Song song với những thông tin được cập nhật liên tục về động đất Nhật Bản và chiến tranh Libya, sự kiện giá xăng trong nước tăng cao liên tục, kéo theo sự tăng giá các mặt hàng khác đã thu hút sự chú ý của đại đa số người dân Việt trong thời điểm hiện nay.

Từ trước khi Bộ Tài Chánh bật đèn xanh cho giá xăng tăng thêm 2,300 đồng một lít, dạo sau tết con Mèo, tình cảnh dân chúng đã thêm nhiều khó khăn. Lúc đó, tỷ giá giữa tiền Đôla Mỹ và tiền Đồng VN mới được điều chỉnh lên. Xăng vọt liền 3,000 đồng một lít.
Dân chưa kịp định thần, đã nghe tiếp lệnh dẹp kinh doanh vàng-đôla trên thị trường tự do. Báo hại không ít người non gan đem vàng miếng “phá”thành vàng nhẫn, dù có phải chịu mất hàng triệu đồng tiền công oan uổng vào tay các tiệm vàng tư nhân. Nhằm trấn an dư luận, ông Nguyễn văn Giầu, đương kim Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, lên tivi giải thích, nhà nước chỉ “xiết chứ không cấm”. Rằng dân vẫn có quyền giữ vàng và đôla trong nhà, miễn đừng dùng cho vay, trả nợ hay thanh toán trực tiếp với nhau thay tiền đồng. Khi cần có vàng-đôla, phải liên hệ ngân hàng, hoặc các điểm thu đổi có giấy phép hoạt động chính thức.
Tiếng thế, nhưng tới hôm nay, để được xét cho mua đôla, khách đi nước ngoài phải xuất trình các giấy tờ chứng minh tại ngân hàng khá lâu lắc, nhiêu khê. Một phụ nữ cho biết chị sẽ tìm mua đô la chợ đen vì “đi Thái Lan một tuần, họ chỉ đổi cho ba trăm đô”.

Đổ xăng- cơn ác mộng đối với người có xe hiện nay.
Với người nghèo, vàng-đôla lên hay xuống, khan hiếm hay không, không thành vấn đề. Khi dựng vợ gả chồng, cần tới vàng cưới, họ sẽ thương lượng với “bên kia” xin “chế” (thông cảm). Đàng trai có thể xin đi kiềng cổ, bông tai, lắc tay, cặp nhẫn bằng vàng… giả, coi xôm tụ y như vàng thiệt, để đàng gái không xấu mặt với xóm giềng. Rồi từ từ, làm ăn khá, sắm lại đồ thiệt sau. Nhiều cặp công nhân trẻ thậm chí mượn nhẫn vàng của bạn bè, kiểu “Cho tụi tao mượn đeo, làm lễ xong tháo trả liền. Chạy đâu mà sợ”.
Lãi suất ngân hàng quá cao là một vấn nạn khác, gây ra nhiều hệ luỵ nan giải. Có một ông cử nhân kinh tế, từng làm chủ công ty trang trí nội thất Sài Gòn, đang vác chiếu hầu tòa vì tội “mất khả năng chi trả khách hàng”. Ông cay đắng than: “Từ đầu năm tới giờ, cạnh tranh khốc liệt, khó lắm mới giành được vài hợp đồng, lời cách mấy cũng không đủ trả lãi suất vay ngân hàng gần hai chục phần trăm. Không lừa đảo, bội tín cũng thành lừa đảo, bội tín”.
Tiếng than buồn bã của người nghèo còn nhiều hơn. Các công nhân khu công nghiệp Tân Tạo – Bình Chánh khai: Rau muống tăng năm ngàn một bó; bình gaz 12 ký tăng hăm lăm ngàn; thịt heo, thịt bò tăng ba chục ngàn; tôm ươn cá chết tăng mười ngàn.
Không muốn đóng cửa, mất khách, khá nhiều quán hủ tiếu, phở bò, cơm tấm bình dân đành mua thực phẩm kém phẩm chất, và nấu ăn tằn tiện hơn. Miếng thịt, khúc xương được cắt theo kiểu “mỏng hóa, nhỏ hóa”, độn thêm huyết heo, đậu hũ, củ cải… Tình cờ trong quán bình dân, nghe chàng sinh viên đại học Nông Lâm gọi tô phở. Lén nhìn sang, kẻ viết bài giật mình, nhận ra tô phở chẳng khác… khẩu phần cám heo. Chàng sinh viên hít một hơi dài (lấy can đảm?) rồi rút đôi đũa, cắm mặt vào tô phở lổn nhổn huyết heo, củ cải, lùa sồn sột… Ước mơ, hoài bão của chàng, xem ra, chỉ từ giảng đường tới chỗ dạy thêm, tạt qua quán “cháo heo” rồi về nằm gặm nhấm “nỗi buồn gác trọ”, đợi lúc ra trường.

