Dù bị Trung Quốc dùng sức mạnh tác hại nặng nê đến những người đánh cá Lý Sơn, họ vẫn ra khơi, vì không còn con đường nào khác để sinh sống.

Trung Quốc vẽ ra và áp dụng chính sách “đường lưỡi bò” xâm chiếm gần hết lãnh hải ở biển Đông, ngư dân Việt Nam phải trực tiếp chịu đựng tình trạng bị bắt bớ, đánh đập, cướp bóc, phá chìm tàu, cấm đoán ra khơi… ngày càng trở nên tệ hại.
Chúng tôi làm một chuyến đi thăm và tìm hiểu vùng đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, nơi có số ngư dân bị nạn nhiều nhất trên đất nước. Ở đây, 90% người dân làm nghề biển.
Năm vừa rồi, có hằng chục tàu thuyền của ngư dân tỉnh Quảng Ngãi bị phía Trung Quốc bắt giữ, tịch thu ngư cụ, hải sản, đối xử tàn tệ, và bắt phải trả tiền chuộc tàu và người. Người thân ngư dân phải nộp tiền chuộc từ 50 ngàn đến 70 ngàn Yuan (150-180 triệu đồng, khoảng 9 ngàn- đến 11 ngàn Mỹ kim) thì ngư dân mới được thả về.

Ngày 11 tháng 9- 2010, tàu QNg-66478TS do thuyền trưởng Mai Phụng Lưu cùng 9 ngư dân đang đánh bắt cá trên vùng biển Việt Nam thì bị phía Trung Quốc bắt giữ, phía Trung Quốc đòi nộp 70.000 nhân dân tệ (khoảng hơn 203 triệu đồng).
Đến ngày 11- tháng 10 – 2010, phía Trung Quốc chính thức thả tàu cùng 9 ngư dân sau 40 ngày giam giữ trở về Việt Nam mà không phải đóng tiền chuộc; tuy nhiên, trên đường trở về, tàu bị hỏng máy, không có những dụng cụ đi biển do đã bị tịch thu, và gặp sóng to, gió lớn nên trôi lênh đênh trên biển 5 ngày liền; có những lúc người nhà đã nghĩ rằng họ đã chết hay mất tích.
Mai Phụng Lưu là thế hệ đời thứ 15 của dòng họ Mai trên đảo Lý Sơn. 28 năm trước, anh làm thợ lặn thuê khai thác hải sâm ở Trường Sa. Sau những năm tháng đi Trường Sa, anh dành dụm, mua được tàu ra làm ăn riêng, và quyết định chuyển từ vùng biển Trường Sa sang đánh bắt ở Hoàng Sa.

Mai Phụng Lưu và những phuy nước ngọt bị chém bể
Người ta gọi anh là “Kình ngư”, là “Sói biển” vì tài đi biển và lòng can trường của anh; những người bạn cùng nghề nói về anh như thế này: “Đi biển thuộc từng hòn đảo, từng rặng san hô ngầm. Lái thuyền lượn quanh các đảo như người ta đi xe máy tránh ổ gà trên những đoạn đường quen gần nhà” và bây giờ thì lại gọi anh một cách cay đắng là “Sói biển bị xiết tàu”; riêng mình, tôi còn thấy đây là một ngư dân không có thuyền, một người bị tước đi phương tiện sinh sống, đang rơi vào tình trạng khánh kiệt và tuyệt vọng.
Sau nhiều lần mặt giáp mặt với cái chết và giam cầm, vậy mà anh vẫn khao khát quay trở lại vùng biển Hoàng Sa; anh không như những người bạn làm nghề khác quay về vùng biển Trường Sa, nơi xa hơn nhưng tạm thời ít nguy hiểm hơn, vì anh cho rằng Hoàng Sa là khu vực đánh cá của tổ tiên mình nên phải bám, phải giữ. “Nếu mình không ra đảo, không có mặt ở đó, xa lánh nơi đó, thì có khác gì chối bỏ gia sản của cha ông từ bao đời đã đổ xương máu ra để có được. Mình mà bỏ biển vùng đó, Trung Quốc cứ áp tới, có ngày nó đến tận Lý Sơn cũng không chừng”, anh nói vậy.

