Menu Close

Lá thư từ Kinh Xáng – Kỳ 2

pic

Kinh xáng Bốn Tổng ngày… tháng… năm 2011

Thưa anh Ba,

Lâu lắm, nhớ kỳ gặp anh tại ngã ba xã Vĩnh Trinh với lộ tẻ Rạch Giá, tui giăng lưới, anh bán cà rem, vậy mà rồi đã hai chục năm rồi, tui mới viết cái thư này thăm anh. Thói thường, xa mặt hay cách lòng, nhưng tui vẫn nhớ cái cặp mắt kiếng dày cộm của anh bên cái xe đạp chở một thùng cà rem cây tới trưa trờ trưa trật rồi mà sao tui thấy anh đạp cái bàn đạp nặng trịch … Không biết anh còn nhớ hông, chứ tui thì cứ nhớ hoài. Ba chục năm lúc túng thiếu thì lâu quá trời, nhưng ba chục năm sau nhìn lại mái đầu xanh nay không còn xanh thì thời giờ cũng qua mau quá mạng! Phải hông anh Ba?

Số là vào tháng chín vừa rồi, tui có đi  ngang qua Vĩnh Trinh, rồi vô Rạch Giá thăm mấy đứa cháu nội, ngang ngã ba lộ tẻ, tui băn khoăn trong bụng là chỗ này mình gặp anh Ba đây chứ hổng phải khúc nào khác trên đường vô Rạch Giá này. Năm đó nước lớn bộn, đường sá ngập loi ngoi lót ngót, tui thì đang nằm chờ cá dính lưới, anh thì reo chuông rao bán cà rem, vậy mà rồi cá với cà rem làm quà gợi chút giao tình giữa hai người xa xứ lạc loài. Có hơn mười năm sau, tui nhớ có viết cho anh cái thơ nhưng rồi ngày lại ngày qua quần quật lo ba cái ruộng, tuổi mỗi năm mỗi chất chồng, tâm trí thì cùn lụt dần mòn, nên nhiều bận định bụng viết thư thăm anh rồi lại cứ hẹn trong bụng hoài như khất nợ tháng, nợ năm. Mong anh thương tình mà thứ lỗi; chứ thiệt tình là trong bụng lúc nào cũng nhớ cái bóng anh đạp chiếc xe cà rem xiên xiên trên khúc đường vắng mà cứ reo chuông hoài như mời mọc người mua!!! Ngồi dưới xuồng, đậu bên bờ bông điên điển có tấm cà rèm che nắng, nước trong leo lẻo mà sao tui nghe như tiếng chuông anh lắc càng lúc càng gần. Vậy mà đã qua rồi ba mươi năm !!!

Thưa anh Ba,

Bây giờ thì, con đường từ Vĩnh Trinh vô Rạch Giá đã khác hơn xưa nhiều. Cái bờ điên điển ngày ấy không còn. Ngay cái bến bắc Vàm Cống phía bên kia Lấp Vò cũng đã dời xuống hãng nước mắm rồi. Bến bắc cũ thì vắng tanh vì quá xưa, quá cũ nhưng vẳng đâu đó có tiếng ếch kêu như tiếng gọi đò hay tiếng gọi cà rem anh Ba à !

pic

Bến phà không còn như ngày xưa

Anh còn nhớ, chỗ ngã ba xuống Định Yên, ngày trước có khu nhị tì, mả mồ chật nức, nay thì phố xá khai mở, mồ mả cũng di dời. Từ đó, anh đi một đỗi nữa là tới bến bắc mới, rộng hơn, gần hơn nhưng cũng vắng hơn vì hàng quán còn mắc kẹt nơi bến bắc cũ, ít ai muốn dời bến xưa . Bây giờ ngay chỗ ngã ba này, có hai khu vườn chất đầy gốc mai vàng trồng trong chậu như rừng mai mà khách tới lui mua mai thì vắng ngắt vì một lẽ giá bán như cắt cổ mà mấy gốc mai già kia chẳng giúp được gì cho người nghèo. Nó chỉ ưu ái với hạng người tiền dư bạc để, chứ hạng làm ruộng như tui thì đời thủa nào dám se sua ba cái hào nhoáng mắc mỏ ấy.

