Chùa Vĩnh Nghiêm ngày lễ Vu Lan
Chập cheng đám cúng cô hồn
Gần như, ra khỏi nhà là thấy đám con nít xôn xao chờ đi giựt mâm đồ cúng cô hồn khắp hang cùng ngõ cụt. Một mâm cúng thường đủ mặt cóc ổi, đậu phụng luộc, khoai lang luộc, mía chặt khúc, kẹo, bánh men, bánh in, bánh da lợn, bánh snack… Thứ tới “vàng mã trọn bộ” gồm giấy tiền vàng bạc, quần áo giấy (phần này phong phú nhất, kinh khủng nhất), thêm cặp đèn, thẻ nhang, cái hộp quẹt ga. Kịch bản cúng cô hồn thường bắt đầu hấp dẫn với cảnh gia chủ bê mâm trái cây bánh kẹo để ngoài sân, thêm nồi cháo múc ra các chén nhỏ. Đốt nhang, khấn xin phép trời Phật, thánh thần, thổ địa cho thập loại cô hồn được về phối hưởng, rồi gõ chập cheng mấy tiếng vào nắp hộp, nắp vung như tín hiệu bắt đầu “a lê cướp!”. Cô hồn chết chưa thấy đâu, lũ cô hồn sống lấp ló ngoài rào, vừa nghe gõ đã lập tức xông vào bê luôn mâm cúng chạy. Gia chủ chưa kịp nhìn mặt mũi đám cướp xem con nhà nào, đành chỉ la với theo “nhớ trả tao cái mâm, chúng mày ơi”. Bọn “cô hồn các đảng” này, độc giả đừng tưởng toàn con nhà nghèo, cướp đồ cúng vì đói khát. Rất nhiều đứa thú nhận nhà dư ăn dư mặc nhưng thích đi cướp chỉ vì ham “cảm giác mạnh”.
Xe bán đồ cúng cô hồn lưu động trên đường Hai Bà Trưng
Xe bán đồ cúng cô hồn lưu động trên đường Hai Bà Trưng
Hoa hồng Vu Lan
Nếu lễ cúng cô hồn kéo dài từ sau Rằm tháng Bảy tới cuối tháng Bảy âm lịch thì đại lễ Vu Lan báo hiếu lại chỉ diễn ra trong một ngày Rằm tháng Bảy. Năm nay, đại lễ rơi đúng vào ngày nghỉ cuối tuần, vì thế số người đi chùa đông hơn bao giờ hết. Trước ba ngôi chùa lớn Vĩnh Nghiêm, Phổ Quang, Vạn Hạnh, dù cảnh sát và lực lượng Phật tử đã phối hợp hoạt động, nạn kẹt xe vẫn không tránh khỏi. Ngoài cổng chùa san sát hàng hoa tươi, băng đĩa kinh sách, nhang đèn, chim phóng sinh. Trong sân chùa mù mịt khói nhang, rác thải và… ăn mày. Chỗ này lễ mễ dâng cúng phẩm vật. Chỗ kia quỳ khấn, khóc sụt sùi. Chỗ khác coi bói, ăn uống, mua bán. Mỗi người mỗi việc, không ai giống ai. Vậy nhưng trước những bông hồng do các em nhỏ trong Gia đình Phật Tử giúp cài lên áo mình, mọi người lại có chung sự vui mừng hãnh diện với hoa hồng đỏ, buồn tủi với hoa hồng trắng. Hình như phong trào cài hoa hồng này chỉ bắt đầu thịnh hành và được duy trì cho tới nay kể từ sau khi tiểu phẩm Bông Hồng Cài Áo của thiền sư Thích Nhất Hạnh (và cả bài hát cùng tên của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ) ra đời vào thập niên sáu mươi của thế kỷ trước. Trong tiểu phẩm này, thầy Nhất Hạnh kể chuyện khi ở Tokyo, đã “bị” cô sinh viên Nhật cài cho một hoa cẩm chướng trắng lên áo tràng. Vì lịch sự, thầy để nguyên bông hoa trên áo, còn tưởng đó là một tục lệ chi đó của họ. Sau mới biết, hôm ấy Nhật Bản đang tổ chức ngày Mother’s Day (theo Tây Phương, Mother’s Day nhằm vào ngày Chủ Nhật thứ hai của tháng Năm). Trong ngày này, nếu ai còn mẹ, sẽ được cài một hoa cẩm chướng đỏ, và một hoa cẩm chướng trắng, nếu mất mẹ. Từ bông hoa trắng, thầy Nhất Hạnh nghĩ: “Tục cài hoa đó đẹp và tôi nghĩ rằng mình có thể bắt chước, áp dụng trong ngày lễ Vu Lan”.