“Sói biển” phải bỏ biển về giúp vợ trồng hành
Chuyến đi đảo nào cũng có chừng 12 người, trong đó 4 cha con cùng đi với nhau, và có thêm 8 người bạn thuyền cũng là ngư phủ nghèo đồng cảnh ngộ. Lần bị bắt sau cùng, người con rể là anh Bùi Văn Hải (20 tuổi) bị bắt cùng anh Lưu khi sắp đến ngày cưới.
Đây là lần thứ tư mà Mai Phụng Lưu bị Trung Quốc bắt giam. Năm 2005, tàu của anh bị Trung Quốc bắt hai lần, mỗi lần bị phạt gần 140 triệu đồng, đóng số tiền phạt này xong là gia đình anh trắng tay. Tháng 4-2010, tàu của anh lại bị Trung Quốc bắt giam nửa tháng, thu toàn bộ phương tiện hành nghề. Sau đó, vừa mới vay mượn để sắm sửa lại máy móc, ngư cụ thì tháng 9-2010 lại bị bắt. Ba lần phải chuộc tàu, số tiền lên đến hơn 500 triệu. Hiện nay số tiền nợ đã lên đến trên 600 triệu đồng, đó là chưa kể những khoản nợ trước đó chưa trả được, nên con tàu của anh đã bị các chủ nợ xiết để cấn nợ. Trong nhà anh bây giờ chẳng còn tài sản gì giá trị để có thể bán để trả nợ, sổ đỏ đất của gia đình cũng cầm cố ngân hàng.
Gia đình anh Lưu có 6 người, 2 vợ chồng và 4 người con, 2 trai, 2 gái. Sau khi không còn tàu để đi biển, anh chỉ làm thuê loanh quanh gần bờ, không dám “đi bạn” với thuyền khác, vì: “Nhiều người nghĩ vận mình xui xẻo, người ta kỵ lắm. Mình leo lên thuyền họ, lỡ có chuyện gì mấy bà vợ các chủ thuyền lại trách cứ gia đình mình. Thôi thì có sao đành chịu vậy, mong sao vay mượn được tiền lấy lại chiếc tàu ra khơi”.

Cuộn dây lặn
Hiện nay hai người con trai đang theo thuyền làm thuê ở Trường Sa, cô con gái lớn lấy chồng, cô nhỏ, 16 tuổi, thì phải bỏ học vào Sài Gòn phụ bán hàng thuê. Chị Đợi làm miếng rẫy trồng hành tỏi.

Ngư dân giờ đây sống bằng nghề trồng hành
Anh bị nhiều trận đòn rất nặng, nhất là trận đòn trong lần bị bắt 11.9, chúng tra bằng roi điện, đến nay vùng lưng và nội tạng bên trong thường rất đau nhức, ho nhiều vì chấn thương phổi.
Chúng tôi tìm đến thăm thì Mai Phụng Lưu không có nhà, anh đang vào Quy Nhơn để xin vay vốn ngân hàng để tìm cách chuộc lại tàu hay mua một chiếc tàu cũ về tân trang lại để ra khơi. Một ngân hàng đồng ý cho anh vay 300 triệu với mức lãi 14%; với số tiền này thì gia đình anh còn thiếu chừng 200 triệu nữa để thực hiện được mơ ước.
Hiện nay chính phủ Việt Nam chưa có một hành động cụ thể và hữu hiệu nào để bảo vệ cho ngư dân trước sự hung hãn của kẻ cướp.

Chị Đợi bên gốc cây nhặt từ Hoàng Sa
Ngư dân tự hỏi một hôm nào đấy bừng mắt dậy sẽ thấy không còn biển và đảo, sẽ không còn phương cách làm ăn sinh sống mà cha ông nhiều đời truyền lại, thì sẽ làm sao? Đối với họ, nỗi đau da thịt vẫn có thể chịu đựng được, chứ không day dứt như nỗi nhớ nghề, nhớ đảo, nhớ biển, và đau đớn nhất là ý nghĩ bao nhiêu biển đảo có từ xương máu tổ tiên sẽ bị cướp đoạt mất, mất mãi mãi.
Tình cảnh những ngư dân như Mai Phụng Lưu là một báo động khủng khiếp: sự vẹn toàn lãnh hải và lãnh thổ của Việt Nam đang ở vào tình thế hiểm nguy.
Chúng tôi thiển nghĩ, muốn ngư dân bám trụ trên biển, và đảo, góp phần xác định chủ quyền của đất nước trên những vùng đảo Hoàng Sa và Trường Sa, thì tốt hơn hết là tạo điều kiện an toàn và ổn định trong đời sống để họ yên tâm ra khơi, vừa đánh bắt cá vừa trông chừng “kẻ lạ”. Với suy nghĩ đó, chúng tôi viết bài này với ao ước kêu gọi độc giả hảo tâm, nếu có thể xin hãy giúp gia đình anh Mai Phụng Lưu chuộc lại tàu, là phương tiện ra khơi kiếm sống, cũng có nghĩa là giúp một số ngư dân nghèo là bạn thuyền sẽ theo anh.