Menu Close

Ầu ơ ví dầu

Chỉ cần đi xa khỏi nơi mình đang sống mấy ngày là đã thấy nhớ, huống chi xa nơi mình chào đời, nơi chôn nhau cắt rún, nơi mà cả gia đình họ hàng bà con thân thuộc, chòm xóm đã mấy đời sống bên nhau, trên miếng đất hương hỏa miền Nam. Nhớ muốn thắt ruột là chuyện thường tình. Mà đâu phải chỉ bỏ quê lên tỉnh làm ăn, lâu lâu có dịp xẹt về, thì coi như xa quê, nhưng vẫn còn ở trong xứ mình. Đàng này đi xa mút mùa lệ thủy, tới cái xứ không nói tiếng mình, người họ không giống người mình, cái xứ không biết làn hơi cải lương là gì, thì thiệt tình cái nhớ nó dữ dội lắm, nó quay quắt lắm.

alt

Ở đây, đều đều mỗi sáng đi làm, lái xe chạy qua những công thự nhà cửa sang trọng, công viên thảm cỏ xanh rì còn ướt hơi sương, không khí thơm mát, đầu óc tính toán đủ mọi công chuyện trong ngày. Có khi nghe điện thoại, tiếng Mỹ xí xa xí xô bên tai; rồi cũng trả lời, cũng ào ào tiếng Mỹ. Riết rồi đầu óc làm như đặc nghẹt, khỏi nghĩ được chuyện gì khác. Nhiều khi tưởng hổng còn nhớ tiếng mình, hổng còn nghĩ được theo cách người mình. Vậy mà hễ bất chợt nhớ tới cái xóm, con hẻm, tiếng rao chè đậu xanh, đậu đỏ bánh lọt nước dừa hôn của cô Ba xóm dưới, tiếng ca vọng cổ mùi tận mạng của Út Trà Ôn xen giữa tiếng ồn ào náo nhiệt của bến xe lục tỉnh…  thì ôi thôi, làm như có phép thần thông vậy, trong chớp mắt, mình như đang đứng chàng ràng ở đầu hẻm vậy.

Cũng ở đây, cuối tuần đi chợ Việt Nam, thiệt tình vui hết biết, khung cảnh nhộn nhịp, toàn người mình. Tân nhạc, vọng cổ mùi phát ra từ mấy gian hàng bán dĩa nhạc, lại khiến mình nhớ cái xóm nhỏ trước năm 75. Mấy dãy nhà xít rịt nhau, đứng sân nhà này, nhìn thấu bếp nhà đối diện, con hẻm chỉ vừa cho chiếc xích lô cà rịch cà tàng uể oải đi về giữa khuya. Rồi những buổi trưa hay những buổi chiều cuối tuần, cái giọng ngọt lịm của Ngọc Giàu, Phượng Liên, hay Thành Được, Thanh Nga xuống mấy câu vọng cổ cải lương từ cái radô của ông Hai đầu hẻm, thì cả xóm xốn xang như gà mắc đẻ. Bà con bắc ghế ra đường làm nghẽn con hẻm, để nghe các tuồng cải lương nổi tiếng như  Tuyệt Tình Ca, Tấm Lòng Của Biển, Đời Cô Lựu…

Khi nào có đoàn cải lương về diễn, cả xóm rộn ràng như có hội, người lớn con nít lo ăn uống cơm nước sớm sủa, bắc ghế ngồi trước sân khấu chờ đợi. Đào kép đi ngang được bà con vỗ tay chào mừng ngưỡng mộ. Hễ ai được mấy cô đào, mấy anh kép liếc mắt đưa tình, thì kể như bữa đó vui như trúng số. Đó là ở miệt vườn, còn ở trên Sài Gòn hồi đó thì sao? Đi coi cải lương là thú vui tao nhã, không thể thiếu của người dân miền Nam. Đêm về, ở các rạp hát mà các đoàn cải lương đóng đô, thì  tưng bừng lắm, đèn màu sáng trưng, khách mê cải lương quần áo thanh lịch đứng chật đường chờ mua vé vô rạp. Hồi đó, có nhiều gánh hát cải lương, nhưng nổi tiếng và được ái mộ nhiều nhứt là hai gánh hát Thanh Minh Thanh Nga và Dạ Lý Hương. Hai đoàn cải lương này chiêu mộ những nghệ sĩ tên tuổi như Thanh Nga, Thành Được, Bạch Tuyết, Ngọc Giàu, Phượng Liên, Út Bạch Lan, Út Trà Ôn, Việt Hùng v.v… Hai đoàn tranh nhau quảng cáo những tuồng cải lương, mà chỉ cần đọc cái tựa là hồi hộp muốn chết giấc. Nên chi vé bán hết cái rẹt.

