Menu Close

Ai xin ai?

“Thôi bà đừng nói nữa, tôi xin bà!”

“Tại sao ông phải xin, tôi có bắt ông quen con bé ấy đâu, mà ông xin với xỏ.”

Ông bà Hưng to tiếng với nhau suốt từ chập tối. Khu chung cư khá yên tĩnh, vì đa số là người Việt lớn tuổi, nên dù âm thanh có bị kìm hãm, tiếng cãi vã từ căn nhà số 69, tầng trệt, cũng vọng ra khá rõ,và tuy nghe tiếng được tiếng mất, mọi người dường như cũng đoán được câu chuyện.

alt

Ông Hưng nghe nói là nhân viên của một hãng giấy nào đó sắp về hưu, còn vợ ông, hồi trước không biết làm gì, nhưng từ ngày dọn về khu chung cư này, thì bà ở nhà. Sáng sáng bà ra xới đất cho giậu khổ qua, giàn đậu đũa, hoặc tưới nước những chậu cây kiểng trước nhà. Ai đi qua nhà ông bà cũng phải trầm trồ giàn đậu đũa xanh ngắt, với những đôi đậu thuôn dài, buông thõng đều đặn, và giậu khổ qua vàng rực những hoa. Đến mùa khổ qua có trái thì ôi thôi, nhìn mà thèm, những trái khổ qua ngăn ngắn, no tròn, treo san sát bên nhau, kín cả hàng rào. Nếu có đồng hương hàng xóm nào đứng lại hỏi thăm, bà chỉ cười e lệ, trả lời cho phải phép, rồi rút vào nhà. Ông bà Hưng dọn đến đây cũng hai ba năm, nhưng dường như ông bà chưa đến thăm ai, và hình như hàng xóm cũng chưa có ai đến thăm họ.

Thỉnh thoảng cuối tuần, có hai cặp vợ chồng trẻ và mấy đứa bé thay phiên nhau đến chơi. Theo lời bà Nhân, người ở sát cạnh nhà ông bà Hưng, thì đó là hai con gái, hai con rể và các cháu ngoại của ông bà ấy. Những lúc như thế, hàng xóm được nghe tiếng cười, tiếng chạy nhảy nô đùa của trẻ con, tiếng nói vui vẻ hiếm hoi của ông Hưng, vọng ra từ căn nhà có giàn đậu đũa hấp dẫn che hẳn một mé nhà. Đặc biệt mùi thịt nướng, mùi phở, mùi bún bò, hoặc những hương vị quê hương khác, tỏa ra cũng từ ngôi nhà ấy, trong những dịp gia đình sum họp, khiến mọi người vừa hít hà, vừa một cách chính thức, theo dõi sinh hoạt đều đặn của gia đình ông bà Hưng.

Nhưng từ hơn một tuần nay, cứ tối tối khoảng bữa cơm chiều, người ta lại nghe tiếng chì chiết, ậm ự từ nhà ông bà Hưng, lúc thì: “Ông im đi, già hai thứ tóc rồi, có dâu có rể hết rồi, đừng để chúng nó khinh”. Lúc thì: “Con bé ấy đáng tuổi con ông, ông biết không, ông sỉ nhục tôi vừa vừa chứ!” Hoặc là: “Ông bênh nó à, nó mà vuốt cho một cái thì bao nhiêu cũng đưa, tiền cho vợ con thì khó, chứ cho nó thì dễ!” Nếu ai cố tình theo dõi, thì chỉ nghe thêm được tiếng ông Hưng trầm trầm với một điệp khúc: “Thôi bà đừng nói nữa, tôi xin bà!”

Trời nhá nhem tối, nhưng vẫn còn oi bức, bà Nhân vì ở một mình, nên cơm nước có phần giản dị, ăn xong, bà bắc ghế ra ngoài sân ngồi hóng gió, nhìn thấy ông Tự ở nhà đối diện đang nhổ cỏ, bà Nhân bắt chuyện:

– Tối rồi mà ông vẫn còn làm việc ư?

Ông Tự ngừng tay, đứng lên tươi cười nhìn bà Nhân:

– Vâng, có mấy cái cỏ trâu phải nhổ cho hết bà ạ, nó lan nhanh lắm!

– Ông bà Hưng có chuyện gì mà cãi nhau suốt!

– Tôi nghĩ chẳng có gì đâu, vợ chồng gấu ó nhau là chuyện thường ngày ở huyện, bà nhà tôi lúc còn sống, bà ấy cằn nhằn tôi đúng 24 tiếng, chẳng tha tiếng nào!

