Menu Close

An Giang – Một vùng cổ tích phương Nam – Kỳ 2

Bạn ơi, có lần nào bạn đi ngang qua An Giang chưa?  Nếu chưa, xin bạn nên ghé lại thăm An-Giang đôi ngày vì địa danh này đã gợi cho bạn nhiều hấp dẫn từ một dòng sông, dòng An-Giang. Phải thế không bạn? Người nghệ sĩ ngợi ca dòng An-Giang có cái lý riêng của họ mà tự dòng sông này cũng đẹp mát lạ thường.

pic


Châu Đốc

Để tiếp tục cuộc hành trình, vì An Giang thì quá rộng, xin mời bạn trở lại Long Xuyên để về thăm Châu Đốc như một chuyến hành hương trở lại vùng cổ tích. Trước lúc rời khỏi Long Xuyên, có lẽ nên mời bạn ăn một bữa cơm với canh chua cá hô hoặc cá bông lau cùng cá rô kho tộ béo ngậy.

pic

Cá hô đất trắng (mà người Thái gọi là chép), một loài cá lớn và ngon của sông Cửu Long, chiều dài tối đa của chúng có thể lên tới 2.4m và cân nặng tới 250 kg.(nguồn: hubpages.com).

Nhưng ở đây có món mắm kho cũng ngon đáo để không thua gì mắm Châu Đốc mà ngay cả người sành điệu như Cụ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu có lần đã phải khen (3):

“Thú ăn chơi cũng gọi rằng,
Mà xem chửa dễ ai bằng thế gian.
Hà tươi cửa bể Tu-ran,
Long Xuyên chén mắm, nghệ An chén cà.”
(Thú ăn chơi)

pic

Cá tra dầu thuộc hạ lưu sông Cửu Long (nguồn: National Geographic)

Tôi không biết “cà Nghệ An” thơm ngon như thế nào vì chưa có dịp được thưởng thức, nhưng chắc chắn mắm Long Xuyên với hương vị đậm đà quê hương và độc đáo lắm!

pic

Cá hô đất đen của sông nước Miền Tây. (nguồn: answers.com)

Thế là mời bạn đi theo con đường liên tỉnh số 9 về miền Châu Đốc để bạn có dịp nghiệm lại mấy vần ca dao mà người miền quê ở đây ai ai cũng hát dỗ em như nằm lòng:

“Đèn nào cao bằng đèn Châu Đốc,
Đất nào dốc bằng đất Nam Vang,
Nghe tiếng anh than hai hàng lệ nhỏ,
Có một mẹ già, biết bỏ ai nuôi ?!!!”

Trên con đường khoảng năm mươi cây số này bạn sẽ đi xuyên qua những cánh đồng đầy lúa là lúa. Khi bạn đến ngã ba lộ tẻ Mặc Cần Dưng, đường đi Tri Tôn, bạn có thể dừng lại nơi đây trong chốc lát để thưởng thức món bánh tét vùng này. Những hạt nếp mới mà mềm và thơm mùi lá dứa ngạt ngào, làm bạn nhớ mẹ ngày xưa cũng nấu cho mình những nồi bánh tét nhưn đậu, nhưn chuối vào những ngày giỗ chạp, tết nhất mà thương mẹ nhiều hơn vì đã quá vất vả với mình. Từ đây nếu bạn theo con đường rải đá xanh, bạn sẽ về Cần Đăng, Hang Tra, Trà Kiết, Cầu số 5, Tri Tôn. Ngày xưa, con đường này vắng ngắt, mỗi ngày chỉ có một chuyến xe đò hiệu Thành-Long ột ệt bò từ Tri Tôn xuống Long Xuyên rồi trưa trưa lại bò về hết sức mệt mỏi. Riết rồi, trẻ con trong vùng mỗi lần thấy chiếc xe đò bò ngang qua vạt lúa của mình mà nhớ câu hát huê tình cười đùa mang nhiều ý nghĩa:

“ Thành Long chạy tắt đường đồng,
Mấy cô chưa chồng lại muốn Thành Long.”

Theo con đường này, bạn nhìn về hướng tay trái, xa xa dưới kia có rặng cây băng ngang cánh đồng nối liền hai vùng Vĩnh Hanh, Hang Tra với Ba Bần là kinh xáng Bốn Tổng. Con kinh thẳng nên rặng cây xanh rì cũng thẳng như một nét mực Tàu vẽ lên nền trời trong vắt, mà hai ngọn núi Ba Thê, Núi Sập trong kia cũng khuất một phần chân bên kia rặng cây xanh. Ba bên bốn bề lúa là lúa. Bạn mà lọt vô vùng tứ giác này, có đủ các món nhậu để đãi bạn, từ chuột, rắn, rùa, cá lóc, lươn, tôm, chim muông đủ loại như một kho vô tận, nhất là vào những năm xa xưa còn làm lúa mùa chẳng thiếu món ngon vật lạ nào thuộc vùng đồng ruộng.

pic

Xe đò Tri Tôn-Long Xuyên, Tri Tôn-Châu Đốc những năm 1950 (Nguồn: TSCĐ)