Người mình sống tình cảm như vậy biểu sao không nhớ, không thương? Có người nói đi tới mấy nước Á châu như Thái Lan, Indo, Phi, cũng có ruộng vườn, lối xóm y chang như miền quê mình, nên cũng đỡ nhớ, nhưng không thể là Việt Nam, vì thiếu tiếng ca cải lương mùi của người dân Lục tỉnh. Thiệt vậy, những câu ru: “Ầu ơ ví dầu cầu ván đóng đinh, cầu tre lắt lẻo gập ghình khó đi…”, những câu hò: “Mẹ già như chuối ba hương như cơm nếp mật như đường mía lau…” đã ủ mềm tâm hồn người miền Nam. Những cuộc đời cơ cực, những mối tình trái ngang, đời sống thành thị xa hoa nhiều cám dỗ lọc lừa, lòng người nhiều đổi thay, những hy sinh thầm lặng… đã được đưa lên sân khấu cải lương. Có lẽ vì vậy mà người miền Nam sống có hậu, có nhân, có nghĩa. Cuộc đời và sân khấu là hai cái bóng quấn quýt không rời.

Người mình hay nói chúng ta đi mang theo quê hương, mình mang theo hình ảnh quê nhà, mang theo phong tục cá tính người mình, mang theo bản cải lương, bài vọng cổ… nhưng không phải để lâu lâu ca cho đỡ nhớ, mà còn phải tìm hiểu để giữ gìn và truyền lại cho lớp trẻ nữa. Ở hải ngoại các trung tâm âm nhạc nổi tiếng như Thúy Nga Paris, Asia, Vân Sơn, trong chương trình, thể nào cũng phải có một màn vọng cổ cho bà con đỡ ghiền. Mà cũng ngộ, cái màn vọng cổ đi chung với các màn tân nhạc ca múa rất tây phương khác, tưởng khó coi, nhưng thiệt ra nó thấm gì đâu, như ăn miếng xoài tượng chấm nước mắm đường vậy.

Tìm về nguồn gốc của cải lương, người viết có cơ hội tiếp chuyện với nhạc sĩ Tám Tuồng, ở cùng thành phố. Nhạc sĩ Tám Tuồng cho biết vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, môn nhạc đờn ca tài tử ra đời gồm vài ba người, ngồi trên bộ ván gõ đờn chơi tại nhà với những giọng ca mượt mà trữ tình và họ có thể đàn hát suốt ngày.

Sau đó, khoảng năm 1910, những trích đoạn hay và sống động của đờn ca tài tử với đầy đủ hình thức của ca vũ nhạc và các tình tiết vui buồn, được chọn lọc để đưa lên sân khấu, từ đó được gọi là cải lương.

Cũng nhắc lại, sau năm 1885, phong trào Cần vương do vua Hàm Nghi khởi xướng bị thất bại, một số sĩ phu đã rời kinh thành Huế vào Nam lập nghiệp và làm nghề dạy đờn, nhạc cổ miền Trung từ đó đã có mặt trong cải lương miền Nam như  Khúc Lưu Thủy Đoản hay Kim Tiền. Miền Nam thời đó có hai khuynh hướng: nhạc miền Tây và miền Đông. Hai miền tranh nhau thi thố tài năng làm giàu cho nền cổ nhạc. Miền Tây khi tiếp nhận nhạc miền Trung thì để nguyên như vậy, và sáng tác thêm cho bộ môn cổ nhạc, còn miền Đông chủ trương cải biên nhạc miền Trung sao cho hợp tình, hợp thời, hợp cảnh với phong tục của người miền Nam, vì thế nhóm chơi đàn của miền Đông được người dân ủng hộ nhiều hơn.

Bộ môn cổ nhạc miền Nam nói chung và cải lương nói riêng rất giàu có, nó diễn tả những tình cảm của con người, khi bi ai, khi hùng tráng. Đi sâu vào lãnh vực ca cải lương, cũng theo nhạc sĩ Tám Tuồng, làn hơi của nhạc sĩ bộ môn cải lương có 4 nhóm khác nhau, gọi là Bắc, Hạ, Nam và Oán.

Giọng Bắc là giọng làm sôi nổi sân khấu, dùng cho kép độc, kép hùng như nghệ sĩ Hoàng Giang trong vở tuồng Tuyệt Tình Ca. Có tất cả năm bài Bắc, cộng với bản Tây Thi gọi là 6 Bắc.  Giọng Hạ, bắt chước hát theo những bài hát của đờn Cò bên nhạc Lễ gồm có bảy Cò. Giọng Nam thì có ba bài Nam như bài Nam Ai. Còn giọng Oán thì bi ai thống thiết lắm. Có 4 bài, làn hơi ca mùi ai oán trong bản vọng cổ Tình Cô Bán Chiếu của Út Trà Ôn là một ví dụ.

