Menu Close

Những câu chuyện nhỏ khi qua cao nguyên

Tôi đi cao nguyên, đi bụi, với chiếc máy ảnh nhỏ trong túi. Đây là một số ảnh chụp được trong chuyến đi, chúng như những câu chuyện nhỏ được ghi lại dọc đường.

pic

 

Hai đứa nhỏ ngồi ở một vệ đường dưới cái nắng nung người. Chắc chúng vừa bỏ rừng về phố. Tôi tự hỏi mối quan hệ giữa chúng là gì? Có phải là hai chị em? Chúng có cha mẹ không, họ ở đâu? Con bé cho em bú thứ gì vậy? Liệu chúng có sống nổi cho tới tuổi trưởng thành? Tương lai nào dành cho chúng? Có bao nhiêu đứa như thế này ở đất nước này. Có thể làm được gì hơn ngoài việc dừng xe, bỏ vào cái ca nhựa tờ bạc, rồi đi. Buồn gì đâu!

 

pic

 

Tôi gặp người đàn bà bán hàng rong này trước cổng khu du lịch dưới chân núi. Nhà của bà cách đó chừng một giờ đi bộ. Những chiếc ví, xách tay có giá khoảng 2 dollars. Tôi hỏi mỗi ngày bà bán được mấy món? Bà cười bảo chưa bán được cái nào, cô xinh đẹp ơi, mua giùm cái xách đi. Tôi không biết mua nó về làm gì vì không có nhu cầu. Biếu bà tờ 10 ngàn, nhưng bà từ chối, bà bán hàng, không đi xin ăn. Làm sao bây giờ, lỡ nhận lời khen là cô xinh đẹp rồi. Thôi, mua cái ví vậy.

 

 

pic

 

Bà này ôm gì trong cái mền vậy? Ở đây, nét mặt nào cũng đầy lo lắng, khắc khổ. Sao vậy ta?

 

pic

 

Sao bức tượng ở nhà mồ này lại lấy tay che mắt lại? Có phải người này đang than khóc? Điều này có mang hàm ý gì? Thật là bí mật!

 

 

pic

 

Người phụ nữ K’ho vui mừng với mớ đồ cứu trợ. Áo quần cũ, giày dép, mì gói, gạo… những món quà bất ngờ do tín đồ của nhà chùa làm từ thiện, chở từ đồng bằng lên.

 

 

pic

 

Thánh đường dưới chân núi. Tôi dự thánh lễ 5:30 sáng Chủ Nhật, ngoài sân nhà thờ, gió núi lùa từng cơn rét buốt. Có một điều kỳ lạ và thú vị là trên nóc nhà thờ có một cặp sừng trâu, biểu tượng văn hóa tâm linh của người dân tộc. Có lẽ đây là ngôi thánh đường duy nhất trên thế giới có biểu tượng này.

 

 

pic

 

Lời đáp ca trên bảng được viết bằng tiếng dân tộc.

 

pic

 

Thánh lễ dành cho trẻ em. Bên trong nhà thờ giản dị nhưng rất đẹp, bên trái gần bàn thờ có một cành cây làm biểu tượng hay trang trí như một cây nêu có khắc hoa văn. Vị linh mục làm lễ và giảng bằng tiếng dân tộc, và cả tiếng Anh, vì có những du khách ngoại quốc dự lễ. Ông ở xứ đạo này đã lâu, tôi chợt nghĩ đến những linh mục truyền giáo trong các thế kỷ trước tỏa đi khắp nơi rao giảng lời Chúa. Chúa ở khắp mọi nơi, nhưng hẳn là Người sẽ đến với những tâm hồn mộc mạc, chân thành mà thánh thiện ở đây trước, tôi tin như vậy.

 

 

pic

 

Chợ Đà Lạt. Người ngủ trưa có nằm mơ không nhỉ? Những giấc mơ dưới chân tượng có màu gì?

 

Nguyễn Thị Mân Khôi