Menu Close

Tân Mão thịt mèo

Điện thoại nhà bà Thìn chợ Ông Tạ reo liên tục. Căn cứ vào những câu trả lời khi gắt gỏng, khi cộc lộc của bà Thìn, người ngoài cuộc có thể tái lập toàn bộ câu chuyện. Rằng thì là, cuối năm, thịt mèo tươi rất đắt. Mèo hơi chắc giá 80,000 đồng/ký. Mèo đã làm, xẻ miếng, 140,000 đồng/ký. Mèo đen tuyền, còn sống, nặng ba ký đổ lại, giá 800,000 đồng/con. Muốn mua loại nào phải dặn trước cả tuần, đặt cọc hai phần ba tiền. So với thịt chó có nguồn cung nguồn tiêu tương đối dồi dào ổn định, thịt mèo có phần bấp bênh hơn. Chủ lò mổ chó, bán thịt chó kiêm mổ mèo, bán mèo không trữ sẵn mèo sống, chỉ khi có ai đặt, họ mới gọi điện huy động bọn trộm, đánh bả, dí điện “đi hàng”.

Mèo sa lưới, hầu hết đều là mèo nuôi, béo mập, sạch sẽ, bị bắt khi đang nằm lim dim phơi nắng đầu hè, đứng bới rác, bới đất ngoài đầu hẻm hay nhảy lên nóc nhà tán tỉnh, yêu đương… Bọn “sát thủ” đi qua, quan sát địa hình, thấy vắng vẻ, lập tức ra tay. Độc giả có thể nghĩ “Mèo nhỏ con, lại nhanh nhẹn, nhút nhát, có động nhảy đánh vút một cái, biến mất, dễ gì bắt được”. Bọn trộm cũng biết thế, nên toàn lựa mèo hoang đang đói hoặc mèo… lối xóm quen biết. Bắt xong, tập trung về “trạm trung chuyển”, vỗ béo một thời gian, mới bán cho lò mổ. Nghề bẫy mèo là nghề không vốn, hơi ác đức nhưng được cái nhàn, “một đêm ăn trộm bằng ba năm làm” nên dân đánh bẫy các quận Thủ Đức, Tân Bình, Gò Vấp rất “an tâm công tác”.

Mèo Bắc

Thực đơn

Khi tìm hiểu về thịt mèo Nam- Bắc, kẻ viết bài hết sức ngạc nhiên về “tầm phủ sóng” của các quán thịt mèo. Rất lặng lẽ âm thầm nhưng liên tục, chỉ chừng vài năm trở lại đây, Lạng Sơn xuất mèo sang Trung Quốc từng xe tải. Hỏi chở làm gì nhiều thế, chủ hàng nhún vai buông gọn đúng một chữ “Ăn!”. Hà Nội, Sài Gòn, Bà Rịa, Bình Dương, Long An cũng mọc đều các tấm bảng ven đường “Đây rồi tiểu hổ”, “Ngon bổ rẻ- mèo 30,000 đồng”. Nói về sự ngon, thịt mèo không thể sánh được với thịt chó, thịt dê, thịt bò, thịt heo! Chó nấu rựa mận, dê nấu càri, bò bảy món, heo nướng…toàn những món kinh điển. Còn mèo, vừa nhỏ con lại ít thịt (chưa kể thịt có mùi gây, khét, rất khó tẩy sạch) hỏi nấu, nướng, hầm, luộc cách gì cho ngon? Thắc mắc nọ, “đệ trình” lên chủ quán tiểu hổ Cầu Bươu- nằm cách Hà Nội 15 cây số, anh này gật đầu, thịt mèo đúng là khó làm ngon, khó ăn mạnh miệng, nhất là với phụ nữ, người mới ăn lần đầu. Miền Bắc xưa nay chỉ thích thịt chó. Nhờ năm nay Tân Mão, năm ngoái Canh Dần, thiên hạ mới chiếu cố thịt mèo. Quán anh, tầm 5 giờ chiều mở cửa bán tới 11- 12 giờ đêm. Bảy tám bàn nhậu thịt chó mới có một bàn gọi đĩa thịt mèo luộc, mèo hấp ăn với lá mơ, củ riềng, mắm tôm.