À mà này anh Ba ơi, ngày nay ở đây cái cách chơi cây kiểng trồng trong chậu này như cái mốt vậy anh Ba à ! Đi đâu tui cũng thấy người ta để vài ba chậu kiểng loại gốc mai vàng, mai chiếu thủy, cây gừa, cây sung trước nhà như không có là thua kém hàng xóm láng giềng vậy đó. Nên nhà nào cũng có, không nhiều thì ít. Có nhà giàu, số gốc kiểng loại này lên tới cả trăm cây. Có người có tới vài trăm cây. Nhưng nhiều cây, nhiều gốc quá đâm ra thành khu rừng; mà thành rừng rồi thì còn gì là quí nữa phải hông anh Ba? Miệt Long Xuyên, Châu Đốc, Tân Châu, Cao Lãnh, Chợ Mới, Phú Tân, mà nhứt là dân trong các phố, các chợ đâu đâu  cũng rủ nhau chơi kiểng. Họ đâu có tăng thu ba gốc kiểng của họ đâu anh Ba. Ở Long Xuyên, tui có đứa cháu chuyên sống nhờ nghề giữ kiểng. Số là nó có miếng đất ở phía sau trường đại học An Giang, rộng lắm, có tới cả công đất, ai mua bao nhiêu nó cũng không bán . Khu đất của nó chứa được khoảng một ngàn chậu kiểng. Người chơi kiểng ở ngoài chợ  Long Xuyên chỉ chưng cho có vị vào ba ngày Tết, rồi sau Tết, họ mới chở vô chỗ thằng cháu tui để mướn nó chăm sóc, cắt xén, tưới nước, chiết cành; rồi tới mùa Tết họ lại vô chở kiểng dìa ngoài phố chờ Tết. Chơi kiểng kiểu nhà giàu nghĩ mà biết ớn anh Ba à !

Từ cái thú chơi kiểng theo cách đua đòi đó mới đẻ ra cái tệ là nạn ăn cắp vặt. Nhà nào có gốc sung, gốc mai mọc ngoài bờ tre hay đã bứng trồng vô chậu đàng hoàng rồi là hãy dòm ngó coi chừng bị ăn trộm. Hồi đời trước ở xóm tui nhà thường không ai đóng cửa; nay đời đổi khác rồi, trộm đạo nhiều, ăn cắp vặt cũng bộn, nên có nhiều chậu mai vàng chưng trước sân vẫn phải lấy dây lòi tói khoá lại vào gốc cây lớn bên cạnh để đề phòng ăn trộm nó rinh đi. Đời truớc ở nhà quê lo trộm cắp xuồng ghe, trâu bò là chuyện thường; đời nay lại phải lo ăn trộm nó bưng luôn mấy chậu kiểng để trước sân, lại càng thêm ứ hự !!!

pic

Vườn mai kiểng

Thưa anh Ba,

Bây giờ tui xin nói qua vụ nước nôi, câu lưới. Bây giờ nước nôi lụt lội cũng khác xưa lắm rồi anh Ba ! Số là các cánh đồng cỡ năm ba trăm công tới cả ngàn công như miệt Lấp Vò, Chợ Mới, Mặc Cần Dưng, Cái Dầu, có khi lên cả vài ngàn công như miệt núi Sập, Định Mỹ, Luỳnh Quỳnh, Tri Tôn người ta làm lúa ba mùa thì phải đắp đập giữ nước ngăn sông, vì vậy mà trời đất bây giờ cũng không còn là trời đất như ngày trước. Mưa bão liên miên mà đồng vẫn chưa có nước vào tháng chín, tháng mười vì đập chưa rút bộng cho nước sông tràn lên đồng. Chính vì vậy mà cá tôm ngày nay không nhiều như hồi tui đi giăng luới gặp anh bán cà rem ở Vĩnh Trinh. Hồi đó tháng tám đã giăng cá mè vinh; nay thì tháng chín, tháng mười nước chưa vô đồng lấy đâu cá mè vinh, cá trắng !?!

