Bạn ơi, có lần nào bạn đi ngang qua An Giang chưa? Nếu chưa, xin bạn nên ghé lại thăm An-Giang đôi ngày vì địa danh này đã gợi cho bạn nhiều hấp dẫn từ một dòng sông, dòng An-Giang. Phải thế không bạn? Người nghệ sĩ ngợi ca dòng An-Giang có cái lý riêng của họ mà tự dòng sông này cũng đẹp mát lạ thường.
Cầu Hoàng Diệu
Long Xuyên
Vùng sông rạch chằng chịt, nên trên đường bạn đi, bạn phải đi qua những chiếc cầu đúc bắc ngang những con rạch nhỏ. Rạch Cái Dung, rạch Cái Sao, Cống Bà Thứ, rạch Gòi Bé, rạch Gòi Lớn, rạch Tầm Bót, rạch Cái Sơn để vào thăm Long Xuyên như về một thủ phủ thật đẹp và hiền hòa. Những con rạch mang phù sa từ dòng An Giang bồi bổ cho những miếng ruộng phì nhiêu bên tay trái đầy những bông lúa vàng. Long Xuyên mà bạn đang dừng chân có lẽ đã có từ thời có cuộc di dân từ hơn hai trăm năm mươi năm của tổ tiên chúng ta, nhưng nó được kiến thiết và mở mang rộng lớn như ngày nay là vào những năm 1950 với người có công lớn nhất với tỉnh lỵ Long Xuyên này là Ông Nguyễn Ngọc Thơ. Dường như Long Xuyên có cái dáng vẻ đặc biệt riêng, không giống bất cứ thành thị nào mà tôi có dịp đã đi qua hơn ba mươi tỉnh lỵ miền Nam. Khu hành chánh bên kia cầu Hoàng Diệu với Tòa hành chánh tỉnh, Tòa án, Ty bưu điện, Ty ngân khố, Sở giáo dục, trường học, nhà thương và nhiều ty sở khác như một vùng yên tĩnh. Bên này cầu Hoàng Diệu là khu thương mại, chợ búa, phố xá, khách sạn, rạp hát, bến đò, bến xe tấp nập, ngược xuôi… Và những đường phố của Long Xuyên khang trang với những dãy phố chạy dài cùng một lối kiến trúc giống hệt như nhau, không cao, không thấp, không trồi, không sụt như những bộ đồng phục mà bạn không thấy bất cứ nơi thị tứ nào mà bạn đã đi qua vùng đồng bằng miền Tây Nam phần.
Cầu Henry (cầu Hoàng Diệu ngày nay)
Công viên Trưng Vương chạy dài từ đường Phan Đình Phùng đến đại lộ Tự Do như gương mặt diễm kiều của thị xã với những gốc trúc đào, những cây dương, những cánh hoa mười giờ màu tím than, những cây tùng xanh biếc quanh năm. Cầu Hoàng Diệu mà tên gọi thời Pháp thuộc là Henrie Rivière, bắc ngang con sông đào Long Xuyên-Rạch Giá như một kỳ quan vùng đồng bằng này, nối liền hai khu vực của thị xã như đan kết hai mảnh đời dính liền lại với nhau. Với hai dãy trụ đèn cao gần bằng những chiếc cột nhà ngói cổ dọc hai bên thành cầu từ xa xa bạn nhìn giống như những cổng tam quan đang đón bạn đi qua thành phố. Nếu bạn nhìn xuống dòng nước trôi xuôi về miệt núi Sập phía dưới chân cầu, bạn sẽ thấy chiếc cầu Hoàng Diệu đang in dáng dấp lung linh trên dòng sông tuyệt đẹp. Sau này có thêm chiếc cầu Duy Tân, song song với nó, nối liền bến chợ với nhà thương Long Xuyên, nơi mà những năm 1940-1945 chiếc ghe tam bản của tía má tôi tản cư đậu nơi bến nhà thương này, nhưng không sánh kịp về cái dáng đẹp đã có tự bao năm…
Hàng cây trứng sấu to lớn trở thành những cây cổ thụ trên đường Đinh Tiên Hoàng phía bên kia cầu Hoàng Diệu chạy ngang qua khu học đường thật bệ vệ trang nghiêm. Nào là trường Nam Tiểu Học tỉnh lỵ, trường Nữ Tiểu Học với lớp học trò nhỏ vui đùa của biết bao thế hệ nối đuôi nhau theo dòng thời gian mà những năm cuối thập niên 1940 tôi có dịp dự phần cùng các lớp học trò bé nhỏ ấy. Trường Trung học Thoại Ngọc Hầu có cổng chánh bên đường Gia Long với những hàng dương liễu thướt tha chung quanh trường, có lẽ sẽ làm cho bạn nhớ về ngôi trường nào một thời mà bạn đã mài đũng quần. Trường này có may mắn là có nhiều vị giáo sư danh tiếng về dạy. Nhà văn Nguyễn Hiến Lê, ngày xưa cũng dạy nơi đây ba niên học.
