Menu Close

Chuyến xe kỷ niệm

Chuyến xe lửa trên tuyến đường Central-Ipswich đến ga đúng y như giờ của 10 năm về trước, chẳng có gì thay đổi, người bán vé xe lửa vẫn miệt mài chăm chỉ, ông ta nom già hơn, tóc bạc nhiều hơn, và đôi mắt sụp xuống, cơ hồ chẳng cần nhìn khách, chỉ cần nghe tiếng nói, tiếng hỏi mua vé, thế là đủ, đó là nghề và cũng là cuộc đời của ông ta.

alt

Tôi là người cuối cùng bước lên và xe bắt đầu chuyển bánh. Xe lửa của Brisbane – thành phố ven biển của Bắc Úc – lúc nào cũng như mới, có gắn máy điều hoà không khí, với các khung cửa kính bóng loáng và màu nệm của ghế ngồi – màu sắc đặc biệt của Úc, màu xanh lá cây, màu vàng và màu nâu đỏ của đất – lúc nào cũng sạch và sáng. Không bù cho Sydney – thành phố văn hóa và thương mại của Úc – xe lửa hai tầng cũ kỹ, như những con trăn già nua, xám xịt, suốt ngày xình xịch trườn quanh các building cao nghều nghệu, làm tăng thêm phần hỗn độn cho Sydney, vốn đã là thành phố đông đúc, chật chội. Nói đến cái cũ kỹ của xe lửa ở Sydney, tôi lại nhớ chiếc xe lửa cổ xưa, ma quái, huyền bí của Đức. Trên một chuyến xe lửa từ Đức về Pháp vài năm trước, tôi đã có cảm giác khó thở và tim đập liên hồi. Tôi nghĩ chiếc xe này tồn tại từ thời Đức Quốc Xã, cũng ghế gỗ đen đủi, và một ngăn dài phía trên cho khách để hành lý. Chỗ tôi ngồi, biết đâu cũng là nơi một người Do Thái xấu số nào đó đã ngồi và đã chết oan ức trong trại tập trung. Khi xe lửa đến ga Metz của Pháp, tôi mới bình yên trở lại.

Chiếc xe lửa sạch sẽ mới mẻ của Bris vẫn bon bon trên đường sắt. Nhà cửa, cảnh vật hai bên lùi nhanh về phía sau, xe lửa chạy qua vùng Taringa, như một phản xạ, tôi ngoái cổ nhìn lại căn nhà trên ngọn đồi gần ga. Căn nhà chẳng có gì đặc biệt, cũng chẳng có một liên hệ gì với tôi, chỉ tại nó nằm trơ trọi trên đồi, cánh cổng gỗ xiêu xiêu không bao giờ đóng, đã cho nó một vẻ hoang tàn, bất cần… khiến tôi tò mò, muốn nhìn, mỗi lần có dịp đi xe lửa trên tuyến đường này.

Cũng phải mấy năm rồi, cái thế xiêu vẹo của cánh cổng không thay đổi, vẫn ngả dựa vào thân cây Phượng Vĩ, không biết có người sống trong căn nhà không, mà rặng sung thằn lằn ngang nhiên bò che kín cả 2/3 cửa sổ mặt tiền.

Xe dừng ở trạm Indooroopilly, nhằm giờ tan học, học sinh túa ra chen lấn nhau, leo lên xe ồn ào như đàn chim vỡ tổ. Học sinh các trường được phân biệt bởi những bộ đồng phục khác màu, khác kiểu. Đây là điểm khác biệt giữa học sinh trung học ở Úc và ở Mỹ.

Học sinh các trường tư thục thường có bộ đồng phục đẹp và kiểu cách hơn các trường công lập. Nhờ bộ đồng phục mà học sinh không thể trốn học để dạo phố trong giờ học. Đã có vài trường Việt ngữ cuối tuần của cộng đồng Việt Nam tại một vài tiểu bang ở Úc, chọn đồng phục cho học sinh của mình. Tôi thích hình thức này, nó nhắc tôi thời hoa niên ở trung học Phan Chu Trinh Đà Nẵng, áo dài xanh da trời mỗi sáng Thứ Hai và áo dài trắng cho những ngày trong tuần. Đồng phục giúp khép trẻ nhỏ vào kỷ luật một cách tự nhiên. Đồng phục cũng giúp học sinh không bị vướng bận bởi thời trang hay đời sống vật chất.

Tôi vẫn ngồi ở băng ghế thứ ba sát cạnh cửa sổ như mọi lần khi tôi có dịp đi xe lửa. Tôi ngắm những khuôn mặt thơ ngây, trong sáng; theo dõi những câu chuyện vui của đám trẻ, đôi lúc cười chung với chúng. Lần nào tôi cũng băn khoăn tự hỏi có gì khác biệt giữa học trò Việt Nam ở đây với học trò ngoại quốc, ngoài màu tóc, màu da, hình dáng, và khi các cháu nói tiếng ngoại quốc trơn tru nhuần nhuyễn như người bản xứ? Tiếng cười giòn tan, ánh mắt thơ ngây, của cả Đông lẫn Tây  đều hứa hẹn có cùng một cuộc đời hạnh phúc, thảnh thơi không? Bỗng một cô bé Á châu có khuôn mặt bầu bĩnh, nhìn tôi với ánh mắt thân thiện, rụt rè hỏi nhỏ bằng tiếng Việt rất sõi:

– Bác có phải là mẹ của Quyên không?