Rồi cũng từ đó, tức là từ ba cái vụ làm lúa nhiều mùa, thì mình phải xài thuốc sâu nhiều đặng mà diệt ba cái cỏ gạo, sâu rầy, rồi tới nạn ốc bươu vàng cũng phải xài thuốc dữ lắm ốc mới chết, nên cá chết ráo trọi nhe anh Ba. Cá chết từ trong trứng, chết từ hồi mới nở, chết khi vừa bằng cán mác, chết cho tới lúc cá lớn bằng cườm chưn vì thuốc sâu, nên cá bây giờ ai giăng câu giăng lưới mà bắt được vài kí lô là mừng hết lớn rồi anh Ba à.

pic

Giăng lưới bắt cá

Trời thần ơi, anh Ba thử tưởng tượng ba cái thứ chất độc tui xin kể sơ sơ ra như sau đây là thấy ớn thần hồn: thuốc Sipha (SiFa28) WP diệt cỏ, Moi OC 6H trừ ốc bươu vàng và các thứ khác trừ sâu rầy như Dosuper 300 EW, Tebuzole 250 SC, Tridozole 75 WDC, Apphe 17 EC-40EC, Quiafos 25 EC, Conphai 10WP, Mospha 80EC, Do. One 250SC và còn nhiều thứ khác nữa mà tui không nhớ hết.

Anh Ba ơi, thuốc sâu đầy đồng mà nước trên đồng chảy không thông để rửa đất thì thuốc phải bám vô đất, bám vô gốc rạ, gốc rong hoài hà. Từ đó nó mới đẻ ra cái bịnh ngứa. Nhà nghèo mà, mùa nước là phải đi chở đất mướn, phải đi dọn cỏ mướn, phải đuổi cá linh, dọn luồng lưới, trăm thứ đều trầm mình dưới nước, nên nước còn thuốc sâu đầy nhóc này làm cho da mình không nổi ghẻ thì cũng gãi tróc da chảy máu là cái bịnh trước mắt đó anh Ba. Để khỏi bị ngứa , mỗi lần chở đất mướn hay làm lụng gì mà có ngâm mình dưới nước là sắp nhỏ mua nhớt loại nguyên chất bôi lên tay chân mình mẩy một lớp cho thiệt đều để nước không thấm vô lỗ chân lông, khỏi ngứa. Nhưng anh Ba biết hông, làm như vậy, thiệt tình là mình cũng liều mạng dữ lắm; vì đâu có ai biết rành là lớp nhớt này có gây cho người xài nó bị bịnh gì khác hông? Chỉ thấy hiện tiền nhớt làm mình không bị ngứa thì cứ bôi lên da cho đỡ vậy thôi; còn kỳ dư hạ hồi phân giải anh Ba à.

Đó là nước trên đồng thì vậy, còn nước dưới kinh dưới rạch hay ngay ngoài sông cái ngày nay nước dơ dữ lắm. Hồi xưa, vùng lục tỉnh này được tiếng là vùng nước ngọt cây lành; bơi xuồng dưới sông, khát nước là cứ lấy nón lá múc một nón uống ừng ực ngọt ơi là ngọt. Còn bây giờ thì, ít ai dám uống nuớc rạch nước kinh, vì nước nào cũng có chất thuốc sâu pha trộn với nước dơ từ các hầm cá, từ các chuồng heo đổ tràn xuống kinh rạch, rồi chảy lòng vòng ra sông rồi lại chảy lộn vòng vô kinh rạch theo đợt nước lớn nước ròng. Cứ vậy mà nước sông bây giờ nó dơ cùng hết nên không có ranh rấp gì ráo trọi anh Ba à. Nhiều lúc liều mạng, mình cũng gánh nước lên lóng phèn, nấu sôi rồi nhắm mắt nhắm mũi uống đại để mà sống vậy mà! Cái khổ là biết nước dơ nhưng không làm sao không xài nước vì nước nó tràn đồng, tràn sông chứ đâu có riêng một vùng, một khúc nào mà tránh, mà cũng bởi lẽ cá sống nhờ nước mà mình cũng sống nhờ nước cho nên  không có nước thì con người cũng tiêu đời .