Trường Thoại Ngọc Hầu năm 1959
Phía trước trường, gần cổng chánh, có ngôi miếu tiên sư thật trang nghiêm để thờ phượng các vị giáo sư của trường quá cố như tấm lòng nhớ ơn của học trò cùng hậu thế dành cho các thầy, như một nét văn hóa thật đẹp và cao quý của trường. Và có lẽ, tại Long Xuyên này, học sinh hết mực thương mến thầy. Trong hồi ký, nhà văn Nguyễn Hiến Lê có nhắc lại tình thầy trò: “Dạy ba năm ở Thoại Ngọc Hầu mà non ba chục năm sau, bây giờ về Long Xuyên còn gặp được năm sáu trò cũ coi tôi như cha, có trò thân mật như người trong nhà; điều đó làm cho tuổi già của tôi được vui.” (2) Tình thầy trò ngày xa xưa ấy thật đầm ấm, thiết tha nhưng trang nghiêm, cao quí biết dường nào!
Nhưng có lẽ nên mời bạn đến thăm công viên Nguyễn Du bên bờ dòng An Giang, nằm song song con đường Lê Lợi, với những giàn bông giấy, những cánh hoa trúc đào, những cánh hoa phượng đỏ đứng soi mình lướt thướt bên bờ đá xây cặp dòng sông, nơi mà nhà văn Nguyễn Hiến Lê có nhắc trong hồi ký của ông, cứ mỗi lần đến đây ông có cảm tưởng như đang hưởng cái thú “giang thượng chi thanh phong” của Tô Đông Pha vậy. Công viên Nguyễn Du này tình tứ thật, nhất là những đôi tình nhân thời còn cắp sách thì tuyệt diệu vào những ngày năm sáu mươi năm xa xưa ấy. Ngày nay nước của con sông Cửu Long cạn dần vì các đập ngăn nước làm thủy điện trên các nước thượng nguồn và bờ đá nơi công viên Nguyễn Du cũng đành phải xa mặt nước sông để trơ ra bãi bùn và vài ba bụi cỏ dại lưa thưa nơi bến sông xưa, mà ngày xưa lúc nào nơi mé sông này cũng lé đé nước với những lượn sóng rì rào theo gió lô xô va vào bờ đá như một điệu nhạc của gió, của sóng, của sông nhịp nhàng không dứt…
Công viên Nguyễn Du
Dù vậy, ngày xưa, nếu bạn xuống con đò nhỏ về bên kia cồn Mỹ Hòa Hưng, ngang công viên Nguyễn Du, bạn sẽ lạc vào chốn thiên thai với những vườn cây ăn trái phủ phục, oằn nhánh, nặng cành. Nào xoài, ổi, mận chẳng thua gì vườn ổi ở bến bắc Cần Thơ, nếu không muốn nói cư dân nơi Mỹ Hòa Hưng này chơn chất, ngọt ngào như cây trái mà họ trồng trong vườn… Bạn có thể ăn trái cây đầy bụng, nếu bị xót ruột, họ sẽ mời bạn dùng cơm với họ như người thân trong nhà.
Kỳ tới Châu Đốc
(2)Hồi Ký (tập 2) của nhà văn Nguyễn Hiến Lê, nhà xuất bản Văn Nghệ, California, Hoa Kỳ, trang 21.