– Cháu là ai?

– Chị cháu là bạn của Quyên. Cháu có đến nhà Bác mấy lần.

– Vậy ư? Cháu tên gì?

– Dạ, Phượng

– Cháu học lớp mấy?

– Dạ, grade 9.

Khuôn mặt xinh xắn, môi đỏ như thoa son, đôi mắt mí lót to tròn, vẫn không làm cho tôi nhớ được một nét quen thuộc nào về bạn của con tôi. Lâu quá rồi, tất cả những non nớt, thơ ngây đã qua. Lớp trẻ ngày ấy bây giờ đang ngạt ngào với hạnh phúc của tuổi thanh xuân, đang tất bật với nghề nghiệp, lý tưởng và cuộc sống… chẳng bao lâu, lớp trẻ ấy sẽ đuổi kịp tuổi của tôi.

Từ lúc các con khôn lớn, tôi hay lo như thế, vì hình như tôi không tiếp tục trưởng thành, hay trưởng thành rất chậm từ tháng Tư năm 1975. Thật khó hiểu và đó cũng có thể là điều kỳ diệu. Trong mấy chục năm qua, nếp suy nghĩ, cách hành xử của tôi hầu như đến từ tâm tư tình cảm của khoảng đời ba mươi mấy năm về trước. Tôi không sống đúng với tuổi hiện tại của tôi, tôi có những bồng bột, cũng như rụt rè của một thiếu phụ trẻ, thay vì những kinh nghiệm vững chãi, khôn ngoan, của một người đàn bà đứng tuổi. Đôi lúc tôi yếu đuối trước những dạn dĩ, tự tin của các con tôi. Tôi có cảm tưởng thế hệ của tôi và các con tôi quá gần, khoảng thời gian ba mươi mấy năm hình như không có.

Tôi nói với Phượng, Quyên đã có gia đình, có một con gái nhỏ sáu tuổi, đang đi làm và hiện đang ở trong thành phố này. Phượng nói chị nó thì đang ở một nơi rất xa xôi.

– Ở đâu?

– Dạ Việt Nam.

– Ồ, chị cháu đang ở  trên đất nước mình, đó là nơi chúng ta phải về, phải tìm cách trở về. Chúng ta hiện đang ở một nơi rất xa xôi…

Phượng nhìn tôi tỏ vẻ không hiểu, tôi nói lảng:

– Cũng đâu có xa gì mấy, cháu!

Nhìn khuôn mặt trắng hồng, lấm tấm mồ hôi, đôi mắt màu hạt dẻ dịu dàng thuần thục, tôi chợt nhớ bài hát “Bên Kia Sông Đuống” được nhạc sĩ Phan văn Hưng phổ từ thơ của Hoàng Cầm: “Ai đi về bên kia sông Đuống, có nhớ từng khuôn mặt búp sen, của những cô nàng hàng xén răng đen, cười như mùa thu toả nắng…”

Những khuôn mặt búp sen, cười như mùa thu toả nắng của Hoàng Cầm, đang lay động trước mắt tôi. Tôi trôi bồng bềnh với ý niệm cuộc đời có hậu, có phúc, có phần. Phúc, phần, thường đến với những khuôn mặt búp Sen.

Tôi nhớ cuốn phim “Ba mùa” của đạo diễn trẻ Việt Nam Tony Bùi, mười mấy năm trước. Những đoá Sen như một phép lạ làm nhẹ cõi lòng của nhân vật trong phim, và đoạn cuối của phim là dòng sông đầy Sen trắng như sẵn sàng gột rửa oan trái, lỗi lầm.

Tôi cũng nhớ khoảng 10 năm trước, tôi nhận được một đoạn phim từ trong nước gửi ra, ghi lại buổi lễ Trai Đàn tại chùa Long An, Quảng Trị, nguyện cầu Âm Siêu Dương Thái, rước oan hồn những nạn nhân chết trên Đại lộ Kinh Hoàng, bên dòng Thạch Hãn về chùa nương bóng Thế Tôn. Nhìn những bài vị chen chúc nhau trên điện thờ, tim tôi như muốn ngừng đập, muốn bùng vỡ. Chỉ nghĩ đến những khổ nhục của đồng loại Do Thái, mình đã lo âu đến nghẹt thở, huống gì đối diện với định mệnh khắc nghiệt đổ xuống người dân của mình, ngay trên đất nước mình, ở phần đất không xa nơi tuổi thơ của mình luôn bát ngát tiếng cười. Bảo sao không xót?

Thân nhân của những bài vị ấy đứng chung quanh lâm râm khấn nguyện, hầu như toàn phụ nữ, trẻ có, già có, tóc đen có, tóc bạc có. Những khuôn mặt búp Sen, bình yên, không vướng bận, hướng về Phật Tổ. Buổi cầu nguyện chấm dứt bằng lễ “Phóng Sinh Đăng”, ánh sáng lung linh của hàng trăm ngọn nến được thả trên sông như rũ bỏ, như giải oan.

Xe ngừng ở ga Sherwood, tôi bước ra khỏi toa xe đầy mùi mồ hôi của đám trẻ, làn gió mát bên ngoài khiến tôi tỉnh táo hẳn. Những kỷ niệm tôi miên man nhớ trên xe, thốt nhiên tan biến. Tôi cũng không cố nhớ vì biết chúng sẽ ùa đến trong một chuyến đi khác.

PDH