Tiện đây nhắc một chút về địa danh Hang Tra mà có lẽ các bạn mới nghe lần đầu. Là vùng heo hút nơi thôn cùng này, nhưng Hang Tra lại có lần ghi tên mình vào sử sách qua trận đánh Pháp của Quản Cơ Trần Văn Thành vào ngày 20 tháng Hai, năm Quí Dậu (1873). Quản Cơ Trần Văn Thành, theo sử sách, quê ở ấp Bình Phú (Cồn Nhỏ), làng Bình Thuận Đông, tổng An Lương, quận Châu Phú Hạ, tỉnh Châu Đốc (4); nay là ấp Bình Phú, xã Bình Hòa (Mặc Cần Dưng), quận Châu Thành, tỉnh An Giang. Để nhớ công ông, tại làng Bình Hòa trên con đường bạn sẽ đi qua ngang cầu sắt Mặc Cần Dưng có ngôi trường trung học mang tên Quản Cơ Thành.

Ngoài ra vùng đất An Giang còn rất nhiều sĩ phu, hào kiệt nữa mà bài viết ngắn này không tiện ghi ra hết được. Nhưng có lẽ cụ Thoại Ngọc Hầu là một trong những tiền nhân có công nhất trong việc kinh bang tế thế và mở mang vùng An Giang này mà ai ai đã đọc sử sách cũng đều am tường. Những di tích mà Ngài đã để lại như kinh đào Long Xuyên- Rạch Giá, kinh Vĩnh Tế dọc biên giới Việt-Miên là những bằng chứng cụ thể.

Để trở lại con đường số 9 về Châu Đốc, bạn sẽ qua khỏi cua Mặc Cần Dưng đến Năng Gù, một xóm đạo lớn nhất  An Giang này. Và chính vị cố đạo Conte coi nhà thờ Năng Gù, vào năm 1891 đem một giống lúa ở Cao Miên về đây gieo giống thử. Nó sống và lên theo kịp nước lụt, nên người Pháp gọi là lúa nổi (riz flottant), còn người Việt mình gọi là lúa mùa, lúa sạ (5) vì giống lúa này chỉ cần cày bừa rồi chờ mùa mưa xuống là sạ, rồi chờ đến mùa lúa chín là cắt gặt và mỗi năm chỉ làm lúa một mùa duy nhất mà thôi (sạ vào tháng ba, tháng tư, cắt gặt tháng chạp, tháng giêng âm lịch).

Tại Năng Gù này, nếu bạn xuống đò đi ngang qua dòng An Giang bạn sẽ đến những ngôi làng trù phú trên các cồn cát  với rẫy đậu, bắp, thuốc lá cùng vườn cây ăn trái, ruộng lúa. Những cù lao trên dòng sông Cửu Long trong địa phận An Giang này thật sự là một thánh địa với ngôi làng Hòa Hảo, làng Hưng Nhơn, quận Chợ Mới, với xã Mỹ Hội Đông, Nhơn Mỹ, Long Kiến, Mỹ Luông, cù lao Ông Chưởng, cù lao Ông Hổ, cù lao Giêng với xóm đạo Công giáo và trại mồ côi khá lớn được tạo dựng từ lâu đời. Riêng Cù Lao Giêng, vào những ngày gần cuối năm 1967, chúng tôi có dịp theo phóng viên Việt Tấn Xã đến thăm trại cô nhi cùng xóm đạo này, nhờ vậy mới thấy vùng đất An Giang, đâu đâu tình thương yêu cũng tỏa ra như một vùng đất thánh. Ngay địa phận hai xã Hòa Hảo và xã Hưng Nhơn, trên Chợ Mới một đổi, sông Tiền Giang phía Tân Châu và sông Hậu Giang phía Châu Đốc ăn thông với nhau bằng con sông Vàm Nao có bề ngang rộng đến hơn hai cây số với lưu lượng nước rất mạnh và những dòng nước xoáy ngầm làm sụp lở bờ sông mỗi ngày mỗi lớn thênh thang. Nơi đây thường xảy ra những cảnh chìm ghe chết người vào những mùa dông, mưa, bão tố mà hồi còn nhỏ chúng tôi thường nghe ông bà xưa kể lại tại Vàm Nao này có ông Năm Chèo nuốt vào bụng nhiều mạng người mỗi lần ghe xuồng qua sông trên khúc sông sâu và rộng bao la với sóng to gió lớn vào mùa gió chướng. Sông Vàm Nao, theo tương truyền, vào thời cụ Thoại Ngọc Hầu đào kinh Rạch Giá-Long Xuyên và kinh Vĩnh Tế vào đời vua Gia Long, chỉ là một con rạch nhỏ nhưng rất nhiều cá sấu (6), nên việc qua lại vùng này vô cùng ghê rợn. Nhớ hồi còn nhỏ, mỗi lần trẻ con khóc mà dỗ hoài không nín, chỉ cần người lớn dọa:” Còn khóc, ông Năm Chèo nuốt vô bụng” là đứa bé nín liền.

(còn tiếp)