Sính lễ đám cưới tổng cộng một cây vàng… giả
Trong xóm trọ công nhân khu chế xuất Linh Trung, khu chế xuất Bình Chiểu – Thủ Đức, vào ngày chủ nhật cuối tuần, thay vì vui chơi, ăn uống, tự dưng hai ba tuần nay, xuất hiện nhiều nhóm đồng hương, đồng nghiệp khuân đồ dồn phòng ở chung, nhằm “Sống chung với bão giá”. Công nhân khu công nghiệp Biên Hòa cũng “sáng kiến” không thua. Một nhóm thợ dệt Vinatexco tâm sự, để sống sót, chị em đành phải góp gạo thổi cơm… chay, chia ra từng gà mên, ai về lúc nào ăn lúc ấy. Lương mới tăng vài trăm ngàn một tháng, giá chợ, giá nhà trọ, điện nước, thuốc men đã tăng gấp ba… Vì thế, tuy không phải ni cô, họ cũng “độ” đậu hũ, dưa leo, tương cà… dài dài.

Vác lúa lên nhà máy xay, rồi nằm chờ… có điện
Rời Sài Gòn, kẻ viết bài tìm thăm những cánh đồng đang mùa thu hoạch ở Long An, Tiền Giang. Lão nông Tám Thủ chỉ những bao lúa chất đống ngoài hàng ba nói cả quyết:
“Đừng nghe ai hết, nghe tui nè. Báo chí nói nông dân trúng lúa. Cái đó có. Nhưng nói trúng giá, thì không. Cách nay một tháng, lúa bán bảy ngàn một ký tại ruộng. Nhưng chừng một tuần thì rớt giá. Bây giờ, rê sạch, phơi khô, kêu rát họng không thấy ghe nào mua. Mà giả như có bán được, cũng cầm chắc từ lỗ chí lỗ. Vì tiền thu về lấy làm vụ kế tiếp không bì được với giá cả phân, thuốc, giống má, công xá mỗi thứ mỗi lên trong tình hình hiện nay. Bởi vậy, ghét, không làm nữa!”
Trong những quán cà phê đầu ngã ba An Cư, số người “ghét, không làm nữa”không ít. Có điều họ không phải nông dân mà là chủ nhà máy xay hẳn hoi. Một anh trạc bốn mươi tuổi, phẩy tay:
“Chủ gì đâu, toàn ‘chủ không’ (chổng khu)!” Đang mùa lúa mà điện cúp hoài, vài bữa cúp một bữa. Đã vậy (chánh quyền) còn bắt các nhà máy xay trong khu công nghiệp An Thạnh phải làm đơn tình nguyện xin giảm lượng điện tiêu thụ để chia sẻ khó khăn với ngành điện tỉnh nhà. Ai không chịu, mấy chả cắt điện luôn”.

Dạo qua các chợ cóc, chợ lều gần khu chế xuất, khu công nghiệp, kẻ viết bài ghi nhận một không khí thê lương bao trùm. Bình thường vào cuối tuần, cuối tháng lãnh lương, hàng quần áo, giầy dép, ăn uống, điện thoại di động, xe gắn máy, khách vào ra tấp nập. Nay mới chín giờ sáng đã vắng như chùa Bà Đanh. Nhiều chủ sạp đậy hàng hóa, nằm ngủ. Có người trả sạp vì càng bán càng lỗ. Nhiều bạn hàng khác ít vốn, trải miếng nilon dưới đất, bày bán vài nải chuối, mớ rau muống, chục trứng gà. Nói về lý do buôn bán, anh Hứa bán chổi, bà Năm bán bánh tét, ông Vĩnh bán cao trăn ở chợ Tân Uyên cho biết họ ở tận An Giang, Sóc Trăng nhưng rủ nhau đánh hàng vào Bình Dương bán câu dầm. Hỏi sao không ở quê buôn bán cho khỏe, ông Vĩnh cười buồn, ở quê mà sống đặng, ai đi làm chi!
Trong tình hình kinh tế bấp bênh, nạn lạm phát tăng cao, cuộc sống xám ngắt u buồn, thì kỳ lạ thay, câu chuyện người Sài Gòn thích nghe, thích nói hàng ngày, ngoài chuyện cơm áo gạo tiền, lại vẫn là chuyện nước Nhật, người Nhật sau thảm họa động đất sóng thần. Nào là một em bé Nhật chín tuổi, gia đình chết hết, đứng xếp cuối hàng người dài dằng dặc chờ nhận thức ăn. Khi được anh cảnh sát tặng khẩu phần ăn, em lễ phép cám ơn, xong đem lên nộp lại cho người phát lương thực vì “chắc nhiều người còn đói hơn cháu, nộp để chia, ăn chung cho công bằng”. Câu trả lời của em bé khiến người đàn ông quay đi, lau vội nước mắt. Nào là bài hát “Pray for Japan-We are all one” của Dominic Petzold quá hay…

Cảnh hoa anh đào nở rộ vào mùa xuân đang được phát lại trên tivi. Loài hoa anh đào thường rơi rụng ngay lúc còn tươi đẹp, và cả khi nằm trên mặt đất rồi vẫn tiếp tục tươi đẹp. Với những con số đau lòng ở Nhật Bản: gần 12,000 người chết; 16,000 người mất tích, hàng triệu người tản cư, hàng triệu người bị tác hại lâu dài do phóng xạ rò rỉ trong đất, nước, không khí… Loài hoa ấy, bất chấp điêu tàn đổ nát trên quê mẹ, đã an nhiên nở yêu kiều. Còn con người, liệu có bất chấp mãi được như hoa?