Lưới cá trên sông Cửu Long
Vài hàng qua thư hồi âm của Anh Hai An Phú
An Phú, ngày 26 tháng 5 năm 2011
Kính gởi anh Hai Kinh Xáng Bốn Tổng,
Thiên hạ lại làm cho anh em mình ngứa miệng, phải một lần nữa nói về cái ăn, vừa rồi nói về cái ăn hoang dã, kỳ này nói về cái ăn tiêu khiển. Anh Hai có nêu lên bài báo trên Người Việt Online:
Theo kết quả cuộc khảo sát do Tổ chức Bảo Vệ Động Vật Hoang Dã (WAR) phối hợp với Trường Đại Học Khoa Học Tự Nhiên tổ chức tại Sài Gòn vừa được công bố:
Trong số gần 8.000 cư dân Sài Gòn được hỏi “có ăn thịt rừng” hay không thì có đến 4.000 người (50%) số người được hỏi xác nhận có ăn thịt thú rừng và coi đó là một thú tiêu khiển;
Phần lớn người thích ăn thịt rừng là nam giới, thuộc độ tuổi trung niên, có việc làm, có bằng cấp cao ở các trường đại học.
Tôi không ngạc nhiên lắm khi nói phần lớn người thích ăn thịt thú rừng là nam giới, người nhậu rất thích thịt rừng, hầu hết người nhậu là nam giới, có mấy người phụ nữ Việt Nam uống rượu? Các quán thịt rừng “chặt đẹp” lắm, cho nên phần lớn những thực khách là người trẻ, có sức khỏe đi làm việc, có lương cao nhờ có bằng đại học, hoặc có mánh mung lớn mới có tiền đi ăn thịt rừng.
Thịt rừng bày bán khắp nơi tại Sàigòn
Tôi chỉ ngạc nhiên tại sao coi việc ăn thịt rừng là một thú tiêu khiển, giống như kỳ trước tác giả Trần Phỏng Diều nói cách ăn của người miền Nam có tính “hoang dã” vậy.
Tôi đi cầu cứu quý chơn sư “Hán Việt Từ Điển” và “Từ Điển Tiếng Việt” về ý nghĩa của từ kép “tiêu khiển”, quý chơn sư dạy rằng: Tiêu khiển có nghĩa:
giải muộn khuây sầu (Hán Việt Từ Điển-Đào Duy Anh) làm cho tinh thần thoải mái bằng những hình thức vui chơi nhẹ nhàng: đánh cờ…(Từ Điển Tiếng Việt- Nguyễn Kim Thân, Hồ Hải Thủy, Nguyễn Đức Dương)
Như vậy cái ăn có tác dụng làm cho người ta lên tinh thần hay hết buồn hay sao mà nói ăn thịt rừng là thú tiêu khiển? Theo thiển ý, ăn chỉ làm cho thấy ngon, cho khoái khẩu, không phải là một thú tiêu khiển.
Anh Hai ơi,
Kết quả khảo sát trên đã làm cho Tổ chức WAR giựt mình, lo ngại nhiều loại thú rừng sẽ bị diệt chủng vì người ta đua nhau ăn thịt chúng để “tiêu khiển”.
Theo tôi nghĩ không phải chỉ có thú rừng bị diệt chủng, mà thú vật nhà, thủy hải sản cũng dần dần bị diệt chủng luôn.
Bọn Tàu Cộng (Kẻ lạ?) rất thâm độc tìm mua móng trâu, móng bò (phải đủ 4 móng) với giá cao, dân mình nghèo giết trâu bò để bán thịt, rồi đem bán 4 móng cho bọn gian manh muốn hại nước mình không còn phương tiện canh tác.
Sông Cửu Long bị đắp đập ở thượng nguồn làm ô nhiễm môi trường và nhiều lý do khác nữa, cá tôm tiêu hao dần, không sanh sản. Những gì anh em mình viết về nguồn thủy sản ở nơi quê quán, miền Tây Nam phần đều chỉ là những hoài niệm. Còn đâu nữa những con tôm càng trồi lên gần mặt nước để cắn miếng mồi dừa cho chúng ta vớt, còn đâu nữa bầy cá ròng ròng lội có luồng, lòn lách trong cỏ dưới nước trong, còn đâu nữa những con cá thia thia xanh biếc, kỳ, vi và đuôi màu đỏ chói ta bắt nuôi để xem cho mãn nhãn hoặc cho đá lộn, còn cá đâu nữa để nhắp, để câu, để chài, để lưới, để chất chà, để đặt lờ, đặt lọp, để kéo bò…v.v. Còn đâu nữa những con quạ nó đứng đầu cầu, nó kêu bớ má têm trầu khách ăn. Không còn tôm cá thì chim cò cũng vắng bóng, còn gì đâu để chúng bu lại ăn? Anh em mình chắc sẽ có dịp trao đổi nhiều hơn về chuyện cá tôm, chim chóc, phải không anh Hai?