Một quán thịt mèo ngoài bắc

Mèo Nam

Cũng bán thịt mèo nhưng trong Nam chế biến đa dạng hơn. Quán tiểu hổ nào cũng có vài món cơ bản: mèo nướng, mèo xào cà ri nước dừa, mèo hầm tương hột bún tầu, mèo nấu cháo đậu xanh. Anh chủ quán Ngon Bổ Rẻ- ở Dĩ An- Bình Dương, sau hai năm kinh doanh tiểu hổ, bước đầu rút ra nhận xét, đàn bà ít ăn mèo hơn đàn ông, dân áp phe ít ăn (sợ xui) hơn dân bạt mạng, người Nam ít ăn hơn người Bắc. Vì thế, mỗi ngày quán anh chỉ dám “ngả” một con mèo. Một địa chỉ khác, không tên, nằm cheo leo ven quốc lộ 20, vừa nấu cao tiểu hổ (cao nấu bảy ngày đêm liên tục, từ 12 bộ xương mèo đen), vừa kiêm bán mua mèo sống, chín, vừa mở quán nhậu. Anh Vi văn Quýnh, chủ quán, cho biết “mèo chọn anh chứ anh không chọn mèo”. Mua phải cao mèo giả, tức! Ăn phải thịt mèo nấu dở, tức! Bị khích, tức! ba cái tức cộng lại, thành ra cái… quán. Quán anh, trông như cái lều vịt. Ấy vậy nhưng ghé vào, ngồi xuống, làm tí men, trình “nguyện vọng”. Thể nào cũng được bữa nhớ đời! Nói nhớ đời thì hơi quá nhưng quả thực món thịt mèo anh Quýnh bán đúng là rất impressive, gọi là món “Mèo Cung Đình”, tục truyền rất bổ, chỉ dành cho vua chúa đời xưa.

Ngoài thịt mèo là nguyên liệu chính ra, món Mèo Cung Đình còn thêm ba loại thịt khác, tổng hợp thành “long- lân- quy- phụng”. Long là…rắn. Lân là…mèo. Phụng là…gà. Còn rùa thì là…rùa (có thể thay rùa bằng ba ba, càng ngon). Bộ tứ long- lân- quy- phụng tốt nhất nên màu đen hết- rắn đen, mèo đen, gà đen, rùa đen (nhược bằng không có đen thì cũng thôi vì làm lông rồi, đen trắng như nhau cả). Lọc hết thịt nạc ra, thái mỏng, để làm bốn nhóm riêng trên đĩa. Xương rùa, rắn, mèo, gà cho vào nồi, cùng một thang thuốc bắc bí truyền, cứ thế om nhỏ lửa. Lòng rùa, rắn, mèo, gà xào chín, nêm nếm vừa ăn, xúc ra đĩa.

Khi ăn, có thể nhúng thịt vào nước lèo cho tái, vừa ăn vừa nhắm rượu. Có thể gắp bún vào tô, rải thịt sống, lòng chín lên mặt, chan nước lèo cho ngập, ăn kèm cải non, cải cúc, ngải cứu, rau thơm các loại. Món Mèo Cung Đình của anh Quýnh, nghe cầu kỳ, làm cũng cầu kỳ lâu lắc (muốn ăn phải dặn trước cả mấy ngày) nhưng ăn thì không dám bảo đảm là ngon. Kẻ viết bài lỡ miệng tuyên bố “trừ bù loong con tán ra kỳ dư thứ gì người ta ăn được, mình ăn được”, ngồi đối diện món Mèo Cung Đình cũng hơi chợn, đành phải bưng ly rượu khà một hơi, nhai lúng búng mớ thịt dai dai, tanh tanh của rắn, mèo, rùa, gà… Đúng là nhớ đời!