Anh ba thấy dân ruộng tụi tui đang xịt thuốc trừ sâu rầy, trừ cỏ, trừ ốc bươu vàng mà cũng đồng thời tự giết tuổi thọ của mình trong đó nữa anh Ba! Nghĩ cũng vì đeo đuổi nghề nào thì mang nghiệp nấy phải hông anh Ba? Đời xưa mấy cái nghề như nghề may vá, nghề hớt tóc, nghề thợ bạc, nghề dạy học thì trước sau gì cũng không ho lao cũng nám phổi; ngày nay ai làm ruộng mà thoát được cái chứng đau gan thì cũng phải di căn, di bịnh rồi ho hen chết sớm vì chất độc từ thuốc sâu là cái chắc !

Thưa anh Ba,

Vì cá đồng ngày càng ít ỏi, hiếm hoi nên mới đẻ ra cái phong trào nuôi cá, nuôi tôm. Hồi xưa, cách nay ba bốn chục năm, anh Ba lên xứ tui anh thấy đâu đâu người ta cũng giăng lưới, giăng câu, tôm cá ê hề. Tới mùa cá linh xuồng ghe chài lưới đặc cứng các khúc sông như ngày lễ Kỳ Yên đua ghe đua xuồng. Nay thì cái cách bắt cá đó yếu xìu rồi, lác đác lắm. Do vậy mà nuôi cá ao, cá hồ bằng thức ăn chế biến là nghề mới, cái mốt kiếm lời mới để bù vào cá đồng, cá sông bị cạn kiệt lần mòn. Nhưng khổ một nỗi là cá nuôi ăn tanh hơn cá thiên nhiên nhe anh Ba . Chắc cũng tại trong thức ăn cho cá có chứa quá nhiều chất dầu, chất mỡ rồi cá không tiêu hoá hết nên thịt cá lại bị tanh. Cái này khoa học đời bây giờ chưa nói ra, nhưng dân quê như tụi tui nghĩ bụng mà bàn cùng anh như vậy. Nên chi khi nào có dịp anh dìa ghé kinh xáng Bốn Tổng thăm tui, thế nào tui cũng ráng đi “te cá” để đãi anh, anh Ba à !

pic

Câu cá mùa nước nổi

Chà, cái chữ “te cá” này, tui xin mạn phép cùng anh cho tui nói thêm cái cách bắt cá lóc mới này, sắp nhỏ vừa mới sáng chế ra đây, hiệu nghiệm lắm. Dụng cụ thì gồm có một cây tầm vông dài chừng 6 thước. Trên cây tầm vông này mình chia ra làm các khoảng cách đều nhau , mỗi khoảng chừng 3 tấc nhe anh Ba. Rồi tại các khoảng đó mình buộc sợi dây lòi tói hoặc cây sắt gì cũng được, miễn sao cho nó nặng và chìm xuống nước sát mặt đất là vừa. Sau đó, mới gác cây tầm vông ngang mũi xuồng; để cho cây tầm vông khỏi bi rớt xuống nuớc, mình có thể dùng một cây tầm vông khác có chiều cao chừng hai thước dựng đứng ngay mũi xuồng để mình dùng dây mà căng hai đầu cây tầm vông nằm như căng buồm vậy mà, mục đích là cho cây tầm vông nằm ngang không bị rớt xuống nước khi mình “te cá”. Xong đâu đấy, dụng cụ bắt cá còn có thêm cái nôm nữa nhe anh Ba.

