Menu Close

Tranh làng Sình

Tranh làng Sình là loại tranh tín ngưỡng mộc bản, nhưng qua chất liệu màu sắc, chủ đề, đường nét, bố cục, tranh làng Sình đã thể hiện một số nếp sống sinh hoạt của con người ở đây.

Ông Kỳ Hữu Phước giới thiệu tranh làng sình

Từ Huế, ngược về Đông Bắc khoảng 7km, đi qua phố chợ Bao Vinh, chúng ta bắt gặp bến đò Triều Sơn và bên kia bờ là làng Sình. Sình là tên nôm na của làng Lại Ân được hình thành khá lâu ở xứ Đàng Trong. Từ giữa thế kỷ 16, Lại Ân được nhắc nhở như một làng mạc trù phú về nông nghiệp và thương nghiệp: “Xóm Lại Ân canh gà xào xạc, giục khách thương mua một bán mười…”

Mộc bản khắc in tranh

Làng Sình còn nổi tiếng với hội vật võ mùa xuân hàng năm, thu hút nhiều người khắp nơi đến tham dự.Tuy là một làng lấy nông nghiệp làm căn bản, nhưng Lại Ân đã trải qua nhiều biến động kinh tế xã hội, do những ngành nghề phụ từ sự thu hút các phố chợ cận kề. Bên cạnh những người mua bán hàng sành sứ, còn có một phần không nhỏ đã sản xuất những hàng thủ công khác như đan lát, làm nón, làm hàng mã, trong đó chiếm số lớn nhất là nghề làm tranh. Nghề làm tranh dân gian ở Lại Ân có nhiều tên gọi khác nhau như: nghề bồi, nghề giấy, nghề Sình, nghề hồ điệp…

Tranh tượng Bà mắt thần không xếch, mũi bẹt tròn, y phục lượt là có các nữ tỳ hầu hạ

Vật liệu tranh làng Sình là sự tổng hợp các dạng nguyên liệu từ núi rừng đến biển. Từ vùng cực đông đến cực tây của dải đất hẹp miền Trung, đều có các nhóm  đi tìm nguyên liệu: có nhóm đi tìm cào điệp ở vùng đầm phá, biển  Thừa Thiên, có nhóm thu góp vật liệu chế màu ở núi rừng. Các công việc khác như khắc ván in, giã điệp, pha chế màu, in nét, bỏ mối… đã thu hút sức lao động của nhiều lứa tuổi.

Tranh “con ảnh” hình nữ

Anh Trương Thìn có hơn 20 năm theo nghề tranh Sình cho biết: “Muốn tranh Sình đẹp phải qua việc hồ điệp trên giấy. Đây là công việc khá vất vả nếu như vật liệu bột điệp tự mình làm ra (mua bên ngoài không bảo đảm tranh khi đem in màu). Hằng năm khoảng tháng 5 tháng 6, trời nắng nước cạn, nhóm cào điệp giong thuyền dọc đầm phá Tam Giang, Cầu Hai, Hà Trung, Lăng Cô. Điệp cào được thường là điệp bùn (loại chết lâu ngày, vỏ mền và trắng), điệp bảy (loại mới chết, vỏ còn cứng và vỏ còn lấp lánh màu sáng nhũ). Đầu tiên là giã điệp ra thành bột. Sau đó bột được trộn với bột gạo nếp (3 điệp, 1 nếp) để tạo thành hồ trên giấy. Khi pha hồ nấu điệp phải có kinh nghiệm. Điệp luyện non, khi in tranh bột điệp dễ bị bong tróc từng mảng, nếu luyện già giấy điệp bị cong đanh, bột điệp dễ rụng. Ngoài ra, có những người đi tìm chất làm màu trong lá cây, hoa cỏ thiên nhiên. Cây trâm và cây đung có rất nhiều ở các cánh rừng già, hoặc các loại hạt cho màu như hạt mồng tơi cho màu tím, búp hoa hòe cho màu vàng, lá bàng chế ra màu đỏ, lá gai tạo ra màu xám… Cây trâm được chặt thành từng đoạn mang về, sau đó mới chẻ ra để pha chế, riêng cây đung thì chỉ lấy lá bẻ cành.

Tô màu tranh

Ngoài ra còn có màu đơn từ bột gạch nung mài trộn với da trâu đem nấu cô lại, màu đen là hỗn hợp lá bàng quết với tro rạ (gốc lúa) được ủ kín. Tất cả màu được pha chế đều được trộn với hồ điệp.”Nghe là vậy, thực tế công việc pha hồ điệp và chế màu khá phức tạp. Do phải dùng nhiều màu, và cứ mỗi lần lại phải dùng thanh kẻ riêng, nên công đoạn bôi màu, tô vẽ phải theo một dây chuyền. Dĩ nhiên trên đó có những vị trí dễ hoặc khó thể hiện, người khéo tay sẽ phụ trách kẻ nét bổ sung cuối cùng.

Phơi tranh

Tranh làng Sình chánh yếu là tranh tín ngưỡng, người mua sau khi cúng kiếng, phần lớn được đốt đi chấm dứt số phận mong manh và ngắn ngủi của các tờ tranh trong các nghi lễ. Do vậy, người tạo ra tranh cũng không có nhu cầu sáng tạo thêm các đề tài mới. Cứ theo các mộc bản có sẵn từ xưa đến giờ mà sản xuất ra nào là tượng Bà, con ảnh (1), ông Điệu, ông Đốc, tranh cúng Táo Quân hoặc các loại áo ông, áo bà, áo Binh (2), hay những con vật gần gũi với đời sống nông nghiệp như trâu bò, heo, ngựa ngoài ra còn có voi, cọp.Bên cạnh những nơi sản xuất tranh làng Sình thủ công theo cách truyền thống, là loại tranh làng Sình hiện đại của một số người quan niệm cần chi cầu kỳ pha trộn hồ điệp với màu sắc tự nhiên, người ta mua về rồi cũng đốt thành tro bụi. Nên họ đã sản xuất tranh với màu sắc của những loại hóa phẩm, cũng như chất liệu giấy bồi không đúng nguyên tắc sản xuất ngày trước. Điều này đã phát vỡ nét đẹp vốn có của loại tranh cúng dân gian của vùng Thừa Thiên.  

NL