– Gấu ó là khác, đằng này…

– Đã là chuyện vợ chồng gấu ó thì còn chuyện gì ngoài cái ghen bóng ghen gió của các bà, các bà chỉ tưởng tượng, cho chồng của các bà có giá, chứ chúng tôi như thế này rồi thì có ma nó thèm!

– Ông cứ nói thế, ma không thèm nhưng gái nó thèm!

Ông Tự cười:

– Đấy, bà lại mớm lời rồi đấy nhá, chúng tôi đã biết thân biết phận, chỉ nhìn xuống, mà các bà cứ bắt phải nhìn lên, gái nào mà thèm chúng tôi bà ơi, các cô ấy có lớp trai tráng cùng thời với họ. Mình cũng đã có thời của mình, lởn vởn có ngày chết đấy bà ạ.

Bỗng có tiếng chén bát vỡ loảng xoảng bên nhà ông bà Hưng. Ông Tự  giơ tay chào bà Nhân, rồi đi thẳng vào nhà đóng cửa. Bà Nhân nghĩ ngay đến hồi kết của câu chuyện: ném bát, ném ly, ném tách là dấu hiệu của giọt nước tràn ly, nhịn không được nữa rồi. Tuy không nói với ai, vả lại chuyện nhà người ta, chứ nào phải chuyện của bà, thế nhưng bà Nhân ngấm ngầm đứng về phía bà Hưng, bà nghĩ: Cơm nước, chợ búa, nhà cửa, giặt giũ, vườn tược các thứ, chỉ có một tay bà Hưng lo. Còn ông Hưng, sáng vác xe đi, tối vác xe về, cơm bưng nước rót, đấy là chưa kể cái khoản… cơm no bò cưỡi nữa. Bà Nhân cũng để ý đến chiếc xe mới cáu cạnh của ông Hưng, đây cũng là một bằng chứng… se sua của những ông già mê gái tơ, bà nghĩ tiếp: “Còn nghi ngờ gì nữa, chở con đấy, thì nó đòi xe mới, chứ đời nào nó chịu đi xe cũ.” Bà cố nhướng mắt nhìn qua giàn đậu đũa, phòng khách nhà bà Hưng tối om, ánh sáng nhà bếp vàng vọt hắt ra cửa sổ treo màn lửng, nhưng dày, nên bà Nhân không nhìn thấy gì.

Chợt có tiếng đàn bà khóc thút thít: “Ông không còn xem tôi ra gì nữa rồi, ông định rước nó về nhà này à, thôi được rồi tôi sẽ đi, để ông được tự do, ông muốn làm gì thì làm.” Bà Nhân thở dài, chờ đợi tiếng mở cửa bên nhà bà Hưng, bà định bụng, phải bằng mọi cách không thể để bà Hưng ra đi được, đi là thua, là mất tất cả, biết đâu lại trúng kế của ông ta.

Nhưng tiếng khóc nhỏ dần, không có ai ra khỏi nhà bà Hưng, đèn đóm tắt ngúm, ngôi nhà tối om và chìm trong yên tĩnh. Truyền hình show ca nhạc nhà ai mở hơi lớn, tiếng hát của ca sĩ Thanh Tuyền nghe rõ mồn một trong đêm. Bà Nhân nghe ngóng thêm một lúc nữa, không thấy động tĩnh gì, bà ngồi xuống ghế và nghĩ: “Cái thời gì mà đảo điên, chẳng còn đạo đức gia phong, các cụ ngày xưa có năm thê bảy thiếp, nhưng cũng tìm lấy người sánh tuổi bằng vai, chứ có đem gái non về chung chạ bao giờ”.  Bỗng chốc, quãng đời của bà hơn nửa thế kỷ trước trở về thật rõ…

oOo

Năm ấy mới 17 tuổi, bà về làm vợ ông Phán Thơm ở Thái Bình. Lấy nhau được ba năm, ông bà đã có hai con gái. Ông Phán làm việc ở Hà Nội, một hai tuần lại về thăm mẹ và vợ con. Một hôm, sau bữa cơm tối, bà dọn dẹp bát đĩa và định đi tắm rồi ru con bé con ngủ, thì bà Thám, mẹ chồng của bà, cho gọi vợ chồng bà lên nhà trên để dạy việc. Từ ngày bà về làm dâu cho đến nay, thỉnh thoảng bà Thám hay gọi con cái lên dậy bảo như thế, lúc thì bàn chuyện đặt tên cho đứa cháu nội sắp sinh, khi thì khuyên bà nên đi theo ông Phán lên Hà Nội. Lần này bà nghĩ có lẽ lại chuyện đi, chuyện ở, vì sáng mai, chồng bà sẽ trở lên Hà Nội làm việc.