Còn cách “te cá” thì như vầy, anh có thể đứng trên xuồng dùng sào mà chống hoặc lội xuống nước mà đẩy cái xuồng đi tới; nhưng thường thường thì người ta hay đứng trên xuồng để chống cho nước bớt dợn sóng và cá cũng ít hoảng hồn bỏ chạy vì nước động. Khi anh chống xuồng như vậy thì mấy khúc sắt nó kéo rà rà nơi gốc rạ chìm dưới nước, cá lóc  ẩn dưói gốc rạ giựt mình chúi đầu chúi cổ mà chạy; nhưng chúng chạy không xa và thường trầm lại gần đó, trong bụi cỏ, bụi rong gần đó, để chờ nghe động tĩnh. Thế rồi, người đi “te cá” ngừng xuồng lại, tay nhè nhẹ lấy cái nôm, bước thật nhẹ xuống nước và úp cái nôm rất nhanh chỗ cá vừa chúi dưới gốc rạ đã để lại mấy cái tiêm bằng bọt nước . Rồi anh ba sẽ nghe cá chạy rồ rồ trong cái nôm và bắt cá bỏ vô khoang xuồng và đi “te cá” tiếp. Dễ lắm anh Ba, một ngày đi vài ba giờ, vào sáng sớm trời còn im gió, có khi kiếm năm ba kí cá lóc là thường. Cá này sống giữa đồng ăn ngon hơn cá nuôi nhiều. Tui sẽ đãi anh món cá “te” này nướng trui thì chắc anh nhậu mệt nghỉ, phải hông anh Ba ?

Còn tại sao lại gọi cách bắt cá này là “te cá”? Thì cũng không có ẩn ý gì cao xa anh Ba, chỉ tại vì cách bắt cá lóc này mình chống xuồng bắt cá đi te te trên mặt nuớc như đi chơi nên gọi là “te cá” anh Ba à. Dân quê thấy gì quen quen đặt tên luôn cho nó tiện chứ hổng có cầu kỳ văn hoa gì ráo trọi. Anh Ba chắc cũng thông cảm và thương cho dân ruộng tụi tui giản dị, phải hông anh Ba ?

Thưa anh Ba,

Cái thơ nay thì hơi dài, mà chuyện đồng ruộng nói hoài còn hoài, nên xin hẹn anh lại thư sau nhe anh Ba. Xin anh cho vợ chồng tui kính lời thăm chị Ba cùng sắp nhỏ mạnh giỏi. Sẵn dịp xin ghi vài hàng cùng chị Ba vì biết chị dân Cần Thơ. Hôm trước tui có xuống Cần Thơ, đi ngang đường Cống Quỳnh, chùa Sư Nữ, vườn Thầy Cầu mọi cảnh đều lạ; lại nữa bây giờ trung tâm Toán Lý Hóa của thầy Xuân Vũ ở đường Phan Thanh Giản cũng không còn, hẻm Hai Địa đã lạ. Trường Phan Thanh Giản hồi xưa, khoảng năm 1950, ông anh tui đi xuống đó thi  bằng Trung Học Đệ Nhất Cấp cũng lạ. Rồi tui lội vòng qua chùa Cây Bàng, đường Phan Đình Phùng, đường Hoà Bình, dìa hẻm số 2 đường Nguyễn Trải tuốt xuống mé sông thăm chị Ngũ cũng đi đâu mất hết. Ghé lại ụ tàu tìm dì hai nấu cơm, dì cũng chết mất từ năm tháng nào rồi. Mọi cái đều mất tiêu đâu hết anh chị ba à ! Thôi thì chỉ còn lời cầu chúc anh chị sống lâu trăm tuổi vậy.

Kính thư,
Hai trầu