Quán mèo Ông Tạ

Chợ Ông Tạ nhìn bên ngoài, san sát hàng làm móng tay, bán giò chả, bán vàng bạc, bán đồ khô (gấc, trái nhàu, chuối hột, trầu cau). Hàng thịt chó mèo chỉ chiếm dung lượng rất ít dù chính nó mới làm nên danh tiếng một thời của chợ Ông Tạ. Khách phương xa mộ tiếng thịt chó (cả thịt mèo) Ông Tạ, không ai ngồi chường mặt ra đường bao giờ. Đoạn từ cầu Ông Tạ tới đầu đường Cách Mạng Tháng Tám, chưa tới một cây số, hẻm chằng chịt. Cứ luồn hẻm sẽ thấy “Đây rồi! Kia kìa! A! Tiểu Hổ”, toàn tên quán mà nghe như tiếng reo của  Archimde khi tìm ra chân lý (!). Quán thịt chó- mèo chợ Ông Tạ, từ bàn ghế, các bức tường, nền nhà, cả đũa chén lẫn mặt người bán, người bưng bê đều xám xịt, bóng mỡ, trông bẩn thế nào! Ấy vậy nhưng nếu thay bằng bán ghế inox sạch sẽ, phòng máy lạnh, bát đĩa sáng trắng, lập tức khách đi hết, vì “hồn” thịt chó giảm năm chục phần trăm. Một bạn vong niên của kẻ viết bài đã “đau khổ” nhận xét, món chó (mèo), có lẽ xuất phát từ nhà quê, nhà nghèo. Mà nghèo thì chúa ăn xó mó niêu. No say vứt xương xẩu bát đũa đấy, ngủ chỏng quèo. Đầu thềm, cuối vườn chỗ nào cũng “làm” được. Mãi thành quen. Ăn thịt chó (mèo), bán thịt chó (mèo), cứ phải lấy thoải mái, bỗ bã làm đầu. Bẩn một tí không chết, càng có vẻ “hương xưa” (!).


Hương xưa – Người nay

Thứ “hương xưa” đó, người nay, nhất là người trẻ, không mặn mà lắm nữa. Phần vì kinh tế khá hơn, nguồn thực phẩm dồi dào hơn, cho phép họ có nhiều lựa chọn sạch sẽ hơn, “nhân đạo” hơn tiền nhân, phần vì theo đà tiến hóa, mèo chó- nhất là mèo- từ chỗ để trị chuột cắn phá đồ đạc, nấu cao trị phong thấp, làm món nhậu trị đói, còn có thể làm bạn, trị cô đơn. Và vì thế, thay vì ăn mèo, nấu mèo, họ chuyền sang “kết mô đen” với mèo. Các bà các cô hôn hít bồng ẵm, chưng diện cho mèo cưng, xách giỏ đi chợ, nghĩ đầu tiên là mua cá cho mèo cưng. Mèo đau, mèo đẻ,… nhất nhất đều cuống queo, sùi sụt, thậm chí mèo chết còn lập “miu miu chi mộ” đàng hoàng. Các ông cũng yêu mèo dữ dội không kém. Mèo càng đẹp, càng bé bỏng càng yêu. Bao nhiêu sức lực, tiền của, thời gian đều “cúng  hết cho mèo”. Hỏi mười ông nuôi mèo nhí, ông nào cũng thở dài, liếm môi, cúi mặt, thú nhận, tuy có bị cào cắn, bị thân bại danh liệt nhưng cái vị thịt mèo tươi, rất “khốn lịn”, ăn rồi là nhớ, ăn một lần chỉ muốn ăn mãi…

Đám cưới chuột – tranh Đồng Hồ

Kẻ viết bài chả còn hiểu làm sao! Từ cao tiểu hổ tới mèo cà ri, mèo nướng khoái khẩu, tới mèo cục cưng hai chân là bước vinh quang vô cùng. Cớ sao, ở đâu lòi ra con mèo cường hào hiểm ác trong tranh Đông Hồ, to đùng, ngồi lù lù một góc khiến cả đám cưới chuột sợ rúm ró. Ngoài ra, còn nhiều ông già bà cả đồn mèo nhẩy qua xác chết, lập tức xác đứng dậy. Xe (ghe) chở mèo, không bị công an “vịn”, cũng bể bánh, lật xe (ghe). Bản thân mèo, ban đêm hay đi “dog cat” với… ma quỷ (mới có câu “mèo mả gà đồng”). Đầu năm- dù là năm Mão- mèo tới nhà, kêu ngheo là cả năm nghèo, kêu ngao, là cả năm nghêu ngao, thất nghiệp…

Xem ra, sự gì, vật gì trên đời hình như cũng đều có hai mặt. Có mặt ngon lành, cũng có mặt dễ ớn. Có mặt ích lợi cũng có mặt “trời ơi”. Bởi vậy, từ chuyện công mèo- tội mèo, mà suy, tốt nhất, sống cứ vững lập trường, thẳng đường ngay mà tiến, khỏi cần lo “đeo chuông cổ mèo”, vì xét cho cùng, chuyện trăm năm ngàn năm, cũng chỉ là chuyện “mèo lại hoàn mèo”. Chả có gì đáng nao núng!

XH