Menu Close

Đạo và Đời trong 24 ngày trên đất Phật – Kỳ 3

Bốn giờ sáng, mọi người tụ tập ở lobby, chuẩn bị đi dự buổi lễ cầu nguyện trên sông Hằng khi mặt trời lên. Khi xe buýt ngừng lại, trời hãy còn tối. Hơi sương giăng mắc.Trời se lạnh. Người nào cũng chuẩn bị khăn áo tới mấy lớp. Chúng tôi cùng nhau bước đi trong lặng lẽ… Mỗi người cầm sẵn đèn pin, để soi bước chân.  Thành phố vẫn còn đang say ngủ. Sau một khoảng đường quanh co trong bóng đêm, chúng tôi đã thấy được bến sông dưới những ngọn đèn mờ tỏ.

pic

pic

Hoàng thị Bích Ti

Buổi sáng trên sông Hằng


Nhìn từ xa, khoảng sông phẳng lờ, ẩn mình trong làn sương mờ đục. Sát gần bờ, một tốp ba, bốn người đang cùng nhau tắm gội. Tội lỗi ngày hôm qua đã được rửa sạch hết rồi ư? Những tội lỗi không hình, không tướng; bỏ nguồn, bỏ cội theo dòng sông trôi ra biển. Những chiếc thuyền chòng chành, mời gọi một chuyến đi. Người đạo sỹ với gương mặt ghê rợn, cổ đeo vòng hoa, xiêm áo diêm dúa, tay cầm chĩa ba bước lặng lờ trong khoảng không gian tranh tối, tranh sáng,

Sông Hằng đây rồi. Nơi ngài A Nan, ngài Đại Mục Kiền Liên cùng chư Đại đệ tử và Bồ tát được nghe Đức Phật thuyết Giới Kinh, được chỉ cho thất bảo trong biển, bảy báu trong đạo và làm cách nào để có được bảy đạo báu này. Sông Hằng đây rồi. Con sông đã từng soi bóng Đức Thế Tôn. Nơi mà những con sóng cho đến những hạt cát nhỏ nhoi đã từng nghe được lời giáo hoá.

pic

Buổi sáng trên sông Hằng (Ảnh HTBTi)

Lòng lặng đi. Mắt dõi theo cuối bờ bên kia, có cảm tưởng như ông lái đò đã một lần lỡ duyên với Đức Thế Tôn vẫn còn luẩn quẩn quanh đây…

Biết bao bút mực đã nói về sông Hằng, (Ganga), con sông dài hơn hai ngàn kilo mét, nhập lại từ bảy con sông và bắt nguồn từ dãy Hy Mã Lạp Sơn, thuộc miền Trung Bắc Ấn Độ. Theo kinh Trường A Hàm, đỉnh núi tuyết  nơi đầu nguồn sông Hằng có hồ A nậu đạt, A nậu đạt có nghĩa là không nóng, vì mặt trời và mặt trăng không chiếu thẳng vào hồ. Cũng theo kinh, đáy hồ có trải cát vàng và chung quanh hồ có nhiều bảy báu như bạch ngân, hoàng kim, san hô, bạch châu, xà cừ, minh nguyệt châu và ma ni châu. Người Hindu đem sông Hằng vào sinh hoạt tâm linh của mình mỗi ngày. Những nghi thức tắm gội để rửa sạch tội lỗi, thiêu xác và uống nước sông Hằng được coi là những đặc ân đối với họ. 

pic

Bình minh trên sông Hằng (Ảnh HTBTi)