Một điều khác là trong các bản đàn cổ nhạc, ít có bản nào có phần dành cho thính giả vỗ tay, nhưng riêng bản vọng cổ thì rất đặc biệt, nghệ sĩ cổ nhạc nào cũng ráng đưa làn hơi của mình vào câu vô đầu của vọng cổ và khi dứt câu, thì có tiếng đàn đi xuống theo chữ cuối đủ để khán giả vỗ tay và người nghệ sĩ sẽ ngừng hai ba nhịp, sau đó tiếp tục ca. Giây phút vỗ tay của khán giả lúc đó gói ghém nhiều tình cảm vừa dành cho người nghệ sĩ, vừa dành cho nhân vật trong vở tuồng.

Những điệu hát dân ca đặc biệt của miền Nam đều được sử dụng trong cải lương, khiến âm điệu của cải lương ngày càng phong phú. Nhạc cụ chính dùng cho cải lương là đờn Guitar và đờn Kìm. Đờn Guitar, đờn Violin, đờn Hạ uy di trước đây không có trên sân khấu cải lương. Hồi đó, có cây đờn Tranh 16 dây, đờn Kìm hai dây để gẩy và đờn Cò 2 dây để kéo. Đờn Gáo cũng giống như đờn Cò, nhưng làm bằng cái gáo dừa, đờn Tỳ Bà, đờn Tam 3 dây (thường chỉ được sử dụng trong đại hòa tấu cổ nhạc), đờn Đoản giống đờn Kìm nhưng cái cần rất ngắn, rồi Tiêu, Sáo và Độc Huyền, cây Độc Huyền trong cổ nhạc rất mùi và độc đáo nhất trên thế giới và chỉ ở Việt Nam mới có mà thôi.

Sau này với ưu điểm của cây đờn Guitar, người ta đã dùng làm cây đờn chính cho sân khấu cải lương, nhưng trong những bản đờn ca tài tử, chơi bản nào phải cho hết bản đó, thì phải có tiếng đờn Tranh, đờn Cò, đờn Kìm  tiếng Tiêu tiếng Sáo, để cho đúng âm điệu cổ nhạc rỉ rả suốt đêm, thì Guitar đã không được dùng để thay thế. Trên sân khấu, tiếng đờn Guitar đã làm ấm sân khấu, làm đầy sân khấu, nhưng không thể thay thế bất kỳ dụng cụ âm nhạc cổ truyền nào.

Theo thời gian, cải lương biến đổi không ngừng để trở thành một bộ môn sân khấu nghệ thuật được mọi người yêu thích. Sau năm 75, ở trong nước, bộ môn cải lương vẫn bền bỉ và vẫn ráng sống theo tâm tình của người dân miền Nam, nhưng những vở tuồng xã hội trước đó, không còn được trình diễn. Những nghệ sĩ cũ một số ra hải ngoại, một số bị cấm hát, một số phải hát theo lệnh, nên cải lương như người mất hồn đi lang thang vậy. Tiếng ca lanh lảnh trên sân khấu mà hồn thì chơi vơi phương nào? Ở hải ngoại, các nghệ sĩ trẻ đã viết và hát rất thành công các bản cải lương như Mạnh Quỳnh, Phi Nhung, Như Quỳnh… Họ cũng lập thành nhóm để trình diễn lại những vở tuồng nổi tiếng cũ với sự cộng tác của các nghệ sĩ đã thành danh từ trước năm 75 như Chí Tâm, Hương Lan, Phượng Mai, Phượng Liên, Văn Chung… và được khán thính giả dành cho nhiều cảm tình nồng hậu, như vở tuồng Nửa Đời Hương Phấn chẳng hạn.

Tuy tại hải ngoại chưa có những đêm hát cải lương quy mô trên sân khấu lớn như hồi trước 75 ở Sàigòn, nhưng những vở tuồng cải lương cũ được ấn bản lại trong dĩa DVD tại hải ngoại đã nhanh chóng tìm được chỗ đứng thân thương trong lòng người dân miền Nam.

Có những lúc quây quần với gia đình coi cải lương qua dĩa DVD, mà hồn như lạc về cái xóm nhỏ, nơi có cái radô của ông Hai, có bà con chòm xóm ngồi trước cửa nhà, vừa coi chừng tụi nhỏ chạy nhông nhông, vừa hỉ mũi khóc thương số phận ba chìm bảy nổi của cuộc đời cô Lựu. Hổng biết sao càng về già, tiếng ca cải lương càng làm mình thắt thỏm nhớ về xóm cũ. Thiệt tình!

PDH