastian Pinera cùng phu nhân đã chào đón tất cả 33 người trở về từ địa ngục.

Hình ảnh Tổng thống và Đệ nhất phu nhân đứng chờ từng người thợ mỏ trong suốt 24 giờ đồng hồ là một hình ảnh đầy cảm kích và đáng khâm phục. Sau khi người thợ mỏ cuối cùng được kéo lên, theo sau những cái bắt tay thật chặt, những vòng ôm đằm thắm, những hò reo: “Chi Chi… Lê Lê”, theo sau bài quốc ca Chile được hùng tráng trỗi lên từ vùng sa mạc Atacama là buổi họp báo của nguyên thủ quốc gia.  Trong buổi họp báo này, tổng thống Pinera nói chưa bao giờ mà ông cảm thấy tự hào là công dân của xứ Chile như bây giờ, và ông tuyên bố từ nay thế giới đã biết đến kỹ thuật phi thường của xứ sở nhỏ bé này và thế giới không nên coi thường khả năng của đất nước vùng Nam Mỹ này nữa.

Bảo Huân

Bạn hiền, tổng thống Chile nói riêng và người dân Chile nói chung có quyền tự hào vì họ đã giải cứu được những người thợ mỏ sống sót ở độ sâu kỷ lục sau một thời gian dài kỷ lục. Tuy nhiên có điều mà BTL tôi cảm thấy thất vọng là trong những bài diễn văn của tổng thống Pinera ông hoàn toàn không nhắc đến những giúp đỡ của bạn bè quốc tế, nhiều nhất là sự giúp đỡ đến từ nước Mỹ. Có lẽ nếu không đọc lá thư gửi bạn hiền này thì bạn hiền và rất nhiều người trên thế giới không biết rằng trong cuộc giải cứu 33 thợ mỏ này có sự đóng góp rất lớn đến từ Cơ quan Quản trị Hàng không và Không gian Hoa Kỳ (NASA).  Lúc đầu mới nghe qua có lẽ bạn hiền tưởng BTL nói đùa, một cơ quan chuyên môn về những chuyện rất xa ngoài trái đất thì biết gì  những chuyện nằm sâu dưới lòng đất!  Sự thật là sau khi tìm thấy 33 thợ mỏ còn sống, chính phủ Chile liền liên lạc nước Mỹ, cầu cứu, yêu cầu sự giúp đỡ của NASA. Chile muốn biết làm sao không bị khủng hoảng tâm lý trong tình huống bị cô lập ở một môi trường khắc nghiệt. Điều này thì các phi hành gia sống ngoài trạm không gian đã quá quen.

Lập tức NASA gửi ngay một đội chuyên gia bao gồm 2 bác sĩ, một tâm lý gia, và một kỹ sư qua Chile.  Nhiệm vụ của các bác sĩ và nhà tâm lý thì rất rõ ràng, là giúp 33 thợ mỏ khỏi bị suy sụp tinh thần, còn kỹ sư Clint Cragg thì không biết ông phải làm cái gì ở đó, ông chỉ đi để coi có làm được gì không. Kết quả là Clint đã tham gia vào nhóm nghiên cứu chế tạo phương tiện giải cứu thợ mỏ do Hải Quân Chile cầm đầu. Trở về Mỹ, Clint liên lạc với 20 kỹ sư chế tạo của NASA từ khắp nơi trên nước Mỹ và cuối cùng ông đã đúc kết được các ý kiến thông minh và khả thi. Những đề nghị của NASA được gửi qua cho Hải Quân Chile và nhóm này đã dùng hết các đề nghị này vào trong chế tạo ống giải cứu thợ mỏ. Vì thế có thể nói cái ống hình lăng trụ được nối vào ròng rọc thả xuống độ sâu 700 mét kia mà bạn hiền thấy được trên TV là sở hữu trí tuệ của NASA. Thế mà ông tổng thống Pinera quên nhắc đến.

Kế đến phải kể là cái lỗ được khoét để thả ống lăng trụ xuống; nếu không có nước Mỹ trợ giúp thì có lẽ ngày hôm nay 33 thợ mỏ vẫn còn kẹt sâu dưới lòng đất, chờ cho đất sụp và lấp cái khoảng trống còn lại chôn sống họ luôn, chứ làm gì dám mơ có một ngày về. Sự thật thì trình độ kỹ thuật của Chile không đủ để giải cứu 33 thợ mỏ xấu số kia. Nếu không có đội ngũ thợ khoan đến từ Pennsylvania và Denver với chiếc mỏ khoan T130 thì cái ống lăng trụ do NASA chế tạo cũng vô dụng, và làm gì có cảnh đoàn tụ đầy nước mắt. Thế mà ông tổng thống Pinera nỡ đành quên.

Bạn hiền, sự thật thì còn nhiều sự trợ giúp khác nữa mà không biết vô tình hay cố ý, ông tổng thống Pinera hoàn toàn không đề cập trong những bài diễn văn của ông. Chẳng hạn như cái máy camera ghi lại hình ảnh 33 thợ mỏ lúc còn ở dưới lòng đất là do công ty Aries ở Fresno, California chế tạo.  Những chiếc kính râm mà 33 thợ mỏ đeo vào để khỏi bị chói mắt sau 69 ngày chìm trong bóng tối là do công ty Oakley có trụ sở ở miền Nam California chế tạo. Còn tất cả các hệ thống ròng rọc, cần trục, dây cáp là do một công ty ở Áo sản xuất.

Không biết đọc lá thư này xong thì bạn hiền có thay đổi suy nghĩ về cái “global respect”, về trình độ kỹ thuật mà bạn hiền đã dành cho đất nước Chile này không, riêng BTL tôi thì tôi không biết gì về trình độ kỹ thuật của họ, nên BTL tôi chưa bao giờ có respect cần phải thay đổi, chỉ có điều là quá thất vọng vì “sao anh nỡ đành quên”.

BTL
Rocklege, FL
15 tháng 10, 2010