Sông Hằng chiếm một vị trí khá quan trọng về địa lý, kinh tế vào thời Đức Phật. Theo trong bộ Tương Ưng, sông Yamuna, Aciravati, Sarabhu, Mahi và sông Hằng là năm con sông lớn nhất của Ấn Độ. Trong suốt thời gian hoằng pháp, Đức Phật đã nhiều lần qua lại sông Hằng và đã hai lần thi triển thần thông trên sông này. Một lần trên đường về thành Ba la nại để gặp anh em Trần Kiều Như. Và một lần khác vào khoảng cuối đời khi đi ngang qua thành Palatigrama, nằm bên bờ sông Hằng. Đức Phật hay dùng sông Hằng làm ẩn dụ khi giảng về nghiệp lực của chúng sinh. Kinh Hoa Nghiêm nói rằng trên bờ sông Hằng có vô số ngạ quỷ loã lồ, đói khát, thân mang đầy lửa, lại có vô số chúng sinh khác như kên kên, dòi bọ. Vì khát, cháy nên những ngạ quỷ tìm đến sông Hằng để uống nước. Và vì nghiệp lực của chúng sinh khác nhau nên kẻ thì thấy nước sông là lửa và người thì uống nước sông như nước cam lồ.

pic

Mặt trời lên (Ảnh HTBTi)


Đoàn thuyền của chúng tôi ra đến giữa sông thì mặt trời cũng vừa lên. Bầu trời chưa tỏ rạng, vầng thái dương đỏ rực như vừa trồi lên từ mặt nước. Đẹp làm sao! Ánh mặt trời lung linh, dọi xuống mặt sông, tạo thành một lằn ánh sáng linh động. Màn đêm vỡ tan trong phút chốc. Bầy chim ríu rít bay quanh thuyền. Mặt trời lên cao hơn, treo lưng chừng trời. Những vạt áo cà sa nhuộm vàng ánh bình minh, chấp chới bay trên sóng nước. Lời kinh xướng lên. Mọi người cúi đầu. Lòng thành dâng những búp tay sen. Hoa thơm cúng dường mười phương chư phật. Thuyền trôi êm, bỏ lại bên kia bờ những người đạo sĩ quái dị, những lời cầu nguyện trong lúc tắm gội, những chiếc thuyền buôn, bắt cá bán phóng sanh và cái thây người chết bọc trong vải đỏ trên thềm nhà hỏa táng. Bỏ lại sau lưng tất cả những bào ảnh của bọt nước, những tội lỗi. Khoảnh khắc tĩnh lặng. Tâm tĩnh lặng. Và với khoảng thời gian vừa đọc hết một bài kệ ngắn, thuyền đã tới bờ bên kia….

pic

Nhà hoả táng (Ảnh HTBTi)


Mọi người theo quý thầy đi kinh hành trên cồn cát. Tôi cùng sư cô Tâm Thảo đứng lại chụp ảnh cả đoàn. Một điều lạ lùng, tôi cảm thấy cát sông Hằng mịn màng hơn cả cát ở những bãi biển của California, Hawaii, Miami, Mũi Né, Lăng Cô, Nha Trang mà tôi đã đi qua.

Bãi cát trắng phau với hằng hà sa số hạt cát nhỏ li ti. Những hạt cát nằm dưới đáy sông, chẳng biết kiếp nào được lên bờ. Những hạt cát ẩn mình trên cồn, chờ duyên lành chín muồi để được nương theo gió, theo gót chân ai mà chuyển nghiệp. Những hạt cát nhỏ nhoi, đáng thương… 

pic

Tắm sông


Sau khi đoàn đi kinh hành xong, mọi người chuẩn bị lên thuyền để quay về bờ bên kia. Sư cô Tâm Thảo dịu dàng bảo tôi: “Chỗ này nước sạch nè T., em hãy rửa tay đi.”. Nhìn quanh, một ni cô khác cũng đang quỳ xuống, vục nước lên rửa mặt.  Tôi vâng lời, nghiêng mình xuống rửa tay.  Nước êm mát. Lòng nhẹ hẫng. Bay bổng.

Mặt trời trên đầu. Tôi thấy bóng tôi lồng trong bóng nước lung linh, trong rong rêu, trong những hạt cát của sông Hằng. Và, tôi nghe lời kinh Thủy Tịnh vang vọng bên tai: “ Này các con, chánh pháp là ao hồ, giới là  bến nước không nhớp nhúa được thiện nhân ca ngợi. Ấy là nơi bậc minh trí tắm thân thể sạch sẽ, chứng qua bờ bên kia.” 

pic

Khách hành hương

Nam mô bổn sư Thích ca mâu ni Phật!

Va, 25/3/2011