Bà Thám ngồi trên chiếc sập gụ với cơi trầu, bà quệt vôi vào lá trầu, thong thả cuộn lại bỏ vào miệng, thêm miếng cau, cuối cùng bà vén môi trên, đặt vê thuốc lào hờ hững bên hàm răng. Bà đưa mắt nhìn ra khoảng sân phía trước lấp loáng ánh trăng, nhẩn nha hỏi:

– Anh chị lấy nhau được bao lâu rồi nhỉ?

– Bẩm bu đã ba năm,” Ông Phán trả lời.

– Ba năm rồi mà tôi vẫn chưa có cháu nội.

– Bẩm bu, con cũng cố lắm, nhưng có lẽ tại nhà con…

– Tôi cũng nghĩ như anh, giá như anh là trai thứ thì tôi cũng chẳng ngại gì, nhưng anh là trưởng nam, gia tộc cần cháu đích tôn, tôi thì gần đất xa trời, biết còn sống bao lăm để chờ thấy mặt thằng cháu nội.

– Bẩm bu, việc này con cũng đã nghĩ đến khi nhà con sinh cháu thứ hai. Con định đưa nhà con lên bệnh viện ở Hà Nội để khám xem sao?

– Khám khiếc thì cũng chẳng ai đảo ngược được ý giời, hôm nay tôi cho gọi anh chị lên đây để bàn việc tôi bằng lòng cho anh Phán cưới vợ lẽ. Anh dẫn cô Soan về đây, tôi xem thế nào, chỉ ngại cô ấy là dân thành thị, liệu có chịu làm dâu bà nhà quê này không?

Lúc ấy bà Nhân mới giật mình, nghe đối đáp giữa chồng và mẹ chồng, bà hiểu họ cần con trai, bà nghĩ đến những món ăn mà ngày xưa ông bà hay nói là ăn mặn thì đẻ con trai, ăn ngọt thì đẻ con gái.  Nhưng khi nghe bà Thám nói đến người đàn bà khác sẽ xen vào gia đình nhỏ bé của bà, bà đứng không vững, mồ hôi rịn ra ở chân tóc và tươm ra hai bàn tay, bà hoa mắt muốn ngã, bà khom người vịn vào mé sập, ông Phán đưa tay đỡ vợ, bà Thám thấy thế, bèn nói:

– Chị đừng lấy thế làm buồn, chị vẫn là dâu Cả của cái nhà này, chị ở với anh ấy ba năm rồi, mà không có nếp có tẻ, tôi buộc lòng phải cưới thiếp cho anh ấy, anh Phán liệu mà thu xếp cho ổn thoả.

Nói xong, bà kéo cái gối ở góc sập, ghé vai nằm xuống, nhưng không quên dặn bà Nhân:

– Tuần sau cô ấy về, chị dọn cái phòng của anh chị cho anh Phán với cô ấy, ba mẹ con chị dọn tạm sang bên chái nhà, cạnh bàn thờ, rồi bu sẽ sắp xếp sau.

Bà Nhân nhớ bà đã khóc suốt đêm hôm ấy, mặc ông Phán dỗ dành, xin lỗi. Tương lai của mẹ con bà tối như đêm 30. Bà không ngờ cuộc đời bà lại kết thúc đắng cay như vậy. Vài ngày sau, bà xin bà Thám đem hai con về bên ngoại, nhưng bà Thám đã ngọt nhạt rằng: “Ông Thám nhà tôi và hai Cụ bên nhà đã có lời giao ước nhận dâu nhận rể, nay Ông Thám nhà tôi đã quy tiên, chả nhẽ chị cũng bỏ đi?”

Thật sự bà Nhân chỉ muốn tránh mặt cô vợ lẽ của chồng. Bà không biết mình sẽ thế nào khi ông Phán dắt người đàn bà ấy về.
Nhưng rồi bà vẫn ở lại nhà chồng  cam chịu số phận hẩm hiu. Ông Phán dắt cô Soan về nhà, và cả người chị của cô ấy, gọi là đi theo đỡ đần em.

Thời gian đầu, chứng kiến cảnh ông Phán âu yếm cô Soan, bà chỉ muốn chết đi cho rảnh nợ, lại còn phải hầu hạ cơm nước cả nhà vì là dâu Cả, nên đêm nào bà cũng tủi thân khóc sưng cả mắt.

Chẳng bao lâu, bà Thám báo tin cô Soan cấn thai, cũng là lúc cô Soan bắt đầu ghen… ngược. Cô cứ trừng mắt nghiến răng trèo trẹo như muốn ăn tươi nuốt sống bà Nhân, vì lý do sâu kín là từ hôm cô có thai, bà Thám buộc ông Phán phải ngủ riêng, nên ông lại tìm đến vợ; và cũng vì những món ăn vừa miệng bà Thám và ông Phán như nồi cá trê kho với nghệ vàng ngậy, hay nồi canh tôm bầu ngọt lịm, thì lại làm cô buồn nôn, cô chán cơm tanh cá, cô cần ăn thịt gà rán, hay thịt bò hầm như lời bác sĩ  ở Hà Nội dặn để có con trai, nhưng nhà bà Thám Hoa quanh năm suốt tháng chỉ có tôm cá bắt ở ao nhà, khi nào có khách mới bắt gà bắt vịt.