Tái tê mầu hoa trắng
Hạnh phúc với hoa hồng
Từ trên cao nhìn xuống, sân chùa Vĩnh Nghiêm ấm sáng mầu hoa hồng trên ngực áo các Phật Tử. Đa phần trong số đó là người trẻ. Thỉnh thoảng mới có vài bông trắng trên ngực áo người già. Bên gác chuông, dòng người im lặng đứng nối nhau, kiên nhẫn chờ đến phiên được gióng tiếng chuông cầu siêu, cầu an (sau khi đã dán lên chuông miếng giấy ghi tên tuổi cha mẹ, thân nhân còn sống hay đã qua đời). Tiếng chuông chùa, cứ thế, suốt ngày ngân nga trầm bổng.
Những tấm giấy nhỏ, ghi tên tuổi người được cầu siêu, cầu an
Người dự lễ Vu Lan không hẳn phải là Phật Tử. Có người cho biết mình “vô đạo” với nghĩa không theo hẳn tôn giáo nào. Người khác lại tự nhận “đa đạo” với nghĩa đạo nào hay cũng theo chút ít. Lễ Vu Lan năm nay, người “vô đạo”, người “đa đạo” tham gia đông đảo vì, ngoài lý do tôn giáo, Vu Lan cho họ mượn dịp để thoát khỏi vòng quay khắc nghiệt của cuộc sống, nhìn lại mình và quan hệ của mình với người thân, kịp thời điều chỉnh nó trước khi quá trễ. Chị Duyên thị Lựu, 60 tuổi, vân vê bông hồng trắng trên ve áo, nghẹn ngào kể với người viết bài, mẹ chị nhà quê, đẻ mười hai lần, không nhớ hết tuổi từng đứa con nhưng nuôi dạy đứa nào cũng nên người. Tất cả con của mẹ, lớn lên, đi làm, lấy vợ chồng xa, mải miết lo chuyện cơm áo gia đình. Mình mẹ vò võ ở quê. Vài năm trước, dịp Vu Lan, chị Lựu đưa hết con cháu về thăm bà. Nhớ mẹ ưa thịt vịt, chị mua cặp vịt xiêm mập về làm thịt. Ngồi trước mâm cháo vịt gỏi vịt đầy tú ụ, nhìn con cháu ăn uống xì xụp bà cụ cười móm mém. Chị Lựu khóc nghe mẹ nói, răng còn mô mà nhai thịt vịt. Ngó thôi. Rứa cũng no, cũng vui. Mẹ mất năm rồi, chị làm cơm cúng có thịt vịt. Nhớ câu “Ngó thôi. Rứa cũng no, cũng vui” của mẹ, chị khóc ân hận vì khi còn mẹ và mẹ còn khỏe, mình ỷ y, nào có về thường, càng không để ý biếu miếng ăn miếng uống mẹ ưa. Mẹ mất mới cúng, mẹ ăn chi được… Nói ra, hổ thẹn vô cùng!Tâm trạng của chị Lựu, chắc không phải là cá biệt.
Từ nhiều năm nay, vị sư trụ trì chùa Phước Lâm – Tân Uyên, Bình Dương nảy ra sáng kiến được nhiều người hoan hỷ tán thành. Đó là, vào lễ Vu Lan, sau khi đã khai kinh, dâng y cho chư tăng, cúng thí thực, chẩn tế… chùa sẽ tổ chức lễ mừng thọ cho những ai từ sáu mươi tuổi trở lên. Con cháu trước đó, tới chùa ghi tên cha mẹ mình. Trong buổi lễ, khi tên cha mẹ được xướng, ban tổ chức sẽ mời cha mẹ tới ngồi ghế giữa cho con cháu mang hoa tươi, bánh ngọt, rượu thọ quỳ xuống chúc mừng. Giữa tiếng vỗ tay của mọi người, không hiếm nước mắt của những cặp mẹ con, cha con đổ ra mừng mừng tủi tủi.
Hoa hồng trắng, hoa hồng đỏ, không cài trên áo ai, không gợi niềm vui nỗi buồn lộ liễu cho ai, chỉ bằng hình thức lễ chúc thọ, có thể nói chùa Phước Lâm đã làm tốt công việc đánh động tâm thức mọi người, nhắc nhở họ những việc nên làm, cần làm với tư cách làm con đối với bậc sinh thành.