Không đồng ý cái ăn là một thú tiêu khiển, nhưng tôi thấy người ta bày ra đủ trò để làm cho thực khách “tiêu khiển” trước khi ăn, những trò tiêu khiển nầy quá ư tàn nhẫn đáng để cho Tổ chức WAR can thiệp. Chẳng hạn cho rắn còn sống biểu diễn rồi chặt đầu rắn ngay trước mặt thực khách, lấy máu rắn hòa với rượu mời khách uống; cho vịt đi trên bản sắt nóng rồi lấy chưn vịt cho khách ăn. Thật là một lối tiêu khiển hết sức dã man.
Xin tạm ngưng và hẹn anh Hai thư sau.
Kính thư,
Chung An Phú
Kinh xáng Bốn Tổng
ngày 29 tháng 5 năm 2011
Thưa anh Hai An Phú,
Mấy hôm nay nhận được thơ anh Hai, tui rất mừng mà cũng rất buồn. Mừng là tuổi già của mình nay còn có người tri âm tri kỷ như anh Hai để trang trải những nỗi niềm, nhưng buồn là những sinh vật trong trời đất vùng mình một thời nay hổng còn nữa, mà nhứt là đọc đoạn này, tui lại nghe như ruột gan rã rời, rũ liệt: “Sông Cửu Long bị đắp đập ở thượng nguồn làm ô nhiễm môi trường và nhiều lý do khác nữa, cá tôm tiêu hao dần, không sanh sản. Những gì anh em mình viết về nguồn thủy sản ở nơi quê quán, miền Tây Nam phần đều chỉ là những hoài niệm. Còn đâu nữa những con tôm càng trồi lên gần mặt nước để cắn miếng mồi dừa cho chúng ta vớt, còn đâu nữa bầy cá ròng ròng lội có luồng, lòn lách trong cỏ dưới nước trong, còn đâu nữa những con cá thia thia xanh biếc, kỳ, vi và đuôi màu đỏ chói ta bắt nuôi để xem cho mãn nhãn hoặc cho đá lộn, còn cá đâu nữa để nhắp, để câu, để chài, để lưới, để chất chà, để đặt lờ, đặt lọp, để kéo bò…v.v. Còn đâu nữa những con quạ nó đứng đầu cầu, nó kêu bớ má têm trầu khách ăn. Không còn tôm cá thì chim cò cũng vắng bóng, còn gì đâu để chúng bu lại ăn?”
Dự án đập Xayaburi của Lào
trên thượng nguồn sông Cửu Long
Qua đoạn thơ rất ngắn mà như một lời than thở ấy anh đã gợi lại trong tui cả một trời thương nhớ về những cảnh chim cá trên sông, trên đồng sáu bảy mươi năm qua. Thơ anh bày tỏ tấm lòng nhớ tiếc của người già nhìn lại cảnh cũ một thời tha thiết biết bao! Những chữ “còn đâu nữa”, “còn đâu nữa” mà anh lặp đi lặp lại nhiều lần như một điệp khúc ấy là cả tấm lòng hoài niệm của người già trào dâng như nước ngập tràn bờ mà không thể lấy gì kềm giữ nổi; chẳng những anh muốn nói về cá, về tôm, về cua, về ốc, về chim mà còn nhằm nói chung những cảnh bể dâu dời đổi của trời đất mùa màng, trong đó có một thời tuổi trẻ thanh xuân của anh và của tui nữa mà nay đã qua đi hơn bảy chục năm trời nhanh như “thời giờ thấm thoát thoi đưa, nó đi đi mất, có chờ, chờ ai”, thưa anh Hai!
Cảm ơn anh Hai nhiều lắm về một tấm chơn tình với bằng hữu, với sông nước quê mình. Hy vọng có dịp sẽ nhờ anh Hai kể cho nghe thêm về làng Bắc Nam của anh, vùng An Phú cũ hồi thời còn Tây vào những năm 1947, 1948 nhe anh Hai.
Kính chúc anh chị Hai luôn dồi dào sức khoẻ, vạn sự như ý.
Kính thư,
Hai Trầu