Bà Thám nhìn cô Soan, bĩu môi:

– Chị nom có cái gì ăn được thì ăn, gia đình này quê mùa, kiệm cơm kiệm con, nhưng cũng không chứa cái ngữ đỏng đảnh.

Bà Nhân cũng không thể quên một buổi sáng, khi ông Phán vừa ở phòng của bà bước ra, cô Soan trờ tới, vừa hét vừa kéo ông về phòng: “Giời ơi, ông lừa tôi, cho tôi bụng mang dạ chửa, rồi ông lại đi với nó. Ông giết mẹ con tôi đi.” Rồi cô ôm bụng bù lu bù loa:
“Con ơi, sao con vô phúc thế hở con, người ta chỉ cần cháu đích tôn, chứ người ta có coi mẹ ra gì, giời ơi là giời!”

Bà Thám ngồi trên sập, cầm khơi trầu quăng ra sân, gọi ông Phán:

– Anh Phán đâu, anh đem nó đi cho khuất mắt tôi.

Thế là từ đấy, ông Phán đem cô Soan lên Hà Nội với ông, thỉnh thoảng mới về quê. Mẹ con bà Nhân dọn trở lại căn phòng cũ, bà ít gặp chồng, bà héo hon dần, chiếc giường đôi ngày cưới năm xưa bỗng thênh thang, đơn chiếc. Đôi khi bà nghĩ vụng: “Thà họ ở lại đây, có chướng tai gai mắt, nhưng vẫn còn được nhìn thấy chồng.”

Rồi một buổi chiều mùa đông, mưa tầm tã, ông Phán về quê một mình. Ông bước xuống xe, che chiếc ô đen, chạy vào bậc thềm nhà, nhưng cũng bị ướt. Thấy chồng về, bà Nhân mừng rỡ, đưa vội cho ông tấm khăn vuông quàng đầu của bà để ông lau mặt, ngay giây phút ấy, ông nhìn bà nói nhỏ: “Cô Soan đẻ con gái rồi.” Một nỗi vui sướng vô biên chợt nở bùng trong tim bà, nước mắt tuôn ra, bà lắp bắp hỏi chồng: “Thế mình cho bu biết chưa?”, “Sẽ”

Bà Thám ngồi têm trầu trên sập gụ, thấy con trai về, lại thấy cô dâu Cả lăng xăng, phấn chấn, thì ngỡ rằng mình có cháu trai, bà nhìn ông Phán chúm chím:

– Sao, bao giờ tôi được gặp cháu tôi đây? Cô ấy khoẻ hử? Nói trộm vía thằng bé, nó nặng bao nhiêu ký?

– Vâng, cháu cũng khá.

– Ngày mai, anh cho bu lên thăm cô ấy, nó là cháu đích tôn, nên tôi phải cẩn thận xin tổ tiên che chở cho nó.

– Bẩm bu… cô ấy đẻ con gái bu ạ.

Năm sau, cô Soan đẻ thêm một con gái nữa, cũng là lúc hiệp định Geneve được ký kết, cả triệu người miền Bắc bỏ chạy vào Nam. Ông Phán đưa cô Soan và hai con vào Nam, để mẹ con bà ở lại ngoài Bắc. Nhưng vài tháng sau đó, mẹ con bà được gia đình người em giúp trốn ra Hải Phòng và xuống tàu vào Nam.

Sau này, biết cô Soan sinh đến sáu cô con gái, nhưng bà không thể có được cảm giác nhẹ nhàng, khoan khoái như khi nghe tin cô ấy sinh con gái đầu lòng. Ông Phán có tìm đến bà, mong nối lại tình chồng vợ, nhưng bà đã khước từ dù bà còn yêu ông nhiều lắm, bà biết bà không thể giữ ông Phán cho riêng bà.

oOo

Chuyện đã xưa, nhưng mỗi lần nhớ lại, tim bà vẫn nhói đau, và bà nhạy cảm với những phụ nữ bị chồng ruồng bỏ như bà Hưng, nghĩ mà thương, già từng ấy tuổi mà còn khổ vì chồng! Trời đã khuya, bà Nhân bước vào nhà, quá khứ của bà và hiện tại của bà Hưng cũng rủ nhau theo bà bén gót.

PDH