Những tấm giấy nhỏ, ghi tên tuổi người được cầu siêu, cầu an
Nỗi lo tựu trường
Tháng Tám dương lịch, cũng nằm trong tháng Bảy âm, không chỉ là tháng hương khói tâm linh, hoa hồng và tiếng chuông cầu siêu, tiếng gõ chập cheng mà còn là tháng bộn bề lo toan đối với ngành giáo dục và những nơi liên quan. Theo Sở Giáo dục, mùa tựu trường năm học 2011- 2012 này, thành phố sẽ có thêm 1,100 phòng học mới, Lượng học sinh các cấp ước độ 1,200,000 em, tuy được cho là không tăng bao nhiêu so với năm học trước nhưng tỏ ra thừa sức làm đau đầu cả Sài Gòn.
Nguyên nhân đau đầu của các trường, đầu tiên vẫn là hai chữ “tiền đâu”. Muốn có tiền, trăm phần trăm trường công lập phải nghĩ cách xé rào, có điều bắt hội cha mẹ học sinh “xé” giúp. Theo đó, tiền nước uống, làm hàng rào, mua trang bị phòng lab, sắm thêm máy lạnh…nhất nhất đều “do hội phụ huynh các lớp tự nguyện đóng góp chứ trường không yêu cầu, không bắt ép”. Ngậm đắng nuốt cay hai chữ “tự nguyện” nọ nhiều ông bố bà mẹ cho biết chỉ riêng tháng đầu tiên, họ đã đóng gần triệu đồng cho đứa con mới vào cấp một, chưa kể tiền mua sắm đồ dùng, quần áo. Chị Thủy kể con chị dù thi đậu vào lớp 10 trường công Phan Đăng Lưu, gia đình vẫn bắt chuyển sang trường tư H.H, dù để vào trường này, tháng đầu phải đóng 3,500,000 đồng, mỗi tháng sau đóng 2,500,000 đồng. Lý do “chê” trường công không phải vì trường công dạy dở mà vì trường công chỉ học ngày nửa buổi, trong khi trường tư học nguyên ngày. Nhà bận làm ăn, con cái choai choai, nghỉ nửa buổi chỉ chơi game, tụ tập đú đởn, lêu lổng không kiểm soát được, chi bằng “giam” nó vào trường tư, đắt nhưng đỡ lo hơn. Tâm trạng, cảnh ngộ như chị Thủy, hiện nay, ở Sài Gòn, rất nhiều. Vì thế không lạ khi phong trào mở trường tư đang được coi là ngành kinh doanh béo bở nhất. Ngoài Trương Vĩnh Ký, Ngô Thời Nhiệm, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Khuyến cố cựu, các “thương hiệu” khác như Hồng Hà, Hưng Đạo, Bác Ái, Nguyễn Thái Bình… đang ra sức quảng cáo rầm rộ trên mọi phương tiện truyền thông, không loại trừ cột điện, cành cây, bến xe bus.
Tại chợ Tân Bình, hàng trăm sạp bán quần áo tựu trường đang gạt không hết khách. Khách mua, hầu hết là phụ nữ, dắt con theo. Cầm lên, ướm thử, nói giá… tất cả trong vòng năm mười phút. Có lâu chăng, là lâu lúc trả tiền. Nhìn các bà các chị bịn rịn vuốt đếm từng tờ bạc xấu bẩn cuộn tròn trong khăn tay hay cẩn thận rút chiếc bóp nhỏ giấu trong mình, kẻ viết bài biết họ đều là người lao động, khó nhọc kiếm tiền. Một đôi vợ chồng trẻ mới chen ra khỏi khu bán quần áo, mặt còn nhễ nhại mồ hôi. Vợ dắt đứa con lớn. Chồng bế đứa nhỏ hơn. Cả hai đứa ôm khư khư gói quần áo mới. Cô vợ cho biết, chủ nhật nghỉ, từ Long An lên Sài Gòn sắm đồ cho con đi học. Xong quần áo, mới là một hiệp. Hiệp kế tiếp, còn vô siêu thị Big C sắm ba lô, tập vở, sách giáo khoa. Ở đó đang rao hạ giá. Anh chồng lẳng lặng ra bãi lấy xe gắn máy, chất vợ con lên. Bằng dáng vẻ của Hiệp Sĩ Mặt Buồn- Đông Ky Sốt, anh thở ra não nuột “Đứt mẹ nó nửa tháng lương. Sống sao hả trời!”
Ốm quá, thì “bóp” vô thêm, dễ mà!
Tháng này vừa Lễ Vu Lan, vừa mùa tựu trường.
Báo hiếu cho bậc sinh thành, cúng cô hồn Trời Đất, lo cho con cái vào trường ăn học, đời sống quả nặng gánh lo toan …
Ôi! “Ta cứ tưởng trần gian là cõi thật/ Thế cho nên tất bật đến bây giờ” (Bùi Giáng)